Úc: Dự luật di trú cho phép di dân học tiếng Anh miễn phí dễ dàng hơn

Quyền Tổng trưởng Di trú Allan Tudge đã giới thiệu dự luật cho phép tiếp cận lớp học tiếng Anh miễn phí dễ dàng hơn. Ông cũng xác nhận rằng từ cuối năm 2021, những người nộp đơn xin visa bạn đời và người bảo lãnh là thường trú nhân sẽ phải nỗ lực hợp lý để bảo đảm việc học tiếng Anh của người nộp đơn.

“Nếu không biết tiếng Anh thì sẽ khó kiếm việc làm hơn, khó hòa nhập vào cộng đồng địa phương và khó tham gia vào nền dân chủ của Úc. Hiện chỉ có 13% số người không có kỹ năng tiếng Anh đang làm việc so với 62% số người thông thạo tiếng Anh. Những người nhập cư không biết tiếng Anh cũng có nguy cơ nắm bắt thông tin sai lệch và khó tìm sự giúp đỡ nếu chẳng may bị ngược đãi và bạo hành gia đình.”

Đó là phát biểu của quyền Tổng trưởng Nhập cư, Quốc tịch, Dịch vụ di trú và Các vấn đề Đa văn hóa Allan Allan Tudge khi đề xuất dự luật di trú tu chính năm 2020.

Dự luật sẽ tu chính Đạo luật Di trú  (Giáo dục) năm 1971, để cung cấp khả năng tiếp cận nhiều hơn đối với lớp học phí tiếng Anh miễn phí cho di dân đến Úc. Theo đó, sẽ bỏ giới hạn tối đa 510 giờ để học viên có thể tiếp tục học cho đến khi đạt trình độ tiếng Anh cần thiết.

Ông Tudge cho biết cuộc điều tra dân số năm 2016 cho thấy 820.000 người không giỏi hoặc không biết tiếng Anh, và khoảng một nửa trong số đó ở độ tuổi lao động.

Ông nói rằng những đề xuất tu chính có tính đến nghiên cứu cho thấy 510 giờ học tiếng Anh miễn phí không phải là khung thời gian thực tế để hầu hết di dân đạt trình độ tiếng Anh ở mức chấp nhận được và họ cần có thêm thời gian.

“Bản tu chính  này sẽ mang đến một thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc học ngôn ngữ quốc gia và mức độ hỗ trợ mà chính phủ cam kết cung cấp để thực hiện điều đó.”

Bà Cath Scarth là Giám đốc điều hành của dịch vụ định cư dành cho di dân và người tị nạn – AMES Australia. Bà hoan nghênh các biện pháp mới về xóa bỏ thời hạn ghi danh, bắt đầu học và hoàn thành khóa học tiếng Anh, và nói rằng học viên cần thêm thời gian để tiếp thu các bài học phù hợp cho cuộc sống của họ.

“Nhiều người sắp hết giờ học nhưng vẫn chưa đủ trình độ tiếng Anh cho công việc mà họ muốn làm, họ thất vọng và muốn tiếp tục học. Tôi cho rằng nhiều học viên gặp trở ngại trong cuộc sống và công việc khi chưa thạo tiếng Anh. Đây là một trong những thời điểm quan trọng để cho mọi người biết rằng số giờ học không bị giới hạn.”- bà Cath Scarth nói.

Ông Tudge cho biết thêm:

Liên đoàn các Hội đồng Sắc tộc Úc (FECCA)) cũng hoan nghênh những thay đổi này.  Chủ tịch Mary Patetsos nói rằng dự luật là một sự công nhận về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh để giúp di dân định cư ở Úc.

“Tổng trưởng Di trú đang chấp thuận một số biện pháp giúp việc học tiếng Anh linh hoạt và dễ dàng hơn. Triển khai các lớp học trực tuyến và dỡ bỏ các thời hạn để mọi người có thể học tiếng Anh trong khoảng thời gian dài hơn là rất quan trọng.”

Ông Tudge cũng xác nhận rằng từ cuối năm 2021, những người nộp đơn xin visa bạn đời và người bảo lãnh là thường trú nhân nếu chưa đủ trình độ tiếng Anh thì sẽ phải nỗ lực hoàn thành các lớp học này.

Bà Scarth nói rằng đó là một yêu cầu hợp lý, nhưng cần một số trợ giúp thêm cho những người chưa được giáo dục chính thức bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, chẳng hạn như những người đã trải qua những năm đầu đời trong các trại tị nạn.

“Tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người có thể học tiếng Anh và có cơ hội được học. Nó giúp ích cho việc làm của họ, giúp họ tiếp cận các dịch vụ quan trọng. Và tôi nghĩ rằng những nỗ lực hợp lý có nghĩa là hy vọng sẽ không có hình thức phạt đối với những người mà việc học tiếng Anh đối với họ là đặc biệt khó khăn.”