Úc (Australia) – Một đất nước hảo ngọt và nặng thành tích

Các cậu cứ bảo giáo dục Việt Nam mắc bệnh thành tích. Thế thì phải làm chuyến qua Úc, xem bệnh thành tích của “bọn Tây” nó nặng cỡ nào. Đã thế lại còn hảo ngọt cơ. Có lẽ vì quen ngọt từ tâm hồn đến đồ ăn đâ.m “chúng nó” cứ béo quay béo cút ra.

 

Các cậu cứ bảo giáo dục Việt Nam mắc bệnh thành tích. Thế thì phải làm chuyến qua Úc, xem bệnh thành tích của “bọn Tây” nó nặng cỡ nào. Đã thế lại còn hảo ngọt cơ. Có lẽ vì quen ngọt từ tâm hồn đến đồ ăn đâ.m “chúng nó” cứ béo quay béo cút ra.

Chúng nó khen nhau ở mọi mặt trận. Từ trong nhà, ra ngoài phố. Từ trường học, đến công sở. Bé thì chúng nó khen “cute”. Lớn chúng nó liên mồm “nice”, “amazing”. Trẻ con đi học quá quen với những danh hiệu “warmest person”, “kindest person”. Nói có lời cảm ơn thôi mà được rót lại hũ mật “Oh, it’s very kind of you”. Gọi nhau gì mà cứ “baby”, “sweetheart”, “darling”. Làm được tí việc vặt thì chúng nó cứ há mồm ra hỏi “Woa, sao con có thể làm được việc như vậy nhỉ? Thật không thể tin nổi”.

Chưa hết nhá! Một kỳ học có 10 tuần thôi mà trẻ con tha lôi về vô số giấy khen. Giấy khen thì phân cấp đủ các bậc, với đủ các lí do. Từ nhặt được mẩu rác, biết giữ im lặng khi người khác nói, đến đọc sách diễn cảm… Lại còn cả hôm qua làm tính sai, hôm nay cùng phép tính ấy đã làm đúng mà cũng khen. Bọn này chả biết giữ gìn môi trường gì cả. Cứ phát giấy khen tùm lum.

Mà bực mình lắm í!!! Cái đứa học giỏi nhất lớp lại không phải đứa được tôn vinh nhất. Đứa bữa trước đọc chưa lưu loát, bữa này đọc vanh vách thì lại cứ như là một vầng sáng mới xuất hiện giữa bầu trời. Thằng học tốt cũng được khen. Thằng học chưa tốt lắm cũng vẫn được khen như thường. Ơ thế là cái kiểu gì nhờ. Việt Nam thoát bao cấp lâu lắm rồi mà sao bọn Úc này vẫn đổ đầu giấy khen thế nhờ.

Kỳ lạ cực! Bọn người hảo ngọt này ăn ngọt quen rồi thành ra nó cứ tắm nước đường cho những người xung quanh. Lý ra mà tôi thường thấy ngày xưa í, là con nhà mình đỗ đại học sẽ không thể vui bằng con lão hàng xóm trượt đại học. Đằng này đứa không được chọn đi thi nói lại cứ ra high five chúc mừng đứa sẽ đi thi tiếp vòng sau. Thấy bạn có tin vui đứa nào đứa nấy cũng vui như Noel. Mà lại còn về kể cho bố mẹ. Hôm sau bố mẹ chúng nó lại ồ ạt ra bắt tay tới tấp, xong lại dội một hũ mật ong vào người ta. Giời ạ, bị dở hơi à.

Chả hiểu sao, người làm việc chậm, học sinh làm bài chưa tốt lại cứ bị nói “You did a very good job”, “You did your best! You are amazing”. Nói đểu phỏng? Đáng nhẽ thế phải như tát nước vào mặt chứ “Ôi trời ơi, sao mày kém thế, mày ngu thế hả con? Có mỗi thế mà mày cũng không làm được”, “Đi thi không được nhất, chỉ được nhì thì nhục, quá nhục!”. Phải tới tấp thế đứa kém mới tỉnh ra mà cố gắng chứ. Cứ cho tắm nước đường làm gì chúng nó chả nhơn nhơn ra với thất bại. Bọn này trình độ nâng cấp thành tích và trị liệu tâm lý quá kém. Phải kích, phải huých, phải làm cho xấu hổ, người ta mới biết mà đứng lên.

Họp phụ huynh gì mà một mình cô nói chuyện với từng bố mẹ. Kết quả học tập thì dấm dúi, giấu giếm của ai đưa cho người ấy. Nhẽ ra phải công bố trước toàn lớp. Dán bảng kết quả lên góc lớp. Thế bố mẹ mới có dịp nở mày nở mặt. Hơn cả là được dịp vênh váo với đời con tôi hơn đứt con ông.

Bức xúc lắm í! Cái bọn chạy ma ra tông cũng được khen như bọn cày ngày cày đêm từng trang sách. Dở hơi! Chạy nhảy thì to chân to tay chứ được cái gì. To là phải to đầu nhá. Múa giỏi, hát hay không bằng đọc thơ vanh vách, ô kê?

Các cậu thấy sợ không? Tôi kể sơ sơ vài cái mà tôi toát hết cả mồ hôi cái bệnh quan liêu, yêu thành tích của nền giáo dục xứ này. À không, của cả một xã hội này.

Tôi cứ băn khoăn mãi, không hiểu vì sao một đứa trẻ mới 5 tuổi thôi đã hào phóng lời khen đến thế, đã biết vui với niềm vui của người khác đến thế, đã biết động viên người khác khi họ gặp chuyện không như ý đến thế, khi chưa thành công đã biết trị liệu tâm hồn mình đến thế, đã biết nhìn ra nét đẹp của bản thân và nét đẹp của người khác đến thế, đã biết công nhận trong tim và bằng lời những thành tích của mọi người đến thế… Đã biết rằng ghi nhận người khác chính là sự tiến lên của bản thân.

Thì ra là vậy. Bởi từ khi sinh ra chúng đã được nhận những điều ấy từ cô hộ lý bệnh viện, từ bác lao công quét trường, từ ông cầm biển qua đường, từ thầy cô, bố mẹ… Bởi đó là hơi thở, là nhịp sống của chúng.

Thổi tắt ngọn nến của người khác không làm ngọn nến của mình sáng hơn. Chỉ những người xuất sắc mới nhìn ra điểm xuất sắc của người khác. Ấy là bài học cuộc sống đẹp đẽ mà rất nhiều người lớn ngoài kia cần một lần bình tâm nhìn lại mình để cầu thị học hỏi và hoàn thiện.

Nguồn: HaTrang Doan Pham / coocxe.com