Vì sao 63% chuyên gia Phố Wall dự báo giá vàng tăng mạnh trong tuần này?
Dù giá kim loại quý đi xuống khi vừa mở cửa giao dịch tuần mới nhưng cả giới phân tích lẫn nhà đầu tư đều dự đoán, kim loại quý sẽ tiếp tục đi lên trong tuần này khi lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt, đồng USD giảm và nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang kênh đầu tư an toàn hơn.
Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và thế giới từ mức 19 triệu đồng nay giảm còn hơn 15 triệu đồng mỗi lượng.
Hôm nay (14/11), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết mua vào – bán ra trong khoảng 66,5- 67,5 triệu đồng/lượng.
So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước đã tăng thêm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Còn so với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng hôm nay đã giảm 6,9 triệu đồng mỗi lượng.
Hiện biên độ giá mua và bán vàng được duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng, bằng với mức giá các tuần liền kề trước đó, và tăng 200.000 đồng so với các tuần tháng trước.
Giá vàng thế giới ngày 14/11 đang ở 1.762,5 USD/ounce, giảm 11 USD/ounce so với 1 tuần trước.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh, mua bán quanh mức 53,65- 54,65 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với đầu tuần trước. Biên độ chênh lệch giá mua – bán vàng trang sức đầu tuần này tiếp tục duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn hiện đang tăng – giảm theo sát giá vàng thế giới. Trong khi đó, giá vàng SJC không biến động theo chiều giá vàng thế giới, mà phụ thuộc vào thị trường trong nước là chủ yếu.
Như vậy, giá vàng nhẫn tăng thêm 1,8 triệu đồng/lượng so với cách đây 1 tháng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC gần như không thay đổi dù giá vàng quốc tế tăng 100 USD/ounce. Nhờ vậy, khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp lại sau nhiều tháng ở mức chênh cao kỷ lục là 19 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá thấp hơn giá vàng SJC khoảng 15 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng trang sức gần 2 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng mở cửa giao dịch đầu tuần ở mức 1.762,5 USD/ounce. Trước đó, giá vàng quốc tế đã có một tuần tăng mạnh tới gần 90 USD/ounce (tương đương mức tăng khoảng 2,6 triệu đồng/lượng). Dù giá kim loại quý đi xuống khi vừa mở cửa giao dịch tuần mới nhưng cả giới phân tích lẫn nhà đầu tư đều dự đoán, kim loại quý sẽ tiếp tục đi lên trong tuần này khi lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt, đồng USD giảm và nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang kênh đầu tư an toàn hơn.
Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.761,6 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.764 USD/ounce. Trong tuần qua, giá vàng đã tăng 5%, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 4/2020 đến nay. Những lo ngại về suy thoái kinh tế, sự lo lắng trên thị trường tiền điện tử, cùng với mức lạm phát yếu đi tăng thêm yếu tố cho thị trường suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm tốc độ tăng lãi suất trong kỳ họp tới, đồng nghĩa giá USD sẽ tiếp tục giảm… Những thông tin này đang hỗ trợ cho đà tăng giá của vàng.
Các nhà phân tích Phố Wall và các nhà đầu tư Phố Main đang kỳ vọng giá vàng sẽ còn cao hơn trong tuần này.
Có tổng cộng 19 chuyên gia thị trường đã tham gia cuộc khảo sát Phố Wall của Kitco News. 12 nhà phân tích, tương đương 63%, nói rằng vàng tăng giá; 2 nhà phân tích, tương đương 11%, dự báo vàng sẽ giảm giá; 5 nhà phân tích, tương đương 26%, cho rằng giá vàng có chiều hướng đi ngang.
Ở một khảo sát với các nhà đầu tư cá nhân, 905 người được hỏi đã tham gia các cuộc thăm dò trực tuyến. Trong đó có 588 nhà đầu tư, tương đương 65% nói rằng vàng tăng giá; 199 người, tương đương 22%, dự đoán vàng sẽ giảm, trong khi 118 người còn lại, tương đương 13%, cho rằng thị trường đi ngang.