Tuổi 75, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sống khép kín tại Mỹ
Nhạc sĩ Nguyễn Quang cho biết, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên ở tuổi 75 có cuộc sống êm đềm, khép kín tại Mỹ.
Nhắc đến tên tuổi nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, người yêu nhạc sẽ nhớ ngay tới những bản tình ca bất hủ được nhiều thế hệ yêu thích như: Niệm khúc cuối, Bản tình cuối, Chiều nay không có em, Áo lụa Hà Đông, Giọt nước mắt ngà, Mắt biếc, Giáng ngọc, Tuổi 13, Mùa thu cho em, Bản tình ca cho em, Riêng một góc trời…
Đêm nhạc kỷ niệm 60 năm tình ca Ngô Thụy Miên mang tên Mắt biếc được tổ chức vào 20h ngày 12/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ tiếp nối dòng chảy âm nhạc vào tháng 8 mùa Thu Hà Nội.
Trong Live concert Mắt biếc, khán giả sẽ được đắm chìm trong những tình khúc bất hủ Ngô Thụy Miên qua giọng hát của danh ca Elvis Phương, ngôi sao trẻ của làng âm nhạc – ca sĩ Phương Phương Thảo, Sao mai Lê Việt Anh, Huy Quyết, Ngọc Châm, Bách Nguyễn, Tuấn Anh, Trần Tuấn Hoà, Diệu Thuý, Phương Anh…
Đảm trách vai trò Tổng đạo diễn chương trình live concert kỷ niệm 60 năm tình ca Ngô Thụy Miên là nhạc sĩ Nguyễn Quang. Anh sẽ đem tới đêm nhạc những bản phối và ý tưởng mới mẻ về dàn dựng sân khấu. Nhạc sĩ Nguyễn Quang cho hay: “Tôi cảm nhận âm nhạc Ngô Thụy Miên có giai điệu rất đẹp, tình cảm, lãng mạn. Lời bài hát buồn man mác nhưng không có sự đau khổ, oán hận, bi thương mà luôn chờ mong ngày gặp lại và ngày mai tươi sáng tốt đẹp hơn. Với tôi, âm nhạc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên rất gần gũi, giống như chính âm nhạc của ba tôi – nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9”.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang tiết lộ trong đêm nhạc anh muốn xây dựng hình tượng nghệ sĩ Ngô Thụy Miên và “bóng hồng” của ông sẽ là biểu tượng tình yêu đi xuyên suốt chương trình.
Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ: “Theo tôi biết, chú có sức khỏe tốt. Ở Mỹ, chú là người có cuộc sống khép kín, đơn giản.
Nhà của chú ở trên đồi cao ngoại ô, không phải ở thành thị. Tôi có cảm giác chú thấy như vậy là mãn nguyện rồi. Người lớn tuổi như chú mà có thể trả lời email tức là sức khỏe tốt, mắt tốt. Tôi hy vọng chú khỏe, thảnh thơi và sống hạnh phúc”.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Quang, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là người duy nhất ông biết không dùng điện thoại.
Ngô Thụy Miên bắt đầu viết nhạc từ năm 1963 khi mới 15 tuổi. Chỉ 2 năm sau, ông đã được công chúng biết đến với ca khúc Chiều nay không có em ra đời năm 1965. Với ca khúc Riêng một góc trời ra đời 20 năm sau đó, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã tạo nên một góc riêng được gọi là “Miên khúc” trong âm nhạc Việt Nam.
Trong suốt sự nghiệp của mình, hầu hết các sáng tác của Ngô Thụy Miên là tình ca. Ông là một trong số ít nhạc sĩ đã dành trọn cuộc đời để sáng tác tình ca. Ông từng lý giải rằng “vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác”.
Các tình khúc của Ngô Thụy Miên đã giúp cho nhiều nghệ sĩ thành danh. Chính các nghệ sĩ thừa nhận họ yêu mến bởi cảm thấy nhạc Ngô Thụy Miên như “nói hộ lòng mình”.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng từng trải lòng: “Sáng tác của tôi viết ra không hẳn cho một đối tượng thính giả nào mà chỉ dành cho những người có thể chia sẻ những tình cảm, tâm tư riêng với mình mà thôi. Tình yêu đối với tôi dù sung sướng hay khổ đau cũng là một điều rất thiêng liêng. Yêu không có nghĩa là phải chiếm hữu cho riêng mình, yêu là cho tận cùng, là chấp nhận hết những buồn vui, khổ hận để mang lại hạnh phúc cho người yêu”.