Tỷ phú tương ớt đầu tiên trên đất Mỹ là người gốc Việt, học hết tiểu học đã đi bươn chải
Có không ít người Việt Nam đạt được những thành công vang dội ở nước ngoài. Trong số đó, không thể không nhắc tới cái tên David Trần – người đàn ông gốc Việt đã xây dựng nên thương hiệu tương ớt làm khuynh đảo thị trường Mỹ từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Trở thành cha đẻ của một sản phẩm chiếm được vị thế cao trong trái tim người tiêu dùng ở xứ sở cờ hoa, David Trần sở hữu khối tài sản khủng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Thế nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau sự thành công vang dội đó, giống như bao người thành đạt, David Trần cũng phải trải qua một hành trình dài đầy gian nan và thử thách.
David Trần là người đàn ông gốc Việt đã xây dựng nên thương hiệu tương ớt làm khuynh đảo thị trường Mỹ. (Ảnh: ELLE Man)
David Trần sinh ra ở Sóc Trăng vào năm 1945. Theo đó, ông là thành viên trong một gia đình có 8 anh chị em, cha của ông là một thương gia, còn mẹ ông là nội trợ. Chỉ học hết tiểu học, năm 16 tuổi, David Trần chuyển đến TP. Hồ Chí Minh để theo anh trai làm việc tại một cửa hàng bán hóa chất rồi quay trở lại Sóc Trăng để học trung học
Một thời gian sau, ông Trần lại cùng anh trai của mình trồng ớt trên một mảnh đất ở phía đông bắc TP. HCM. Sau đó, ông chuyển sang làm nước sốt cay. Đến tháng 12/1978, David Trần đã rời Việt Nam với số vàng trị giá 20.000 đô la vào thời điểm đó, tương đương khoảng 90.000 đô la (2,1 tỷ đồng) theo thời giá ngày nay. Ông đến Los Angeles vào năm 1980.
Vào năm 33 tuổi, David Trần đã rời Việt Nam để đến Los Angeles. (Ảnh: Sputnik)
Được biết, ông Trần quyết định đến Los Angeles vì anh rể nói có thể tìm thấy ớt tươi ở California. Vì vậy, ông đã bán vàng và mua một tòa nhà rộng 2.500m2 ở khu phố Tàu. Nhờ tìm kiếm được ớt tươi ở chợ địa phương, David Trần đã thành lập công ty sản xuất một loại tương ớt dựa theo công thức có nguồn gốc từ Thái Lan. Đồng thời, ông chọn con gà trống – con giáp năm sinh của ông làm biểu tượng thương hiệu.
Hơn bốn thập kỷ sau, thương hiệu tương ớt của David Trần đã trở thành một nhãn hàng lớn. Thậm chí, những chai tương ớt này còn có mặt trên toàn thế giới và cả trên Survivor – Trạm vũ trụ quốc tế. Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, thương hiệu của ông Trần hiện đang đứng thứ ba trong thị trường tương ớt với trị giá ước tính khoảng 1,5 tỷ USD.
Thương hiệu tương ớt của David Trần đã trở thành một thương hiệu lớn và có mặt trên toàn thế giới. (Ảnh: Los Angeles Times)
Với sự phát triển hưng thịnh của thương hiệu tương ớt, David Trần trở thành tỷ phú duy nhất trong ngành công nghiệp tương ớt của Mỹ ở tuổi 77. Tuy nhiên, khi sản phẩm bắt đầu có chỗ đứng, đế chế này cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo đó, các sản phẩm làm giả tràn lan trên thị trường, những vụ bồi thường kiện tụng pháp lý với nhà cung cấp ớt độc quyền từ năm 1988. Thương hiệu cũng từng phải dừng hoạt động vì nhà máy thiếu hụt ớt trầm trọng do tình hình thời tiết.
Đặc biệt, vào năm 2013, thành phố Irwindale còn kiện thương hiệu của David Trần về mùi ớt phát ra từ nhà máy đã gây khó chịu cho dân cư. Đối diện với bê bối này, David Trần đã mở cửa cho tất cả mọi người tham quan nhà máy. Và đến tháng 5/2014, chính quyền thành phố đã gỡ bỏ vụ kiện.
David Trần tại nhà máy đặt ở Irwindale, California chụp năm 2014. (Ảnh: David McNew/Getty Images)
Sau khi phải trải qua nhiều khó khăn, David Trần cũng đã dần bắt nhịp lại với tốc độ sản xuất 18.000 chai tương ớt/một giờ. Ngoài ra, ông và công ty cũng sản xuất thêm hai dòng tương ớt khác. “Tôi có thể sử dụng những nguyên liệu rẻ tiền hơn hoặc quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình để kiếm nhiều tiền hơn. Nhưng mục tiêu của tôi luôn là cố gắng tạo ra tương ớt có chất lượng dành cho người giàu với mức giá dành cho người nghèo” – tỷ phú gốc Việt nói.
David Trần trở thành tỷ phú duy nhất trong ngành công nghiệp tương ớt của Mỹ ở tuổi 77. (Ảnh: Trbimg)
Tương tự như David Trần, nữ doanh nhân Australia gốc Việt Le Ho cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn để gầy dựng nên đế chế riêng của mình. Theo đó, hành trình khởi nghiệp của Le Ho bắt đầu từ năm cô nàng 20 tuổi với cửa hàng giày dép và váy cưới. Tuy nhiên, việc kinh doanh bắt đầu bị gián đoạn khi các sàn thương mại điện tử xuất hiện. Nữ doanh nhân gốc Việt tiếp tục tìm cơ hội kinh doanh khác và đến năm 2010, cô nàng biết đến công ty xử lý rác thải Capital City có trụ sở tại Sydney. Bất chấp những khó khăn tiềm ẩn, Le Ho vẫn quyết định dốc hết gia tài để mua lại công ty xử lý rác với giá 50.000 USD (1 tỷ đồng).
Trong quá trình khởi nghiệp, Le Ho đã gặp phải không ít khó khăn. (Ảnh: Daily Mail)
Để bắt đầu quá trình “lập nghiệp từ rác”, nữ doanh nhân 42 tuổi đã một mình đảm nhiệm nhiều vai trò để tiết kiệm chi phí. Sau 5 năm, Le Ho đã biến nỗ lực công ty xử lý rác thải Capital City trở thành “đế chế” với giá trị lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên sau đó, nữ doanh nhân đã bán lại công ty với giá hơn 7,4 triệu USD (160 tỷ đồng) để dành thời gian chăm sóc bố mẹ. Cô nàng cũng là một trong 29 nữ doanh nhân được vinh danh trong cuốn sách IfSheCanICan của Australia.
Le Ho là nữ doanh nhân gốc Việt thành công bậc nhất tại Úc. (Ảnh: Daily Mail)
Bạn có ấn tượng với những vị tỷ phú gốc Việt này không? Hãy để lại ý kiến của mình ở phần bình luận để mọi người cùng biết nhé!
(YAN.VN)