Trong tình yêu, đặt nhiều kỳ vọng về 1 mối quan hệ là “nên” hay “không nên”?

Ai trong chúng ta cũng mang những kỳ vọng trong tình yêu khi tiến vào mối quan hệ, nhưng nhiều lúc, bạn cũng nên tự hỏi rằng liệu những kỳ vọng của bạn có giúp cho tình cảm của hai người được hạnh phúc và bền lâu hay không?

Ai cũng vậy, khi bước vào một mối quan hệ, đặc biệt là khi đem lòng yêu một ai đó đều thường hay suy nghĩ, hình dung những điều lớn lao về tương lai của hai người. Dần dần nó tạo nên những kỳ vọng. Và đôi khi chính những điều đó lại làm cho họ đau khổ.

Theo một nghiên cứu vào năm 2017 trên tạp chí Psychology today về những tác động của kỳ vọng trong tình yêu đến những mối quan hệ, trái tim chúng ta thường có xu hướng đặt ra những kiểu kỳ vọng sau đây:

Đặt nhiều kỳ vọng về 1 mối quan hệ là Nên hay Không nên?

Nên hay không đặt nhiều kỳ vọng trong tình yêu? (Ảnh: boredpanda)

1) Kỳ vọng về sự kết nối: Bạn có kỳ vọng đối phương có thể cảm nhận và thấu hiểu như thế nào về những cảm xúc và tâm tư của cả hai?

2) Kỳ vọng về đam mê: Bạn có những kỳ vọng gì về sự quyến rũ và thu hút của nhau?

3) Kỳ vọng về kết quả của tình yêu: Bạn tin rằng những gì cả hai có được là nhờ duyên phận hay đó là kết quả của một quá trình vun đắp?

4) Kỳ vọng tốc độ tiến triển của tình cảm: Bạn nghĩ thế nào về tốc độ phát triển tình cảm của cả hai? Bạn mong muốn một cuộc tình lâu dài khi hai người bắt đầu nhanh hay chậm?

Như bạn có thể hình dung, những kỳ vọng trong tình yêu của mỗi người là khác nhau. Một số người bước vào mối quan hệ cùng với những mong muốn được chia sẻ thật nhiều, một số người lại mang theo cả bản ngã độc lập vốn có của họ. Những kỳ vọng trong tình yêu như thế này thường thể hiện qua cách họ nhìn nhận về bản thân và nhìn nhận về đối phương.

Vấn đề xảy ra đối với những kỳ vọng này thường không nằm ở việc bạn kỳ vọng điều gì từ đối phương mà là liệu đối phương đáp ứng được bao nhiêu trong số những kỳ vọng của bạn. Cũng chính từ đây mà nhiều mối quan hệ bị đổ vỡ khi cả hai không hòa hợp được giữa kỳ vọng và thực tế.

Vậy nên, nhiều lúc nghĩ chẳng cần tình yêu, một mình vẫn sống tốt vì làm gì có ai yêu mà không hy vọng, không chờ mong. Nhưng sự thật đúng là, càng trông đợi nhiều, lại càng chẳng được như ý, biết phải làm sao mới vẹn cả đôi đường đây?

Đặt nhiều kỳ vọng về 1 mối quan hệ là Nên hay Không nên?

Hy vọng càng nhiều, thất vọng sẽ càng nhiều (Ảnh: boredpanda)

Khi bạn yêu ai đó, là bạn đã tự cho người đó cái quyền làm tổn thương bản thân mình rồi. Khi bạn quá trông mong, chờ đợi nhiều thứ vào người mà mình quan tâm. Và khi họ cư xử không như bạn muốn, hoặc tệ hơn là thay đồi. Chắc chắn bạn sẽ hụt hẫng. Bạn sẽ luôn băn khoăn tự chất vấn bản thân đã làm gì sai. Thực ra chỉ là bạn suy nghĩ quá nhiều thôi.

Thử nghĩ nhé… Ngày còn nhỏ, một hôm đi chợ về mẹ bất chợt mua cho bạn một món ăn bạn rất thích mà không hề báo trước, chắc hẳn bạn sẽ rất hạnh phúc với niềm vui bất ngờ đó. Thế là bạn mặc nhiên, lần sau đi chợ về chắc chắn mẹ sẽ mua cho bạn tương tự một thứ như thế. Nhưng lần sau, mẹ không mua. Khi lục giỏ mẹ ra và biết rằng chẳng có món nào đặc biệt dành cho mình, chắc hẳn cảm giác hụt hẫng thất vọng sẽ bao trùm lấy bạn. Bạn sẽ hỏi mẹ: Hôm nay con đã làm gì không ngoan mà không có quà? Nhưng sau vài lần như thế, bạn không mong mỏi nhiều về những món quà của mẹ nữa, tự khắc bạn cũng không còn cảm thấy buồn hay thất vọng.

Khi trưởng thành cũng thế. Có nhiều mối quan hệ bạn đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng. Bạn đừng mộng tưởng rằng họ đặc biệt hơn những người khác, họ không giống như người trước kia, họ sẽ thế này, thế kia và họ sẽ không khiến bạn bị tổn thương. Để rồi một ngày, đột nhiên mối quan hệ đó có những phút giây khiến bạn hụt hẫng, thất vọng và hoang mang: tại sao lại như thế?

Đặt nhiều kỳ vọng về 1 mối quan hệ là Nên hay Không nên?

Thực ra, có vài người lướt qua cuộc đời bạn, sẽ để lại cho những dư âm không thể nào quên, thậm chí là mang theo cả cuộc đời thật đấy nhưng rồi dư âm cũng chỉ là dư âm. (Ảnh: boredpanda)

Kỳ vọng trong tình yêu là việc không thể tránh khỏi khi bước vào một mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, tình yêu vốn là quyết định đến từ cả con tim và lý trí, vì vậy, việc cân bằng những kỳ vọng của bản thân và thực tế là điều chúng ta nên xem xét để có được một tình yêu lâu dài.

Khi chúng ta bắt đầu có những kỳ vọng dành cho đối phương cũng là lúc chúng ta bắt đầu đánh giá và so sánh xem liệu họ có đạt được những kỳ vọng đó hay không. Việc chúng ta nên làm lúc này không nhất thiết là phải từ bỏ những kỳ vọng đó mà là thay đổi để có được những kỳ vọng hợp lý, giúp cho mối quan hệ được bền lâu. Những kỳ vọng “đúng đắn” là những kỳ vọng thể hiện được đúng giá trị của bản thân bạn và giúp cho bạn dẫn dắt, phát triển một cách tích cực mối quan hệ của cả hai.

Đặt nhiều kỳ vọng về 1 mối quan hệ là Nên hay Không nên?

Nhận ra được những kỳ vọng quá nhiều của bản thân trong mối quan hệ mở ra cơ hội để cặp đôi có thể đối thoại một cách chân thành. (Ảnh: boredpanda)

Hai bạn hãy trò chuyện với nhau về những gì đã hài lòng và cả những điều hai bạn cảm thấy chưa thực sự ổn trong mối quan hệ này. Nó cũng giúp bạn nhận ra rằng liệu hai người có khả năng tiến xa hơn và gắn kết hơn trong chuyện tình cảm hay không.

Và nếu bạn vẫn còn cảm thấy có chút chông chênh trong suy nghĩ và tình cảm của mình, đừng ngại ngần trò chuyện với những người khác để chắc rằng những mong đợi của bạn trong tình cảm là hợp lý – không quá cao nhưng cũng không quá thấp.

Chẳng hạn việc người yêu của bạn không dành toàn bộ thời gian cho bạn không có nghĩa là anh ấy không yêu bạn nhiều. Bạn có những mối quan hệ, sở thích, cuộc sống riêng, và anh ấy cũng thế. Anh ấy hoàn toàn có quyền làm những hoạt động thường ngày trước khi yêu bạn: chơi game, gặp gỡ đồng nghiệp cũ, đi ăn với bạn bè, tham gia những buổi tụ tập ở công ty. Bạn không thể và cũng không nên ngăn cấm điều đó.

Miễn là anh ấy không khiến bạn phải cô đơn, đảm bảo bạn vẫn có được sự ưu tiên vừa đủ, vẫn chắc chắn bạn là người đầu tiên và cuối cùng mà anh ấy nghĩ đến trong một ngày là quá hạnh phúc rồi, con gái ạ!

Vì vậy, các bạn dù là nam hay nữ! Hãy dừng ngay việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào người bạn yêu bởi nó sẽ làm nửa kia mệt mỏi, áp lực đấy. Cũng đừng có mơ mộng về thứ tình yêu hoàn hảo trong phim ngôn tình. Sự hoàn hảo chỉ có trong trí tưởng tượng, không có ở ngoài đời thật đâu. Và người bạn yêu cũng không phải là diễn viên chính trong 1 bộ phim tình cảm. Bạn nên nhớ rằng, bạn và người mình yêu là 2 cá thể độc lập. Và trước khi yêu bạn, người đó cũng có những quan điểm, cuộc sống hoàn toàn khác.

Tình yêu bình thường vốn đã là thứ vô cùng phức tạp. Vì thế, khi yêu hãy cứ thoải mải một chút, thông cảm cho nhau một chút để được vui vẻ nhiều một chút. Và để hạnh phúc, tốt nhất đừng đặt quá nhiều kì vọng ở đối phương bởi nó sẽ chỉ khiến cả hai bạn cảm thấy mệt mỏi hơn mà thôi.