Tôi như ‘thượng đế’ khi đi cấp cứu ở Mỹ
Chưa đầy 10 phút kể từ lúc vào viện cấp cứu, mọi thủ tục đã được hoàn tất, chồng tôi được nằm ổn định và thăm khám kỹ càng.
Tháng 8/2020, vợ chồng tôi trên đường lái xe về California từ Florida thì chồng tôi phải nhập viện cấp cứu ở Louisiana vì nghẽn sạn túi mật. May mắn, khách sạn chúng tôi ở chỉ cách bệnh viện có ba km. Tôi chở chồng vào thẳng phòng cấp cứu (thời gian này Covid đã hơi lắng xuống ở Louisiana). Vừa dừng xe trước phòng cấp cứu, một nhân viên y tế đã lập tức đẩy xe lăn ra đón. Anh ta phụ dìu chồng tôi lên xe rồi đẩy vào bên trong.
Trong khi tôi đi đậu xe, các y bác sĩ đã bắt đầu thăm khám, hỏi chồng tôi về những triệu chứng và tình trạng cơn đau. Khi tôi quay lại, chỉ mất khoảng 10 phút, các nhân viên y tế đã gần hoàn tất phần thủ tục giấy tờ, bảo hiểm và chuyển chồng tôi lên nằm trên giường bệnh. Khoảng năm phút sau, một điều dưỡng đến và làm tất cả những thủ tục cơ bản như đo nhiệt độ, huyết áp… và lấy mẫu xét nghiệm Covid.
Mất thêm năm phút nữa thì bác sĩ đến và chẩn bệnh. Sau này, nhân viên có giải thích với tôi rằng vì Covid nên họ phải hạn chế tiếp xúc nhau, ngoại trừ trong phòng mổ. Người nhà bệnh nhân cũng không được ngồi chờ bên trong bệnh viện, nếu muốn, phải ngồi chờ trong xe, hoặc về khách sạn, phía bệnh viện sẽ liên lạc nếu cần hỏi thêm điều gì.
Sau khi tình hình ổn định, vị bác sĩ ra gặp tôi và cho biết ông ta sẽ cho chồng tôi làm tất cả các xét nghiệm để biết chính xác bệnh tình và sẽ liên lạc qua điện thoại với tôi để đưa ra các quyết định kế tiếp. Sau khi nói chuyện và biết chồng mình là “out-of-state patient” (tạm dịch: bệnh nhân ngoài tiểu bang), bác sĩ hỏi tôi hiện đang ở khách sạn nào vì bệnh viện và những khách sạn gần đó có chương trình đặc biệt dành cho gia đình bệnh nhân cấp cứu ngoài tiểu bang.
Sau đó, bác sĩ bảo tôi trở lại nơi làm thủ tục nhập viện và lưu ý có thể phải ở lâu hơn dự định. Họ đưa tôi một tờ giấy giới thiệu của bệnh viện đến khách sạn tôi đang ở và nhận được mức giảm giá 20% cho tổng hóa đơn lưu trú (giúp tôi tiết kiệm hơn 400 USD cho 14 ngày). Chưa hết, hàng ngày, họ có nhân viên từ khâu chăm sóc khách hàng (customer service) đến khách sạn mang quần áo của tôi đi giặt miễn phí. Họ hỏi tôi có cần mua thức ăn ở nhà hàng xung quanh không để mua và mang tới khách sạn giúp? Họ còn mang cả nước đóng chai cho tôi hàng ngày. Đến ngày thứ sáu, họ còn cung cấp cho tôi dịch vụ rửa xe và dĩ nhiên, tất cả đều miễn phí.
Thú thật, vợ chồng tôi sống ở California tới nay đã hơn 42 năm, vào ra bệnh viện không biết bao nhiêu lần, nhưng chưa bao giờ được chăm sóc đến vậy. Riêng chồng tôi, sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ gọi điện báo cho tôi rằng cần mổ gấp trong đêm. Sáng hôm sau, tôi vào viện được bác sĩ giải thích tất cả những gì phát hiện được và hướng giải quyết. Chồng tôi bị sạn nghẽn túi mật nên cần cắt bỏ. Bác sĩ nói với tôi nếu không cấp cứu và phẫu thuật kịp thời, có lẽ chồng tôi đã không qua khỏi.
Sau ca phẫu thuật, chồng tôi đã được chăm sóc “đến tận răng”. Chồng tôi kể rằng, bốn ngày sau khi mổ, một tối (đã ngoài giờ ăn) ông đói bụng nên cô điều dưỡng đã gọi cho nhân viên nhà bếp đem súp và bánh quy lạt lên tận giường bệnh cho ông dùng thêm. Bất cứ lúc nào chồng cần gì, chỉ cần bấm nút gọi ở cạnh giường nằm là điều dưỡng sẽ đến hỗ trợ ngay tức khắc. Chồng tôi nằm viện năm ngày thì được xuất viện và về khách sạn ở thêm chín ngày để tĩnh dưỡng và chờ tái khám hậu giải phẫu, trước khi tiếp tục hành trình về California.
Tổng chi phí cho lần đi viện hết 122.000 USD. Ba tuần sau, chồng nhận được biên nhận từ bảo hiểm, thông báo đã thanh toán chi phí cho bệnh viện hết gần 15.000 USD. Ngoài Medicare (bảo hiểm sức khỏe dành cho người 65 tuổi trở lên), chúng tôi còn có thêm bảo hiểm phụ, nên hầu như không phải trả thêm đồng nào.
Khi về đến nhà, tôi gửi một lá thư cám ơn đến toàn nhân viên bệnh viện, từ phòng cấp cứu đến khu hồi sức, rồi phòng hồi phục, kể cả khâu chăm sóc khách hàng… Ngoài việc họ đã cứu mạng chồng tôi trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, sự giúp đỡ mà họ dành cho chúng tôi trong lúc tinh thần bối rối, lo âu cũng là những điều hết sức tuyệt vời. Đó là lý do tại sao chúng tôi luôn tôn trọng những người làm trong ngành y tế.
Đọc những câu chuyện không hay xung quanh tình trạng hành hung nhân viên y tế ở Việt Nam, cũng những bức xúc về thái độ y bác sĩ trong nước, bản thân tôi thấy rất buồn cho ngành Y tế nước nhà. Mong rằng những hạt sạn này sớm được loại bỏ, để người Việt được hưởng một dịch vụ y tế công thực sự xứng đáng và bản thân những người làm trong ngành y tế cũng nhận được sự tôn trọng, đúng với hai chữ “bác sĩ” cao quý.