Úc: Những điều cần biết khi muốn mang hàng hóa và quà về Việt Nam
Một trong những vấn đề khiến giới du học sinh khi về quê thăm gia đình bạn bè, lo lắng là việc thất thoát hành lý, bị làm khó, vòi vĩnh tiền khi qua hải quan Việt Nam.
Được quy định tại mục 1, 2, 3, 4, 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/7/2002 “Quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế”, cụ thể như sau:
Rượu, đồ uống có cồn:
- Rượu từ 22 độ trở lên: 1,5 lít
- Rượu dưới 22 độ: 2,0 lít
- Đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít
Thuốc lá:
- Thuốc lá điếu: 400 điếu
- Xì gà:100 điếu
- Thuốc lá sợi: 500 gam
Chè, cà phê:
- Chè: 5 kg
- Cà phê: 3kg
Quần áo, đồ dùng cá nhân:
Số lượng phù hợp phục vụ cho mục đích chuyến đi. Số lượng phù hợp cụ thể là bao nhiêu và bao gồm nhưngx gì thì không thấy nói đến.
Chính chỗ lập lờ này là chỗ dễ khiến chúng ta bị làm khó nhất, chẳng hạn như bạn về VN trong 1 tháng, bạn đem theo 40 kg hành lý, đa số là quần áo, có nhiều quần áo mới, còn nguyên nhãn mác, bạn mới mua đem về mặc nhân dịp Tết, bạn thấy số lượng đó là vừa đủ nhưng cán bộ hải quan lại cho số lượng đó là quá nhiều.
Các vật phẩm khác ngoài mục 1,2,3,4:
Không nằm trong Danh mục hàng cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện và tổng trị giá không quá 5.000.000 (năm triệu) đồng Việt Nam.
Trường hợp hàng hoá nhập khẩu vượt tiêu chuẩn được miễn thuế thì phần vượt định mức phải nộp thuế nhập khẩu.
Nếu tổng số tiền thuế phải nộp đối với phần vượt dưới 50 (năm mươi) nghìn đồng thì được miễn thuế đối với cả phần vượt.
Người nhập cảnh được chọn vật phẩm để nộp thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm.
Ngoài ra tại Điểm b.5 Khoản 4 Điều 104 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
Đối với cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam, ngoài tiêu chuẩn hành lý cá nhân còn được miễn thuế số hàng hoá mang theo có trị giá không quá 01 (một) triệu đồng hoặc trị giá hàng hoá vượt quá 01 (một) triệu đồng nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 50 (năm mươi) nghìn đồng để làm quà biếu, tặng, vật lưu niệm (không phải làm thủ tục xét miễn thuế nhập khẩu).”
Về thuế nhập khẩu hàng hóa: Nếu hàng hóa vượt định mức miễn thuế nêu trên thì sẽ phải thực hiện nghĩa vụ về thuế theo luật hiện hành, bao gồm thuế nhập khẩu,Thuế GTGT (nếu có), Lệ phí làm thủ tục hải quan.
Mặt hàng Điện thoại di động đã qua sử dụng mà muốn mang theo trên 2 chiếc có thể tham khảo phân loại mã HS 8517.12.00, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là 0%, thuế GTGT: 10%.
Bạn có thể tìm nội dung các văn bản ở mục THƯ VIỆN VĂN BẢN PHÁP LUẬT trên Cổng thông tin điện tử Hải quan theo địa chỉ http://www.customs.gov.vn
Nắm được các thông tin căn bản này, các bạn có thể yêu cầu nhân viên hải quan giải thích cụ thể về các yêu cầu của họ đối với bạn.
Mua thêm hành lý
Từ ngày 31-3-2015, ngoài 7kg hành lý xách tay và 20kg hành lý ký gửi có sẵn, tất cả hành khách khi mua vé của Vietnam Airlines (ngoại trừ trẻ nhỏ dưới 2 tuổi) có thể mua thêm gói hành lý thông qua website hoặc tại các phòng vé của hãng, tối thiểu 6 tiếng trước giờ chuyến bay khởi hành..
Hành khách phải sử dụng mã đặt chỗ của Vietnam Airlines và email đăng ký khi mua vé để mua Hành lý trả trước trên Website.
Ví dụ 15h chiều bay thì muộn nhất 8h50 sáng phải vào mua thêm (vì đúng9h sáng là khóa sổ, bạn có 10 phút thao tác).
Cước phí trả trước cho hành lý ký gửi được bán theo gói 5kg với mức giá từ 80.000 VNĐ/gói với chặng bay nội địa và từ 10 USD/gói với chặng bay quốc tế (tùy từng hành trình). Mỗi hành khách được mua tối đa 10 gói tương đương 50kg.
Tính ra cũng hơi đắt bà con nhỉ?! Ví dụ, bà con muốn mua thêm 20kg quà cáp, tương đương 4 gói hành lý (4 × 5kg = 20kg). Tiền phải trả thêm là 4 × 80.000 = 320.000 đồng.
Tuy nhiên cũng có điểm hay là nếu chỉ cần mua thêm 5kg cũng được, phù hợp với ai bị quá cân chút xíu.
Gói cước trả trước cho hành lý ký gửi chỉ được bán trên các chuyến bay do Vietnam Airlines trực tiếp khai thác (trừ một số đường bay nội địa khai thác bằng tàu bay ATR72) và tuân theo quy định về tiêu chuẩn hành lý ký gửi của Vietnam Airlines.
Ví dụ, các chặng Hà Nội – Điện Biên/Chu Lai… thì không mua thêm gói hành lý được, vì các chặng này chỉ bay bằng ATR72 thôi.
Tuy nhiên một số chặng như Đà Nẵng – Nha Trang/Hải Phòng bay bằng ATR72 nhưng vẫn có thể mua thêm gói hành lý nhé.
Bên cạnh đó, hãng vẫn áp dụng tính cước phí hành lý tại sân bay và hành khách sẽ trả cước theo số cân hành lý thực tế quá tiêu chuẩn miễn cước.
Nên nhớ là các hãng hàng không cho phép bạn để laptop, máy ảnh riêng và không tính vào số ký của hành lý xách tay, vì vậy, hãy mang riêng chúng lên người và chỉ cân túi xách tay của bạn.
Mặc đồ nhiều lớp nhưng thoải mái và tiện di chuyển, lấy áo khoác len mỏng khoác lên người, sau đó đến jacket, sau đó đến lớp áo lông/ áo măng tô cỡ lớn, khăn choàng và nón, găng tay cũng nên lấy ra mang hết lên người.
Sau khi cân hành lý xong, lên máy bay các bạn có thể tháo ra ngay và xếp lại vào túi xách.
Hạn chế hành lý bị hư hại, mất cắp
Nên ghi rõ tên, họ, địa chỉ bên ngoài. Cho đồ dùng vào túi nylon trước khi bỏ vào valy, dùng valy nhựa thay cho valy vải. Xếp các đồ nhỏ, mềm, dễ rút ở bên trong, đồ to, cứng ở vòng ngoài.
Chất lỏng, gel, dù chưa dùng cũng nên dùng băng keo dán kỹ phần nắp lại
Sau khi cân ký check-in thì dùng dây khoá lại, dây chứ không chỉ ổ khóa nhỏ mong manh.