Tự cầu hôn người đàn ông Canada, nữ nhà văn Việt vỡ mộng vì chồng Tây không chăm con

Cặp đôi trải qua những thử thách trong vì chưa thể thích ứng với cuộc sống làm cha mẹ.

Amy Dương là nữ doanh nhân thành đạt, đồng thời là một nhà văn Việt kiều Canada. Dù đã sống ở nước ngoài nhiều năm qua, chị vẫn luôn hướng trái tim về Việt Nam với những dự án cộng đồng ý nghĩa.

Trong cuộc sống hàng ngày, chị là người phụ nữ hết lòng vì gia đình, bên người chồng ngoại quốc và câu con trai 6 tuổi. Amy Dương từng khát khao làm mẹ đến độ quyết định tiến đến hôn nhân khi vẫn đang tận hưởng cuộc sống tự do. Vợ chồng chị gặp không ít sóng gió trong khoảng thời gian đầu chăm sóc con, vì kịp thi nghi với cuộc sống sau khi đảm nhận thiên chức mới. Hiện tại, họ đã tìm được tiếng nói chung, cùng vun vén tổ ấm viên mãn.

Tổ ấm của chị Amy Dương.

Nhiều năm định cư Canada, chị hãy chia sẻ đôi nét về cuộc sống của gia đình mình ở nước ngoài nhé?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Đến năm 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đi du học Canada. Ông xã tôi là gốc người châu Âu, anh sinh ra trong một tỉnh nhỏ ở Canada và đến Vancouver lúc 24 tuổi. Con trai tôi hiện 6 tuổi. Cả gia đình đều sống tại Vancouver. Vợ chồng tôi làm kinh doanh bất động sản cùng một số nghề tay trái khác. Chúng tôi cũng hoạt động trong ngành giáo dục và tâm lý học.

Chị chia sẻ về chuyện tình của vợ chồng mình nhé? Vì sao anh chị quyết định tiến tới hôn nhân? 

Vợ chồng tôi gặp nhau khi học nhảy Salsa, chung lớp nhưng không nói chuyện nhiều hay quá ấn tượng về nhau. Mãi 2 năm sau đó, chúng tôi gặp lại trong bữa tiệc Salsa, anh mời tôi nhảy rồi quen nhau từ đó.

Ở nước ngoài, người ta thường mặc định chàng trai là người cầu hôn. Tuy nhiên, trong trường hợp của vợ chồng tôi, tôi là người ngỏ ý trước. Lúc đó tôi 35 tuổi và cảm thấy mình muốn có con. Thật ra nếu không phải vì muốn có con thì tôi chưa kết hôn đâu vì vẫn đang đi chơi rất vui, sống hạnh phúc thoải mái, tự do bay nhảy, có người yêu nhưng tự do, mỗi người ở nơi riêng, tiền bạc rủng rỉnh, nhiều bạn bè nên chưa có nhu cầu lấy chồng.

Thế nhưng mình lại muốn có con nên mình lấy chồng. Hai người đang nằm trên giường thì tôi bảo: “Em nghĩ mình nên cưới nhau”. Anh nhìn tôi và nói “Em vừa mới cầu hôn anh đó hả?” nhưng tôi nói “Không, anh vẫn phải có nhẫn và quỳ xuống cầu hôn em đàng hoàng”.

Trước lời đề nghị rất “chất” của vợ, ông xã đã cầu hôn chị như thế nào?

Một vài tuần sau, anh dẫn tôi ra tiệm nhẫn để chọn. Nhẫn của tôi được thiết kế riêng. Thợ kim hoàn làm chiếc nhẫn này đã làm nhẫn cho một công nương ở Pháp, khá là nổi tiếng. Tôi là người chọn mẫu, anh đặt. Anh lấy nhẫn rồi cố gắng cầu hôn một cách bất ngờ nhất, cũng quỳ xuống trao nhẫn rồi hỏi: “Will you marry me?”

Con trai đã đến với gia đình mình như thế nào? Bé có nằm trong kế hoạch của 2 vợ chồng?

Như đã nói, tôi cưới chồng cũng vì muốn có con. Việc có con là xác định. Dù vậy khá hy hữu là tôi có bầu ngay đêm tân hôn. Sau đêm tân hôn, trong khoảng 1 – 2 tuần, tôi cảm thấy cơ thể khang khác nên thử thai thì phát hiện có con thật.

Lần đầu làm mẹ bỉm sữa, chị cảm thấy khoảng thời gian nào khó khăn nhất?

Tôi nghĩ ai cũng vậy, khoảng thời gian 2 tháng đầu là khó khăn nhất. Vợ chồng tôi lại không có ai giúp vì ba mẹ anh đã lớn tuổi rồi, còn ba mẹ tôi thì ở bên Mỹ. Lúc đó chúng tôi cũng không có người giúp việc. Ở bên đây thường chỉ thuê người đến lau dọn hàng tuần. Thế nhưng tôi cũng không có ý định sẽ thuê người chăm con giúp nên tự mình mày mò. 2 tháng đầu tiên vô cùng căng thẳng, vợ chồng gây nhau liên tục, sau đó thì dễ hơn.

Nhiều chị em phụ nữ thường rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh. Những căng thẳng trong việc chăm sóc con cái có ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng cũng như mối quan hệ hôn nhân của chị?

Tôi bị ảnh hưởng tâm lý sau sinh như dễ buồn, dễ giận, cáu gắt, khó chịu, căng thẳng, thay đổi hoóc-môn. Tuy nhiên tôi không nghĩ mình bị trầm cảm. Vì theo tôi, trầm cảm là cảm giác mình không muốn sống, cảm giác cuộc sống quá nặng nề, giống như mình ngộp nước liên tục vậy đó, không thở được, không ngoi lên được. Tôi không trải qua những điều này nhưng bị căng thẳng nhiều.

Sau khi sinh em bé, mối quan hệ giữa tôi với ông xã rất tệ. Chúng tôi chưa kịp chuẩn bị tâm lý cho một trọng trách mới mẻ mà cả hai đều chưa từng trải qua. Vợ chồng tôi khó thích ứng với cuộc sống mới, có một đứa trẻ khóc và đòi sự chú ý. Tôi tất nhiên bị ảnh hưởng tâm lý vì thay đổi hoóc-môn sau sinh. Ông xã cũng bị căng thẳng, đàn ông thực ra mà nói cũng có những cảm xúc của họ. Hai cảm xúc chạm vào nhau và bùng nổ.

Vợ chồng chị đều bị căng thẳng, anh chị có gặp mâu thuẫn trong vấn đề chăm sóc con?

Hồi mới sinh em bé, tôi muốn vợ chồng chia sẻ công việc với nhau. Tôi muốn anh cùng thức dậy, thay tã cho con, cho con bú. Tuy nhiên ông xã tôi nếu thức đêm, không ngủ thẳng thì ngày hôm sau anh như Zombie, không có năng lượng để hoạt động.

Sau một hồi cãi vã, tôi nhận thấy việc thức đêm không ảnh hưởng đến mình nhiều nhưng lại rất khó cho anh. Thế nên tôi thức đêm chăm con, ông xã chăm buổi sáng để vợ ngủ bù. Khi có thoả thuận đó, mọi chuyện tốt hơn. Tuy nhiên khi em bé còn nhỏ, có vẻ ông xã bối rối và không biết nên làm gì. Anh không giúp được vợ nhiều, không thích thay tã. Lúc đó tôi hơi chạnh lòng khi thấy những người đàn ông khác nhào vào làm nhiều việc, thức đêm trông con giúp vợ. Chồng mình không chịu chia sẻ với mình nên nó càng hằn sâu, mối quan hệ vợ chồng cũng vì thế mà không tốt.

Anh chị đã vượt qua những căng thẳng trong lần đầu làm cha mẹ như thế nào và hàn gắn hôn nhân ra sao?

Khi con được 3 tuổi, vợ chồng tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Tôi nghĩ rằng mình không làm gì nhiều, cứ thuận theo tự nhiên thôi. Khi đứa trẻ lớn lên mình đỡ căng thẳng, đỡ mệt hơn nên mọi chuyện nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên mối quan hệ hôn nhân không tốt, cho đến 2 năm trước đây, khi tôi có hành trình quay về bên trong. Tôi biết cách khơi thông cảm xúc mắc nghẹn bên trong để bắt đầu hoàn toàn lắng nghe người đối diện một cách trong trẻo. Thấu hiểu, cảm thông giúp mối quan hệ của vợ chồng bắt đầu thăng hoa.

Ông xã đột nhiên thay đổi, trở thành người chồng và người cha chu đáo của gia đình. Chị nghĩ sự thay đổi ấy xuất phát từ đâu?

Mối quan hệ giữa tôi và ông xã có mối tương quan trong việc làm cha mẹ. Sự thay đổi của anh đến rất tự nhiên, tôi  nghĩ bí quyết chính là việc không gượng ép anh, không bắt buộc hay than phiền gì anh cả. Lúc con còn nhỏ, tôi có than phiền và yêu cầu anh chia sẻ việc chăm con thì vợ chồng khá căng thẳng và tôi không vui. Đến bây giờ, tất cả những việc anh làm cho con đều tự nguyện. Anh ấy còn trở nên chủ động hơn trong công việc này.

Hiện tại ông xã có hỗ trợ chị trong việc chăm sóc và nuôi dạy con như thế nào?

Khi bé bắt đầu lớn hơn, khoảng 4 – 5 tuổi, anh chủ động quan tâm con và làm rất nhiều thứ cho con trai. Tôi nghĩ mọi việc đến rất tự nhiên. Khi đứa trẻ nhỏ quá, anh không biết làm gì với nó cả. Tuy nhiên khi con lớn, anh tự động biết anh cần làm gì, hướng dẫn sự phát triển của con ra sao. Bây giờ mọi việc liên quan đến con trai, anh lại là người đảm đương chính.

Ví dụ bên đây có những khóa học tốt cho trẻ, đôi khi ngày đầu tiên mở khóa phải thức dậy sớm lúc 5h sáng để đăng ký, nếu không sẽ hết suất. Anh luôn là người dậy sớm đăng ký cho con. Anh lập chương trình, soạn thời khóa biểu, tự tìm kiếm cho bé học, chở bé đi học, làm tất cả mọi thứ.

Bây giờ tôi vô cùng sướng. Nhiều sáng tôi nằm đến 8, 9h. Hai cha con dậy sớm hơn, khoảng 6h30 – 7h, cha làm đồ ăn sáng cho con, chuẩn bị đồ ăn trưa và chở con đi học. Đến chiều, tôi đón con và chơi với con. Cuộc sống hiện tại vô cùng hạnh phúc.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

(Eva)