Xa nhà, trong mắt con TẾT là gì?

Xa nhà, cô đơn, già nua là cái giá đổi lấy sự trưởng thành. Đã dám chọn thì sẽ dám chấp nhận đi đến tận cùng của thử thách! Không hối hận, than trách, không xin thời gian ngừng trôi, hay ngược trở lại mà xin mãi nguyện cầu gia đình được bình an. Đôi chân bé nhỏ này vẫn sẽ đấu tranh để tiếp tục được di chuyển. Cám ơn đã dạy những điều chưa từng, biết trân trọng những gì bình dị đang có và lướt qua những thứ tầm thường không đáng. Mỉm cười, dầm mưa bước tiếp những ngày dai dẳng không nắng!

Bỏ ngang đại học khi 18 tuổi trong sự bất ngờ của tất cả mọi người và chính bản thân! Sự bồng bột đó lại một lần nữa xảy ra khi tôi quyết định đi du học ! Khóc một tuần để xin mẹ cho nghỉ học, và một tuần để xin mẹ cho đi du học . Bố không nói gì và sâu trong đôi mắt đó là sự thất vọng về tôi như nào!

Qua tết Nguyên Đán, bác sĩ nói phải m.ổ sụn chêm đầu gối vì bị rách khá nhiều, nghe xong tôi chỉ biết cười trừ rồi nhìn mẹ. Tại sao bị chấn thương? Tại sao vào đúng thời gian này? Liệu có kịp phục hồi cho kỳ bay tháng tư tới? Hàng loạt suy nghĩ, trách móc với những người mang danh “bác sĩ” tôi tin, nghe theo lời xét khám và kết luận, để rồi chậm chút nữa chân tôi sẽ thoái hoá dần. Một đứa con gái 19 tuổi không biết lý do tại sao mình bị chấn thương nghe dường như hết sức vô lý nhỉ? Sau phẫu thuật trong thời gian phục hồi, tôi hỏi bác sĩ có nên đi du học nữa không và nhận được câu trả lời là có điều kiện thì nên đi.

Mẹ đã khóc, khóc rất nhiều vì con gái mẹ sẽ đến một nơi không có gia đình, hay một ai thân quen cạnh bên! Bay một mình, học một mình một trường, cũng không có quen hay biết ai là . Ngôi nhà đang ở hiện tại là nơi thứ năm từ khi đi du học , vì sức khoẻ nên để tiện cho đi học nhà tôi cách trường 750m. Thời tiết khó chịu, ảnh hưởng sau phẫu thuật, trải qua một số mối quan hệ xã giao, thậm chí có những người mình tin tưởng đã giúp bản thân dần hiểu rằng cuộc sống là gì!

Lần đầu tiên đón sinh nhật tuổi 20 – độ tuổi đẹp nhất mà lại một mình tủi thân, nép mình bất chợt nức nở giữa dòng người xô bồ trốn thị thành. Và dần tôi trở nên sợ nơi đông người, sợ một mình nhưng lại thích một mình, rồi thu gọn sống một mình một thế giới! Lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán: đến trường -về nhà – cách biệt với thế giới ngoài kia. Tái khám chân ở nước ngoài có kèm thuốc khi sử dụng thì bị dị ứng, lại một vòng lẩn quẩn uống thuốc đến hỏng dạ dày, răng mọc bốn góc đến buốt não, không nói hay ăn uống được gì. Cứ thế, ốm đau trở thành bạn bè thân thiết chưa bỏ rơi một phút, giây nào từ khi đi du học . Khoảng hơn một tháng trước khi biết chị cưới chồng, tôi đã khóc suốt 12 tiếng đồng hồ đến nghẹn, chị sắp không còn là chị của tôi nữa rồi. Đi làm giành tiền gửi cho em, thích gì chị mua gửi qua mà không hề sắm sửa cho bản thân mình. Khoảng cách hai chị em từ ngày tôi đi du học đã xa và bây giờ càng xa hơn nữa. Thẫn thờ vì khi biết thương chị nhưng chưa thể làm được điều gì dù nhỏ nhất cho chị mà chị đã lấy chồng. Về cưới chị, bản thân có gì ngoài đôi chân đi không nổi, miệng không nói thành lời, và đôi mắt ướt nhoè luôn kiềm nén để mừng hạnh phúc cho chị. Sau chuỗi ngày đó, như gục ngã thì lại vặn mình Thanh Hoá – Hà Nội liên tục để kịp đi viện này, viện kia. Ngày quay lại  thật sự không muốn, thích nghi với cuộc sống lại từ đầu khó khăn với một đứa ốm đau như thời tiết là tôi. Nói ra sân bay một mình không sao cả nhưng bố không nghe, bố đi cùng cho yên tâm! Đến sân bay bảo bố về chỗ chị nghỉ ngơi mai về sớm tôi ở lại mình, bố đắn đo mãi và dặn giữ gìn sức khoẻ, học tập tốt, chỉ kịp vâng vội rồi quay mặt đi vì không muốn bố thấy con gái bố khóc! Dáng bố gầy sọp xa dần, chạnh lòng vì mọi người nhìn mình với ánh mắt khác lạ tất cả. Lần này, không thể quay mặt đi không nhìn lại, không một câu chào, hay phũ phàng làm mọi người hụt hẫng như lần đầu đi du học được nữa.

Trở lại với cuộc sống du học , tôi biết giá trị của gia đình, hiểu được bố mẹ thương tôi như nào, hiểu dần được những điều dường như giản đơn mà đáng ra tôi phải biết từ trước. Chưa lúc nào bố mẹ hết lo, chưa lúc nào than trách, và chưa lúc nào ngừng hy sinh vì tôi. Xa mẹ từ nhỏ, lớn lên đi xa nhà, đã từng trách sao mẹ không tâm sự, không hiểu tôi mà quên nghĩ tại sao tôi có quyền đòi hỏi, trách móc bố mẹ khi bố mẹ luôn là người vì tôi mà không hề đòi hỏi gì đáp trả. Từ khi học cấp hai, tôi không nói chuyện gì thậm chí hai bố con không thể ngồi cùng băng ghế, tôi nghĩ bố ghét mình và thầm ghen tị vì bố trò chuyện tình cảm với chị còn tôi thì chưa bao giờ, mà vội quên những ngày nhỏ bố chăm sóc, yêu thương nhường nào! Lúc nào cũng vậy, luôn vô tâm với gia đình để chạy theo mối quan hệ bên ngoài và người ta sẵn sàng đạp đổ, vùi dập. Nhật Bản đã làm tôi lớn lên từng giờ, từng phút, làm tôi thấy được tình thương yêu của gia đình, thấy được niềm tin bố mẹ dành cho tôi dù chưa bao giờ bố mẹ hết thất vọng. Tôi đã nói bố nghe tôi từng tủi thân, từng tự ti vì phẫu thuật chân, từng trách ông trời sao bất công không cho tôi sức khoẻ điều tất yếu mà ai cũng có, đã từng sợ không thể đi được nữa,..

Và rồi không có sức khoẻ nhưng nhận ra rằng tôi có một gia đình yêu thương vô bờ bến mà không phải ai cũng có. Tôi không còn sợ bất cứ điều gì chỉ trừ duy nhất là bố mẹ không còn tin mình nữa! Trải qua nhiều thứ cảm xúc, những cái đau về thể xác lẫn tinh thần dồn dập như muốn dìm xuống thì giờ đây tôi luôn mỉm cười và tiếp tục. Không phải cứ thích là làm vì có bố mẹ lo lắng mà đến lúc tôi phải có trách nhiệm với hành động của bản thân mình. Cuộc sống giống như chiếc xe đạp muốn cân bằng thì phải tiếp tục di chuyển! Và tôi của bây giờ nếu đứng im thì sau này vẫn đứng im nhưng tồi tệ hơn nên thay rằng tiếp tục đến khi ngừng di chuyển được nữa rồi đứng im là điều có tốt hơn không? Lúc không còn sợ những thứ khiến tôi mặc cảm trước kia là lúc tôi biết bản thân đang vượt lên chính mình. Trưởng thành là khi biết nghĩ về gia đình nhiều hơn, biết lắng nghe, và biết đủ để trân trọng. Thành công của mọi người là giàu sang, làm ông nọ, bà kia, là cuộc sống xa hoa… Còn trong tôi, khi bố mẹ bớt lo lắng về tôi là điều thành công nhất cuộc đời!

Cái lạnh của nước ngoài làm tê tái, Việt Nam cũng lạnh nhưng nó vẫn ấm hơn vì ở đó tôi có gia đình! Thời gian này, bố mẹ vất vả nhường nào tôi hiểu thấu. Tấp nập mai đào, mùi vị của Tết khiến bản thân suy nghĩ trắng đêm suốt một tuần, nhà mình sẽ ra sao khi năm nay hai chị em đều không phụ được gì? TẾT với mọi người là gì? Là đoàn tụ, là mua sắm, là vui chơi. Còn với tôi TẾT nay là xa, là buồn, là tủi hờn, thấu chạnh lòng vì lạnh. Lạnh không chỉ đơn thuần vì giá rét , cũng không phải vì lòng người nơi đây nữa mà lạnh ở trái tim mỗi khi nghĩ về gia đình. Năm nào cũng thế, nhà nhà đi chợ tết, sắm sang nhộn nhịp thì nhà mình sớm tối tắt mặt hàng hoá. Năm nào cũng 12 giờ kém đêm giao thừa mới đóng cửa hàng được, hai chị em tranh thủ dọn nhà, phụ giúp bố mẹ mà vẫn không kịp, vậy.. năm nay, tôi xa rồi.. Tết sẽ ra sao?

Bim sẽ lại ăn uống lung tung hơn những năm trước, bố mẹ phải gồng mình hơn nữa khi ông nội ung thư dạ dày, ông ngoại sơ gan cổ chướng, áp lực kinh tế nhà ba đứa con mà đặc biệt là tôi đặt lên vai bố mẹ gánh nặng nhọc nhằn hơn bao giờ hết. Vì sức khoẻ không thể làm thêm được gì nên tiền chi tiêu, ăn học bố mẹ chu cấp cho tôi. Bố mẹ làm nghề tự do, và nhiều thứ khó khăn mà tại sao vẫn tạo điều kiện, hy sinh vì tôi quá nhiều! Chính tình yêu đấy đã thôi thúc cho đứa con gái từng mặc cảm về bản thân rất nhiều đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những cái đau mấy ai từng trải mà bản thân đã chấp nhận chịu đựng trong một thời gian dài! Tuổi trẻ thay vì mơ mộng vào những điều viễn vông tôi đã chấp nhận đối diện thực tế khắc nghiệt chiến đấu với chính mình để tiếp tục được di chuyển. Tết nào, sáng mùng 1 cả nhà mới được ăn bữa cơm cùng nhau, vì buôn bán nên không lúc nào bữa cơm gia đình đủ đầy thành viên. Tết không mong có đồ đẹp, được tụ tập chơi bời như bạn bè trang lứa mà mong được ăn bữa cơm gia đình đúng nghĩa, bố mẹ được nghỉ ngơi sau những tháng ngày làm việc tất bật không một lúc thảnh thơi.


Có một điều ước duy nhất và mãi mãi sẽ luôn giành cho gia đình! Tết này, nơi chân trời xa xôi con luôn cầu nguyện gia đình ta sẽ bình an.

Không biết phải xa bao nhiêu cái Tết nữa là đủ nhỉ? Chỉ biết rằng, những cái Tết của ngày xưa sẽ không bao giờ trở lại. Tết này vắng con, vắng chị, bố mẹ đừng buồn nhé, con hứa ngày gần nhất con sẽ về. Hai ông đợi cháu, bố mẹ và cả gia đình ta đợi con, đợi con của những ngày sau sẽ làm được điều gì dù nhỏ bé nhưng sẽ giành tặng mọi người!

Tết nay xa, chợt mình bỗng nhớ
Có bao giờ trở lại ngày Tết xưa …
Hết cả cuộc đời rồi bỗng nhớ
Những con đường xa lắc tuổi thơ đi
Kỷ niệm năm nào rồi bỗng nhớ
Những ngày đầu chập chững bước chân đi..

TẾT này những ai xa nhà thay vì chạnh lòng hãy hướng về gia đình để giành yêu thương nhiều hơn! Kính gửi ngàn lời chúc đến tất cả con dân Việt Nam và hơn hết những người xa quê một lời chúc năm mới với tất cả những điều tốt đẹp nhất.
Con gửi ngàn cái ôm, cái thương, cái nhớ, cái yêu về bên gia đình.
Một ngày không mưa nhưng trong lòng lại ướt, một ngày không lạnh nhưng lòng con lại mong ngóng vị TẾT quê nhà.