Việt kiều hồi hương: Xin đừng mong chờ những chai rượu Tây, nước hoa đắt tiền khi người thân mình từ xứ người trở về
Những kẻ tha hương mong ngày về quê thăm gia đình và người thân, thế nhưng có một nỗi khổ mang tên “Việt kiều” ám ảnh họ, đôi lúc khiến họ chùn chân.
Hôm rồi đi uống cà phê nhân mùa giáng sinh, mùa năm mới tràn về trên khắp nước Đức. Trời nước Đức vào đông lạnh sắt, cắt da cắt thịt. Gọi tách cà phê sữa nóng, tôi trò chuyện cùng vợ chồng chú Hậu.
Chật vật mưu sinh nơi đất khách
Vợ chồng chú Hậu sang Đức mấy chục năm về trước. Hai ông bà bươn chải đầu tắt mặt tối với đủ thứ công việc, về sau ổn định tài chính thì mở nhà hàng Việt. Tôi nói với chú Hậu rằng sống ở Đức sướng, không phải lo ăn ở vì nhà nước có trợ cấp thất nghiệp, nghèo khó. Đức có chính sách giáo dục, an sinh xã hội không phải ưu đãi nhất châu Âu, nhưng người yếu thế được nhà nước hỗ trợ khá nhiều.
Nhưng phải biết thêm, nhà nước Đức giúp đỡ là một chuyện, còn bà con người Việt qua đây, ai cũng phải cố gắng làm việc cật lực. Theo quan sát của tôi, phần đông họ mở quán ăn châu Á, mở cửa hiệu bán thực phẩm châu Á, bán quần áo, làm móng tay hay làm thuê những công việc chân tay như chạy bàn, rửa bát đĩa. Tôi phụ giúp một quán ăn người Việt mới hiểu cái cảnh “cả ngày úp mặt vào lòng chảo” nó mệt mỏi ra sao. Có hôm 9 giờ tối, ngồi vào bàn cơm thì khách gọi món, phải bỏ đũa làm cho khách rồi chạy đi giao để kiếm lấy chục euro. Nhiều gia đình lao động cả thứ Bảy, Chủ nhật và những ngày nghỉ lễ trong khi người Đức đã “dẹp tiệm” từ thứ Sáu, có nơi thì đầu giờ chiều tối thứ Bảy.
Xin đừng mong chờ những chai rượu tây đắt tiền, những túi xách hàng hiệu, những chai nước hoa đắt tiền, những bộ áo quần sang trọng, hay những phong bì lì xì dày cộm Euro khi người thân mình từ xứ người về đoàn tụ quê hương.
Và nỗi khổ bị gắn mác “Việt kiều”
Gian nan là thế, nhưng mỗi dịp về quê hương ăn tết, thì chuyện dở khóc dở cười lại xảy ra. Chú Hậu bảo hễ về Việt Nam là phải lo chuyện quà cáp trăm bề. Quà to thì tiền đâu mà đủ, quà nhỏ thì bị xì xầm chê bai. Từ bà con xa đến láng giềng gần, ai nghe “Việt kiều” Đức về nước cũng nghĩ là đại gia vác bao tiền về ăn tết. Họ hỏi thẳng những câu hỏi tế nhị: “Bên đó làm ăn chắc khá lắm hả?” “Mỗi tháng kiếm được bao nhiêu?” Nói “cũng đủ sống thôi” hay “không khá giả là bao” có khi họ không tin, rồi mỉa mai “Việt kiều mà than quá!”.
Từ những gì tôi quan sát, lắng nghe, cảm nhận khi ở xứ người, tôi tin rằng kiều bào nhà ta cũng như chính người bản địa, phải cố gắng từng ngày từng giờ, thậm chí chấp nhận khổ nhọc hơn bình thường để kiếm từng đồng tiền lẻ, gom góp chắt chiu để cuộc sống khá hơn, thi thoảng “vét túi tiết kiệm” gửi về cho gia đình ở Việt Nam đỡ phần lam lũ.
Mỗi đồng kiều hối là mồ hôi nước mắt, là những bóng đen lù lù trong bão tuyết, là những cuốc xe đạp vội vã ngày hè; những giờ làm đến tận khi trời tốt tịt mịt.
Thậm chí đó còn là tuổi thanh xuân của một đời người. Nhiều bà con muốn về Việt Nam để đón tết cùng gia đình, nhưng lắm khi “nỗi khổ Việt kiều” làm họ phải chùn bước. Họ ước gì người ta đón họ như đón người con tha hương về ăn tết quê hương, chứ không phải nhìn họ bằng ánh mắt đầy phán xét và toan tính. Xin đừng mong chờ những chai rượu tây đắt tiền, những túi xách hàng hiệu, những chai nước hoa đắt tiền, những bộ áo quần sang trọng, hay những phong bì lì xì dày cộm Euro khi người thân mình từ xứ người về đoàn tụ quê hương.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi