Việt kiều chịu không nổi với tiệc cô – ca của người Mỹ

Một Việt kiều sốc nặng với những bữa tiệc chỉ uống cô – ca, không một giọt rượu của một số gia đình người Mỹ

Hồi mới sang Mỹ đến Miami nằm phơi nắng ngoài biển mà thấy “nhạt miệng” quá nên tôi phải chạy vô khách sạn lên phòng đổ bia vào vỏ cô-ca rồi lén đem ra ngoài bãi nốc.

Phải thành thật thú nhận trước: Tôi là “đệ tử của lưu linh”. Tất nhiên không phải thuộc dạng nghiện ngập nhưng vì “ham vui” nên uống cũng dữ.

Vốn dĩ mang dòng máu của dân Việt Nam uống bia thay nước lọc, tôi lại còn ở Nga gần 30 năm, nơi Vodka được tính là “quốc tửu” nên chắc vì vậy tửu lượng của tôi mới khá như vậy.

Mà đối với cánh đàn ông cả ở Nga lẫn Việt Nam thì ai uống được nhiều thường được kính nể hơn. Vậy mà khi sang Mỹ thì tôi không dám “khoe khoang” cái tài uống rượu của mình. Vì chả có ai “kính nể” cả (họa chăng là mấy thằng bạn nhậu thâm niên gốc Việt).

{keywords}

Gặp mặt ở Nga là uống thâu đêm, có người say gục ngay trên bàn.

Ở Việt Nam nhậu ra sao thì ai cũng đã biết và đã nhiều người viết về điều này. Thiên hạ thường nói nếu không biết nhậu thì sẽ mất bạn bè, mất đối tác (số đông là vậy) – đó là thực tế hiển nhiên chứ không phải là sự biện hộ cho việc uống rượu bia của những người hay nhậu. Có thể nói đó là một nét “văn hóa” của người Việt (“văn hóa” không phải lúc nào cũng tốt đâu nhé!).

{keywords}

Buổi sáng thức dậy mặt ai cũng phờ phạc nhưng có người vẫn “tráng miệng” bằng một ly rượu. Ảnh chụp ở Nga, tác giả ngoài cùng bên trái.

Ở Nga có nét tương đồng với Việt Nam ở việc …”nhậu “. Dân Nga theo tôi nghĩ thì còn uống nhiều hơn cả dân Việt. Nhưng khác với Việt Nam, dân Nga không uống vì công việc mà chẳng qua bản tính của họ là thế – có người còn lập luận rằng dân Nga uống nhiều để …chống chọi với cái lạnh.

Người Nga ưa lễ hội, tôi đã từng tham gia những bữa nhậu kéo dài liên tục trong 2-3 ngày rồi. Họ có câu ví von rất ngộ: “Đám cưới mà không có đánh nhau thì không phải là đám cưới”. Bởi đám cưới thì phải có nhậu nhẹt, nhậu vào rồi thì đấm nhau. Nhưng được cái người Nga họ cục mịch nhưng tốt bụng, không thù dai như người Việt mình – đấm nhau cho sưng vù mặt mũi xong rồi lại ngồi bá vai nhau uống tiếp. Khi mời ai đó cụng ly mà bị từ chối, người Nga hay nói câu: “Mày (anh, chị) không tôn trọng tao (tôi) à?”. Bị hỏi thế thì ai mà dám từ chối nữa (nếu không muốn ăn đấm).

Còn ở Mỹ thì sao?

Tôi nhớ đã bị sốc nặng khi lần đầu tiên đi “ăn tiệc” tại gia đình “Mỹ trắng”. Hồi đó tôi mới tới Mỹ được hơn một tháng, đang ở nhà đứa em tại vùng Atlanta. Vào đêm Giáng sinh, một gia đình Mỹ – cạnh bên nhà người em, mời các gia đình láng giềng tới dự tiệc. Người em có cẩn thận hỏi trước là có thể mang Champagne sang không thì chủ nhà lắc đầu bảo nếu có mang thì mang thêm món ăn dân tộc đặc trưng nào đó.

Lúc sang nhà hàng xóm dự tiệc tôi hết sức ngạc nhiên. Khác hẳn ở Nga khi có tiệc thì mọi người vây quanh bàn rất trịnh trọng, nâng ly chúc tụng – còn ở đây (Mỹ) thì tiệc đứng, chén dĩa, thìa muống bằng giấy, ai muốn ăn gì thì tự lấy rồi tiến đến góp mặt với một nhóm thích hợp nào đó, vừa ăn vừa trò chuyện. Ngạc nhiên hơn nữa bởi tuy tiệc lễ Giáng sinh nhưng trên bàn tuyệt nhiên không có một chai rượu bia nào cả – tuyệt nhiên không!

{keywords}

Bữa tiệc Giáng sinh không một giọt rượu bia ở Mỹ mà tác giả tham dự.

Cứ ngỡ mình “bị xui” gặp nhà “Mỹ trắng sùng đạo” nên không được uống rượu nhưng sau này tôi lại rơi vào một hoàn cảnh tương tự.

Khi ở Boston, để học tiếng Anh cho hiệu quả nên tôi “cố tình” kết bạn với dân bản xứ. Một lần cậu bạn (cũng là dân “Mỹ trắng” luôn) dẫn tôi đến một cuộc họp mặt với đám bạn của cậu ấy. Tôi nói sẽ mang bia tới thì cậu ấy nói đừng, mang cô-ca là được rồi.

Tới nơi cả bọn cả nam lẫn nữ, tuổi còn trẻ, tụ tập nướng thịt BBQ, chuyện trò sôi nổi … nhưng tuyệt nhiên cũng không một giọt rượu bia nào. Tôi lại bị sốc tiếp. Bởi nếu vào hoàn cảnh tương tự như ở bên Nga cùng với lứa tuổi này thì nhất định sẽ nhậu nhẹt, hát hò, nhảy múa… suốt đêm cho tới sáng. Nói chung là bị sốc hoài hoài!!!

Phần lớn dân Mỹ ít uống hơn so với dân Việt và dân Nga. Dùng từ “dân Mỹ” ở đây cũng rất trừu tượng vì “dân Mỹ” thì bao gồm bao sắc tộc: Á, Âu, Phi, Mỹ Latin …đủ cả. Dân Mỹ mà gốc Việt Nam thì uống vẫn dữ nhưng chắc vẫn thua dân Việt Nam ở Việt Nam. Dân Mỹ gốc châu Âu (gọi nôm na là Mỹ trắng) thì hầu như rất ít thấy họ uống (đó là nhận xét chủ quan của bản thân tôi ). Các chủng tộc còn lại thì cũng uống nhưng có lẽ không bằng dân Việt – có điều họ uống rồi thì hay quậy.

{keywords}

Họp mặt thanh niên ở Mỹ cũng chỉ uống cô-ca hoặc cà phê.

Việc ở Mỹ người ta ít uống rượu ngoài vì lý do thói quen ra thì còn một lý do quan trọng nữa là vì Luật pháp Mỹ rất nghiêm trong việc sử dụng rượu bia. Ở một số tiểu bang nghiêm cấm các cửa hiệu bán rượu bia sau 10 giờ tối và cuối tuần. Bạn vào cửa hàng vẫn thấy rượu bia bày ra đó nhưng nếu bạn mang ra quầy tính tiền sẽ bị từ chối.

Luật Mỹ còn nghiêm cấm tuyệt đối việc sử dụng bia rượu nơi công cộng. Hồi mới sang Mỹ đến Miami nằm phơi nắng ngoài biển mà thấy “nhạt miệng” quá nên tôi phải chạy vô khách sạn lên phòng đổ bia vào vỏ cô-ca rồi lén đem ra ngoài bãi nốc.

Có lần đi cắm trại ở một công viên cạnh một dòng suối đẹp như tranh vẽ. Nghĩ thầm: phải chi ở Nga để vất xuống lòng suối nước lạnh buốt vài chai Vodka hay thùng bia nhỉ ? Còn ở đây thì cả bọn túm tụm nướng thịt, uống với cô-ca và nước trái cây. Thi thoảng cảnh sát lại đi xe đạp lòng vòng qua, ngó vào xem có ai uống bia rượu không?

Theo Luật Mỹ thì phải đủ 21 tuổi mới được sử dụng chất có cồn. Vậy nên bạn thường bị hỏi ID (thẻ căn cước) khi ở trong quán bar hay khi đi mua rượu. Bản thân tôi cũng bị hỏi ID hoài à- đôi khi tôi cười nói tôi già lắm rồi thì được trả lời đây là Luật bắt buộc phải làm thế.

Còn tội uống rượu mà lái xe thì nặng lắm! Vừa mất nhiều tiền phạt, vừa phải mất thời gian đi học Luật giao thông lại, vừa bị bảo hiểm tăng điểm tức phải đóng bảo hiểm cao hơn và còn bị lưu vào hồ sơ đến 10 năm nữa – khỏi hy vọng xin được việc làm lương cao!

Đấy, luật Mỹ nghiêm vậy đó. Vậy Người Mỹ có rượu bia không? Có chứ! Nhưng chủ yếu người ta uống ở quán bar. Khi uống họ cũng náo nhiệt, ồn ào nhưng chủ yếu là để cổ vũ những chương trình thể thao đang phát trên TV.

Khác với người Việt khi nhậu thì hay nâng ly và hét “dzô, dzô …”. Còn người Nga mỗi lần nâng ly thì thường nói những lời chúc tụng “có cánh”.

Thế nếu ai hỏi tôi có từ bỏ bia rượu không? Thật lòng trả lời là không. Nhưng sẽ cố gắng hạn chế. Bia rượu vào thì vui nhưng hại sức khỏe lắm. Hư gan hết trơn. Và chưa kể có thể bị vướng vào vòng lao lý nữa.

Thôi, như ngạn ngữ Nga ấy: “Uống! Nhưng hãy biết chừng mực!”

Misha Đoàn (Từ Boston, Mỹ)