Dám…. cô đơn!
Từ vô thức, chúng ta sợ hãi và trốn tránh cô đơn, tìm mọi cách để được xã hội cộng đồng ủng hộ và chấp thuận.
Tôi luôn luôn có cảm giác rằng con người được tạo nên từ những thái cực đối lập nhau, như những con lắc đồng hồ cứ chao qua, đảo lại giữa những thái cực ấy. Một mặt bạn và tôi, hiện thân của giới trẻ hiện nay, luôn luôn tìm đủ mọi cách, thậm chí bằng những cách thảm hại nhất, để cá biệt hóa bản thân, làm cho mình trở nên khác biệt, luôn cố gắng khẳng định bản thân, tất nhiên mỗi người làm điều đó bằng những cách khác nhau, phụ thuộc vào trình độ nhận thức và tư duy của chính họ.
Tại sao chúng ta phải làm như vậy? Theo quan điểm của Jiddu Krishnamurti con người ta sẽ cảm thấy an toàn hơn khi xây dựng được cho mình một thế giới riêng, hơn là so với việc bị “hòa tan” trong xã hội, bị coi là mass products, đó là một thứ hàng rào hữu ích với phần còn lại của thế giới để mỗi cá nhân có thể cảm thấy an toàn trong đó. Một quan điểm khá hay và chính xác phải không? Và nếu ta mở rộng xem xét dưới phạm vi cộng đồng người, điều đó nghiệm đúng với các thứ như dân tộc chủ nghĩa, khuynh hướng co cụm, các liên minh, liên kết giữa các quốc gia, các cá thể kinh tế. Tôi thì lại hơi bị ảnh hưởng bởi thuyết tiến hóa của Darwin trong việc giải thích điều trên.
Có hai cơ chế chọn lọc cơ bản trong lý thuyết của ông đó là chọn lọc tự nhiên và chọn lọc giới tính, và tôi nghĩ rất có thể cái việc con người luôn cố gắng không mệt mỏi trong công cuộc tự khẳng định mình là việc tuân theo quy luật chọn lọc giới tính ấy. Giống như con công đực luôn tìm cách hấp dẫn con công cái bằng cái đuôi của mình, loài người chúng ta cũng có những “cái đuôi” riêng của chúng ta phải không nào?
Cái đuôi lộng lẫy sắc màu khiến cho chú công đực được nổi bật giữa đám đông và thu hút được sự chú ý của mấy cô mấy chị công cái mới lớn. Loài người chúng ta cũng nỗ lực để nổi bật để cá biệt hóa bản thân và tất nhiên động cơ của chúng ta không đơn giản như loài công nhưng tôi nghĩ rằng đó là một cơ chế tự nhiên, bản năng chúng ta được thừa kế và đã được tích lũy từ triệu năm trước. Rõ ràng là cái lứa tuổi mới lớn, nói theo ngôn ngữ nôm na là đến tuổi “cập kê” cái nỗ lực khẳng định bản thân dược thể hiện đậm nét nhất đó thôi.
Một mặt chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt, mặt khác chúng ta lại có những nỗ lực hòa đồng trong xã hội. Điều đó lại quá dễ dàng để giải thích, điều đó tự nhiên như việc tổ tiên chúng ta từ hàng triệu năm trước đã sống thành bầy đàn, sau đó dần hình thành cộng đồng, nhà nước, con người khi chung sống cùng nhau có cơ hội sống sót cao hơn và cũng có cơ hội cao hơn để duy trì nòi giống nữa. Từ vô thức, chúng ta sợ hãi và trốn tránh cô đơn, tìm mọi cách để được xã hội cộng đồng ủng hộ và chấp thuận. Điều này có thể giải thích rất tốt cơ chế đám đông. Chúng ta đôi khi sợ khác biệt, sợ dư luận và chiều theo ý kiến số đông. Cái nỗ lực khẳng định mình bên trên tôi đã trình bày tới một mức tới hạn nào đó sẽ không là an toàn nữa, những người-khác-biệt đó bị đặt trước nguy cơ bị cô lập, bị ruồng bỏ.
Hai cơ chế trái dấu này tồn tại một cách tự nhiên trong mỗi con người chúng ta, chúng có mỗi quan hệ biện chứng với nhau, mâu thuẫn, tương hỗ lẫn nhau. Đôi khi chúng đặt ta dưới những sự lựa chọn, để cơ chế này hoạt động thì ta phải chiến thắng cái còn lại. Chúng ta tìm mọi cách để khằng định mình để cá biệt hóa nhưng vẫn luôn đòi hỏi sự chấp nhận, ủng hộ và cảm thông từ phía mọi người, những người mà ta cố gắng thoát khỏi cái bóng của họ, điều đó rõ ràng có lúc không khả thi. Vậy có khi nào bạn nên nghĩ rằng hãy chấp nhận sự cô đơn, biệt lập như là một phần cái giá của sự khác biệt, là cái giá của việc sống là chính mình và không là bóng của bất kì ai.
Krishnamurti đã tự thông báo giải tán chính cái tổ chức đã nuôi dưỡng ông và từ đó đi chu du khắp nơi rao giảng về những quan điểm, lối sống của chính ông mà không thuộc bất cứ một giáo phải triết học nào. Ông nói rằng mọi người vẫn sợ hãi cô đơn, nhưng ông không sợ điều đó, ông chỉ quan tâm đến điều ông muốn và thực hiện điều đó mà thôi.
Tôi vẫn thường hay nói với những người bạn của tôi rằng: “Kệ nó đi, quan tâm đến người khác làm gì, cứ làm những gì mình cho rằng đúng là được.” Rõ ràng là bản thân tôi vẫn chưa làm được điều đó. Tôi và cả những người xung quanh tôi nữa vẫn trốn tránh cô đơn, vẫn không dám sống, không dám là chính mình, cứ chọn những gì an toàn những “mì ăn liền”, dần dà như vậy, suy nghĩ sẽ trở thành những lối mòn, ta không còn thói quen khám phá bản thân và theo đuổi những gì mình muốn, ta bỗng nhận thấy mình chẳng khác gì những cỗ máy, những cỗ máy tinh vi không hơn không kém.
Điều đó nghe có vẻ đáng sợ phải không, nhưng đó lại là sự thật, hãy quan sát một chút, đó là sự thật. Ta đã để cho cái cơ chế thứ hai quá lấn át và cái cơ chế thứ nhất vào quên lãng. Hãy dám sống, dám cô đơn đi, dám khác biệt đi! Bạn không thể nỗ lực khác biệt mà phải nỗ lực tìm tòi khám phá bản thân, sự khác biệt là hệ quả tất yếu, đơn giản là vì chúng ta không ai giống ai, mỗi người có cá tính riêng, khả năng riêng, tâm tư tình cảm, nguyện vọng riêng cơ mà, cứ như vậy hoài làm sao khá nổi?
Theo Guu