Tôi không thể chấp nhận con ‘mù’ tiếng Việt dù sống ở nước ngoài
Thời gian ở trường và ngoài xã hội là thừa để trẻ hòa nhập với môi trường bản xứ, nhưng chúng không thể sống mà không hiểu về gốc gác.
Nói về câu chuyện dạy con “Tây” nói tiếng Việt, có vẻ như ý kiến của tôi sẽ thuộc về thiểu số. Tôi ủng hộ các bậc cha mẹ người Việt ở nước ngoài quan tâm dạy con tiếng Việt từ sớm. Tôi đã dành hơn nửa đời người (toàn bộ đời thành niên) của mình ở nước ngoài. Nơi tôi ở, số người gốc Việt có lẽ không quá 30 người, số người Việt nói tiếng Việt mà tôi tiếp xúc chưa bao giờ quá con số ba.
Tôi chưa bao giờ cho phép mình ngừng nói và viết tiếng Việt. Bản thân sinh ra, lớn lên, đi học các cấp đầu ở Việt Nam, nên tôi rất thích đọc, viết và từng có thời gian học chuyên Văn. Vậy mà sau nhiều năm ở nơi không có người Việt, tôi còn bị mất đi sự kết nối vốn có với tiếng mẹ đẻ. Hơn mười năm sau đó, tôi thậm chí không viết nổi một bài thơ hay bài văn sáng tác (creative writing) nào dù trong thời gian này tôi đã có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt nhiều hơn nơi ở trước. Rõ ràng, ngôn ngữ không phải lý do duy nhất, nhưng nó đã là một yếu tố không nhỏ.
Vì trải nghiệm đó và vì tính cách, nhân sinh quan, và công việc cá nhân, mà tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện để con cái (nếu có) sau này chỉ biết tiếng Anh mà không nói, viết được tiếng Việt, hay không biết đến thơ văn, âm nhạc Việt. Tôi không cảm thấy lo lắng việc một đứa trẻ không nói rành ngôn ngữ bản xứ của nơi mà chúng sinh ra hoặc lớn lên. Thời gian giao tiếp ở trường và ngoài xã hội là thừa để trẻ hòa nhập được với môi trường bản xứ.
Tôi chỉ sợ vấn đề trẻ Việt ở nước ngoài bị mất gốc như nhiều người đã nêu thời gian qua. Một người không thể sống mà không hiểu quá khứ của nơi mình đến. Ngay cả khi cái gốc còn, cũng cần phải tích cực chăm bón thì mới sinh trưởng tốt được.
Là người hướng dẫn, rèn luyện cho sinh viên bản xứ cách đọc hiểu, phân tích lý luận, và viết ở cấp Đại học, tôi cũng thấy được khả năng nói, viết tốt hay không của một người phụ thuộc vào việc trau dồi, cộng thêm năng khiếu ngôn ngữ của người đó, chứ không phải cứ người sinh ra ở Việt Nam thì sẽ giỏi dùng tiếng Việt hơn người biết tiếng Việt nhưng sinh ra ở nước khác. Cá nhân tôi đánh giá rất cao kỹ năng ngôn ngữ và khả năng sử dụng ngôn ngữ thuần thục của một người.
Mỗi ngành sẽ xem trọng những kỹ năng khác nhau. Trong ngành học của tôi (một ngành Khoa học Xã hội), ở nơi tôi học, một trong những điều kiện tốt nghiệp Thạc sĩ là phải vượt được bài kiểm tra một ngoại ngữ thứ hai (ngoài tiếng Anh). Bài kiểm tra không đòi hỏi nói, nghe tốt, mà đòi hỏi khả năng đọc hiểu, nghiên cứu tư liệu bằng ngoại ngữ thứ hai đó. Nếu người đó học lên Tiến sĩ, thì muốn tốt nghiệp phải vượt thêm được bài kiểm tra một ngoại ngữ thứ ba (ngoài tiếng Anh và ngoại ngữ đã đậu ở bậc dưới).
Dù là ngành gì đi nữa, nếu có thêm điều kiện tiếp xúc với một ngoại ngữ khác, thì tôi nghĩ luôn là điều rất tốt, bởi nó mở ra rất nhiều cánh cửa. Những cánh cửa này không chỉ là cơ hội việc làm, mà quan trọng hơn là cơ hội giao tiếp và thấu hiểu một tâm hồn, và có khi là cả một nền văn hóa khác.
Nếu có con, tất nhiên tôi sẽ không áp đặt sở thích của mình lên chúng, mà sẽ dạy con những gì cần thiết, bao gồm tiếng Việt. Đi theo hướng nào, tự chúng sau này sẽ là người lựa chọn. Không ai có quyền “cho phép” hay “không cho phép” tôi dạy con mình tiếng mẹ đẻ của chúng.
An Tư