“Vương vấn tơ lòng” trước 6 đặc sản vừa nghe tên đã biết xuôi về miền sông nước Hậu Giang

Không quá “nổi đình nổi đám” trong vùng Nam Kỳ Lục tỉnh, thế nhưng đã từng đến Hậu Giang thì bất cứ ai cũng được dịp ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, đậm tình miền sông nước cùng các món ăn mang đậm “hơi thở” miền Tây của mảnh đất này. Không cần “gạo trắng nước trong” như“anh bạn” Cần Thơ “hàng xóm”, chỉ cần thử qua hết thảy 6 món đặc sản này thì ai đến đây cũng đều chắc chắn “chẳng muốn về”.

Đất Hậu Giang hiền hòa được nuôi dưỡng từ dòng sông Hậu, thế nên những món ăn tạo nên “thương hiệu” cho nơi đây thường đầy ắp các sản vật của vùng sông nước trù phú, bao la. Dừng chân tại Hậu Giang, người ta không chỉ bất ngờ với tên gọi của những món ăn “lạ tai, lạ mắt” mà còn như bị “hớp hồn” ngay từ khoảnh khắc đầu tiên nếm thử vì dư vị tinh túy lại đậm đà chan chứa tất thảy bên trong.

1. Cháo lòng Cái Tắc

Cháo lòng ở miền Tây là món ăn vô cùng phổ biến, nhưng chỉ khi về đất Hậu Giang, người ta mới cảm nhận hết những biến tấu độc đáo, mới thấy được dư vị thơm ngon, không lầm lẫn vào đâu được so với những tô cháo lòng “nhan nhãn” đã từng ăn qua. Cũng với hai thành phần chủ yếu là gạo và lòng nhưng với cách chế biến khác biệt sao cho đượm vị quê nhà, người Hậu Giang đã có được món cháo lòng “nổi danh” mang tên Cái Tắc.


Cháo lòng Cái Tắc, một đặc sản nhất định phải thử khi đến vùng sông nước Hậu Giang (Ảnh: @tanie_1199)

Xuôi về Hậu Giang, có từng ăn qua một tô cháo lòng Cái Tắc thì trải nghiệm “chu du” miền sông nước mới được xem là vẹn “vuông tròn”. So với những món cháo lòng nơi khác, chỉ cần gán vào cái tên “Cái Tắc” thì cách làm ra món cháo sẽ “quay ngoắt 180 độ” ngay. Đa số các món cháo lòng sẽ sử dụng gạo rang, tức là gạo phải được rang vàng trước khi tiến hành nấu cháo. Thế nhưng, cháo lòng Cái Tắc lại được nấu từ gạo cũ, mà phải là loại khô cơm để tránh bị lèn. Gạo càng không phải rang lên vì như thế sẽ mất đi mùi vị đặc trưng của món cháo. Đối với lòng, đó phải là bộ lòng tươi, ngon, còn đủ các bộ phận như tim, gan, phèo, lá lách, cật,… được lấy trực tiếp từ sạp bán sau đó đem về rửa và nấu lên ngay. Tuyệt nhiên không để qua ngày và càng không được trữ đông, ướp đá. Cuối cùng cháo được nấu lên và nêm nếm theo hương vị đậm đà của tình người sông Hậu, được ăn cùng giá sống, rau đắng, rau má và điểm lên chút hành ngò.

 


@quynhbo7101

Xì xụp tô cháo nóng hổi men theo hương vị đậm đà, người ta sẽ lập tức “ngất ngây” trước sự mềm mịn trôi hẳn vào thực quản của cháo, sự dai giòn đúng độ của các loại lòng và sau cùng là độ thơm ngon, vàng giòn của “topping” không thể thiếu – giò cháo quẩy, chút xanh mát của rau xanh,… mọi thứ kết hợp hài hòa đến mức mất rất lâu bạn mới có thể nhớ lại hương vị của món cháo thông thường, bởi nó đã hoàn toàn bị “cơn lốc” Cái Tắc này lấn át.


Sự khác biệt trong chế biến đã giúp đặc sản này “vượt mặt” món cháo lòng nấu theo cách thường

2. Sỏi mầm

Vừa nghe qua cái tên lạ lẫm, độc đáo này, ai cũng tưởng là món mầm đá trong “truyền thuyết” của Trạng Quỳnh là có thật. Tuy nhiên, “đá” trong món ăn này chỉ là công cụ để nấu chín nguyên liệu chính thôi, chứ từ bao đời nay ai lại ăn đá bao giờ! Tuy nhiên, việc “tưởng nhớ” vai trò của sỏi đá bằng cách dùng nó đặt tên cho món ăn này đã vô tình tạo nên sức hút riêng của món, ngay cả khi chỉ vừa nghe loáng thoáng cái tên mà không cần phải ăn gì.


Gọi món sỏi mầm mà chỉ thấy toàn đá thế này chắc số người “há hốc mồm” là không ít

Cái ngon của đặc sản này không nằm ở cách chế biến cầu kỳ, phức tạp mà chính ở lối chế biến độc đáo, sáng tạo và “ít đụng hàng” với bất cứ món nướng, chiên hay xào nào trước giờ. Thịt lợn được chọn phải là lợn rừng, nuôi thả lan để thịt được dai, săn chắc thì khi ăn mới mang lại hương vị thơm ngon, vừa ý nhất. Thịt heo được ướp gia vị sao cho vừa ăn, thấm đều, sau đó được đặt lên những viên sỏi đã được đun nóng rực, đủ sức làm chín thịt.


Thịt heo rừng sau khi ướp đậm đà sẽ được cho lên những viên sỏi phía trên và nướng chín

Phía trên những viên đá chốc lát được lấp đầy nhờ những lát thịt tươi ngon, thơm nức mũi

Sở dĩ dùng sỏi mà không phải đem lên bếp than hồng nghi ngút như lẽ thường là vì, nướng như vị miếng thịt sẽ giữ được độ ẩm, mềm và thơm ngon nhất, lại không bị ám khói như lối nướng truyền thống xưa nay. Đã vậy tiếng “xèo xèo”của thịt khi đặt lên mặt sỏi còn góp phần hòa vào bầu không khí chút rộn ràng, làm bữa ăn đáng để mong chờ hơn bao giờ hết.


Món sỏi mầm thành phẩm sẽ cực bắt mắt và đưa hương, đẩy vị thế này

3. Bún gỏi Dà

Đây cũng là một trong những món ăn đặc sắc, đậm tình người lẫn tình đất của phương Nam. Thành phần nguyên liệu có sự giao thoa lớn với món bún mắm, tuy nhiên nước lèo của món ăn này không phải mắm, mà là me nên có được những nét đặc sắc riêng.


Màu sắc tươi mới, bắt mắt của những nguyên liệu làm nên món bún gỏi Dà


@linhlikesstressfood​

Tôm đất nhỏ, theo phương ngữ miền Tây là tép, cùng hẹ là hai nguyên liệu không thể thiếu để làm sự thành công cho món bún gỏi Dà. Ngoài ra, nước dùng đậm đà là nước xương hầm được gia giảm vừa ăn, có thêm sự “góp mặt” của me đã tạo cho món ăn vị chua nhẹ, thanh mát đặc trưng, ăn mà chỉ có thèm thuồng thêm chứ không hề thấy ngán. Nước lèo có màu đục như một nét chấm phá đặc trưng cho món ăn này.


@quyennguyen_1611


@nhimone_294

Một tô bún thơm ngon, nức mũi, đầy ăm ắp nào thịt, nào phá lấu heo gồm tim, lưỡi, lỗ tai, bao tử, phèo, tôm và điểm chút tươi xanh từ giá và hẹ,…. Những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm lại đặc trưng cho sự trù phú của miền Tây sông nước, đây chắc chắn là trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho vị giác mà bạn không nên bỏ lỡ khi chọn đất Hậu Giang hiền hòa là chốn dừng chân.


@ty.tii


Đã lại tai nay lại còn lạ miệng, đây là món ăn rất đáng để thử nếu có dịp xuôi miền Tây sông nước (Ảnh: @euro.foodcorner)

4. Chả cá thác lác

Chả cá thác lác là món ăn “nhẵn mặt” trong các bữa cơm nhà. Với đặc tính dễ ăn, dễ chế biến và thịt cá lại lành tính,… nên loài cá này với người Hậu Giang nói riêng và cả những vùng ven bờ sông Hậu nói chung đều chiếm giữ một “vị thế” khá cao.


Cá thác lác không chỉ là đặc sản của Hậu Giang mà còn là sản vật quý của những tỉnh ven bờ sông Hậu (Ảnh: @joliehandoan)

Cá thác lác được làm sạch, đánh vảy sau đó tách xương, phần thịt cá cho vào bao lớn, nêm nếm gia vị cho vừa ăn sau đó dùng chày đập cho thật nhiều, thật nhuyễn để miếng cả cá khi chiên được giòn dai nhất. Chày giã càng nhiều món chả sẽ càng dai, mà độ dai là tiêu chí hàng đầu dùng để đánh giá chất lượng của món ăn này. Chả cá là nguyên liệu phổ biến, được làm thành nhiều món ăn ngon, cực đưa hương đẩy vị,… nhưng ưu ái nhất vẫn là đem chiên. Chả cá chiên dai dai, giòn giòn, thơm nức hương gia vị lại có thêm chút cay nồng đặc trưng từ tiêu,… chỉ cần chấm vào muối tiêu chanh ớt là đã thành sức hút “chí mạng” không chỉ dành riêng cho vị giác.


@lexiehan_65


@minhchau150197​

Vì dễ kết hợp nên đi cùng cơm hay bún đều mang lại những cảm giác riêng, suy cho cùng món chả cá “dễ tính”, ôn hòa cứ như chính “cái tánh, cái tình” dần thành thương hiệu của người miền Tây vậy.


@_tuyet_mai_


Bữa ăn nào có sự góp mặt của món chả cá là y như rằng sẽ cực “đưa cơm” (Ảnh: @_kim.ngan.vo_)

5. Đọt choại

Là món rau rừng thuộc họ nhà dương xỉ, chỉ vùng đất miền Tây quanh năm mưa gió thuận hòa mới nuôi sống được loại cây này. Đọt choại có thể dùng để làm ra vô vàng món ăn ngon “nứt vách” như đọt choại xào tỏi, xào thịt, xào tép, nhúng lẩu nhưng thậm chí luộc lên rồi chấm cùng cá kho quẹt, nước mắm thôi là đã cực “vơi cơm” rồi.

 


Đọt choại, nguyên liệu dân dã, đậm hương đồng nội và có thể chế biến thành vô vàn những món ăn ngon (Ảnh: @ntvvirus)

Món ăn dân dã, chẳng cầu kỳ lại đượm tình quê hương sông nước, mấy ai tha hương mà không khỏi bùi ngùi khi quay về khoảnh khắc quây quần, bữa đói bữa no bên mâm cơm chỉ có đĩa rau luộc ăn kèm nước mắm. Vậy mà món rau đượm hương đồng nội đó đã nuôi bao lứa trẻ thành tài, để rồi khi lớn lên, hương vị của món rau xưa chắc chắn vẫn còn đó, chỉ là cảm giác của ngày xưa giờ đã thành quá vãng mất rồi.


Hái nắm rau ngoài vườn rồi đơn giản là đem luộc, vậy mà món ăn này đã nuôi biết bao lứa trẻ nên người (Ảnh: @5onamu)

6. Khô cá chạch đồng

Khô cá là một trong những món ăn dân dã, đượm tình quê hương sông nước mà bất cứ ai khi có dịp xuôi về đất Cửu Long đều cần phải thử một lần. Chắc chắn cảm giác “ngất ngây”, muốn dừng mà dừng không được của món khô sẽ khiến nhiều người nhớ hoài, nhớ mãi. Chẳng cầu kì chế biến, bất cứ khi nào cũng có thể nhâm nhi, vậy mà mức độ gây “thương nhớ” khi ăn một lần, hai lần hay đã vô số lần đều như nhau cả. Với đất Hậu Giang, món khô tiêu biểu nhất phải kể đến loài cá chạch đồng.


Khô cá chạch đồng, món ăn “hồn cốt” của vùng quê miền sông nước


Khô cá chạch đồng mang nướng là món đặc sản không biết ăn bao nhiêu cho đủ

Khô cá chạch khi nướng xong có thể dùng ngay, hoặc xé nhỏ ra và trộn cùng với gỏi, hay chỉ đơn giản là bắt lửa lên chiên giòn, tất cả đều cho về duy nhất một cảm giác là “ngon rơi nước mắt”. Miếng khô vàng ươm, thơm nức sau khi được đem chiên hay nướng, sau đó chỉ cần chấm vào nước mắm me, chua chua, ngọt ngọt lại thơm cay từ me, đường và ớt,… chắc chắn là ấn tượng sâu sắc nhất của bạn đối với  mảnh đất này.


Dù nướng hay chiên, món ăn này đều mang lại cho người thường thức nhiều cung bậc khó nói hết thành lời

Món ăn nào của Hậu Giang cũng là sự kết hợp hài hòa giữa tình người và tình sông nước, với những người xa quê là sự gợi nhớ lắm bồi hồi, còn với những người vừa mới gặp, cảm giác lúc ăn thì bình thường, đến lúc ra về lại thấy tơ lòng vương vấn, muốn gỡ mãi mà chẳng xong.

Ảnh: Internet

http://www.yan.vn/travel/vuong-van-to-long-truoc-6-dac-san-vua-nghe-ten-da-biet-xuoi-ve-mien-song-nuoc-hau-giang-175729.html