Canada: Đi công tác nước ngoài, khi về thấy nhà bị bán mất

Các vụ lừa đảo liên quan đến quyền sở hữu bất động sản đang nở rộ ở Canada. Nạn nhân phát hiện ngôi nhà họ sở hữu đã bị bán đi mà họ không hề hay biết.

Các trường hợp lừa đảo quyền sở hữu bất động sản- vốn rất hiếm gặp – giờ đang gia tăng nhanh chóng ở Canada. Ảnh: CBC.

Đầu năm nay, cảnh sát thành phố Toronto cho biết họ đã huy động sự trợ giúp của người dân để truy bắt 2 người có liên quan đến một kế hoạch lừa đảo phức tạp.

Cảnh sát nói rằng các cá nhân này đã sử dụng danh tính giả để giả làm chủ sở hữu của một ngôi nhà trong thành phố. Sau đó, họ đã bán thành công ngôi nhà, giao chìa khóa cho người chủ mới.

Trong khi đó, chủthực sự của ngôi nhà đã đi công tác nước ngoài từ tháng 1/2022.

Vài tháng sau, cặp vợ chồng mới phát hiện ngôi nhà của họ đã bị bán mà họ không hề hay biết, sau khi nhận thấy rằng các khoản thanh toán thế chấp đã biến mất khỏi tài khoản ngân hàng của họ.

Vụ việc đã thu hút sự chú ý của nhiều người ở Canada, đặc biệt là ở khu vực Greater Toronto và Vancouver, nơi bất động sản được coi là nỗi ám ảnh vì giá quá cao. Trung bình một ngôi nhà tại đây có giá khoảng 750.000 USD, theo BBC.

Những câu chuyện tương tự từ những người sở hữu tài sản khác ở Toronto đã xuất hiện. Các nhà điều tra cho biết các trường hợp lừa đảo quyền sở hữu tài sản – vốn rất hiếm gặp – giờ đang gia tăng nhanh chóng.

Ông Trevor Koot, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Bất động sản British Columbia, người đã kinh doanh gần 20 năm, cho biết đối với những người kỳ cựu trong ngành, những trường hợp kiểu này “là thực sự hy hữu tính đến thời điểm hiện tại”.

“Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như vậy”, ông nói, trong đó nhấn mạnh mức độ tinh vi của những vụ lừa đảo này.

Hai loại hình lừa đảo chính

Các kế hoạch lừa đảo liên quan đến quyền sở hữu nhà hoặc tài sản thường xảy ra theo 2 cách: Lừa đảo thế chấp và lừa đảo quyền sở hữu.

Lừa đảo thế chấp là loại hình phổ biến hơn, theo ông Brian King của King Advisory International Group, một công ty có trụ sở tại Toronto chuyên điều tra tội phạm cổ cồn trắng.

Lừa đảo thế chấp xảy ra khi một người ký hợp đồng thế chấp một bất động sản mà họ không sở hữu để vay tiền thế chấp bất động sản đó. Các giao dịch thế chấp này được hoàn thành mà người chủ sở hữu hợp pháp của bất động sản không hề hay biết hoặc không có sự chấp thuận sau khi biết rõ thông tin.

Trong khi đó, lừa đảo quyền sở hữu xảy ra khi một người đóng giả làm chủ sở hữu ngôi nhà và bán nhà cho người mua. Điều này dẫn đến việc chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu tài sản.

Trong hầu hết trường hợp, chủ thực sự và người mua căn nhà có thể lấy lại phần lớn số tiền của họ nếu có bảo hiểm quyền sở hữu đối với căn nhà.

lua dao bat dong san anh 1

Các vụ lừa đảo thế chấp và quyền sở hữu tài sản thường diễn ra ở những khu vực có giá bất động sản cao như Greater Toronto và Vancouver, Canada. Ảnh: CBC.

Cơn sốt lừa đảo

Ông King cho hay công ty của ông đã chứng kiến ​​​​một “cơn sốt” lừa đảo quyền sở hữu trong vài năm qua. Trong hầu hết trường hợp, người chủ đang phải sống xa nhà ở các nước như Mỹ và Trung Quốc khi những kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ.

Một trong những khách hàng của ông King là một cặp vợ chồng chuyển đến làm việc tại Vương quốc Anh vào năm 2018. Ngôi nhà của họ ở Canada sau đó đã được bán mà không có sự hay biết của họ vào năm 2022.

Ngôi nhà được bán với giá hơn 1,2 triệu USD và đã được tân trang lại hoàn toàn vào thời điểm cặp vợ chồng phát hiện ra sự việc vào tháng 6/2022. Kể từ tháng 2 năm nay, cặp vợ chồng vẫn đang làm việc để khôi phục quyền sở hữu ngôi nhà.

Ông John Rider, phó chủ tịch của Công ty bảo hiểm quyền sở hữu Chicago, cho biết chi nhánh Canada của công ty chỉ gặp 2 trường hợp lừa đảo thế chấp và quyền sở hữu từ năm 1960 đến năm 2019.

Tuy nhiên, bây giờ họ đang xử lý hàng chục vụ, trong đó có ít nhất 5 trường hợp lừa đảo quyền sở hữu.

lua dao bat dong san anh 2

Các kế hoạch lừa đảo liên quan đến quyền sở hữu nhà hoặc tài sản thường xảy ra theo 2 hình thức: Lừa đảo thế chấp và lừa đảo quyền sở hữu. Ảnh: BBC.

Lý do đằng sau

Các chuyên gia đang tìm hiểu lý do tại sao lại có sự gia tăng đột biến các trường hợp lừa đảo được báo cáo, đặc biệt là ở Toronto.

Ông King khẳng định do các giao dịch bất động sản trong thời kỳ đại dịch được thực hiện online, khiến việc phát hiện giấy tờ tùy thân giả trở nên khó khăn hơn. Đại dịch cũng đã khiến nhiều người không thể đến thăm bất động sản của họ trong một khoảng thời gian dài do hạn chế đi lại.

Sự tinh vi ngày càng tăng của giới lừa đảo cũng là một lý do. Nhiều trong số những kẻ lừa đảo có liên quan đến tội phạm có tổ chức – những người dường như nắm rất rõ hệ thống bất động sản của Canada.

Ông Rider nói thêm rằng căn cước công dân được sử dụng trong các giao dịch lừa đảo thường trông rất giống thật và thủ phạm sẽ thuê những kẻ có tay nghề đóng giả làm chủ nhà.

“Hiện tại, thẻ căn cước dễ bị làm giả đến mức không thể chỉ dựa vào nó để chốt một giao dịch trị giá hơn 2 triệu USD”, ông Rider nói.

Ngoài ra, lợi nhuận khủng từ các giao dịch cũng là lý do loại lừa đảo này ngày càng gia tăng. Giá bất động sản ở Toronto đã tăng đáng kể trong vài thập kỷ qua: Giá nhà trung bình vào năm 1996 là 147.000 USD, đến năm 2022 con số này là 875.000 USD.

“Vì vậy, việc các vụ lừa đảo thường tập trung ở khu vực có giá bất động sản cao là điều dễ hiểu”, ông Ron Usher, cố vấn của Hiệp hội Công chứng viên ở British Columbia, cho biết.

Ông Usher và nhiều người khác đang kêu gọi một cuộc điều tra quốc gia để xác định nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lừa đảo lan rộng và các biện pháp để bảo vệ chủ sở hữu nhà ở Canada.

(zingnews)