Liên tục phong tỏa, Úc tận dụng triệt để ngân hàng thực phẩm giúp người nghèo giữa Covid-19

Khi Covid-19 liên tục khiến Úc phải phong tỏa, những gói thực phẩm cứu trợ đang phần nào giúp mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn.

Lĩnh vực từ thiện thực phẩm đã xuất hiện ở Úc từ những năm 1990 và ngày càng phát triển nhanh trong thập kỷ qua. Bốn tổ chức chính gồm FareShare, OzHarvest, SecondBite và Foodbank phân phối khoảng 50.000 tấn thực phẩm từ thiện mỗi năm trên khắp Úc. Trong đó, Foodbank là tổ chức cứu trợ lương thực lớn nhất của Úc, cung cấp hơn 70% lượng thực phẩm cho các tổ chức từ thiện trên toàn quốc.

Từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Foodbank nhận ra họ không thể lúc nào cũng dựa vào các nhà tài trợ thực phẩm để đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, như nước sốt mì ống. Do đó, Foodbank đã liên hệ với Simplot Úc, công ty sản xuất nước sốt ở thị trấn Echuca, bang Victoria. Từ tháng 8/2011, Simplot đã sản xuất hơn một triệu lọ nước sốt miễn phí cho Foodbank.

“Việc tới gặp những người làm việc trong nhà máy và khiến họ cảm động khi nghe những câu chuyện về các gia đình không có nước sốt để dùng đã có tác động mạnh mẽ”, Brianna Casey, giám đốc điều hành Foodbank nói.

Nước sốt mì ống là sự khởi đầu đáng chú ý cho nỗ lực hợp tác nhằm đảm bảo các mặt hàng chủ lực như mì ống, xúc xích, gạo, sữa có sẵn cho những người Úc gặp khó khăn, đặc biệt trong đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi là tổ chức duy nhất trong mạng lưới ngân hàng thực phẩm toàn cầu có một chương trình đặc biệt phù hợp để củng cố chuỗi cung ứng của mình”, bà Casey nói. “Đại dịch đồng nghĩa nó càng trở nên quan trọng hơn. Tôi luôn nghĩ Foodbank như một chính sách bảo hiểm mà không ai nghĩ mình cần có”.

Thực phẩm mà Mỹ Anh, sinh viên Việt Nam, được nhận thông qua Foodbank ở Sydney, Úc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Foodbank hiện có một mạng lưới hợp tác với 1.800 công ty lớn, nhỏ và đa quốc gia trên khắp Úc, để đảm bảo nguồn cung cho hệ thống thực phẩm từ thiện của họ.

Trong bối cảnh nhu cầu hỗ trợ thực phẩm tăng mạnh ở ba bang bị phong tỏa vì Covid-19, công ty Mars cuối tháng trước tuyên bố tặng 175.000 lọ nước sốt các loại. Các nhóm của Foodbank ở bang New South Wales (NSW) phải chuẩn bị 2.500-3.500 giỏ thực phẩm cứu trợ mỗi ngày do nhu cầu tăng, tương đương với số thực phẩm họ chuẩn bị cho một tuần trước phong tỏa.

“Foodbank chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng như lúc này”, Casey nói. “Chúng tôi phải chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn thực phẩm thiết yếu để cứu trợ bất chấp phong tỏa, đóng biên hay tình trạng hoảng loạn mua sắm”.

Trong một số thời điểm nhất định trước đại dịch, khoảng 20% người Úc gặp khó khăn trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực. Trong thời gian bình thường, Foodbank cung cấp thực phẩm cho khoảng 815.000 người Úc mỗi tháng. Tuy nhiên, nhu cầu hỗ trợ thực phẩm đã tăng trung bình 47% trong đại dịch, đặc biệt là sinh viên quốc tế và lao động phổ thông, theo báo cáo của Foodbank Hunger.

“Năm 2019, 15% người Úc cần hỗ trợ thực phẩm ít nhất một lần mỗi tuần. Năm 2020, con số này tăng lên 31%”, báo cáo cho biết. Năm ngoái, Foodbank cho biết đã cung cấp 87,9 triệu bữa ăn cho những người gặp khó khăn.

Mỹ Anh, sinh viên Việt Nam tại Sydney, bang NSW, là một trong những sinh viên quốc tế ở Úc được Foodbank hỗ trợ thực phẩm trong thời gian phong tỏa.

“Tôi cảm thấy rất may mắn vì được chính quyền bang hỗ trợ 15 kg thực phẩm, bao gồm mỳ, sữa, đồ hộp, cafe, trà”, Mỹ Anh chia sẻ. “Trường của tôi đã gửi email cho sinh viên quốc tế để thông tin về việc cung cấp thực phẩm miễn phí từ Foodbank. Chúng tôi chỉ cần điền thông tin là được nhận một hộp với đầy đủ thực phẩm cần thiết”.

Không chỉ riêng thực phẩm, khoảng 10% đồ mà Foodbank cung cấp cho mọi người là các mặt hàng thiết yếu khác, như kem đánh răng, bột giặt và thậm chí là đồ cho vật nuôi.

Foodbank thường phân phối đồ cứu trợ thông qua mạng lưới 2.600 đối tác từ thiện, từ những tên tuổi lớn như Hội Chữ thập đỏ đến các trung tâm tạm trú cho nạn nhân bạo lực gia đình ở địa phương. Nhưng phần lớn các tổ chức từ thiện này phụ thuộc vào lực lượng tình nguyện viên, đặc biệt là người cao tuổi, nhóm có nguy cơ cao cần được bảo vệ trong đại dịch.

“Chúng tôi không thể phân phối thực phẩm nếu các các tổ chức này đóng cửa, vì vậy chúng tôi phải thay đổi mô hình”, Casey nói.

Trong một số trường hợp, Foodbank đã chuyển sang dịch vụ giao hàng tận nhà. Ở Melbourne, tổ chức này mở các cửa hàng lưu động cho sinh viên quốc tế trên phố LaTrobe.

Trong đợt phong tỏa thứ tư và thứ năm ở bang Victoria, Foodbank cũng mở kho để trực tiếp cung cấp thực phẩm cứu trợ cho người dân lái xe vào nhận mà không đặt ra bất cứ câu hỏi nào. “Những gì chúng tôi thấy là số lượng lớn những người mẹ và con cái họ cần hỗ trợ. Chúng tôi trước đây chưa từng hỗ trợ với mô hình như vậy, mà thường giới thiệu họ đến các tổ chức từ thiện. Nhưng giờ họ cần được giúp đỡ một cách nhanh chóng”, bà Casey nói.

Giám đốc điều hành của Foodbank cho biết những nỗi e ngại, xấu hổ khi phải sử dụng đồ từ thiện cũng biến mất trong đại dịch.

“Mọi người hiểu rằng nếu bạn đột nhiên mất một hai tháng lương, bạn sẽ rơi vào cảnh không đủ khả năng nuôi sống gia đình”, bà chia sẻ. “Tôi nghĩ rằng người Úc đã có thay đổi tích cực trong quan điểm về an ninh lương thực và tôi thật sự phải xem đó như một lợi ích mà đại dịch đem lại”.