Việt kiều Mỹ: ‘Choáng váng’ chuyện đi làm răng ở Việt Nam, giá… không tưởng
Ở Mỹ, nếu không có bảo hiểm y tế thì đúng là chuyện kinh hoàng. Điều mà bạn cần làm là cầu xin đấng tối cao cho mình đừng bị… bệnh. Lỡ có bị bệnh thì nhẹ thì ra tiệm mua mấy loại thuốc uống vô cái hết liền thôi. Chứ còn nặng thì… tôi sẽ nói đến ở những bài viết tới.
Công ty tôi có khoảng hai trăm nhân viên. Số người được mua bảo hiểm chừng 10 người. Khoảng thêm 5 người nữa mua Obamacare. Còn lại bao nhiêu không có một chút bảo hiểm lận lưng. Lỡ đau ốm thì chạy tới mấy clinic (phòng khám) giá khá mềm chữa trị. Nhưng bảo hiểm của tôi cũng chỉ có sức khỏe thôi, không có… mắt và răng (thiệt ra thì có giảm giá cho nha khoa. Nhưng những nơi nhận phiếu giảm giá này thì giá mắc hơn chỗ khác). Như bao Việt kiều khác, mỗi lần có dịp về Việt Nam, tôi đều tranh thủ đi tới phòng nha khoa để làm tất tần tật mọi thứ như cạo vôi, đánh bóng, tẩy trắng, trám răng sâu, nhổ răng khôn đủ kiểu.
Nhưng ở đời đâu phải lúc nào cũng trơn tru thế. Nhiều khi nhức răng cần trám rơi vào lúc ở Mỹ. Không thể chờ được vì bạn biết nhức răng nó kinh khủng đến thế nào rồi. Tôi tới gặp mấy nha sĩ Việt Nam để điều trị. Họ kiểm tra rồi báo giá mềm. Nói là mềm chứ lần nào cũng mất từ ba đến bốn trăm đô la. Đau cả bụng.
Xây xẩm mặt mày khi nhìn mảnh giấy tính tiền chi tiết khi đi nha sĩ ở Mỹ ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Nhưng hai năm dịch bệnh. Việt Nam đóng cửa. Các chuyến bay thương mại bị hạn chế. Tôi không thể về được. Cứ vái trời đất cho răng mình bình thường. Cứ mỗi sáu tháng, tôi phải đi săn mấy cái phiếu giảm giá (coupon) in trên báo hay phát tận nhà để đi chụp X-ray và cạo vôi chừng 50 đô la. Lỡ họ bảo răng sâu, cần trám hay này kia tôi lại hỏi có chờ được không? Không chờ được đành… nhắm mắt đưa chân vậy.
Thế hệ 8x bọn tôi răng cỏ chẳng tốt đẹp gì. Sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp. Thuở ấy kem đánh răng là mặt hàng hiếm. Quê mà, hàng hóa đâu có nhiều, với lại cũng đâu có rủng rỉnh tiền để mua. Thế là xài mấy tuýp kem màu vàng vẽ bùa vằn vện, đắng kinh hồn. Khi nhỏ cứ ngậm nước, lấy tay chà chà vài lần cho sạch rồi… thôi. Còn không nghe lời ba má, mỗi sáng, lấy cục than cà vô thành giếng, cầm bàn chải mòn tới cán, quẹt một cái để đánh răng cho sạch. Nhe ra, đen thui như mấy bà già nhuộm răng đều như hột bắp thường thấy trên tivi đen trắng. Lớn lên răng cỏ gì cũng hư hết trơn, phải đi trám quá trời. Ơn trời, bọn tôi không mắc chứng miệng hôi hay sún răng, chỉ có điều răng không trắng bóng.
Khoảng giữa 2021, răng số 18 (ở Việt Nam đánh số 8) trong cùng của tôi bị mẻ một miếng. Thế là bắt buộc phải trám. Nhưng do nó nằm sâu bên trong nên nha sĩ cảnh báo phải cẩn thận chứ không khoảng ba đến bốn tháng là nó sẽ bị rớt ra, lúc ấy phải điều trị tủy và làm răng sứ bọc lại. Tôi hỏi giá bao nhiêu? Ông nha sĩ Việt Nam ước lượng chừng… bốn năm ngàn đô gì đấy. Nghe xong tôi cũng hoảng hồn. Thôi mong là yên vậy.
Nghĩ tới giá tiền, tôi thấy đau chứ không nhói nữa ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Nhưng cái răng trám tốn ba trăm đô la ấy chỉ có thể giữ được khoảng hơn tám tháng. Vào một ngày đẹp trời đầu tháng 4.2022, khi đánh răng, tôi cảm thấy có gì đó rơi ra. Đưa lưỡi cạ cạ vô, mới thấy cái răng ben bén cứa vào lưỡi. Tôi biết đã tới công chuyện rồi đấy. Và những cơn nhức buốt bắt đầu xuất hiện. Tôi ngậm muối, ngậm rượu thuốc gia truyền, uống thuốc giảm đau đủ kiểu, nhưng nó vẫn khó chịu vô cùng. Thế là lên mạng tìm coupon, lấy hẹn nha sĩ gần nhà. May mắn họ có chỗ trống liền tức khắc.
Sau khi chụp X-ray, bác sĩ bảo miếng răng đã mẻ rồi. Vi khuẩn đã xâm nhập vào tủy. Cách tốt nhất là nhổ cho yên. Còn nếu muốn giữ, phải lấy tủy (root canal) sau đó làm răng sứ (crown) bọc lại. Nhưng văn phòng ở đây không làm root canal. Chúng tôi sẽ giới thiệu qua gặp bác sĩ chuyên môn. Thư ký ngoài kia sẽ đưa bảng báo giá làm răng sứ.
Ba ngàn bốn trăm đô (3.400) cho cái răng sứ chút ét. Tôi xây xẩm mặt mày khi nhìn mảnh giấy tính tiền chi tiết.
Tôi cầm giấy giới thiệu (referral) gọi tới văn phòng bác sĩ chuyên lấy tủy kể tình hình, răng số mấy và tình trạng bảo hiểm. Sau gần nửa tiếng chờ đợi, cô ấy gọi lại cho tôi. Với 10% giảm giá của bảo hiểm, 1.100 đô la là giá lấy tủy. Nhưng tuần sau mới có trống lịch. Tôi hỏi lỡ nhức thì sao, có thể làm gấp giùm được không? Cổ bảo sáng mai ông gọi lại coi thử có ai hủy hẹn không, chứ bệnh nhân nhiều lắm.
Cộng hai con số hết bốn ngàn năm trăm đô la (4.500), tôi muốn té xỉu thêm lần nữa.
Tôi lên mạng tìm một vài văn phòng nha sĩ chuyên lấy tủy. Gọi tới gọi lui đủ kiểu, chỗ không nhận bảo hiểm (giảm giá) của tôi, chỗ thì nhận và giá cũng tương đương văn phòng kia. Nhưng thời gian hẹn thì dài tới hai tuần, thậm chí một tháng. Tôi bảo lúc đó chắc nó nhức đầu lên tới não rồi. Đưa hình chụp X-ray cho bạn ở Việt Nam. Cô ấy bảo cần phải lấy tủy ngay vì vi khuẩn đã vô trong thâm đen rồi. Liệu có ráng được không vì lỡ nửa đêm nó nhức lên tới não chắc chết. Cái này về Việt Nam mọi thứ chừng năm triệu đồng là xử lý xong hết.
Đi bệnh viện làm răng ở Việt Nam, tôi giật hết cả mình khi giá chỉ bằng 1/20 ở Mỹ ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Lúc ấy, còn khoảng hai tuần nữa là tôi về Việt Nam. Hay là mình đổi vé mai bay về liền ta? Tiền vé cộng với tiền làm răng ở bên nhà chưa bằng con số lẻ bên này. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui không khả thi vì công việc bận quá, cháu tôi lại gần thi nữa. Những ngày kế tiếp nặng nề trôi. Răng không nhức lắm nhưng vô cùng khó chịu. Tôi phải nhai một bên. Bữa nào cũng ngậm muối, rượu đủ kiểu. Nếu hơi nhức thì uống thuốc giảm đau. Nhưng cảm giác thật tệ. Ăn uống gì cũng không thấy ngon. Đặt lưng xuống giường, cảm giác cứ hồi hộp vì không biết khi nào nó trở chứng? Liệu mười ngày tới mình có ổn không? Rồi lỡ lên máy bay nó đau thì sao mà chịu nổi?
Rồi tôi nghĩ, ủa mình làm lụng vất vả, cũng có tiền mà. Mắc gì phải chịu cảm giác này? Sao phải hành hạ bản thân vì một ngàn bạc? Thế là tôi gọi lên hỏi cô thư ký có lịch trống không? Cổ bảo ngày mai lúc 8h sáng có một chỗ. Tôi đồng ý cái một.
Buổi sáng đẹp trời, văn phòng chưa mở cửa thì tôi đã đứng chờ. Cô thư ký đưa một nùi giấy tờ để điền, ký, không cần thu tiền trước, vô nằm chụp X-ray và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Anh chàng bác sĩ gốc Ấn độ cao ráo, trẻ măng tới kiểm tra, sau đó quyết định sẽ lấy tủy. Trong lúc tôi nằm chờ đợi, anh chạy qua chạy lại khám thêm hai bệnh nhân khác. Tính ra mới sáng sớm mà đã có ba khách hàng rồi, vị chi kiếm được hơn ba ngàn đô. Một ngày chắc anh ta bỏ túi mấy chục ngàn đô như chơi (trước khi trừ chi phí). Biết vậy hồi xưa mình học làm nha sĩ, hay có người yêu là bác sĩ có tốt hơn không?
Dù đã bịt tai bằng headphone, nhưng tôi vẫn nghe rõ tiếng đục, mài, dũa, chọt và mùi khét thoang thoảng. May mà chích tới mấy mũi thuốc tê nên không thấy đau. Trong hơn một giờ đồng hồ, ngửa đầu lên, xuống, xoay trái, nghiêng phải, nhắm mắt, hả miệng, lè lưỡi, đưa tay ra dấu nhờ y tá hút nước giùm, cơ miệng mỏi kinh hoàng, cổ khó chịu, răng cỏ ê ẩm đủ kiểu, bác sĩ cũng vỗ vai bảo xong rồi. Tôi đã trét xi măng lên trên tạm thời bảo vệ răng. Trong vòng 1 tuần phải làm crown gấp chứ không sẽ gây ra thêm nhiều vấn đề nữa. Và hạn chế nhai phía bên này nhen.
Tôi cảm ơn bác sĩ rối rít. Có cảm giác như cục tạ ngàn cân vừa trút khỏi người. Khoảng chút nữa thuốc tê tan, tôi biết đêm nay mình sẽ ngủ rất ngon. Và khi đưa thẻ cho cô thư ký tính tiền, tôi cũng cảm thấy hơi nhoi nhói. Hơn ngàn đô ít ỏi gì. Nhưng không sao, bình yên là được.
Nửa tiếng sau, trên đường lái xe về, văn phòng nha sĩ bên kia đã gọi. Tôi không bắt máy. Họ để lại tin nhắn bảo lấy hẹn để làm crown. Nghĩ tới giá tiền, tôi thấy đau chứ không nhói nữa.
Những ngày chuẩn bị về Việt Nam, tôi hầu như chỉ ăn toàn đồ mềm, không dám nhai đồ cứng. Nhưng việc nhai một bên trong gần mười ngày, nó làm hàm phải mỏi và ê. Thế là chuyển qua uống sữa (kèm giảm cân) và ước mình có cánh cửa thần kì của Doraemon, mở ra là thấy Việt Nam, đi làm răng cái một.
Tôi có hỏi một số bạn bè và tìm đọc trên mạng, so giá các phòng khám nha khoa ở Sài Gòn, tôi quyết định chọn Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM vì 18 là răng rất khó làm, phải có dụng cụ chuyên dụng và bác sĩ giỏi tay nghề mới thực hiện được.
Buổi sáng đầu tiên ở Sài Gòn, sau khi uống cà phê, tôi chạy tới Răng Hàm Mặt để điều trị. Khi gọi điện thoại, cô nhân viên bảo nếu không lấy hẹn trên app thì anh cứ tới thẳng bệnh viện. Sẽ có bác sĩ khám cho anh liền. Nhớ nói là khám dịch vụ nhé.
Tới nơi, tôi nói với cô nhân viên ngay cảm là mình cần khám dịch vụ. Cổ bán quyển sổ, chỉ tôi vô quầy đóng tiền. Sáng sớm mà bệnh viện đông thấy sợ. Người khắp mọi nơi. Đứng, ngồi, xếp hàng đủ kiểu. Tiếng loa kêu tên vang khắp bốn phương. Tôi vô quầy đóng 200 ngàn đồng tiền lệ phí. Thu ngân đưa tôi chai nước lọc, chỉ vô phòng khám máy lạnh mở phà phà. Sau khi nộp hồ sơ, chờ khoảng mười phút, tôi đã được kêu vô.
Cô bác sĩ có cái tên thiệt dễ thương, Thủy Trúc, hình như trẻ tuổi hơn tôi nên nói chuyện mà dạ thưa vô cùng lễ phép. Sau khi hỏi tình hình, khám sơ, cô ấy kêu tôi đi đóng tiền chụp X-ray phòng bên cạnh. Khoảng ba mươi phút, tôi quay lại để cô ấy kiểm tra phim và báo giá làm crown. Sau khi nghe bốn triệu ba trăm ngàn đồng (4.300.000) bao gồm chốt sợi thủy tinh và bọc sứ titan, tôi giật hết cả mình. Tính nhẩm chưa tới 200 đô la, gần bằng 1/20 cái giá ở Mỹ.
Và trong vòng một tiếng sau đó, bác sĩ đã xử lý hết mớ xi măng. Làm sạch, lấy mẫu răng và hẹn tôi hai ngày nữa quay lại để gắn. Tôi hỏi bác sĩ có cần cạo vôi không? Cổ bảo răng anh sạch trơn mà cạo chi cho tốn tiền. Vài tháng nữa hẳn tính.
Tôi nói với bạn bè, mai mốt có về làm răng nhớ tới đây nhen. Không cần phải đợi chờ hàng tuần hay cả tháng như ở Mỹ mà giá rẻ òm và gặp bác sĩ vô cùng lịch sự với dễ thương nữa.
Đúng hẹn, tôi quay lại bệnh viện gặp bác sĩ Thủy Trúc. Lần này nhanh hơn. Cổ chỉnh sửa, mài cắt đủ kiểu để gắn vừa răng cho không bị cộm. Bác sĩ còn trám mấy cái răng hàm phải miễn phí vì tôi bắt nó làm việc cật lực suốt mười ngày qua. Trước khi về, cổ dặn khi nào anh ghé lại Sài Gòn nhớ tới gặp em, để khám xem thử có vấn đề gì mới không nhé.
Thiệt tình khi bước ra khỏi bệnh viện, lên taxi về lại khách sạn, tôi đã nghĩ mấy dĩa cơm sườn, bánh bèo, bánh xèo, bánh căn, bánh ướt, bánh dây, bánh hỏi, nem chua, bún cá và mâm cơm canh chua cá dìa, mắm ruột kho thịt ba chỉ kèm cà dĩa tươi sống chị nấu sẵn ở quê, đang chờ tôi về ăn cho đã.