Tôi – Một người đàn bà 30, liệu đã là muộn để lựa chọn, khởi đầu lại một lần nữa
Tôi 30 tuổi.
Tôi có một công việc ổn định, ổn định đến mức tôi không còn bận tâm về nó. Mỗi sáng thức dậy, tôi ngồi im tự hỏi vì sao không có niềm vui hay trông đợi gì cho ngày hôm nay. Ở văn phòng tôi làm việc vừa đủ rồi tụ tập cùng bạn bè cà phê hoặc đến phòng tập gym. Trở về nhà, tôi lướt qua các trang mạng xã hội, tìm kiếm vài tin tức giật gân, chơi game, xem một bộ truyền hình, và đi ngủ. Tôi cũng hẹn hò với một ai đó, không quá sâu đậm. Thỉnh thoảng, tôi đi du lịch. Nhưng tất cả đều bị cuốn vào vòng quay của đời sống đều đặn. Ngày mai là sự lặp lại vô tận của ngày hôm nay.
Tuy vậy, đâu đó trong tâm thức, tôi vẫn cảm thấy một hy vọng đổi thay. Tôi biết mình có tiềm năng ở một lĩnh vực khác, nhưng chưa bao giờ thật sự thử sức. Đôi lúc, tôi đứng thẫn thờ ở ngã ba đường và nhớ nhung cảm giác được phấn khích, được phiêu lưu. Nhưng một tiếng nói khác thì thầm trong tai tôi rằng, nếu rời bỏ những gì đang có lúc này, có thể tôi sẽ mất tất cả và đi vào ngõ cụt.
Tôi đã 30 tuổi, liệu đã là muộn để lựa chọn, khởi đầu lại một lần nữa?
Nếu bạn có tâm trạng như trên, đừng lo lắng, bạn không phải người duy nhất. Trong cuộc đời, chúng ta đón nhiều lần sinh nhật, nhưng có lẽ, sinh nhật năm 30 tuổi sẽ khiến chúng ta tự vấn nhiều hơn cả.
Không phải ngẫu nhiên mà tuổi 30 thường khiến nhiều người phải nghĩ suy. Theo thước đo chung của xã hội ngày nay, độ tuổi 20 được xem là thời gian để mỗi cá nhân hoàn tất quá trình học hành, lựa chọn nghề nghiệp, xác định những điều muốn làm với cuộc đời của mình, bước vào thực tế và xây dựng hình ảnh bản thân. Bước sang tuổi 30, chúng ta sẽ làm việc theo cách để thăng tiến trên con đường sự nghiệp đã chọn, phấn đấu cho các mục tiêu cụ thể mà bản thân và xã hội đặt ra. Tuy nhiên, chính thời điểm này, trừ những ai hài lòng với cuộc sống đang có, ta phải đối diện hai khả năng. Hoặc ta nhận ra mình không thể hoàn thành các mục tiêu trước đó. Và trường hợp phổ biến hơn, ta đã chạy đúng lộ trình, nhưng ta lo sợ khi dành phần còn lại của cuộc đời chỉ để nghe tiếng reo báo thức mỗi ngày, của chiếc đồng hồ bên trong tâm trí.
Đó cũng là khi ta nhận ra, ta vẫn còn thời gian thay đổi, để cuộc đời mình chuyển sang một hướng hoàn toàn khác.
Các nền văn hóa đều xem tuổi 30 là cột mốc quan trọng. Phương Đông đặt tiêu chuẩn “tam thập nhi lập” cho mỗi cá nhân. Phương Tây gọi tên “the big 3-0” để nhấn mạnh tầm quan trọng thời điểm tuổi trẻ bồng bột kết thúc, bắt đầu khoảng thời gian thật sự trưởng thành. Ta không còn là anh chàng/ cô nàng ngây ngô xốc nổi, mà đã nếm trải và có một vài thành tựu, đã va chạm thực tế để có một vài vết thương. Ta đi qua non nửa cuộc đời, giờ đến lúc định hình lại bản thân, kiểm lại những được mất tuổi trẻ và nhìn về con đường phía trước.
30 tuổi là lúc chúng ta thật sự suy nghĩ chín chắn về mọi thứ: Sự nghiệp, chứ không phải là nghề nghiệp. Hình ảnh và thực lực bản thân. Vòng tròn quan hệ xã hội. Tình thân và tình yêu… Những kinh nghiệm tích lũy giúp ta giờ đây có hình dung rõ nét hơn bao giờ hết về điểm mạnh, điểm yếu chính mình. Ta trả lời được các câu hỏi mình yêu gì ghét gì, khả năng của ta phù hợp với môi trường nào. Mọi thứ không còn mơ hồ như ngày rời trường đại học, chân ướt chân ráo bước vào công sở. Điều tuyệt vời hơn cả là tuổi trẻ chưa kết thúc. Ta vẫn có cơ hội để sửa chữa sai lầm. Một lựa chọn sai, một ngành nghề sai hay một mối quan hệ sai đều có thể để lại sau lưng, và ta bắt đầu một hành trình khác.
“Tôi thức dậy vào buổi sáng, tắm rửa rồi nhìn mình trong gương. Tôi chợt nhớ những năm đôi mươi đã tự hình dung ra chính mình ở tuổi 30: Có một công việc yêu thích, một gia đình hạnh phúc, một vị trí tốt trong xã hội, vẫn duy trì cơ thể đẹp, đã đi du lịch thật nhiều… Tôi thở dài khi không thấy bất kì milimet nào của cái kẻ trong gương giống với hình tượng ấy cả.”
Với những gì có được ở tuổi 30, đồng nghĩa ta cũng phải chịu những áp lực tương đương. Ta biết rõ mình đã phấn đấu thế nào, vượt qua những cuộc cạnh tranh ra sao để có một vị trí, dù khiêm tốn, trong xã hội. Thay đổi nghĩa là rời khỏi những gì đã có. Với rất nhiều bạn trẻ, nhất là những ai đã có gia đình, công việc ổn định và mức lương tốt từng là mục tiêu hàng đầu khi ra trường. Nhưng giờ đây, chính sự ổn định trở thành rào cản cho sự thay đổi. Dù không thật sự hạnh phúc với hiện tại, các áp lực tài chính đè nặng khiến ta đắn đo: Khoản tiền trả góp cho căn hộ và chiếc xe hơi sẽ ra sao nếu ta rời bỏ công việc đang có? Chưa kể ta không chỉ sống cho riêng mình, mà còn ràng buộc với bố mẹ, vợ chồng hay người yêu thì nỗi đắn đo càng phức tạp hơn.
Ngay cả với những ai không phải gánh lấy trách nhiệm thì việc thoát khỏi vòng tròn an toàn cũng không mấy dễ dàng. Chuyển việc ngay trong lĩnh vực quen thuộc đã là mạo hiểm, ai dám chắc môi trường mới sẽ tốt hơn cũ, giờ lại còn dấn thân vào lĩnh vực hoàn toàn mới…
Dù vậy, có một sự thật mà những ai sắp sửa hoặc vừa bước vào tuổi 30 cần nhớ rõ: Đây là cơ hội tốt nhất của ta để thay đổi. Trở nên mới mẻ luôn đi cùng thách thức quyến rũ. Dĩ nhiên, ta có thể chỉnh sửa đời mình vào bất kỳ lúc nào, cả khi 60 hay 70 tuổi. Nhưng chắc chắn, càng về sau ta sẽ càng gặp nhiều khó khăn, mất đi lợi thế của sức trẻ. Khoa học đã chứng minh trong đời người, luôn có một biên độ thời gian thuận lợi nhất cho từng hoạt động cụ thể: Cơ hội để ta trở thành một nghệ sĩ chơi nhạc hoặc vận động viên thể thao sẽ cao hơn, nếu ta luyện tập từ khi còn nhỏ. Hay càng lớn tuổi, khả năng tiếp nhận ngoại ngữ của ta sẽ yếu dần đi.
Thời điểm là yếu tố quan trọng cho mọi quyết định. Tuổi 30 chính là lúc tốt nhất để ta khởi động lại đời mình. Vấn đề là: Ta có dám thay đổi hay không?
Trước khi trả lời câu hỏi trên, hãy giả định ta đồng ý khởi động lại. Ta không sợ thử thách, sẵn lòng bỏ lại tất cả, hướng về ngày mai. Vậy thì ta cần chuẩn bị tâm thế như thế nào?
Những người tuổi 30 hôm nay dĩ nhiên rất khác những người cùng tuổi của 20 năm hay 10 năm trước. Chúng ta nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ thời đại mạng. Thông tin cho phép chúng ta sống trong một thế giới của những cơ hội, với nhiều con đường để lựa chọn. Mỗi cá nhân có sự trưởng thành về nhận thức và hình dung về chung quanh tốt hơn.
Bên cạnh đó, những ràng buộc mang tính truyền thống không còn quá chặt. Ngày trước, 30 tuổi mà chưa thành gia lập thất bị xem là muộn màng, thậm chí bị chê cười. Ngày nay, nhiều người chúng ta ở độ tuổi này vẫn đang theo đuổi ý tưởng riêng, cho phép bản thân thử nghiệm. Khoảng thời gian vùng vẫy của mỗi người đã nới rộng. Các định kiến xã hội được tháo bỏ, các kỳ vọng từ bên ngoài cũng nhẹ gánh hơn. Về sâu xa, người trẻ hôm nay ý thức về thời gian sống rõ ràng hơn các thế hệ trước. Chúng ta chỉ có một cuộc đời. Mỗi ngày ta không thấy hạnh phúc là một ngày lãng phí. Trước tuổi 30, ta phải chịu nhiều trách nhiệm trước gia đình và xã hội, mà cụ thể là trường lớp, nơi ta làm việc. Nhưng từ cột mốc 30 trở đi, ta cảm nhận một thứ trách nhiệm mới quan trọng hơn: Trách nhiệm với hạnh phúc của bản thân. Ta không thể trách cứ ai nếu sau này cảm thấy không hài lòng với cuộc đời mình. Bởi vì, chính ta đã có cơ hội để lựa chọn.
Thay đổi ở tuổi 30 đồng nghĩa với việc đối diện và xử lý áp lực. Tất nhiên thay đổi ở thời điểm nào cũng là áp lực. Nhưng tuổi 20, ta chưa có nhiều thứ để mất, áp lực chỉ đến từ việc phải đạt được. Tuổi 30 đồng nghĩa với việc ta cần có chỗ làm cố định, tiền vào tài khoản mỗi tháng, vị trí nào đó trong công ty. Mạng lưới của ta đã hình thành. Thay đổi nghĩa là phải bỏ đi tất cả và làm lại từ đầu. Ta cũng hiểu, có kinh nghiệm, kĩ năng lẫn kiến thức không có nghĩa được đảm bảo thành công khi bước sang môi trường mới. Tuy nhiên, nếu không dám thử, ta sẽ đi về đâu?
Trở thành kỹ sư điện toán là định hướng của gia đình cho Alex Trần, khi anh còn học trung học tại Hoa Kỳ. Tốt nghiệp đại học, anh đi làm cho các công ty lớn nhỏ. Mỗi lần đổi chỗ làm, lương của anh cao hơn, công ty danh tiếng hơn. Tuy nhiên, suốt 5 năm ròng rã, anh luôn hình dung mình như một cỗ máy được lập trình tốt, hữu ích, nâng cấp liên tục, nhưng bản thân nó không cảm nhận niềm vui. Để thoát khỏi sự trống rỗng, anh thường xuyên du lịch, thậm chí tham dự vài khóa tu tập ở châu Âu và Cananda. Mùa hè năm 2014, anh về thăm họ hàng ở Sài Gòn, đăng ký học thử một khóa dạy nấu món Việt. Và anh đã tìm thấy niềm đam mê thực thụ trong công việc này. Rời bỏ lĩnh vực IT, anh học thêm các khóa nấu ăn, kinh doanh ẩm thực, sau đó cùng vài người bạn mở nhà hàng món Việt và Pháp. Thời điểm Alex quyết định nghỉ việc, bất chấp sự phản đối của gia đình và bạn gái, là năm anh 30 tuổi.
Alex nói về trải nghiệm thay đổi: “Đó không phải là quyết định bốc đồng, dù người ngoài tin là như thế. Hầu hết bạn hay tôi đều có một định hướng rõ ràng trong đầu về cuộc sống hoàn hảo, một hình mẫu mình muốn trở thành. Tin tôi đi, ở tuổi 20, chúng ta thường không phân định đó là giấc mơ của mình hay do người khác áp đặt. Còn khi đã biết chính xác mình muốn gì, thì vấn đề lại là nỗi sợ hãi vì phải bắt đầu từ con số zero, không biết con đường mới dẫn về đâu, lo lắng rủi ro và bất trắc còn lớn hơn cả nỗi lo phạm sai lầm. Ở tuổi 30, mặt trái của việc có nhiều kinh nghiệm là sự ngại ngần và tiếc nuối. Khi đã hiểu biết cuộc sống ít nhiều, ta có xu hướng giữ chặt những gì đang có, ở yên trong những vòng lặp thường nhật an toàn hơn lao ra thế giới ngoài kia. Khuynh hướng xã hội cũng nhấn vào đầu ta ý nghĩ an toàn là điều tốt, ổn định thì mới phát triển. Nhưng, đó không phải là cách cuộc sống này diễn ra.”
Alex đã chỉ ra điểm mấu chốt: Ngay cả trong vòng an toàn, những nguy cơ vẫn hiển hiện. Ta đừng quên rằng, về bản chất, cuộc sống không bao giờ có những chỉ dẫn rõ ràng hay con đường chính xác cho mỗi cá nhân. Phải dám mất thì mới có được. Tất cả chúng ta đều cần dấn thân, thực hiện những phép thử và sai, dù ở độ tuổi nào đi nữa. Cuộc sống trong mơ không hiện ra bằng cách tưởng tượng hay chờ đợi. Ta phải theo đuổi nó, mưu cầu nó, vượt qua những thử thách, trải qua đủ thất bại, mới mong đến đích.
Bạn hay tôi không là người đầu tiên muốn thay đổi ở tuổi 30, và chúng ta cũng không phải những người sau cùng. Nếu muốn tìm cảm hứng, những tấm gương vẫn luôn sẵn có chung quanh. Tuổi 30 của nam diễn viên Sylvester Stallone là thất nghiệp, vô gia cư, phải bán cả chú chó cưng để kiếm tiền trang trải. Tuổi 30 của danh ca Andrea Bocelli là phụ việc ở văn phòng luật sư. Tuổi 30 của nữ văn sĩ J.K. Rowling là thất nghiệp, hưởng trợ cấp xã hội để nuôi con… Điểm chung của họ là gì? Họ đều không hài lòng với cuộc sống hiện tại và quyết định thay đổi. Giờ thì cả thế giới đều biết họ là ai.
Dĩ nhiên, đâu phải ai cũng trở thành Stallone, Bocelli hay Rowling. Thực tế là hàng ngàn người khác đã thất bại khi khởi động lại sự nghiệp, hoặc trở về chốn cũ. Luôn có một tỉ lệ cho cả thành công lẫn thất bại. Thay đổi để theo đuổi giấc mơ, tìm kiếm con người thật sự của mình là điều tốt. Nhưng nếu ta chưa sẵn sàng, cuộc sống của ta quá nhiều ràng buộc và bấp bênh, thì ở lại bờ vẫn là lựa chọn khả dĩ. Còn nếu muốn ra khơi, nhất thiết ta cần trả lời cho được các câu hỏi sau:
Nếu công việc mới cho phép ta sử dụng điểm mạnh của bản thân và giúp ta trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, thì đừng lưỡng lự.
Ta cần lắng nghe trực giác. Nhu cầu thay đổi và phát triển sẽ cất tiếng nói thúc giục từ bên trong. Nó giúp ta củng cố lòng tin vào khả năng chính mình, vượt qua nỗi e ngại.
Rõ ràng, ta cần tìm hiểu trước cuộc thay đổi. Thời đại Internet cho phép ta nắm bắt thông tin và tầm nhìn xa hơn, cũng như cơ hội chiếm lĩnh các lĩnh vực mới mẻ. Mạo hiểm không đồng nghĩa lao vào nơi ta không biết gì để lãnh nhận thương tích và thất bại.
Thay đổi nghề nghiệp hay môi trường làm việc có thể yêu cầu ta phải được đào tạo bổ sung. Đây là khía cạnh thực tế mà ta cần tính đến trước tiên, cụ thể là thời gian học, học phí và cả thái độ học tập.
Và cuối cùng:
Ngay cả khi ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng, vẫn xảy ra nhiều tình huống nằm ngoài kiểm soát. Môi trường mới, nhân sự mới sẽ đưa đến các vấn đề mới. Khả năng thích ứng là điều kiện sống còn. Chưa kể, nếu công việc chưa thuận lợi, ta phải chấp nhận thiếu hụt tiền bạc trong một thời đoạn nhất định, đồng thời phải liên tục củng cố niềm tin với con đường đã chọn.
Như vậy, để tăng phần trăm ở phía thành công, trước khi nhấn nút restart, ta cần tìm hiểu lĩnh vực muốn theo đuổi, xác định trình độ, năng lực bản thân, lường trước những khó khăn, trang bị kiến thức cần thiết. Bản phác thảo càng chi tiết, càng rõ ràng càng tốt. Khởi động không nên đi cùng trạng thái bốc đồng. Bởi tuổi 30 không còn có chỗ cho cảm hứng nhất thời hay quyết định nông nổi. Quá trình lựa chọn và chuẩn bị này có thể kéo dài hơn tuổi 30 đôi chút, nếu cảm thấy chưa đủ thì đừng nên vội vã. Vì 30 chỉ là một con số, một biểu tượng cho thời điểm trưởng thành mới mà chúng ta đang bước vào. Một khi xem đây là thời điểm để xác định và quyết định, phía trước ta vẫn là con đường rất dài.
Minh Hoa, từng làm việc cho một tờ báo, hiện là chủ nhân hai địa chỉ homestay ở Đà Lạt và Hội An. Cô yêu thích công việc tự do, giao tiếp với nhiều người, nên theo học và làm việc trong môi trường báo chí. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, cô nhận ra mình đã chọn đúng, nhưng chưa chính xác. Cô đã dành bốn năm sửa soạn cho bước chuyển đổi. Vừa làm báo, cô vừa thử sức làm dịch vụ Airbnb bằng chính căn hộ của mình, học thêm quản trị kinh doanh, cùng nhóm bạn thuê đất đồi thử nghiệm loại hình homestay ở Đà Lạt. Khi mọi thứ tương đối vững vàng, cô chấm dứt công việc cũ, tập trung cho ngành nghề mới. Minh Hoa chia sẻ: “Tôi may mắn vì đã làm được. Bắt đầu lại ở tuổi 30 giống như một giấc mơ đầy sức mạnh. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người đạt đến đỉnh điểm cuộc đời, đạt được mục tiêu? Họ cảm thấy như thế nào? Tôi cần phải được như thế, trước khi mắc kẹt trong những thói quen sinh hoạt hay các khoản nợ tiêu dùng. Mỗi người đều có các nấc trưởng thành. Tôi tin rằng mình có thể tự tạo ra chúng, chứ không do hoàn cảnh tác động. Sau này, nếu thấy nhàm chán, tôi sẽ tiếp tục thay đổi. Dù thành công hay thất bại, kiểu gì thì cũng không nên ngồi yên. Trải nghiệm ở tuổi 30 đã cho tôi bài học quan trọng nhất.”
Điều tuyệt vời trong thời đại Internet, với thông tin chia sẻ khổng lồ và những trào lưu không ngừng mới mẻ, đó là chúng ta có thể sống nhiều hơn, cả về trữ lượng lẫn chất lượng, trong một khoảng thời gian hữu hạn. Có một câu nói vui của những người bước vào tuổi 30: “Tôi không phải 30 tuổi, tôi mới 18 tuổi với 12 năm kinh nghiệm”. Câu nói này hay ở chỗ, nó chỉ cho ta thấy, miễn mình còn mang trái tim ấm nóng hoài bão, mỗi chúng ta vẫn đủ trẻ trung để lại bắt đầu. Bạn và tôi luôn là một chàng trai/ cô gái 18 tuổi, chỉ có nhiều hơn chứ không ít đi kinh nghiệm tích lũy. Lựa chọn là ở ta, ở khí chất và lòng dấn thân của ta.
Trong bộ phim The Groundhog Day vẫn thường được chiếu lại trên các kênh truyền hình, anh chàng Phil bị mắc kẹt trong vòng lặp thời gian, sống đi sống lại mỗi một ngày. Khi anh than thở trong quán bar, một người bạn buồn bã thốt lên: “Tôi cũng chỉ sống mỗi một ngày trong mười năm qua đây!” Câu thoại này ám ảnh tâm trí người xem, bởi bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể phải thốt lên như vậy. Có những người sẵn sàng sống đi sống lại mãi một ngày cho đến xuôi tay nhắm mắt. Nhưng nhiều người khác thì không.
Bài viết: Nam Lâm
Minh họa: Lê Chân Như
Thiết kế: Muynh
Theo Trí Thức Trẻ