Vì sao trẻ em Mỹ rất tự tin, còn trẻ em Việt luôn tự ti?
Sự tự tin thật sự được vun đắp qua cách giáo dục trẻ từ khi còn nhỏ. Hãy luôn tin tưởng rằng, dù trẻ có giỏi giang hay không, học ngành gì, trường nào, thậm chí dù trẻ không vào đại học thì chỉ cần có phẩm chất tốt và lý tưởng sống thì nhất định sẽ tìm ra được bầu trời của riêng mình trong tương lai.
Cha mẹ Mỹ luôn dành cho con tình yêu vô điều kiện
Nghe có vẻ không liên quan, nhưng các nhà tâm lý học tin rằng, sự tự tin của trẻ con phần lớn có nguồn gốc từ tình yêu vô điều kiện của cha mẹ. Ngay từ khi mới chào đời cho đến suốt cuộc sống sau này của trẻ, cha mẹ Mỹ luôn để con biết rằng: dù con nặng cân hay còi cọc, khỏe mạnh hay ốm yếu, thông minh hay chậm chạp, xinh xắn hay xấu xí… thì con vẫn là người đặc biệt và cha mẹ luôn yêu con. Điều đó giúp trẻ con Mỹ luôn cảm thấy tự tin. Chúng hiểu rằng, mỗi người đều đặc biệt theo cách riêng và chúng không cần so sánh bản thân mình với ai cả.
Dù con nặng cân hay còi cọc, khỏe mạnh hay ốm yếu, thông minh hay chậm chạp, xinh xắn hay xấu xí…thì con vẫn là người đặc biệt và cha mẹ luôn yêu con.
Tại một số nước Châu Á, ngay từ bé, trẻ em thường bị cha mẹ so sánh về cân nặng, chiều cao với các bạn cùng trang lứa, lớn lên thì bị áp lực bởi điểm số, bằng cấp. Ở Việt Nam, nhiều bậc phụ huynh còn tỏ ra ngại ngùng trong việc thể hiện tình yêu với con, đặc biệt là trước mặt người lạ. Đôi khi, họ cố tình chê bai con cái với suy nghĩ như vậy sẽ khiến bé cảm thấy cần cố gắng hơn nữa. Tuy nhiên, cách làm này thường đem lại những kết quả không mấy tích cực. Bởi vì tâm lý trẻ con còn rất non nớt, chúng sẽ cảm thấy tự ti vì chưa bằng người khác, và cảm thấy cha mẹ chưa hài lòng về mình.
Thay vì áp đặt những lý tưởng chưa thực hiện được lên con cái hoặc ép trẻ thay mình hoàn thành những ước mơ bị bỏ dở, cha mẹ nên hiểu rằng, mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm riêng, và cần khuyến khích con cái sống với chính mình, phát huy sở trường, khắc phục điểm yếu. Điều tốt nhất cha mẹ nên làm cho con cái là tin tưởng, lắng nghe và thấu hiểu chúng, từ đó đưa ra những chỉ dẫn tốt nhất cho tương lai của trẻ.
Nếu tình yêu thương của cha mẹ là có điều kiện, ví dụ như: con phải học giỏi thì cha mẹ mới hài lòng, con phải giành được giải thưởng trong kì thi Olympic toán học thì cha mẹ mới vui…, lúc này trẻ dễ bị hoài nghi chính mình, đánh mất tự tin vào bản thân, đồng thời trẻ sẽ cảm thấy tình yêu thương và quan tâm của cha mẹ như một sự “trao đổi”. Nếu cha mẹ cứ đặt ra tiêu chuẩn quá cao và thiếu thực tế thì trẻ sẽ trở nên căng thẳng, lo lắng, suy tính thiệt hơn.
Trẻ em Mỹ trưởng thành trong sự tôn trọng từ cả gia đình và trường học
Các trường học và gia đình ở Mỹ luôn đề cao “giáo dục cổ vũ” và “giáo dục tôn trọng”. Giáo viên ở trường rất tôn trọng học sinh. Bất kể những câu hỏi của học sinh có ngô nghê đến đâu, các giáo viên đều trả lời rất tận tình, và thường kèm theo những câu nói động viên như: “Đây là một câu hỏi rất thú vị” hay “Em đã hỏi đúng vấn đề quan trọng nhất”… Giáo viên luôn giúp trẻ cảm thấy thoải mái và can đảm nêu ý kiến. Khi một đứa trẻ được đánh giá cao, chúng sẽ cảm thấy vui vẻ và tự tin hơn. Ngược lại, những đứa trẻ hay bị khiển trách, phê bình sẽ cảm thấy mặc cảm, từ đó mất đi tự tin trong cuộc sống.
Các trường học Mỹ luôn đề cao “giáo dục cổ vũ” và “giáo dục tôn trọng”. Nguồn ảnh: ecomanta.com
Các trường học ở Mỹ cũng rất coi trọng các hoạt động ngoại khóa nhằm giúp trẻ phát triển kỹ năng sống và sự tự tin. Họ thường tổ chức các chương trình văn nghệ, mỗi đứa trẻ sẽ lên trình bày một tài năng của mình. Các phụ huynh sẽ ngồi ở dưới, cùng lấy máy quay để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Và đương nhiên, tiết mục nào cũng nhận được những tràng pháo tay nhiệt tình nhất.
Mỗi bé đều có ưu điểm riêng và đều cần được tôn trọng, giúp đỡ để phát huy tài năng. Một cậu bé có thể không giỏi toán nhưng có tài lãnh đạo, một cô bé có thể không giỏi văn nhưng vẽ rất đẹp… và tất cả đều được tôn trọng như nhau.
Cha mẹ Mỹ tôn trọng trẻ như một người trưởng thành: trước khi vào phòng phải gõ cửa, muốn dùng đồ của con phải có sự đồng ý, quyết định điều gì cũng cần thảo luận với con, nhật ký của con thì không được quyền mở ra đọc… Họ hiểu rằng, một đứa trẻ không được tôn trọng không chỉ mất đi tự tin, mà còn không biết tôn trọng người khác.