Ảo tưởng ‘người nhiều bằng cấp phải làm việc cao sang’

Có người ôm lấy tấm bằng đại học bám trụ ở thành thị để kiếm 8 triệu đồng/tháng, chứ không chịu sang Australia hái nho thu nhập 3 triệu đồng/ngày.

Xã hội càng văn minh thì có một nghịch lý là xuất hiện những cá nhân học giỏi, bằng cấp đầy đủ, nhưng vẫn nghèo. Không phải tất cả, nhưng có một số lượng không nhỏ các cá nhân học giỏi, bằng cấp đầy đủ, vẫn không thể thoát ra được tình trạng nghèo khó. Tại sao lại có những sự việc lạ lùng đến vậy?

Cái tôi quá cao

Người học giỏi có một đặc điểm là cái tôi của họ cũng cao hơn người bình thường. Không phải ai học giỏi đều có cái tôi cao, nhưng phần đông là vậy. Cái tôi của mỗi người được hình thành từ năm ba tuổi khi chúng ta biết các cảm xúc, ham muốn riêng mà không phụ thuộc người khác thậm chí cả cha mẹ. Ở đó, những đứa trẻ bắt đầu biết chọn quần áo đẹp theo ý của chúng, biết từ chối những gì chúng cho là không ngon.

Cái tôi là một phần trong việc phát triển cá nhân của bất kỳ con người nào. Lúc đi học, tâm lý hơn thua bạn bè đồng trang lứa trong trường lớp, trong gia đình đã đẩy chúng ta vào một cuộc so kè cao thấp. Ở đó, chúng ta ganh đua nhau về điểm số. Ra trường, chúng ta ganh đua nhau về vị trí công việc, về mức thu nhập. Bạn bè cũ gặp lại nhau trong các buổi họp lớp cũng hơn thua nhau về địa vị xã hội và tiền bạc. Đây là một tâm lý rất bình thường.

Nhưng có một đặc điểm nổi trội, đa phần ở những cá nhân học giỏi, có bằng cấp cao là họ thường có cái tôi, tự trọng cao hơn người bình thường, tuy không phải tất cả. Chính cái tôi này khiến cho đa phần những người học cao, bằng cấp nhiều không chấp nhận làm những công việc bị cho là của những người ít học, ít bằng cấp như công nhân lao động phổ thông, công nhân vệ sinh, ôsin gia đình, xuất khẩu lao động nông nghiệp giản đơn…

Hầu như chúng ta bị đóng khung trong đầu rằng những người học giỏi, bằng này, cấp nọ phải ăn mặc sang trọng, ngồi phòng điều hòa, làm công việc bàn giấy, làm trong các phòng nghiên cứu, công trường sang trọng… cho nên hầu hết lao động cấp cao rất khó làm việc chân tay thông thường. Chính cái tôi này khiến cho họ tự làm giảm đi các lựa chọn của mình. Rất ít người học hành bằng này, cấp nọ lại muốn trở về quê và làm một nông dân bình thường. Họ thà bám trụ lại thành phố sống qua ngày chứ ít khi dám ra ngoài vùng an toàn, vùng thoải mái của họ.

Thói quen cố hữu

Có một câu chuyện nhỏ về con voi bị cột chân bằng một sợi xích sắt nhỏ. Khi người du khách tới thăm quan, cảm thấy kỳ lạ là với cơ thể to lớn của mình, con voi hoàn toàn có thể giật đứt sợi xích bất kỳ lúc nào. Vậy tại sao nó lại không làm vậy? Người du khách bèn hỏi người quản tượng. Người quản tượng trả lời rằng: “Do từ nhỏ, con voi đó đã được cột bằng sợi dây thừng vào chân. Nên từ nhỏ nó đã cố gắng giật đứt sợi dây nhưng không thành. Khi lớn lên, nó theo thói quen cứ nghĩ rằng mình không thể giật đứt sợi dây xích, nên cả đời cứ an phận bị cột như vậy”.

Ví dụ đó cho thấy rằng đa phần chúng ta là kết quả của các thói quen. Dù hoàn cảnh, thời gian, không gian đã thay đổi nhưng không chỉ loài voi mà tất cả các sinh vật khác, bao gồm cả con người đều sống theo thói quen. Chúng ta có xu hướng duy trì kết quả đã đạt được trong quá khứ mà ít khi thay đổi trừ khi có những biến động bất ngờ. Sức khỏe của chúng ta là kết quả của các thói quen ăn uống, sinh hoạt và tập luyện. Học tập là kết quả của thói quen nghiên cứu, suy nghĩ, tiếp thu nhận thức, thói quen đọc sách… Và tình hình tài chính giàu hay nghèo là kết quả của thói quen chi tiêu, kiếm tiền, đầu tư của mỗi cá nhân.

Các cá nhân trong cùng một cộng đồng thường có số phận tương tự nhau, ngoại trừ các cá nhân có xuất sắc là vì thói quen có xu hướng truyền lại ổn định trong cộng đồng đó. Con cái thường có số phận tương tự bố mẹ họ vì các thói quen sinh hoạt, kiếm tiền được truyền lại y nguyên. Bản chất của học tập thực chất là thay đổi môi trường để rèn luyện các thói quen mới. Từ môi trường gia đình đến trường học để học tư duy, thói quen khoa học thông qua các hoạt động nghiên cứu, học tập ở trường lớp. Từ công việc trong gia đình đơn giản đến công việc hiện đại ở các công ty, tập đoàn thực ra là thay đổi môi trường làm việc để có các thói quen công việc mới.

Sự cố chấp

Cái tôi cao và thói quen lớn đã tạo ra sự cố chấp trong nhiều cá nhân. Các bạn thấy rất nhiều người là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… ở Mỹ lại chọn cách vô gia cư thay vì chấp nhận đi làm công nhân, bồi bàn trong một nhà hàng, một cửa hàng hay một nông trại. Hay trong lịch sử, có nhiều nhà thơ, nhà văn… chỉ viết sách dù không bán được, không có ai đọc nhiều và sống nhờ vợ nuôi chứ không chịu đi làm những công việc bị xem là “thấp hèn” dành cho những người không có bằng cấp.

Bạn cũng có thể thấy nhiều nhà triết học, khoa học thời kỳ sơ khai họ chỉ sống bằng tiền của, tài sản gia đình để lại để nghiên cứu, mày mò cho thỏa chí những thứ mà người cùng thời đại họ cho là vô bổ, không kiếm được tiền, không có tính ứng dụng ngay chứ không chịu đi làm như người bình thường.

Hay trong xã hội hiện đại, bạn thấy không thiếu những bạn trẻ làm lương văn phòng không đủ sống nhưng vẫn cố bám lấy thành thị, công việc hiện tại để được ăn mặc sang chảnh, ngồi máy lạnh, điều hòa… thay vì lao về quê, hay tìm cơ hội mới một một lĩnh vực mà họ không được đào tạo như bán hàng online, làm nông nghiệp… Thậm chí tôi từng biết nhiều trường hợp ôm lấy tấm bằng đại học ở thành thị chỉ để kiếm 8 triệu đồng mỗi tháng cho sang chảnh chứ không chịu xuất khẩu lao động hái nho ở Australia kiếm 3 triệu đồng mỗi ngày.

Rất nhiều người có học bỏ lỡ cơ hội mới đến với họ chỉ vì cơ hội đó khiến họ phải đi ra khỏi vùng an toàn, thoát khỏi thói quen cũ. Và họ ở lại với công việc hiện tại vì đơn giản họ đang sống với thói quen cũ của mình, tuy nghề nghiệp họ có thể gần hết thời, hoặc đã hết thời nhưng họ vẫn bám trụ do sự cố chấp. Ngược lại, có một số người học ít, bằng cấp thấp… nhưng lại dám dấn thân và nắm bắt cơ hội mới. Họ từ bỏ môi trường, công việc cũ dù đã được đào tạo bài bản để nắm lấy cơ hội mới, những ngành nghề mới để rồi thành công.

Thực tế xã hội

Của cải là sự sản sinh giá trị dựa trên các nguồn lực đầu vào kết hợp với trình độ vận hành. Do đó, mọi nguồn lực đầu vào dựa trên phương diện một quốc gia thì không đổi, nó chỉ là sự phân bổ hay chiếm dụng khác biệt giữa các vùng kinh tế, hay giữa các cá nhân với nhau. Nhưng tại sao cùng một sự phân bổ nguồn lực như vậy thì đất nước đó, quốc gia đó trong thời điểm hiện tại lại giàu có hơn chính họ trong thời điểm quá khứ? Hay cùng một nguồn lực như vậy, tại sao quá khứ giàu có, nhưng hiện tại lại nghèo đói đi?

Đó chính là sự khác biệt giữa trình độ vận hành. Dân chúng đã có học hơn, có tay nghề cao hơn, có năng lực lớn hơn nên quốc gia, dân tộc đó trở nên giàu có hơn chính nó trong quá khứ hoặc ngược lại. Trên phương diện quốc gia là vậy. Nhưng trên phương diện cá nhân lại có nhiều sự khác biệt. Thực tế, chúng ta thấy nhiều cá nhân học không giỏi, trình độ không cao nhưng vẫn giàu có. Ngược lại, nhiều cá nhân bằng này, cấp nọ vẫn nghèo. Vậy vấn đề là gì?

Thứ nhất là sự không phù hợp của trình độ đã được đào tạo. Có nhiều ngành nghề hiện nay đã hết thời, hoặc không có giá trị khai thác thị trường nữa, hoặc bị ngành nghề mới thay thế… Việc quá cố chấp lấy việc bạn phải thực hành trình độ đã được đào tạo dù nó không hợp thời đã khiến nhiều bạn có bằng cấp nhưng không hợp thời, không được trọng dụng.

Thứ hai là không có được môi trường, nguồn lực đầu vào để vận hành. Rất nhiều bạn du học sinh nhưng về nước ngay khi mới tốt nghiệp, hậu quả là những trình độ, thói quen công việc của họ không thể áp dụng được với tình hình trong nước. Do nền sản xuất, kinh doanh trong nước không có được các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng như bạn đã được đào tạo ở nước ngoài.

Các bạn được đào tạo trở thành một kỹ sư sản xuất máy móc công nghiệp hiện đại, lại về một quốc gia không có nền công nghiệp hiện đại tương tự mà lại là một quốc gia nông thôn, nghèo nàn… thì các bạn cũng thành vô dụng. Điều đó lý giải tại sao một kỹ sư máy trình độ lớp 7 lại được trọng dụng ở một nước châu Phi hơn một anh kỹ sư chế tạo máy đại học. Sự cần thiết có sự tương thích giữa nguồn lực đầu vào và trình độ vận hành là vậy.

Thứ ba là cộng sinh học vấn. Khi việc học của bạn không thể đạt được những gì bạn muốn hay điều đó mất quá nhiều thời gian thì bạn không cần phải học nữa. Giải pháp chính là cộng sinh học vấn. Bạn hãy làm thuê cho những người giỏi nhất, học nhiều nhất trong lĩnh vực mà bạn làm là bạn có thể sống rất tốt. Việc của bạn chỉ là áp dụng những gì người khác đã học, đã xây dựng để kiếm lợi từ nó.

Ví dụ, các mạng xã hội online được tạo ra bởi nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Bạn không cần phải tự biến mình thành một kỹ sư IT để tự xây dựng riêng cho mình một mạng xã hội. Việc của bạn chỉ cần là cộng sinh vào hệ thống của họ bằng việc bán hàng online, hay thực hiện các dịch vụ liên quan mạng xã hội để trở giàu có.

Bạn cũng không cần phải học để chế tạo ra một chiếc ôtô, việc của bạn là học cách sửa chiếc ô tô đó. Bạn cũng không cần phải trở thành kỹ sư nông nghiệp để làm một trang trại cho riêng mình, việc của bạn là xuất khẩu lao động vào các trang trại công nghệ cao ở nước ngoài và nắm lấy cơ hội chênh lệch giá trị tiền tệ giữa hai nền kinh tế…