Tướng Hoàng Kiền: Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi về vấn đề Campuchia

Chúng ta đã phải hy sinh rất lớn. Trong mười năm giúp nhân dân Campuchia đánh đổ hoàn toàn chế độ Khmer Đỏ, hơn 12 vạn chiến sĩ đã hy sinh, hàng chục vạn người bị thương chủ yếu do mìn sát thương gây ra.

Tôi đã gặp lãnh đạo Khmer Đỏ

Hiệp định Paris kí kết tháng 1/1973, Mỹ ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương. Đoàn gọi là “chính phủ Campuchia Dân Chủ” từ nước ngoài qua Trung Quốc rồi nhờ Việt Nam giúp đỡ theo đường Trường Sơn về nước. Khieu Samphan về trước, Ieng Sary cùng đoàn chính phủ với hơn ba chục người về sau.

Họ về vào tháng 9/1973 giữa trung tâm của mùa mưa vô cùng khó khăn. Bộ đội Trường Sơn rải quân chống lầy suốt từ Bản Đông đường 9 vào đến sông Sê Na Nông với chiều dài khoảng gần 200km, đường lầy lội lắm, phải chặt gỗ lát nhiều đoàn cho xe đi.

Bộ tư lệnh sư đoàn 472 cử một đại đội Công binh vượt qua sông sang ứng cứu. Một chiếc xuồng máy chở 18 cán bộ chiến sĩ Công binh bị lũ nhấn chìm, hy sinh 12 người, sau nửa tháng lũ rút mới tìm thấy thi thể.

Ta vẫn quyết tâm chống lầy, ghép phà đưa họ qua sông dừng chân tại Sư đoàn bộ Sư đoàn 472 khu vực Tà Ôi – Xa LaVan bên bờ nam sông Sê Na Nông. Đường vào phía trong quá lầy lội không thể đi được, phải dừng chân ở Sư đoàn bộ một tháng liền, trong điều kiện dã chiến, sư đoàn nhường chỗ ở tốt nhất cho bạn.

Họ mặc toàn đồ đen, quần áo đen, mũ nồi đen, đeo cái túi đen, đi dép đen. Ieng Sary to cao, mập, da đỏ như gà chọi. Đêm nào cán bộ chiến sĩ cơ quan Sư đoàn bộ chúng tôi cũng giao lưu nói chuyện, thật vui vẻ, thân tình.

Thế nhưng, từ khi chính phủ lưu vong Campuchia Dân Chủ về nước, họ đã có những hoạt động chống phá Việt Nam.

Đường Trường Sơn đi qua 4 tỉnh đông bắc Campuchia từ năm 1965 bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam và giúp đỡ cách mạng Campuchia. Sau khi về nước, họ trở mặt, ngăn chặn việc vận chuyển của Việt Nam qua đất Campuchia.

Thậm chí họ còn tổ chức chặn xe, chiếm vũ khí, hàng hậu cần của ta. Từ năm 1974 chúng ta phải chuyển đường vận chuyển sang hết đất Việt Nam.

Ngay sau khi Việt Nam giải phóng Miền Nam, họ ra mặt thù địch gây xung đột biên giới với Việt Nam. Tôi không thế tưởng tượng được sao họ lại làm như vậy..

Tôi đã đến những nơi Khmer Đỏ gây tộ.i á.c man r.ợ với Việt Nam…

Bảy năm làm giám đốc Ban quản lý dự án Đường tuần tra biên giới, tôi đã nhiều lần đi dọc suốt biên giới Việt Nam – Campuchia với chiều dài 1.270 km.

Được nghe nhân dân kể lại, được tận mắt thấy những bia căm thù, những di tích về tội ác của quân Khmer Đỏ gây ra, thăm các nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có nghĩa trang Đồn Biên phòng Buprang thuộc Đak Nông nơi bị quân Khmer Đỏ bất ngờ tấn công, nhiều cán bộ chiến sĩ của đồn đã anh dũng chiến đấu và hy sinh.

Vụ thảm sát Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là một tội ác chiến tranh man rợ do chính quyền Khmer Đỏ gây ra.

Chúng thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai và Tam Bửu và chạy lên núi Tượng nhằm ẩn náu, song cũng vẫn bị quân Khmer Đỏ tàn sát dã man.

Trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường. Chỉ có ba người sống sót sau vụ tàn sát. Quân Khmer Đỏ đã gây ra các vụ tiến công sát hai, thảm sát dân thường trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia.

Những vụ thảm sát là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột biên giới Việt Nam – Campuchia.

… Sang Campuchia tận mắt nghe và thấy về chế độ d.iê.t chủng tàn bạo.

Tháng 6/2018 chúng tôi sang thăm Campuchia, đi thăm nhà tù Tuol Sleng và Cánh đồng chết, trực tiếp xem, nghe giới thiệu mới hiểu thêm về Khmer Đỏ, một chế độ diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử của nhân loại.

Tướng Hoàng Kiền: Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi về vấn đề Campuchia - Ảnh 5.

Những hố chôn tập thể người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary sát hại, được phát hiện sau ngày giải phóng 7/1/1979 tại “Cánh đồng chết” Choeung Ek, cách Thủ đô PhnomPenh khoảng 17km về phía Nam. Choeung Ek là hố chôn người khổng lồ và kinh hoàng nhất trong số gần 100 mồ chôn tập thể trên khắp đất nước Campuchia. Ảnh: Thế Trung – TTXVN

Tuol Sleng vốn là một trường học, khi Khmer Đỏ vào, chúng biến nơi đây thành nhà tù, giam giữ khoảng gần 20.000 người dân vô tội. Với các hình thức tra tấn vô cùng man rợ, chúng đã giết chết gần hết số người bị bắt giam, chỉ có 12 người sống sót.

Tôi đã gặp một người tù may mắn thoát chết. Ông là nhân chứng sống tố cáo tội ác của Khmer Đỏ với tổ chức Nhân quyền của Liên hợp quốc. Ông đã viết cuốn sách tố cáo tội ác của Khmer Đỏ, tôi mua 1 quyển bằng tiếng Anh để tìm hiểu thêm.

Tôi cũng đến thăm một cánh đồng chết cách thủ đô Phnom Penh 30km, một khu chứng tích nơi hành quyết người của Khmer Đỏ.

Mỗi đợt hành quyết 3-400 người chôn xuống một hố, xem các chứng tích, hiện vật, nghe giới thiệu và xem toà nhà lưu giữ hàng vạn đầu lâu người bị giết hại, thật là khủng khiếp. Trên khắp đất nước Campuchia có hàng trăm “cánh đồng chết” như vậy.

Bối cảnh dẫn tới chi.ế.n tra.nh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc

Vào tháng 11/1954, Campuchia được hoàn toàn độc lập từ một nhà nước bảo hộ của Pháp kể từ năm 1863, đánh dấu sự bắt đầu 16 năm cầm quyền của Hoàng thân Norodom Sihanouk.

Hoàng thân Sihanouk đã chấm dứt một chương trình viện trợ của Hoa Kỳ vào năm 1963 từ đó mối quan hệ giữa Campuchia và Hoa Kỳ đã suy giảm và bị cắt đứt hoàn toàn vào tháng 5 năm 1965. Sihanouk thực hiện đường lối trung lập, nhưng đã tạo điều kiện cho các hoạt động của Việt Nam trên đất Campuchia.

Ông Việt Phương, một sĩ quan QĐND Việt Nam đóng vai nhà tư sản để mua hàng hoá cung cấp cho Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam. Đường Trường Sơn đã qua 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia để chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam.

Trong thời gian đó, một người tên là Saloth Sar đã trở lại Campuchia sau khi bị ám ảnh nặng một cách mù quáng sai lệch về chủ nghĩa Mác-xít trong thời gian đi học ở nước ngoài về. Ông này lấy một cái tên giả là Pol Pot và tham gia phong trào hoạt động cộng sản ngầm.

Vào khoảng năm 1962, Pol Pot đang lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia, chạy vào rừng để thoát khỏi cơn thịnh nộ của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Trong khi ở trong rừng, Pol Pot đã tổ chức các lực lượng vũ trang được biết với cái tên Khmer Đỏ và bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống lại chính quyền Sihanouk.

Vào năm 1970, Hoàng thân Sihanouk sang Pháp chữa bệnh, bị các lực lượng quân sự cánh hữu do Lon Nol cầm đầu được Mỹ ủng hộ lật đổ, ông phải sống lưu vong ở nước ngoài. Sau đó ông tham gia với Pol Pot để chống lại chính quyền quân sự mới.

Nửa đầu thập kỷ 70, do một số sự kiện trong cuộc chiến tranh Đông Dương, tình hình kinh tế, quân sự Campuchia suy thoái nặng nề, người dân bắt đầu ủng hộ Pol Pot.

Năm 1973, Hoa Kỳ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam và chính quyền Lon Nol ở Campuchia cũng mất sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.

Pol Pot đã lợi dụng cơ hội này và dẫn quân đội Khmer Đỏ của ông ta, chủ yếu bao gồm lính du kích vốn là thanh thiếu niên nông dân dưới 20 tuổi tiến công Phnom Penh. Vào ngày 17 tháng 4, Khmer Đỏ đã thành công trong việc chiếm quyền kiểm soát Campuchia.

Pol Pot, được truyền cảm hứng bởi cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, sau đó đã cố gắng xây dựng xã hội nông nghiệp không tưởng của chính mình ở Campuchia, mà ông ta đã đổi tên thành Cộng hòa Dân chủ Campuchia

Pol Pot tuyên bố bắt đầu năm số 0 và bắt đầu cuộc “thanh lọc” xã hội ghê gớm. Những ảnh hưởng của phương Tây như chủ nghĩa tư bản và cuộc sống đô thị bị tiêu huỷ. Tôn giáo và tất cả những người nước ngoài đều bị cấm. Các đại sứ quán bị đóng cửa, và ngay cả việc sử dụng các thứ tiếng nước ngoài ở Campuchia cũng bị cấm.

Các nguồn truyền thông và tin tức không còn được phép hoạt động nữa và việc liên lạc qua thư từ hay điện thoại bị giới hạn. Tất cả các doanh nghiệp đều bị đóng cửa, giáo dục cũng bị dừng lại, chăm sóc y tế biến mất, và quyền hạn của cha mẹ bị hủy bỏ. Bất cứ sự trợ giúp nào của nước ngoài về kinh tế hay y tế cũng bị khước từ. Chính vì vậy mà Campuchia bị phong kín khỏi thế giới bên ngoài.

Tất cả các thành phố ở Campuchia đều bị cưỡng chế di tản. Hai triệu người dân ở Phnom Penh đã phải đi bộ rời khỏi thành phố đến vùng nông thôn dưới họng súng. Ước tính rằng khoảng 20.000 người đã bị chết trên đường đi.

Hàng triệu người dân thành phố ở Campuchia khi đó bị bắt phải lao động chân tay như nô lệ ở các vùng nông thôn. Cứ 2 ngày họ mới được chia một khẩu phần cơm khoảng 180gr, họ đã nhanh chóng bắt đầu chết vì bệnh tật hay vì phải làm việc quá sức và bị thiếu dinh dưỡng. Đó là lý do tại sao lại có những “cánh đồng giết người” hay là ” cánh đồng chết” lan khắp đất nước Campuchia.

Trên khắp Campuchia, các cuộc thanh lọc chết người đã được thực hiện để phá bỏ tất cả những gì còn lại của “xã hội cũ”. Người ta bị hành quyết chỉ bởi vì họ được giáo dục hay có của cải, hay là bị giết dựa trên nghề nghiệp của họ, như cảnh sát, bác sĩ, luật sư, giáo viên, và các quan chức chính quyền cũ.

Những người lính chế độ cũ bị giết chết cùng với cả nhà vợ con họ. Bất cứ ai bị nghi ngờ là không trung thành với Pol Pot bao gồm cả các lãnh đạo trong chính lực lượng Khmer Đỏ cũng đều bị giết chết.

Ba dân tộc thiểu số đông nhất – người Việt, người Hoa và Hồi giáo Chăm – là đối tượng của cuộc thanh lọc này, cũng như hai mươi nhóm người nhỏ hơn khác.

Trong số 425.000 người Hoa sống ở Campuchia năm 1975, một nửa đã bị giết chết. Khmer Đỏ đã thực hiện nhiều điều tàn bạo đối với những nhóm người thiểu số này, bao gồm việc ép buộc người Hồi giáo ăn thịt lợn và bắn chết những ai từ chối.

Khmer Đỏ coi thành phố, đô thị là trái tim của chủ nghĩa tư bản, vì vậy phải bị nhổ tận gốc. Những người dân thường bị đuổi ra khỏi thành phố để sống và lao động ở nông thôn như những người nông dân nhằm để tạo ra một xã hội cộng sản lý tưởng. Khmer Đỏ phân ra đàn ông ở riêng, đàn bà ở riêng, trẻ em dưới 6 tuổi mới được ở với mẹ.

Mục đích của việc biến tất cả mọi người thành nông dân là do thực tế là giai cấp này được tin là “đơn giản, không được giáo dục, chăm làm và không có xu hướng bóc lột những người khác”.

Tướng Hoàng Kiền: Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi về vấn đề Campuchia - Ảnh 8.

Trong ảnh: Lực lượng quân đội cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh, trưa 7/1/1979. Ảnh: TTXVN.

Người dân thành thị Campuchia bị ép phải di tản về nông thôn. Những người sống ở các thành phố bị Khmer Đỏ xem như “gốc rễ của mọi cái xấu của chủ nghĩa tư bản” và là kẻ thù của chế độ. Bất kể nghề nghiệp của họ là gì – giáo viên, thợ may, công chức hay hòa thượng – đều không quan trọng. Hàng trăm ngàn người thuộc nhóm này đã bị giết.

Khi kế hoạch xây dựng xã hội thiên đường của Pol Pot không thành công, ông ta không chịu nhận sai lầm mà quy tội cho đồng chí của mình … Ông ta đã quyết định rằng có những kẻ thù trong hàng ngũ cũng như trong cái mà ông ta coi là một phe ủng hộ Việt Nam đang nổi lên ở bên trong Đảng Cộng sản Campuchia.

Ông ta bắt đầu loại bỏ khỏi đảng của mình những thành viên bị coi là ủng hộ Việt Nam và kết án tử hình họ, bao gồm cả một số đồng sự lâu năm nhất của ông ta.

Không những thế, Quân đội Khmer Đỏ, được sự hỗ trợ từ bên ngoài, đã đưa quân xâm nhập lãnh thổ phía tây nam của Việt Nam, tàn sát nhân dân Việt Nam vô cùng dã man, tàn bạo. Chúng đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với Việt Nam.

Việt Nam cứu nhân dân Campuchia khỏi thả.m h.ọa di.ệt chủng: Sự h.y s.i.nh rất lớn

Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia do ông Heng Samrin đứng đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng quân đội giải phóng Campuchia tiến hành cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn Campuchia, đánh đổ chế độ Pol Pot, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Pol Pot cùng chính phủ và tàn quân phải chạy ra nước ngoài lưu vong, được sự giúp đỡ của một số nước lớn, tiếp tục chống trả quyết liệt, kéo dài đến năm 1989.

Pol Pot bị đánh đuổi nhưng chưa bị tiêu diệt. Nếu ta rút quân cho “rảnh thân” và tìm cách bảo vệ biên giới thì đất nước Campuchia sẽ rơi vào thảm họa diệt chủng một lần nữa.

Những gì Campuchia có được ngày hôm nay chính là kết quả của việc Việt Nam đã giải phóng Campuchia và gồng mình ở lại trong điều kiện nền kinh tế vô cùng khó khăn, bị bao vây cấm vận hết sức khắc nghiệt, bị cô lập về ngoại giao, gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh.

Thực tế khi đó chưa thể giải quyết ngay Pol Pot vì thế lực này được một số nước lớn, một số nước láng giềng ủng hộ. Chỉ khi 28 nước phải cùng ngồi đàm phán và ký vào Hiệp định Paris.

Việt Nam đã thuyết phục cộng đồng quốc tế phải công nhận sự tồn tại của chính quyền Campuchia do Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia lãnh đạo và cam kết chấm dứt chiến tranh, chấm dứt viện trợ chiến tranh.

Cuộc tiến công giải phóng Campuchia là một hành động bắt buộc. Khi mà chúng ta đã nhẫn nhịn hết mức mà có kẻ vẫn cầm dao xông vào nhà mình, giết dân mình thì buộc lòng chúng ta phải tự vệ đánh trả.

Đã đánh rắn thì phải đánh cho dập đầu. Khi Hiệp định Paris được ký kết, Việt Nam rút hết quân về nước. Điều đó cho thấy rằng, tất cả mọi việc chúng ta làm đều có sự chuẩn bị, từ việc đưa quân sang rồi rút quân về. Tất cả đều rõ ràng, có sự tính toán và chuẩn bị thấu đáo, không hề bị động.

Sau 10 năm chiến đấu, sát cánh cùng quân dân Campuchia chiến đấu đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot, quân tình nguyện Việt Nam rút về nước trong tình cảm lưu luyến, biết ơn của người dân Campuchia

Khi đã rút quân về chúng ta vẫn giữ được mối quan hệ tốt cho dù sau đó có rất nhiều biến cố phức tạp xảy ra ở Campuchia như UNTAC (Cơ quan chuyển tiếp Liên Hợp Quốc tại Campuchia) vào tiếp quản Campuchia hay đảng FUNCINPEC (Đảng bảo hoàng) giành thắng lợi trong bầu cử năm 1993, Đảng Nhân dân Campuchia gặp khó khăn, tiếp theo là cuộc đảo chính năm 1996.

Đến năm 1998, Đảng Nhân dân Campuchia thắng cử, thật sự quay trở lại nắm chính quyền và đúng một năm sau bạn giải giáp được Khmer Đỏ, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam mới thắng lợi triệt để, mục tiêu chiến lược đã hoàn thành.

Tuy vậy, chúng ta đã phải hy sinh rất lớn. Trong mười năm giúp nhân dân Campuchia đánh đổ hoàn toàn chế độ Khmer Đỏ, hơn 12 vạn chiến sĩ đã hy sinh, hàng chục vạn người bị thương chủ yếu do mìn sát thương gây ra. Đây là một tổn thất vô cùng lớn lao của Việt Nam.

Điều đáng hổ thẹn là khi Khmer Đỏ bị đánh đổ, chính phủ lưu vong vẫn được sự ủng hộ, hỗ trợ của một số nước và tổ chức quốc tế lớn.

Họ thấy tội ác của Khmer Đỏ nhưng vẫn làm ngơ, thay vào đó lại công kích vô căn cứ Việt Nam. Họ vẫn công nhận chế độ Khmer Đỏ sau khi chúng bị đánh bại, phải lưu vong. Ghế của Campuchia tại LHQ suốt mười năm vẫn do Khmer Đỏ nắm giữ. Đây là một sai lầm, lịch sử sẽ lên án.

Cầm quyền chưa đầy 4 năm, Khmer Đỏ đã sát hại gần 3 triệu trong tổng số 8 triệu người dân của mình. Người Khmer giết người Khmer, một tội ác ghê tởm nhất trong lịch sử nhân loại. Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia ngày nay chỉ còn một triệu dân như chủ trương của Pol pot.

Những ai biết ơn, những ai nợ Việt Nam về vấn đề Campuchia?

Rõ ràng, trước hết là nhân dân Campuchia, những người biết ơn Việt Nam đã giúp họ thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Mỗi người dân Việt Nam phải biết ơn cuộc tiến công đó, bởi nếu không có cuộc tiến công này, chúng ta cũng không thể có được sự ổn định, hòa bình ở biên giới và phát triển ngày hôm nay.

Phán quyết mới nhất của tòa án quốc tế kết tội chế độ Khmer Đỏ phạm tội ác diệt chủng đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia, đây chính là sự thừa nhận của quốc tế về sự chính nghĩa của Việt Nam đối với cuộc chiến đấu này.


Quân tình nguyện Việt Nam trong tình thương yêu, kính trọng của người dân Campuchia yêu hoà bình.

Có ý kiến cho rằng, thế giới đang “nợ một lời xin lỗi và phải nói lại về những công lao và hy sinh của Việt Nam trong cuộc chiến này”.

Với tất cả những gì đã nêu trên đây, tôi cho rằng:

Nhân loại cần có một lời tri ân đối với Việt Nam vì Việt Nam đã hy sinh để thực hiện trọn vẹn một nhiệm vụ, hoàn thành thắng lợi một mục tiêu cao cả mà cả thế giới hướng đến.

Các nước và tổ chức quốc tế đã từng ủng hộ Khmer Đỏ, chống Việt Nam cần có lời nói và hành động cho thỏa đáng đối với Việt Nam.

Chân lý luôn đứng về phía sự thật chính nghĩa.

Xu hướng chung của thế giới hiện nay là hòa bình, nhân ái và hòa hợp, con người được đặt ở vị trí trung tâm. Đó cũng chính là xu hướng và là mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã đóng góp cho thành công này với sự hi sinh rất lớn.

Chúng ta đã làm được một việc vĩ đại là cứu cả một dân tộc khỏi họa diệt chủng, chúng ta đem đến hòa bình cho một quốc gia. Đó là một nền hòa bình, độc lập và tự chủ chứ không phải nền hòa bình phụ thuộc vào Việt Nam.

Có thể nói, cuộc chiến ở Campuchia là cuộc chiến vừa bắt buộc vừa là là nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với Việt Nam.

Đây là một cuộc chiến rất tàn khốc, những mất mát, hy sinh của Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia là vô cùng lớn lao nhưng cũng vô cùng vinh quang. Lịch sử nhân loại phải ghi nhận sự hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, cứu cả một dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng trong thế kỉ 20..

Thiếu tướng Hoàng Kiền