‘Tôi cảm giác như đang xin xỏ để được đi máy bay bằng tiền của mình‘: Có ai ở Tân Sơn Nhất cũng bị cảm giác này như tôi không ?

Bài viết này không phải vạch lá tìm sâu mà chỉ là có sao nói vậy với mong muốn dịch vụ bay ở Tân Sơn Nhất được cải thiện. Thú thật, mỗi lần có việc phải bay, từ lúc đi đến lúc về, tôi có cảm giác như xin xỏ để được bay bằng tiền của chính mình.

“Tôi xin kể trải nghiệm của mình qua nhiều lần bay, cả của hãng hàng không quốc gia và bay giá rẻ. Bài viết này không phải vạch lá tìm sâu mà chỉ là có sao nói vậy với mong muốn dịch vụ bay ở Tân Sơn Nhất được cải thiện.

Ảnh: C.TRUNG

Check-in trực tuyến, ra sớm vẫn “sấp mặt”

Chỗ tôi ở là quận Phú Nhuận (TP.HCM), cách sân bay Tân Sơn Nhất chưa tới 4km. Mỗi lần chuẩn bị bay đi đâu, nếu chuyến bay đó có mở check-in online, tôi đều làm thủ tục từ trước. Tuy vậy, nếu bay chuyến 9h, tôi phải ra sân bay từ 7h hoặc 7h30 sáng.

Tôi sợ kẹt xe, thứ nữa là sợ hành khách đông xếp hàng chờ đợi trễ chuyến, tiếp theo là sợ đổi cửa ra máy bay mà mình lơ là không biết.

Thường thì sau khi đặt vé trực tuyến, hãng bay sẽ gửi email thông tin vé điện tử và mã QR code. Mã QR giúp hành khách không phải in vé ở quầy thủ tục mà cứ thế tiến lên quầy soi chiếu khi tới giờ.

Lần đó từ TP.HCM đi Côn Đảo, không hiểu sao email vé của tôi không có mã QR và tôi cũng không rành nên cứ thế đến quầy soi chiếu.

Sau khi xem vé điện tử trên điện thoại và hỏi không còn thông tin gì khác à (ý nói mã QR), người nhân viên lạnh lùng nói trở xuống dưới lấy vé.

Vài lần trước đó, do mới làm quen với việc làm thủ tục trực tuyến, tôi cũng không rõ sau khi làm thủ tục online xong mình sẽ phải trình thủ tục bay như thế nào. Vì vậy rất luống cuống mất thời gian ở sân bay.

Hơn nữa, dù có làm thủ tục trực tuyến trước hoặc chưa, thì cảnh chờ đợi vạ vật tới giờ bay đã trở thành nỗi ám ảnh. Và tính ra, dù có làm thủ tục trước, với những lấn cấn kể trên, tôi cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu thời gian.

Không “chánh niệm” nổi sau 2 tiếng đợi taxi

“Ráng chờ đi, sắp tới lượt mình rồi”, cô bạn tôi xoa dịu sau khi chúng tôi đã đợi hơn một tiếng ở khu vực đón taxi về. Lúc đó là 6h tối, tôi cứ ngóng ra hướng taxi đến, rồi lại ngó xuống hàng người đang xếp hàng đợi tới lượt.

Anh nhân viên liên tục điều khiển cho taxi dừng, cho hành khách không đứng sai vị trí đón xe. Hành khách mỗi người mỗi biểu cảm. Có cụ già do không biết nên lách lên trên đầu kia đón xe, cuối cùng sai quy định nên đành tiu nghỉu trở xuống xếp cuối hàng. Cũng không ai nhường cụ vì ai cũng đang sốt ruột muốn về thật nhanh.

Chuyến bay tính ra chưa đến 1 tiếng đồng hồ nhưng cảnh chờ đợi để có xe về nhà hơn 2 tiếng. Thật sự tôi không thể nào “chánh niệm” an vui sau những lần đứng đợi mòn mỏi, rồi “mừng húm” khi tới lượt mình có xe. Lên xe dù tài xế có mặt nặng mày nhẹ vì quãng đường gần quá cũng đành cười… giả lả và “boa” thêm cho vui vẻ đôi bên.

Bây giờ, với những chuyến đi ngắn ngày, tôi rút kinh nghiệm đem đồ đạc thật gọn nhẹ, mang giày thể thao để sẵn sàng lội bộ ra đón xe ôm truyền thống hoặc xe ôm công nghệ. Nhưng dù đi bằng xe 2 bánh hay 4 bánh, cảnh chờ đợi bát nháo vẫn ngán ngẩm làm sao!

Ước đi sân bay như đi chơi

Tôi nghĩ để thay đổi cảnh tượng bát nháo, dịch vụ kém… của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, các bên liên quan phải chú ý nhiều vấn đề.

Đầu tiên là hạ tầng giao thông để người ta ra sân bay một cách nhẹ nhàng, không phải nơm nớp sợ kẹt xe để rồi phải đến sớm ngồi chờ như… con khỉ khô. Tiếp theo là hạ tầng sân bay, chất lượng phục vụ và thái độ của nhân viên sân bay cũng cần cải thiện. Nhiều lúc tôi cảm giác như mình đang xin xỏ để được đi máy bay bằng tiền của mình.

Ngay cả những quầy hàng dịch vụ ăn uống, lưu niệm… nơi sân bay cũng vậy. Thật khó mà đi dạo ngắm nghía mua sắm trong lúc chờ tới giờ bay.

Các món như phở, bún… không có gì đặc sắc và hàng hóa bày bán cũng chẳng có nét thu hút để chọn mua, chưa kể giá cả nhiều món rờ vô bỏng tay. Hơn nữa, hành khách nhiều khi làm thủ tục xong đã bở hơi tai, lấy đâu thời gian lượn lờ.

Ý thức của hành khách nữa chứ. Ở sân bay một số người nằm ngủ chiếm luôn mấy chiếc ghế. Trên máy bay một số người ẵm theo con nhưng để cháu bé la khóc liên tục. Lúc máy bay đỗ, người ta chen nhau lấy hành lý xách tay.

Ai không chen thì chịu khó ngồi chờ xung quanh xuống máy bay bớt rồi mới đứng dậy. Dĩ nhiên không phải ai cũng thiếu tế nhị, nhưng những điều này cũng góp chung vào sự mệt mỏi mỗi khi ra sân bay.

Cũng phải nhìn nhận cơ sở vật chất và dịch vụ sân bay cũng có nhiều nét đổi mới, tiến bộ hơn so với những năm trước. Nhưng thực tế, hành khách vẫn “khi đi đã khó, khi về còn khó hơn”, đặc biệt ở khâu chờ đợi đón taxi, xe ôm.

Thôi đành ngậm ngùi vì không đi máy bay thì đi bằng cái gì bây giờ!”.

(tuoitre)