Đôi vợ chồng Việt khởi nghiệp bằng xe bánh mì giữa Tokyo
Thời mới bán hàng, khách đến nhìn rồi bỏ đi, vợ chồng Phước phải ăn bánh mì trừ bữa nhưng 5 năm sau, có ngày họ bán được 1.000 chiếc.
“Nói thì đơn giản nhưng đó là cả một hành trình mệt mỏi và cô độc”, Nguyễn Huy Phước, 35 tuổi, quê Đà Nẵng kể về những ngày bắt đầu đưa những chiếc bánh mì Việt đầu tiên bán trên đất Nhật, năm 2018.
Huy Phước đi du học Nhật Bản từ năm 2007. Sau khi tốt nghiệp anh ở lại định cư và làm quản lý du học sinh. Năm 2017, công ty thay đổi chính sách và nhân sự, thấy tương lai bấp bênh, anh muốn ra ngoài tự kinh doanh. Nhưng vốn ít, không thể thuê rồi vận hành một cửa hàng cố định, Phước bàn với vợ, chị Hoàng Giang, khởi nghiệp bằng xe bán đồ ăn lưu động.
Một lần đi trên phố, Phước tình cờ nhìn những chiếc xe lưu động bán bánh mì kebap Thổ Nhĩ Kỳ tấp nập khách ra vào. Anh tự hỏi “Tại sao bánh mì nước khác bán được mà bánh mì Việt lại không?”.
Chị Hoàng Giang ủng hộ ý tưởng của chồng. “Tôi từng thấy những chiếc xe này tại các lễ hội. Ưu điểm của chúng là rong ruổi đến nhiều nơi, tiếp cận nhiều khách hàng hơn”, chị giải thích. Hai vợ chồng cũng tính chi phí đầu tư cho một chiếc xe bán hàng lưu động rẻ hơn nhiều so với cửa hàng cố định.
Họ quyết định khởi nghiệp bằng việc bán bánh mì kẹp thịt kiểu Việt bởi tính tiện lợi, khách đến mua rồi cầm đi như đồ ăn nhanh. Mẹ chị Giang ở Hải Phòng từng có hàng chục năm bán bánh mì nên có thể học hỏi kinh nghiệm. Hơn nữa, thời điểm đó, nhiều người Nhật chưa biết tới bánh mì, cũng là cách quảng bá ẩm thực Việt tại đất nước mặt trời mọc.
Với số vốn ban đầu 100 Man (khoảng 215 triệu đồng), họ tìm nơi thiết kế cải tạo ôtô tải cũ thành xe bán hàng cũng như tìm điểm đứng bán. Anh Phước cho biết ở Nhật mỗi thành phố có những quy định riêng về giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm, cũng như quy cách về xe lưu động nên vợ chồng mất vài tháng chuẩn bị. Cuối năm đó, chuyến xe đầu tiên của Phước khởi hành, mang những chiếc bánh mì Việt rong ruổi trên thành phố Ome, thuộc ngoại ô Tokyo, nơi gia đình đang sinh sống.
Để cho ra đời những chiếc bánh mì chuẩn vị, anh gặp không ít khó khăn. Ngoài đồ tươi như thịt gà, thịt lợn, gan làm pate, hầu hết những gia vị khác đều phải nhập từ Việt Nam. Việc tìm nơi sản xuất bánh mì Việt trên đất Nhật khi đó cũng không dễ dàng. “Ở Nhật, họ quen ăn bánh mì vỏ cứng ruột đặc, không giống bánh mì Việt vỏ mỏng, ruột xốp. Tôi tìm khắp nơi và năn nỉ một xưởng chuyên làm bánh mì tại Tokyo, họ mới chịu làm và bán cho 50 cái mỗi ngày”, Phước nhớ lại.
Ban đầu, anh chọn đứng bán phía trước trường học, nơi có nhiều du học sinh Việt Nam nhưng mỗi ngày cũng chỉ bán được 20 chiếc bởi giá khá cao. Còn với người Nhật, khu vực này phần lớn là dân số già chưa biết bánh mì là gì. Thấy xe bán hàng lạ mắt, họ đến ngó nghiêng rồi lại quay lưng đi.
Sau cả tháng kinh doanh không cải thiện, Phước nhận ra mình phải chinh phục được người Nhật nên thay vì quanh quẩn gần nhà, anh đăng ký đứng bán tại các tòa cao ốc văn phòng, siêu thị tại Tokyo, cách nơi gia đình đang ở cả trăm km.
Mỗi ngày, anh lái xe 2,5 tiếng đi và cũng từng đó thời gian để trở về nhà, thời gian còn lại phải làm hàng như nấu pate, nướng thịt, làm dưa góp. Nhưng bán tại trung tâm Tokyo, lượng tiêu thụ cũng khoảng 20-30 cái mỗi ngày, bởi dân văn phòng có thói quen mang cơm từ nhà đi, số còn lại nghĩ ăn bánh mì cho bữa trưa không đủ no. Phước lại về bàn với vợ, đăng ký thêm điểm bán tại các lễ hội tổ chức trong thành phố.
Lần đầu tham gia bán tại lễ hội hoa anh đào năm 2018, vợ chồng Phước tìm hiểu biết năm trước đó lượng khách tham gia rất đông. Bởi vậy, họ chuẩn bị nhiều bánh và nguyên liệu, hy vọng bán gỡ cho những tháng triền miên lỗ.
Nhưng kỳ vọng của cả hai lại thành thất vọng. Dù khách đến lễ hội đông nhưng nhiều người có thói quen tự chuẩn bị sẵn đồ ăn và mang đến công viên vừa ngắm hoa vừa thưởng thức bên người thân, bạn bè.
“Đồ mang đến bao nhiêu, mang về bấy nhiêu. Vợ chồng đâm ra bực tức lẫn nhau, rồi cùng đặt câu hỏi liệu đang đi đúng hướng?”, Phước nhớ lại.
Lỗ triền miên nhưng người đàn ông Việt chưa khi nào từ bỏ hy vọng sẽ thành công. Mỗi ngày bán hàng, anh cũng quan sát sở thích và thói quen của khách. Loại bánh nào được chọn nhiều sẽ để lại trong thực đơn, chọn ít sẽ loại bỏ để thay thế loại mới.
“Người Nhật thích ăn ngọt, mùi vị thanh nhẹ nên tôi dần điều chỉnh gia vị phù hợp với nhu cầu thực khách”, Phước nói. Anh cũng tạo ra loại bánh dành cho người ăn nhiều khi thêm thịt, pate hay bánh dành cho người ăn chay với nhiều rau dưa. Phước cũng thường xuyên trò chuyện, tư vấn để tạo sự thân thiện và tâm lý thoải mái cho khách mỗi khi đến cửa hàng. Phước muốn chứng minh, bánh mì Việt không những ngon mà người Việt cũng rất hiếu khách.
Từ thay đổi này, số lượng bánh bán ra tăng lên 50-60 cái mỗi ngày. Tại lễ hội, có thể bán 100 chiếc. Sang tháng thứ 7, xe bánh mì lưu động của Phước bắt đầu có lãi.
Khách quen mỗi ngày một đông, trong đó khá nhiều người Nhật từng làm việc tại Việt Nam cũng ghé qua, so sánh mùi vị rất giống bánh mỳ từng được ăn trước đó.
“Với tôi, đây vừa là niềm vui vừa là sự khích lệ để vững tâm theo đuổi việc kinh doanh của mình”, Phước nói.
Năm 2019, cả gia đình chuyển đến sống tại Tokyo, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại. Thời điểm này, chị Giang cũng nghỉ việc, mua thêm một chiếc xe nữa để bán cùng chồng. Bánh mì Việt của họ được nhiều người Tokyo biết tới hơn. Đến năm 2021, hai vợ chồng thuê thêm bốn nhân viên, đăng ký thêm một xe nữa.
Hiện tại mỗi xe lưu động chỉ bán ba tiếng ăn trưa, từ 11h đến 14h. Do nhu cầu tăng cũng như tạo nhiều lựa chọn cho khách, họ bán thêm cơm với topping tương tự bánh mì. Việc thực khách xếp hàng dài chờ mua bánh tại xe không còn là chuyện hiếm. Ngoài Tokyo, họ cũng có thêm giấy phép bán hàng lưu động tại 8 tỉnh thành khác như Chiba, Saitama, Yokohama.
Dù mô hình kinh doanh được mở rộng nhưng với Phước, anh luôn đề cao chất lượng sản phẩm để giữ uy tín cho cửa hàng cũng như với bánh mì Việt.
“Hai vợ chồng cũng đang nghiên cứu mô hình nhượng quyền thương hiệu và mở thêm những cửa hàng lưu động mới trên nhiều tỉnh thành, để góp phần quảng bá ẩm thực Việt tại Nhật Bản”, Phước nói.