Xưa rớt đại học, chàng trai Việt nỗ lực qua Nhật học ẩm thực: Giờ thành đầu bếp nổi tiếng ở xứ người
Sau khi thi trượt đại học hồi 2010, Nguyễn Bá Phước không ngờ cuộc đời của anh đã rẽ hướng và bén duyên với công việc bếp núc, cụ thể là ẩm thực Nhật Bản.
Mới đây, mình đọc được bài viết trên VNE về hành trình học hỏi, lập nghiệp của chàng trai quê Sơn Tây (Hà Nội) với nghề bếp. Sau khi trượt đại học, Bá Phước mong muốn được sang Nhật học ẩm thực. Tuy nhiên, chi phí khá đắt đỏ và anh được bố mẹ cho 200 triệu đồng. “Đến nơi mới biết, học đầu bếp ở đây cần ít nhất hai năm, chi phí 600-800 triệu đồng, vượt quá khả năng của gia đình”, anh chàng kể.
(Ảnh: VNE)
Trong lúc tuyệt vọng vì không biết tìm đâu ra khoản tiền lớn như vậy, Bá Phước đã may mắn gặp được hiệu trưởng của một học viện ẩm thực tại Nhật. Học viện đồng ý tiếp nhận anh chàng người Việt vào học với điều kiện phải vượt qua vòng phỏng vấn và viết luận.
Nhờ tâm huyết, sự đầu tư cũng như thể hiện khát khao tìm hiểu ẩm thực xứ Phù tang, Bá Phước là người Việt đầu tiên nhận học bổng 100% từ học viện. Tuy nhiên, thời gian đầu, anh chàng gặp khó khăn trong việc học, một phần vì rào cản ngôn ngữ. Thậm chí, Bá Phước từng bị hiệu trưởng gọi lên cảnh cáo và nhắc nhở cần cải thiện kết quả.
“Em nhìn lại xem, chỉ có hai lý do hoặc nỗ lực chưa đủ, hoặc nỗ lực chưa đúng cách”. Lời này của hiệu trưởng đã giúp anh chàng thức tỉnh bản thân và nhận ra mình chưa nỗ lực đúng cách. Thay vì chỉ cắm đầu để học, Bá Phước giao lưu với nhiều người hơn để mở rộng quan hệ cũng như luyện ngôn ngữ.
Kết quả học kỳ 2 của anh chàng người Việt đã cải thiện đáng kể. Năm 2018, Bá Phước tốt nghiệp và là một trong những sinh viên xuất sắc. Anh được nhận vào làm tại một nhà hàng danh tiếng ở xứ hoa anh đào.
(Ảnh: VNE)
Làm việc ở môi trường chuyên nghiệp khiến anh chàng áp lực rất nhiều. Không chỉ thường xuyên nghe mắng, Phước phải làm việc 16 tiếng/ngày vào dịp lễ Tết. Vất vả, áp lực có thể tự động viên bản thân cố gắng thêm nhưng anh chàng buồn khi chỉ được giao những việc vặt như nhặt rau, dọn dẹp mà không được đụng đến việc có tính chuyên môn cao. “Nhiều đêm tôi tự hỏi điều này có đáng để đánh đổi những năm tháng tuổi trẻ không?”, Phước tâm sự.
Sau những lúc chùng lòng, Phước lại tự động viên bản thân. Anh chàng dậy từ sớm, làm việc 5h sáng đến 22h mỗi ngày. Vốn xuất thân nhà nông, Phước không ngại vất vả. Chính lòng nhiệt huyết, chăm chỉ và lòng yêu nghề của anh đã khiến các đầu bếp lâu năm tại nhà hàng quý mến.
“Một ngày thầy cho tôi đi luộc trứng onsen, sau đó cho trang trí món ăn và dần dần cho đứng bếp”, Phước kể.
Có thể thấy, từ những bước đầu tiên, anh chàng phải trải qua thử thách về lòng kiên nhẫn, tình yêu nghề thay vì được giao ngay những công đoạn quan trọng. Trải qua khoảng thời gian “thử thách” này, Phước dần được công nhận và được “truyền nghề”.
(Ảnh: VNE)
Một trong những đỉnh cao mà nhiều đầu bếp nhật muốn đạt được là mổ cá ngừ vây xanh. Làm việc tại xứ hoa anh đào, Bá Phước cũng đặt mục tiêu ấy cho bản thân. Anh chàng quan sát các nghệ nhân, chỗ nào chưa hiểu là hỏi ngay. Để áp dụng vào thực tiễn, Phước thực hành trên các loài cá nhỏ.
Nhiều lần anh chàng năn nỉ các nghệ nhân và bếp trưởng cho phép làm thử nhưng đều bị từ chối với lý do “ai mổ cá ngừ cũng phải trên 30 tuổi, làm ở đây trên 5 năm”.
May mắn đã đến với anh chàng vào năm 2019. Một nghệ nhân xẻ cá ngừ của nhà hàng đã cho phép Phước được thử sức. Dĩ nhiên, đây không phải là điều ngẫu nhiên “trên trời rơi xuống” mà họ đã quan sát, nhìn ra sự cần mẫn của anh chàng Việt Nam.
Nhớ lại lần đầu tiên được mổ cá ngừ vây xanh trước mặt hàng trăm khách, Phước tâm sự: “Mổ cá xong tôi chạy vào góc bếp và cười lớn vì sung sướng”, chàng trai nhớ lại.
Hành trình với nghề bếp của Phước tại Nhật còn trải qua nhiều thăng trầm. Lúc đại dịch bùng phát, anh chàng bị mất việc. Đó là quãng thời gian khiến chàng trai Việt vô cùng áp lực nhưng cũng là cơ hội giúp anh nhìn rõ tình yêu dành cho ẩm thực lớn đến dường nào.
“Có lần tôi mang dao sashimi ra mài rồi rơi nước mắt trong vô thức, ao ước được đứng trong bếp dù làm gì cũng được”, anh kể.
Sau quãng trầm là lúc dần đi lên. Phước tìm được việc tại một nhà hàng sushi và sau 3 tháng đã thành cửa hàng trưởng. Sau đó, anh chàng được làm trong một nhà hàng nhật truyền thống và trở thành đệ tử của đại sứ ẩm thực Nhật Bản – Tomisawa Hirokazu.
Đầu năm 2021, thầy của Phước đã cử anh đi thi chương trình do chính phủ Nhật tổ chức nhằm công nhận trình độ nấu món truyền thống của xứ hoa anh đào. Chàng trai Việt đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ, trở thành người thứ 9 trên thế giới và là người đầu tiên ở Đông Nam Á được trao danh hiệu vàng của cuộc thi này.
Sau chuỗi ngày nỗ lực học hỏi cũng như chăm chỉ, cần mẫn, anh chàng từng thi rớt đại học ở Việt Nam đã có “quả ngọt” trên đất Nhật. Đến nay, Bá Phước đã dìu dắt khoảng 20 “đàn em” nhận học bổng học ẩm thực ở Nhật