Vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc: Làm để sống hay làm để c.hết?
Hàn Quốc là một xã hội đòi hỏi người ta phải làm việc quá sức. Họ yêu cầu bạn phải làm việc nhiều giờ. Họ nghĩ rằng làm việc trong thời gian dài có nghĩa là làm việc tốt và hiệu quả.
Chết vì làm việc quá sức
Park Hyun-suk rất lâu mới có thể tìm lại được bức ảnh của cô với chồng mình, chồng cô mất vì gwarosa (chết vì làm việc quá sức).
“Tôi nghĩ chúng tôi có chụp vài bức ảnh cùng nhau”, cô nói vào tìm kiếm trên chiếc điện thoại của mình. “Chúng tôi không chụp bức ảnh nào với nhau trong chuyến đi đó à?”
Khi con gái của cô cố gắng nhớ lại, Park cuối cùng cũng tìm được một bức ảnh chồng cô trong bộ quần áo lao động, một bộ đồ bảo hộ chống nhiễm khuẩn màu trắng và kín tới đầu. Park chia sẻ với CNN: “Khi anh ấy bắt đầu làm việc vào năm 2015, công ty mới chỉ có 30 nhân viên. Đến gần thời điểm anh ấy qua đời, công ty đã có 80 nhân viên nhưng nhiệm vụ của anh ấy vẫn không hề giảm bớt.”
Chae Soo-hong – chồng của Park Hyun-suk làm việc tại một nhà cung cấp thực phẩm chuyên sản xuất jangjorim (thịt bò được ninh trong nước sốt đậu nành). Nhiệm vụ chính của anh là đảm bảo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn và đúng thời hạn.
Trong tuần, anh sẽ đi đến nhà máy của các công ty và giám sát quy trình sản xuất. Vào thứ Bảy, anh đến văn phòng để làm các thủ tục giấy tờ. Kể cả sau khi về tới nhà, công việc của anh vẫn chưa kết thúc, dù đó không phải là công việc chính của anh. Buổi tối Chae phải nhận những cuộc điện thoại từ các nhân viên nhà máy, chủ yếu là những lao động nhập cư, họ cần sự trợ giúp để điều chỉnh cuộc sống tại Hàn Quốc.
Vợ chồng cô Park và anh Chae
Khi khối lượng công việc vẫn tiếp tục tăng, Chae vẫn phải làm việc nhiều hơn, đến mức khi ở nhà, anh mệt mỏi và dành hầu hết thời gian để ngủ.
Chae qua đời vào một ngày tháng 8 năm 2017. Buổi sáng, khi chuẩn bị đi đến văn phòng như mọi ngày cuối tuần khác, anh đã phàn nàn về sự mệt mỏi nhưng Park lại không nghĩ ngợi nhiều, bởi anh luôn mệt mỏi. Cô nói: “Đáng lẽ ra tôi nên nhìn thấy rằng anh ấy đang không ổn. Hôm đó anh ấy không trở về nhà.” Đồng nghiệp của Chae thấy anh ngã quỵ trong văn phòng. Nguyên nhân cái chết đến nay vẫn chưa được xác định.
Chae là một trong hàng trăm người chết do làm việc quá sức vào năm 2017, theo số liệu của chính phủ. Trong các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số giờ làm việc trung bình của người Hàn Quốc cao hơn tất cả các nước khác và cao hơn gần 50% so với nước Đức – quốc gia cũng biết đến nhiều bởi tình trạng làm việc quá sức.
Vào tháng 7, chính phủ đã ban hành quy định giảm số giờ làm việc tối đa từ 68 tiếng/tuần xuống còn 40 tiếng, với 12 tiếng làm việc thêm giờ, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng đây là “cơ hội quan trọng để xoá bỏ tình trạng xã hội làm việc quá sức và hướng tới một xã hội dành nhiều thời gian cho gia đình.”
“Điều quan trọng nhất là, đây sẽ là một giải pháp cơ bản để bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của người dân bằng cách giảm số lượng người chết do công việc quá tải, tai nạn trong công nghiệp và ngủ gật khi lái xe”, ông Moon cho biết.
Chật vật trong quá trình đòi bồi thường
Nhưng đối với những gia đình phải trả giá cho tình trạng làm việc quá sức, nỗi khổ vẫn là dai dẳng, đó là “trận chiến” đòi bồi thường.
Park sớm nhận ra rằng việc này phức tạp hơn nhiều so với những gì cô nghĩ trước đây. Cơ quan Bồi thường tai nạn lao động và Phúc lợi Hàn Quốc (COMWEL) yêu cầu cô phải chứng minh rằng Chae qua đời khi đang làm việc. Cô nói: “Đó là điều rất khó khăn. Anh ấy thường rời khỏi nhà lúc 7 giờ sáng và về nhà lúc 10 giờ tối nhưng lại không có nhật ký công việc về số giờ làm việc.”
Cơ hội đến khi cô phát hiện ra một trạm thu phí ở gần đường cao tốc mà chồng cô đi qua hàng ngày có gắn camera giám sát. Tuy nhiên sau đó, bởi Chae đến một văn phòng khác làm việc vào mỗi thứ Bảy nên Park không thể tìm được đoạn băng vào ngày định mệnh ấy.
Trong khi luật của Hàn Quốc không chính thức công nhận trường hợp chết do quá tải công việc, COMWEL lại thường thụ lý các trường hợp đau tim hoặc đột quỵ do 60 giờ làm việc mỗi tuần trong 3 tháng – được coi là chết vì làm việc quá sức và gia đình những người đã qua đời sẽ nhận được tiền bồi thường nếu họ là thu nhập chính.
Kể cả khi không lấy được bằng chứng về ngày hôm đó, thì Park vẫn có thể cho thấy rằng chồng cô đã làm việc cật lực 180 tiếng trong một tuần, là nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh. Đây là một trong số ít những trường hợp được COMWEL phê duyệt đối với gwarosa.
Nỗi ám ảnh
Một tháng sau khi Chae qua đời, Park và rất nhiều người khác tập trung lại một lớp học nhỏ gần bờ sông Hàn. Những người tham gia không có nhiều điểm chung, ngoại trừ một việc, họ đều mất đi người thân của mình, thường là chồng hoặc cha, bởi làm việc quá sức.
Kang Min-jung thành lập nhóm này sau khi chú của cô, người đã nuôi dạy cô từ nhỏ, qua đời vì công việc. Cô chia sẻ: “Khi ông ấy mất, tôi đã hỏi tại sao. Tại sao ông ấy phải làm việc quá nhiều. Tôi quyết định nghiên cứu về những cái chết do quá tải công việc tại Nhật Bản.”
Và Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với tình trạng này. Nhật Bản có rất nhiều trường hợp tìm đến cái chết hoặc đột tử vì áp lực công việc.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có giờ làm việc dài nhất thế giới
Khi trở lại Hàn Quốc, Kang bắt đầu tổ chức những buổi gặp mặt cho những người bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân này, với rất nhiều người không nhận thức rõ về vấn đề hoặc những người có thể nhận được khoản bồi thường theo luật lao động của quốc gia. Sự mù quáng đối với công việc khiến rất nhiều người có nguy cơ tử vong khi làm việc.
Cô Park Hyun-suk nói: “Anh ấy hẳn đã nghĩ làm việc như thế là điều bình thường. Anh ấy là thuộc thế hệ “boomber” (thế hệ “ăn bám”), bị ám ảnh bởi suy nghĩ phải làm việc chăm chỉ và làm tròn bổn phận là người đàn ông trong gia đình. Anh ấy không hề phàn nàn và cũng không nghỉ ngơi.”
Park chia sẻ thêm: “Hàn Quốc là một xã hội đòi hỏi người ta phải làm việc quá sức. Họ yêu cầu bạn phải làm việc nhiều giờ. Họ nghĩ rằng làm việc trong thời gian dài có nghĩa là làm việc tốt và hiệu quả.”
Đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khả quan hơn
Kim Woo-tark, một luật sư lao động tham gia vào các buổi gặp gỡ của cô Kang, cho biết văn hoá làm việc quá sức là “tàn dư” của cuộc Chiến tranh Triều Tiên – xung đột đang diễn ra hình thành nhiều khía cạnh của xã hội Hàn Quốc.
Việc Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền hứa hẹn sẽ có chính sách giảm bớt giờ làm việc và cải thiện các điều kiện. Chính sách làm việc tối đa 52 tiếng mỗi tuần đã có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm nay, nhưng việc thực thi sẽ phải chờ đến tháng 1 năm 2019 và ban đầu sẽ chỉ giới hạn với công ty có hơn 300 nhân viên.
Một trong những công ty đầu tiên áp dụng chính sách này là Korea Telecom. Hiện tại, các công nhân có thể nhìn thấy thời gian hiển thị trên màn hình và quản lý khuyến khích họ về nhà thay vì làm việc thêm giờ.
Kim Jung-jun, làm việc tại bộ phận PR của công ty này, cho biết người giám sát bộ phận này sẽ rung chuông mỗi ngày và nói thật to: “đến giờ về nhà rồi, mọi người hãy kết thúc công việc của mình.”
Trong 3 tháng kể từ khi luật bắt đầu có hiệu lực, Kim cho biết anh có thể ngủ nhiều hơn và dành nhiều thời gian hơn với gia đình và bạn bè.
Luật này cũng mang đến nhiều lợi ích cho xã hội hơn. Bộ Lao động Hàn Quốc công bố đã có 43.000 cơ hội việc làm được tạo ra, bởi các công ty phải thuê thêm lao động thay vì ép nhân viên làm việc thêm giờ.
Theo Thời đại/CNN