Tôi không coi du học sinh là người tài
Tài năng là một con đường dài được đánh giá thông qua những giá trị họ tạo ra sau này, chứ không phải là 4, 5 năm học tập và sinh sống ở nước ngoài.
Hôm trước, tôi hỏi một cậu bạn: “Nếu trả lương cao để mày về quê làm thì mày có về không?”. Nó trả lời dứt khoát trong vòng chưa đầy một giây: “Không, kể cả làm ở Hà Nội chỉ đủ sống, tao cũng phải bám trụ chứ không về quê”.
Tôi thắc mắc hỏi nó tại sao, vì làm ở Hà Nội hay ở quê cuối cùng cũng chỉ để kiếm tiền, trong khi lương ở quê cao hơn, lại được gần gia đình. Nó trả lời: “Làm ở Hà Nội mới có cơ hội phát triển. Về quê để ngu người à?”.
Chủ đề du học sinh “nên về nước lập nghiệp hay không” nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều người chỉ trích họ không trở về trong khi đất nước đang cần người tài, rồi quy chụp họ không có “lòng yêu nước”.
Tôi cực ghét những người mang luận điệu “lòng yêu nước” ra để kết án người khác một cách đầy phiến diện. Nó giống như kiểu lấy cái chết ra để đe dọa đồng ý yêu vậy. Có được thể xác nhưng mãi mãi sẽ chẳng thể có được tâm trí họ ở bên.
Tôi không coi những người đi du học là tài năng, họ chỉ giống như tôi mà thôi. Cơ hội để học hỏi từ bên ngoài, có thể tích cực mà cũng có thể tiêu cực, quan trọng là họ biết chắt lọc để tiếp thu thế nào nhằm phát triển bản thân mà thôi. Còn tài năng là một con đường dài, được đánh giá qua những giá trị họ tạo ra sau này chứ không phải chỉ đánh giá qua 4, 5 năm học tập và sinh sống ở nước ngoài.
Việc đóng góp, phát triển đất nước bắt nguồn từ chính những việc đổi thay của mỗi cá nhân, chứ không thể chỉ phụ thuộc từ những người tài năng và giỏi. Bản thân mỗi người tốt lên vậy là đủ rồi. Mỗi cá nhân trong xã hội tốt lên, ắt cả xã hội sẽ đi lên.
Những du học sinh đều có quyền được mưu cầu phát triển bản thân, mong mỏi những điều tốt đẹp đến với mình. Con người là vậy, luôn mong muốn tiến tới những môi trường tốt nhất để mỗi ngày hoàn thiện mình. Vậy cớ sao việc họ ở lại một nơi có môi trường tốt hơn lại là việc đáng lên án?
Dĩ nhiên, họ đi bằng chính tiềm lực tài chính gia đình thì họ sẽ chẳng bị ràng buộc bởi trách nhiệm phải trở về sau khi tốt nghiệp. Và tôi tin rằng ai cũng đều mong muốn được đóng góp, dựng xây đất nước.
Tôi từng đọc được một bài báo đề cập đến nguồn lực tài chính từ hơn 4,5 triệu USD mà Việt kiều gửi về đất nước còn lớn hơn cả nguồn vốn ODA. Những năm gần đây, số tiền đổ về gần 15 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP. Đó là họ mới chỉ gửi một khoản tiền nhỏ mà thôi, nếu về Việt Nam, có lẽ con số gần 15 tỷ USD mỗi năm sẽ chẳng bao giờ có được để đóng góp.
Thế nên, các du học sinh có ý định ở lại nước ngoài hãy cứ ở lại làm, kiếm thật nhiều tiền vào. Biết đâu ngày nào đó Việt kiều còn đóng góp GDP hơn cả của đất nước. Ấy chẳng phải đáng mừng sao?
Về làm gì khi miếng cơm còn tranh nhau thì của đóng góp lấy đâu ra?
Theo Nguyễn Viết Thủy.