Từ “lều học” đến tiến sĩ ở Nhật.

Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại ĐH Nagoya (Nhật Bản), với Phạm Minh Duyên, suốt chặng đường hơn chục năm qua như một giấc mơ.

Tôi rất mong muốn làm được điều gì đó thiết thực để hỗ trợ các bạn trẻ có hoàn cảnh như mình ngày trước. Nhưng tôi tâm niệm, muốn giúp đỡ người khác thì bản thân mình phải thực sự “mạnh” trước đã. Nên tôi vẫn đang cố gắng, phấn đấu và trau dồi thêm

PHẠM MINH DUYÊN

‘Ngày hôm nay 27-2-2019, tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại ĐH Nagoya, Nhật Bản. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã nâng bước tôi trong sự khởi đầu’.

Đó là dòng tin nhắn ngắn trên Facebook Messenger PV Tuổi Trẻ nhận được lúc 20h từ bạn Phạm Minh Duyên – nghiên cứu sinh ĐH Nagoya, Nhật Bản – người từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường, nhân vật trong bài “Tha phương lo chữ cho con…”.

 

Minh Duyên trong buổi bảo vệ luận án ngày 27-2 tại ĐH Nagoya – Ảnh: NVCC

 

Hai lần dự định bỏ học

Duyên là một trong số không ít bạn trẻ là nhân vật trong các bài báo về gương vượt khó thường xuyên giữ liên lạc với Tuổi Trẻ. Nhận được tin nhắn lần này, ký ức về chàng sinh viên nghèo dáng người gầy sống cùng cha mẹ trong căn phòng trọ ọp ẹp ở ấp Vĩnh Thuận, P.Long Bình, Q.9, TP.HCM hơn 10 năm trước liền ùa về.

Chiều tối hôm đó trời chuyển mưa khi chúng tôi tìm đến nhà cậu tân sinh viên vừa đậu hai trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM – Trường ĐH Bách khoa (24 điểm) và Trường ĐH Khoa học tự nhiên (26,5 điểm).

Khi đó, mẹ của Duyên, bà Lưu Thị Dung, vừa lúi húi dọn dẹp hàng nước vừa thổi bếp nấu cơm trong căn chòi ven đường. Cái chòi ọp ẹp như túp lều được dựng bằng hai cây tre với tấm bạt nilông rách tươm là “nhà bếp”, trời mưa phải xắn quần, lội nước nấu ăn.

“Nhiều hôm đang nấu gặp gió to, mưa hắt, bếp ướt sũng phải ăn cơm sống” – bà Dung ngại ngùng. Chập choạng tối, ông Lưu, cha của Duyên, một người đàn ông gầy nhom gần 50 tuổi, quần áo lấm lem đạp xe về tới nhà trọ. Ông vừa đi làm phụ hồ ở Tân Vạn (Đồng Nai) về. Chưa kịp thay đồ, ông xắn tay phụ vợ nấu ăn… Ông cười ngượng nghịu: “Đi làm, tôi tranh thủ lượm củi về thổi cơm…”.

Nay trở thành tân tiến sĩ, với Minh Duyên, suốt chặng đường hơn chục năm qua như một giấc mơ.

“Nhớ hồi đó ở nhà trọ, nửa đêm tôi đốt đèn cầy ra ngồi trước cửa phòng để học bài một mình, không dám mở điện trong phòng vì sợ làm bố mẹ thức giấc, vừa học vừa gãi vì bị muỗi đốt. Hồi đó phòng trọ bé xíu, không có bếp, nhà tôi phải dựng cái lều ven đường làm bếp. Những đêm trời mưa lớn, tôi chui vô lều này học để đèn không bị gió thổi tắt” – Duyên nhớ lại.

Biết phận nhà, sau giờ học Minh Duyên cũng làm thêm đủ “nghề”: bồi bàn, bán vé số và dạy kèm kiếm thêm tiền mua sách vở. “Khi cả nhà đang đau đầu tìm giải pháp cho vấn đề tiền bạc (anh trai khi đó lại đang học ở ĐH Đà Lạt), tôi tình cờ đọc được thông tin học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ. Tôi nộp đơn và chờ đợi…

Khi được nhận học bổng này, tôi biết mình chắc chắn được vào ĐH nên mừng rơi nước mắt. Cũng nhờ những lời động viên của nhiều tấm lòng, tôi mới đủ sức vượt qua những tháng ngày khó khăn ấy. Tôi biết ơn vì điều đó” – Minh Duyên tâm sự.

Nghĩ đến từng đồng tiền mặn chát mồ hôi của cha mẹ

Năm 2013, tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chàng kỹ sư trẻ Phạm Minh Duyên may mắn nhận được học bổng của Hoàng gia Thái Lan cho 2 năm học thạc sĩ ngành Water and Wastewater Engineering tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) – Thái Lan.

Năm 2015, sau khi hoàn thành xong khóa thạc sĩ, Duyên tiếp tục nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản (MEXT) cho chương trình học tiến sĩ tại ĐH Nagoya.

“Lĩnh vực nghiên cứu của tôi là Natural biomaterials – vật liệu sinh học tự nhiên. Luận án tiến sĩ tôi vừa bảo vệ thành công có tên “Chemical and electrical characteristics supporting external electron mediating function of soil humin” – tạm dịch: Các đặc tính điện – hóa hỗ trợ khả năng trung chuyển điện tử của hợp chất humin trong đất” – anh tiến sĩ trẻ chia sẻ.

Giáo sư Katayama Arata – ĐH Nagoya – cho rằng đề tài mà Duyên nghiên cứu rất quan trọng trong nghiên cứu hoạt động của vi sinh vật địa quyển và được mong đợi có thể phát triển các công nghệ dùng điện tử để khắc phục ô nhiễm, hoặc tổng hợp điện tử từ vi sinh.

Mặc dù nghiên cứu này rất khó khăn vì bắt buộc phải tiếp cận đa ngành, nhưng bằng sự cố gắng của mình, Duyên đã thành công.

“Tôi rất vui khi có anh ấy trong phòng thí nghiệm của tôi. Với khả năng nghiên cứu về khoa học và công nghệ của mình, tôi tin anh ấy sẽ trở thành một nhà khoa học thành công trong tương lai” – giáo sư Katayama Arata nói.

Nhiều lúc nhớ lại giai đoạn khốn khó từng trải qua, Duyên cứ ngỡ như mình đang mơ… Rồi nghĩ đến từng đồng tiền mặn chát mồ hôi của cha mẹ chắt chiu mang về nuôi nấng giấc mơ của mình.

Sắp tới, Phạm Minh Duyên cho biết sẽ tiếp tục làm postdoc (sau tiến sĩ) ở phòng thí nghiệm hiện tại để hoàn thành một số thí nghiệm còn dang dở. Đồng thời, anh đang tìm kiếm cơ hội ở các nước nói tiếng Anh, để học hỏi thêm và để nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình.

PGS.TS Võ Lê Phú (trưởng khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM):

Một tấm gương sáng

“Tôi biết đến Minh Duyên là một sinh viên có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng có ý chí nên học rất tốt, được nhiều thầy cô trong khoa và bạn bè quý mến. Minh Duyên học giỏi, chịu khó, rất khiêm tốn. Việc Duyên được nhận học bổng học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học ở Thái Lan và sau này tiếp tục nhận được học bổng học tiến sĩ ở Nhật với tôi không phải là thông tin bất ngờ.

Tôi đã nhìn thấy được năng lực học tập, khả năng nghiên cứu và tương lai rất sáng của bạn ấy. Tôi còn đánh giá cao Minh Duyên vì trong thời gian học tập ở nước ngoài bạn thường xuyên liên lạc với tôi và một số giảng viên khác để trao đổi thông tin học thuật. Đây thực sự là tấm gương cho các sinh viên trẻ của Trường ĐH Bách khoa”.

TRẦN HUỲNH