Truy tìm sự khác biệt giữa TẾT ở Nhật Bản với TẾT ở Việt Nam
Mỗi quốc gia đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt tạo nên bản sắc riêng của mình. Trong phong tục đón Tết cũng vậy, những hoạt động được diễn ra trong ngày tết sẽ đi vào nếp văn hóa đặc trưng cho từng quốc gia. Giữa Việt Nam và Nhật Bản đều là những quốc gia thuộc vùng phía Đông châu Á và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nhưng có nhiều điểm khác biệt.
Sự khác biệt đầu tiên phải nói đến đó là
Người Nhật ăn Tết theo lịch Dương, còn Việt Nam chúng ta đón Tết theo lịch Âm
Trước đây Nhật Bản vẫn đón tết Âm lịch nhưng đã chuyển sang đón tết Dương lịch kể từ năm 1873. Phong tục đón năm mới của người Nhật hiện vẫn giữ được những truyền thống Á Đông điển hình, bên cạnh đó vẫn thu nhận những nét văn hóa mới từ phương Tây. Oshogatsu (おしょがつ) vốn là tên gọi riêng tháng giêng nhưng hiện nay thường dùng để chỉ khoảng thời gian từ mồng 1-3 của tháng đầu tiên trong năm. Người Nhật bắt đầu chuẩn bị cho Oshogatsu từ ngày 8-12 (ở vùng Kanto là ngày 13).
Việt Nam là 1 trong 6 nước đón Tết Âm lịch trên thế giới, giống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Triều Tiên và Mông Cổ. Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, mà phần “lễ” cũng như phần “hội” đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà. Theo tập tục, đến ngày 23 tháng chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về trời để tâu việc trần gian, thì không khí Tết bắt đầu rõ nét.
Cây cảnh tượng trưng cho ngày Tết
Người Nhật có tập quán trang trí cây thông (かどまつ) trước cửa nhà, trước cửa hàng hay trước cổng công ty. Họ quan niệm cây thông này là nơi đón Toshigamisama – vị thần linh đem lại sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ. Ngoài vật tiêu biểu là cây thông thì người Nhật còn dùng các loại thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng… tượng trưng nhiều mong ước, nhiều ý niệm khác nhau cho một năm mới tốt lành.
Hoa mai (miền Nam) và hoa Đào (miền Bắc) là biểu tượng rõ ràng nhất của ngày tết. Nhà nhà trang trí những cây mai nở vàng rực với những câu đối, dây kim tuyến, đèn nháy để tăng thêm không khí rộn ràng của ngày Xuân. Hoặc những nhành đào tươi đỏ thắm mang lại lộc đỏ may mắn cả năm.
Ẩm thực ngày Tết
Đêm 30 tết là thời gian gia đình sum họp, cùng nhau ăn tất niên và chờ đón khoảnh khắc giao thừa.
Vào đúng 0g đêm giao thừa, khắp các chùa trên đất nước Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi 108 con quỷ sứ. Tiếng chuông cũng là âm thanh được coi là bậc nhất trong năm âm thanh của Phật pháp.
Thời khắc giao thừa, trong tiếng chuông ngân vang, sau khi nói lời chúc mừng năm mới tới mọi người xung quanh, tất cả sẽ quây quần bên nhau cùng thưởng thức rượu sake và các món ăn truyền thống vào dịp Oshogatsu.
Trên bàn ăn ở các gia đình Nhật Bản những ngày này thường không thể thiếu các loại bánh làm từ gạo (tiếng Nhật gọi là omochi), các món ăn chế biến từ cá và hải sản… Các đồ ăn được từ gạo sẽ là nguồn gốc giúp con người thành đạt.
Ở Việt Nam thì dịp Tết Nguyên Đán là dịp được thưởng thức nhiều món ăn ngon, đậm đà truyền thống dân tộc nhất:
Bánh chưng và bánh giầy còn được gắn với các sự tích cổ của các vua Hùng, tổ tiên của người Việt.
Cỗ Tết: dịp Tết người Việt thường tổ chức ăn uống lớn, gọi là ăn cỗ. Các món cỗ trong nhiều gia đình có thể có thịt kho trứng, măng kho với giò heo (miền Nam), canh khổ qua hầm( miền Trung), canh bóng (miền Bắc) , còn có nấm hương, miến nấu lòng gà, nem rán, xôi gấc, xôi đỗ, thịt gà, thịt đông, món xào, giò lụa, giò mỡ, nộm, dưa hành muối…
Mứt Tết và các loại bánh kẹo khác để thờ cúng, sau đó dọn ra để đãi khách. Mứt có rất nhiều loại như: mứt gừng, mứt bí, mứt cà chua, mứt táo, mứt dừa, mứt quất, mứt sầu riêng, mứt mít, mứt khoai, mứt hạt sen, mứt chà-là, mứt lạc, mứt me…
Trái cây, mâm ngũ quả, và đặc biệt là dưa hấu đỏ không thể thiếu trong những gia đình miền Nam. Dưa hấu được chưng cúng nơi bàn thờ Tổ tiên, bên cạnh các loại mứt, mâm ngũ quả, bánh kẹo…, và nhiều quả dưa còn được gắn thêm chữ Phước – Lộc – Thọ. Sáng mồng một Tết, người nhà cử người bổ quả dưa để bói cầu may và lấy hên xui.
Sinh hoạt ngày Tết
Ở Nhật Bản Oshogatsu là khoảng thời gian từ mùng 1 đến mùng 3 của tháng đầu tiên trong năm mới. Trong những ngày này, người Nhật thực hiện các cuộc viếng thăm đầu xuân như đi chúc Tết cấp trên ở công ty, chúc tết họ hàng, người thân, bạn bè, láng giềng…
Người Nhật vẫn có phong tục gửi thiếp chúc mừng, cảm ơn vì một năm đã qua, nhưng từ năm 1990, công nghệ internet phát triển nên người Nhật thay vì dùng bưu thiệp được làm bằng tay thì họ chuyển sang dùng email, điện thoại.
Người Nhật cũng thường xuyên sử dụng lời chào đầu năm mới bằng từ “Happy new year” thay vì câu chúc mừng năm mới truyền thống bằng tiếng Nhật và không khí đón năm mới ở Nhật Bản cũng nhộn nhịp và “Tây hóa” hơn
Ở Việt Nam cũng tương tự như vậy, từ mùng 1 đến mùng 3 thường là khoảng thời gian mọi người đi chúc Tết nhau, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ, cấp dưới chúc tết cấp trên…Người Việt Nam mình thì không có phong tục gửi tặng bưu thiếp như người Nhật, nhưng các em nhỏ lại được người lớn lì xì với ý nghĩa may mắn cả năm. Gia đình, bạn bè thường rủ nhau đi chơi, gặp gỡ, trò chuyện vui vẻ…
Cả Nhật Bản lẫn Việt Nam đều có tục đi Chùa hái lộc đầu năm để cầu xin may mắn, rút quẻ để nghe thầy phán trong năm công việc làm ăn, sức khỏe, gia đình như thế nào…
Kết luận
Tết Nhật Bản hay Tết Việt Nam đều có những nét đặc trưng riêng mang đậm phong cách truyền thống của người phương Đông đặc sắc. Và dù là Tết Nhật Bản hay là Tết Việt Nam thì đều là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên mâm cỗ ấm cúng. Bạn bè họp mặt cũng chia sẻ những niềm vui cũng như khó khăn trong cuộc sống…
Chúc cho các bạn Việt Nam đang làm việc, học tập tại Nhật Bản có thể đón Tết ở Nhật Bản cùng người quen và bạn bè vui vẻ và ấm cúng thay cho nỗi nhớ nhà mỗi dịp Xuân về nhé.
BTV7