Úc: Cảnh báo tiền giả mệnh giá 100 đô la hết sức tinh vi.

Nhìn tờ 100 đô xanh mướt trong ví có lẽ sẽ khiến tâm trạng bạn tốt lên trông thấy. Nhưng hãy cẩn thận, rất có thể chúng sẽ là nguyên nhân khiến bạn mất tiền oan và bị xem là tội phạm.

 

 

Bạn đã bao giờ bị người khác nhìn với ánh mắt dò xét chỉ vì tờ 50 đô trên tay mình… trông giống tiền giả chưa? Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) mới đây đã nâng cao cảnh giác trước vấn nạn tiền giả tại đất nước này: hàng năm có đến hàng chục nghìn tờ được “tuồn” đi lưu thông!

Tiền giả là vấn đề hết sức đáng quan ngại hiện nay. Chẳng ai muốn chúng xuất hiện trong ví mình cả. Nếu chẳng may nhận phải tiền giả, bạn sẽ không được bồi thường hay hoàn lại. Nhưng cũng đừng vì tiếc của mà tìm cách tiêu số tiền đó, bởi nếu làm vậy tức là bạn đã phạm pháp.

Nghe có vẻ bất công, nhưng đó là cách duy nhất để ngăn chặn sự phát tán của tiền giả. Nếu có thể lấy được một khoản bồi thường vì nhận nhầm, sớm muộn gì cũng sẽ có nhiều người lợi dụng sơ hở đó để tranh thủ vơ vét. Vì vậy, khi đã cầm tiền trên tay, tất cả người dân Úc cần phải quan sát kĩ xem chúng là thật hay giả.

 

Tiền thật (trên) và tiền giả (dưới).

 

Tiền giấy mẫu mới
RBA đã ban hành giấy bạc 5 đô la mẫu mới vào năm 2016, sau đó là tờ 10 đô năm 2017. 6 tháng trước, tức năm 2018 vừa qua, họ chỉ giới thiệu tờ 50 đô la mẫu mới thay vì 20 đô. Động thái này được cho là để đối phó với tình trạng tiền giả, bởi những tay in tiền lão luyện đã quá quen với mẫu 50 đô cũ.

Theo số liệu thống kê trong biểu đồ dưới, 50 đô la là mệnh giá hay bị làm giả nhất.

 


Biểu đồ tiền giả theo mệnh giá.

 

Dĩ nhiên, vẫn còn cơ số những tờ 50 đô mẫu cũ còn lưu thông trên thị trường, thế nên người dân luôn phải cảnh giác. Tuy nhiên, mẫu 50 đô la mới ra đời sẽ giúp giảm thiểu tình trạng làm giả nhờ tính an toàn cao. Lúc này đây, tờ tiền 100 đô rất có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của nhóm tội phạm sản xuất tiền giả.

Biểu đồ trên cho thấy tình trạng làm giả tờ 100 đô la đã trở nên nghiêm trọng hơn từng ngày. Tiền mệnh giá 20 đô cũng chịu chung số phận. Hiện chúng ta chỉ có thể đặt hy vọng vào mẫu 20 đô la mới sẽ ra mắt vào tháng 10 này, để xem chúng có đủ an toàn để tránh việc bị giả mạo không.

Tỉ lệ tội phạm sản xuất tiền giả tại Úc không cao bằng Anh, nhưng lại là “gã khổng lồ” khi so sánh với các quốc gia khác như Canada hay New Zealand.

Victoria và NSW là hai tiểu bang có tần suất xuất hiện tiền giả cao nhất cả nước, chủ yếu do người dân tự mình báo cáo tình huống với cơ quan chức năng.

 


Cách phân biệt tờ 50 đô la.

 

Tiền giả “lộng hành”
Cách đây không lâu ở Queensland, trong lúc làm việc, một nhân viên tại trạm dịch vụ phát hiện tờ 50 đô đặt trên quầy trông có vẻ đáng nghi. Ngay lập tức, anh đã liên lạc với cảnh sát để báo cáo về nghi án tiền giả.

Nhân viên này cho biết màu sắc của tờ tiền nhìn rất lạ lùng, và đường nét thì dại. Không lâu sau đó, cảnh sát tìm được người đàn ông đã cố dùng tiền giả để đánh lừa nhân viên trạm. Họ phát hiện anh ta đang giữ một tờ 50 đô giả trong ví và 15 tờ khác trên xe.

Người đàn ông này cho biết anh ta được khách trả tiền hàng bằng những tờ 50 đô này. Anh ta nói rằng mình đã định giao nộp số tiền trên cho cảnh sát sau khi phát hiện chúng là đồ giả, tuy nhiên không thuyết phục được cơ quan chức năng. Xe của anh ta vẫn bị cảnh sát tịch thu.

Nhưng rồi cảnh sát nhanh chóng phát hiện một vấn đề khác: chốt cửa tự động trên xe của người đàn ông này bị lỏng. Sau khi kiểm tra kĩ, họ bàng hoàng phát hiện 290 tờ tiền giả mệnh giá 50 đô được giấu sau cánh cửa. Trong phiên xử diễn ra năm 2018 tại tòa án Brisbane, anh ta đã bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Tiền tệ Úc và nhận bản án 18 tháng tù.

Người đàn ông này dễ dàng sa lưới do sử dụng tiền giả quá lộ liễu. Tuy nhiên, tình hình đang ngày một gay go vì sự xuất hiện của tiền giả “công nghệ cao”. Có hơn 1/3 số tiền giả được sản xuất gần như giống hệt bản thật.

 

Thị trường hiện tại tràn ngập tiền giả với công nghệ tinh vi.

 

Chính phủ Úc đành chuyển sang dùng tiền polymer với hy vọng ngăn chặn hành vi làm giả của các tổ chức tội phạm. Song nỗ lực của họ vẫn thất bại, công nghệ sản xuất tiền giả luôn có cách để bắt kịp bước tiến của tiền thật do Ngân hàng phát hành. Hiện nay, hơn một nửa số tiền giả tại Úc được làm từ polymer.

 


Vấn nạn tiền giả đang trở nên hết sức phức tạp tại Úc.

 

Tiền vàng mã
Nhìn những số liệu trên, chắc bạn sẽ thắc mắc sao người Úc lại đi in tiền giả bằng giấy. Thực ra hành động này bắt nguồn từ tập tục dùng “tiền vàng mã” của họ. Người dân sẽ đốt những tờ giấy in hình tiền này để “gửi” cho người thân đã khuất của mình ở bên kia thế giới. Tuy tiền vàng mã không vi phạm pháp luật, nhưng chúng cũng không được phép trông quá giống tiền thật, nếu không sẽ khó tránh được nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng mang đi tiêu xài. Nếu phát hiện mẫu tiền giấy quá “thật”, cảnh sát thường sẽ tịch thu và tiêu hủy chúng.

Đôi khi họ sẽ may mắn tóm gọn số tiền giả trên trước khi chúng được phát tán khắp nơi. Song, phần lớn tiền giả chỉ bị phát hiện sau khi đã lưu thông trên thị trường được một thời gian, có khi lên đến cả năm trời! Tình trạng này đã dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trước tình trạng tiền giả ngày càng tinh vi, có lẽ ta nên cân nhắc việc gìn giữ thói quen đốt tiền giấy truyền thống và giảm tần suất sử dụng tiền mặt thì hơn.

Nguồn: news.com.au