Vòm Sắt Israel “thần thánh” thất bại, còn PK Nga ở Syria liên tiếp lập công: Đâu là lý do?
Những cập nhật mới nhất về xung đột ở Gaza cho thấy hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel chỉ có thể chặn được dưới 25% tên lửa do Hamas bắn vào lãnh thổ Israel.
Từ “thất bại” của hệ thống “Vòm Sắt”…
Vòm sắt (Iron Dome) được Israel thiết kế để ngăn ngừa các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn và đạn pháo trong khoảng cách từ 4-70km kể từ vị trí khai hoả và được quảng cáo như là một lá chắn tên lửa cực kỳ hữu hiệu, bảo vệ người Do Thái trước những đòn tấn công bằng tên lửa tự chế của nhóm vũ trang Hamas.
Tuy nhiên, trong những ngày căng thẳng vừa qua, chúng chỉ có thể chặn được dưới 25% tên lửa do Hamas bắn vào lãnh thổ Israel.
Trong tổng số 400 tên lửa các loại do Hamas khai hoả, hệ thống Vòm Sắt chỉ chặn thành công 120 tên lửa. 2/3 số tên lửa đã tới được mục tiêu đa phần là các cơ sở quân sự của Israel.
Trên thực tế, các tên lửa tầm ngắn do người Palestine chế tạo hoàn toàn thô sơ nếu so với tiêu chuẩn tên lửa hành trình hiện đại.
Chúng có tốc độ hành trình tương đối chậm và nếu sử dụng các công thức tính toán về quán tính thì lực lượng phòng không có thể dễ dàng dự đoán được mục tiêu mà tên lửa hướng tới và đưa ra các phương án đánh chặn trên hành trình của chúng.
Các tên lửa này cũng không thể tự thay đổi hành trình hay chế áp điện tử khi bị đánh chặn.
Chi phí dành cho việc nghiên cứu và sản xuất tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống Vòm Sắt ước tính gấp 10 lần so với tên lửa thô sơ do người Palestine chế tạo. Mỗi tên lửa đánh chặn Tamir có giá xấp xỉ 70.000 USD. Mỗi tổ hợp Vòm Sắt ước tính có giá trị khoảng 50 triệu USD.
Trên lãnh thổ Israel hiện có 5 khẩu đội hoạt động, nhưng các nhà chức trách Do Thái dự định sẽ trang bị 8 khẩu đội nữa. Trong khi đó, để đánh chặn được 1 tên lửa của người Palestine, từ 4-5 tên lửa của hệ thống Vòm Sắt đã phải khai hoả.
Hệ thống Vòm sắt của Israel khai hỏa.
… tới “thành công” của người Syria
Chúng ta quay lại ví dụ về phòng không Syria trong cuộc đối đầu với cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình của ba nước Mỹ-Anh-Pháp vào tháng 4/2018 đã chặn được 71 trong tổng số 103 tên lửa.
Điều đáng chú ý là tất cả các tên lửa này (BGM-109 Tomahawk Block IV, AGM-158 JASSM, AGM-158B JASSM-ER, SCALP EG/Storm Shadow) đều là loại tên lửa hành trình hải đối đất hay không đối đất có hệ thống dẫn đường tinh vi.
Chúng được thiết kế để bay thấp, bám địa hình, thường xuyên thay đổi lộ trình và được hỗ trợ bởi một loạt các biện pháp đối phó với việc gây nhiễu radar.
Trong khi hệ thống phòng không của Syria từ thời Chiến tranh Lạnh thể hiện một hiệu suất tiêu diệt mục tiêu rất thấp, theo báo cáo của Quân đội Syria cho thấy nhiều trường hợp 8 tên lửa đánh chặn được phóng lên từ hệ thống S-200 của Syria đã thất bại trong việc ngăn chặn chỉ một tên lửa hành trình trong quá trình tiếp cận mục tiêu.
Tuy nhiên, khi tên lửa hành trình tới gần mục tiêu hơn, các hệ thống Pantsir-S1 hiện đại hơn do người Nga mới cung cấp đã đạt được tỷ lệ đánh chặn lên tới 80-90%.
Tổ hợp pháo – tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria khai hỏa.
Ngoài ra, nhờ lưới lửa phòng không được bố trí hợp lý do dự đoán được hành trình của các tên lửa tấn công, các hệ thống phòng không tầm thấp cũ kỹ hơn như Strela-10M, Osa-AKM, Kub cũng đạt được một tỉ lệ đánh chặn không nhỏ.
Báo cáo cũng đưa ra tỷ lệ thành công trong việc đánh chặn của phòng không Syria đã đạt tới con số 70%, tức là gấp gần 3 lần so với hệ thống Vòm Sắt của Israel. Lý do của thất bại, một câu hỏi hóc búa được đặt ra với Quân đội Israel.
Theo Theodore Postol, cựu giáo sư Khoa học công nghệ và An ninh quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), lý do thất bại của hệ thống Vòm Sắt là do cách nó tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu bằng cách bắn đuổi theo tên lửa đối phương.
Một so sánh trực tiếp là hệ thống phòng không tầm gần Pantsir-S được chế tạo bởi người Nga có khả năng được lập trình để trực tiếp bắn đón tên lửa đang hướng đến vị trí mục tiêu.
Trích dẫn báo cáo nghiên cứu cuộc xung đột Gaza-Israel năm 2012, Postol còn đưa ra một con số đáng thất vọng hơn rằng Vòm Sắt chỉ chặn được ít hơn 5% tên lửa của đối phương.
Trong năm 2014, khi một lần nữa các tên lửa Palestine khai hoả vào vị trí của Quân đội Do Thái, các báo cáo hậu chiến về hiệu suất của Vòm Sắt cũng cho thấy rất ít cải tiến của hệ thống này so với 2 năm trước đó.
Hệ thống “David’s Sling” của Israel bắn thử nghiệm.
Từ năm 2013, nhiều nhà phân tích cho rằng do hiệu quả quá thấp, Vòm Sắt sẽ được Israel thay thế bằng hệ thống “David’s Sling” hay “Magic Wand” đã được Israel nghiên cứu từ năm 2009 và được đưa vào thử nghiệm trong hệ thống phòng thủ từ năm 2017.
Tuy nhiên, tên lửa thuộc hệ thống kể trên được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật bay ở độ cao thấp, chẳng hạn như tên lửa Iskander của Nga hay DF-15 của Trung Quốc.
Hệ thống David’s Sling chỉ có ý nghĩa tăng cường hàng phòng thủ tên lửa của Israel. Nó sẽ tạo ra một mức độ bao quát tốt hơn toàn bộ mục tiêu tên lửa hành trình trong tương lai với nhiều hệ thống tên lửa phòng không khác nhau do Israel phát triển, trong đó cũng vẫn sẽ bao gồm cả Vòm Sắt.
Như vậy trong tương lai gần, người Israel cũng vẫn chưa tìm ra lời giải cho một câu hỏi hóc búa: “Làm sao để tăng hiệu suất của hệ thống Vòm Sắt khi đánh chặn tên lửa tầm gần của người Palestine”. Và một biện pháp tất yếu đã được Israel lựa chọn đó là ngưng bắn với Hamas.
Theo DK/ Thời đại