Khác biệt khó tin giữa phụ nữ Mỹ và phụ nữ Việt

Phụ nữ Mỹ tự tin làm giám đốc, lãnh đạo, chính trị gia, trong khi phụ nữ Việt vẫn duy trì tư tưởng “con rùa trong xó bếp”, nguyên nhân do đâu?

Chính khách và “con rùa”

Trần Hùng John, chàng Việt kiều Mỹ, tác giả cuốn sách “John đi tìm Hùng”, cử nhân Tâm lý học, Đại học Berkeley, Mỹ cho biết, không có nhiều điểm khác biệt giữa phụ nữ Mỹ và phụ nữ Việt. Điều khác biệt duy nhất đó là môi trường mà họ sống và lớn lên.

Ở Mỹ, phụ nữ được khuyến khích trở nên tự lập và mạnh mẽ từ khi còn nhỏ. Họ được dạy rằng họ có thể trở thành bất cứ ai họ muốn và có thể làm tất cả những gì đàn ông làm được. Khi trưởng thành, phụ nữ Mỹ mạnh mẽ, có mơ ước và hoài bão, không bằng lòng với việc ở nhà làm nội trợ. Chính vì vậy mà nước Mỹ có nhiều lãnh đạo nữ trong chính trị, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.

Mẹ của Hùng John đến Mỹ năm 5 tuổi, nên bà cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá và tấm gương của những phụ nữ mạnh mẽ ở Mỹ. Đó cũng là động lực, sức mạnh giúp bà quyết định thay đổi cuộc đời mình. Chấp nhận chịu điều tiếng ly hôn chồng, ra đi tay trắng, làm mẹ đơn thân nuôi dạy hai con, bà đã vươn lên trở thành người phụ nữ thành đạt, làm phó chủ tịch một công ty đầu tư quản lý hàng tỷ đô la và tìm được người đàn ông mới thực sự yêu thương mình.

{keywords}

Ngay từ khi còn nhỏ, phụ nữ Mỹ đã được dạy để tin rằng họ có thể làm bất cứ điều gì, trở thành bất cứ ai họ muốn.

Trong khi ở Việt Nam, phụ nữ được dạy phải có trách nhiệm hy sinh vì gia đình, phải biết nội trợ, bếp núc từ khi còn nhỏ. Các bé gái được dạy để tin rằng họ không bằng nam giới. Chính vì vậy mà phụ nữ lớn lên với tâm thái thiếu tự tin, tự chủ như con rùa trong xó cửa.

Điều đáng chú ý nữa là phụ nữ Mỹ thành đạt nhận được sự ủng hộ và tự hào từ người đàn ông, trong khi phụ nữ Việt thành đạt thường sẽ cô đơn bởi đàn ông Việt sợ phụ nữ thành đạt hơn họ.

“Có lẽ bạn sẽ nghĩ những người phụ nữ thành đạt ở Mỹ chắc là những người độc thân hoặc phải từ bỏ gia đình, nhưng thật ra thì không phải. Có nhiều phụ nữ thành đạt vẫn có gia đình riêng của họ, điều khác biệt với phụ nữ Việt là phụ nữ Mỹ có người chồng luôn hỗ trợ họ.

Nhiều đàn ông Việt có lòng tự trong cao đến ngốc nghếch. Nếu bạn hỏi một người đàn ông bình thường ở Việt Nam xem anh ta nghĩ gì nếu vợ anh ta kiếm được nhiều tiền hơn, hoặc nếu cô ấy đi làm còn anh ta ở nhà chăm con, anh ta chắc chắn sẽ không thấy vui. Việt Nam, giống như phần lớn các nước châu Á khác, có xã hội kiểu gia trưởng. Và xã hội dạy người ta quan niệm cổ hủ về vai trò của một người đàn ông. Đàn ông cần phải mạnh mẽ, không được khóc, phải là trụ cột của gia đình,…”, Hùng John phân tích.

Phụ nữ Việt không tự quyết định gì cho bản thân

Chàng Việt kiều Mỹ cho rằng, so với phụ nữ phương Tây thì phụ nữ châu Á/phụ nữ Việt giống như là nô lệ. Nô lệ cho gia đình, nô lệ cho chồng, nô lệ cho xã hội, không thực sự có sự tự do để tự quyết định điều gì cho bản thân.

“Những phụ nữ còn thừa” là cụm từ được dùng để nói về những phụ nữ ở Trung Quốc khi 25 tuổi mà chưa kết hôn. Hay ở Việt Nam, người ta thường gọi như thế là “ế”. Chúng ta thường đùa và coi nhẹ từ này, nhưng thực ra nó ảnh hưởng sâu sắc đến phụ nữ. Hơn thế nó còn cho thấy hạnh phúc của người phụ nữ sẽ không bao giờ là của riêng họ.

“Lấy bạn gái của tôi làm ví dụ. Cô ấy bằng tuổi tôi nên nhiều người nghĩ bây giờ cô ấy nên phải kết hôn rồi. Tôi có thể thấy dịp Tết đã làm cô ấy căng thẳng thế nào khi mọi người thường xuyên giục chúng tôi kết hôn, đến mức có lúc cô ấy đã phát khóc hồi năm ngoái.

Bạn thấy đấy, giống như phần lớn các cô gái Việt Nam khác, cô ấy đưa ra những quyết định quan trọng dựa vào những gì cô ấy cho là sẽ khiến bố mẹ của cô ấy hạnh phúc, thậm chí nếu như thế có nghĩa là phải hy sinh hạnh phúc riêng của cô ấy.

Việc này tạo nên những mâu thuẫn nội tâm không cần thiết trong đầu người phụ nữ, khi họ phải suy nghĩ trước sau và thoả hiệp. Tôi thấy thế thật nực cười”, Hùng chia sẻ.

{keywords}

Vì gắn hạnh phúc của con với hạnh phúc của mình nên các bậc cha mẹ châu Á thường ép các con nghe theo những gì cha mẹ bảo khiến đứa trẻ không được sống là chính mình.

Chàng cử nhân Tâm lý học cho rằng nguyên nhân tạo ra sự bất bình đẳng, đàn ông có nhiều lợi thế trong khi phụ nữ phải chịu mọi áp lực và phán xét từ xã hội, chính là do các bậc cha mẹ.

“Từ góc nhìn của tâm lý học, cha mẹ Châu Á là các cha mẹ tệ. Họ nghĩ họ muốn điều tốt nhất cho con nhưng thực ra cha mẹ châu Á đôi khi rất ích kỷ. Họ trực tiếp và gián tiếp nói với con họ rằng hạnh phúc của con gắn liền với hạnh phúc của cha mẹ.

Chỉ khi nào cha mẹ hạnh phúc thì các con mới có thể hạnh phúc. Vì thế các con phải nghe theo những gì cha mẹ bảo. Và khi một đứa con muốn phá vỡ những sợi dây xích để được tự do, cha mẹ họ lại cảm thấy thất vọng. Họ dùng mọi cách để khiến con cái thấy có lỗi để đạt được điều họ muốn, có cha mẹ còn doạ sẽ từ con”, Hùng phân tích.

“Tôi biết việc thay đổi quan điểm của những thế hệ lớn tuổi là không thể. Tôi chỉ hy vọng là thế hệ của mình sau khi đã trải qua những việc này thì sẽ thay đổi, và những người đàn ông như tôi sẽ đứng lên bảo vệ và ủng hộ bạn gái và vợ của mình để họ vượt qua những khó khăn. Hãy để phụ nữ có thêm sức mạnh và sự tự do để chọn lấy hạnh phúc thực sự”, Hùng nói thêm.