Trung Quốc nói đang thảo luận với Việt Nam về quả ngư lôi huấn luyện bị thất lạc
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã liên lạc qua kênh ngoại giao với Việt Nam về việc thất lạc ngư lôi huấn luyện ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo được Bộ Quốc phòng Trung Quốc tổ chức hôm qua ở Bắc Kinh, một phóng viên đề cập đến việc ngư dân Việt Nam hôm 18/12 vớt được một vật thể lạ ngoài khơi bờ biển Phú Yên được cho là ngư lôi huấn luyện của hải quân Trung Quốc thất lạc và đề nghị Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hai nước đã thảo luận như thế nào về việc này.
Trả lời câu hỏi, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) cho biết “Việt Nam và Trung Quốc đã thảo luận về vấn đề này qua các kênh ngoại giao”.
Trước đó, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, Phú Yên, cho biết ngư dân tìm thấy “vật thể lạ” mắc vào lưới khi đánh cá trên vùng biển An Hải, cách bờ khoảng 4 hải lý vào chiều 18/12. Vật thể hình trụ dài 6,8 m có màu đen và cam, đường kính gần 54 cm.
Ba ngày sau, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra tuyên bố thừa nhận thất lạc một quả ngư lôi trong đợt huấn luyện ở phía đông đảo Hải Nam hồi đầu tháng, cho rằng “nhiều khả năng do ảnh hưởng từ các dòng hải lưu ngoài khơi” Biển Đông. Hải quân Trung Quốc xác nhận quả ngư lôi bị thất lạc chỉ là phiên bản huấn luyện và được phóng mà không có mục tiêu cụ thể.
Ngư lôi huấn luyện Yu-6 được nạp lên tàu ngầm Trung Quốc hồi năm 2017. Ảnh: Sina.
Trong cuộc họp báo sáng 27/12, thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho biết “vật thể lạ” được ngư dân tìm thấy là “quả ngư lôi phục vụ bắn tập của nước ngoài” và đã được Biên phòng Phú Yên bàn giao cho Vùng 4 Hải quân. Tướng Đức cũng nói rằng việc vật thể “ở vùng biển quốc tế trôi dạt vào biển các nước là bình thường”.
Ngư lôi huấn luyện thường được hải quân các nước sử dụng để giúp các thủy thủ rèn luyện kỹ năng và làm quen với ngư lôi chiến đấu. Ngư lôi huấn luyện được chế tạo với đầy đủ tính năng và hệ thống cảm biến, dẫn đường như ngư lôi chiến đấu, chỉ khác ở chỗ chúng không có đầu nổ và phần mũi thường được sơn màu cam để phân biệt.
Theo quy trình huấn luyện thông thường của các nước, sau khi phóng khỏi tàu và di chuyển hết tầm, ngư lôi huấn luyện sẽ nổi lên mặt biển để các tàu tham gia huấn luyện thu hồi.
Tuy nhiên, chúng có thể bị dòng hải lưu cuốn đến khu vực khác cách xa nơi huấn luyện. Tháng 4/2017, lực lượng bảo vệ bờ biển Litva phát hiện một ngư lôi huấn luyện do Nga sản xuất trên bờ biển thuộc mũi đất Curonian, cách biên giới Nga khoảng một km.
Năm 1978, ngư dân Trung Quốc vớt được một quả ngư lôi Mark 46 Mod 1 của Mỹ trên Biển Đông. Các kỹ sư Trung Quốc được cho là đã nhanh chóng sao chép các công nghệ hiện đại trên quả ngư lôi Mỹ, giúp họ chế tạo những quả ngư lôi nhỏ gọn nhưng có sức đẩy lớn hơn nhiều.
Hải quân Trung Quốc đang sở hữu nhiều mẫu ngư lôi, trong đó có Yu-6 là dòng ngư lôi mới nhất cho tàu ngầm. Nó ứng dụng công nghệ nhiên liệu Otto II, trang bị bộ vi xử lý Intel 80486 của Mỹ cho hệ thống dẫn đường. Yu-6 có đầu dò thụ động và chủ động, kết hợp với tính năng bám theo vệt sóng sau đuôi chiến hạm đối phương. Mẫu ngư lôi này được trang bị lớp vỏ mới bằng sợi tổng hợp.
Theo Vũ Anh/ Vnexpress