Chính phủ Mỹ lại sắp phải đóng cửa

Tranh cãi xung quanh nguồn vốn 5 tỷ USD xây tường dọc biên giới với Mexico của Tổng thống Mỹ Donald Trump trở nên căng thẳng hơn trong hôm 18/12, khiến cho Chính phủ nước này một lần nữa đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Bất đồng khó giải quyết

Hiện nay, Quốc hội và Nhà Trắng đang lâm vào một cuộc khủng hoảng liên quan tới nguồn ngân sách rót cho Chính phủ. Hạ viện và Thượng viện là nơi thông qua các gói ngân sách, và Tổng thống là người ký kết cuối cùng. Nhưng trong những năm gần đây, việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa diễn ra thường xuyên hơn, khiến nhiều người quan ngại.

Tình hình tranh cãi ngân sách ở Mỹ trong hôm thứ Ba vừa qua càng trở nên nghiêm trọng. Viễn cảnh Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần có thể thành hiện thực vào giữa đêm hôm thứ Sáu tuần này, khiến cho hàng trăm nghìn nhân viên liên bang phải tạm nghỉ việc hoặc làm việc mà không được trả tiền. Tổn thất kinh tế có thể lên đến hàng tỷ USD.

Chính phủ Mỹ lại sắp phải đóng cửa

Chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa một phần do tranh cãi về ngân sách. (Nguồn: AP).

Trước tình hình đó, Tổng thống Trump đang thảo luận với đội ngũ của mình và thường xuyên cập nhật thông tin. Cùng lúc, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết vấn đề.

Ông Trump khẳng định rằng khoản tiền 5 tỷ USD xây tường dọc biên giới với Mexico là cần thiết, thế nhưng ông lại không nhận được đủ sự ủng hộ từ giới nghị sỹ trong đảng Cộng hòa ở Quốc hội. Phía đảng Dân chủ, trong khi đó, chỉ muốn rót vốn xây tường ở mức 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, khoảng hơn 800.000 nhân viên Chính phủ đang chuẩn bị đương đầu với tình trạng bất ổn phía trước.

Cuộc tranh chấp này có thể ảnh hưởng tới 15 cơ quan cấp Nội các và hàng chục cơ quan khác, bao gồm Bộ An ninh Nội địa, Bộ Giao thông, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao; và cả các khu công viên quốc gia.

Khoảng một nửa số nhân viên làm việc cho Chính phủ dự kiến sẽ phải tiếp tục làm việc mà không được trả tiền ngay lập tức. Những nhân viên khác sẽ phải tạm thời nghỉ việc. Tuy nhiên, Quốc hội thường chi tiền lương cho họ ngay cả khi họ được yêu cầu tạm thời nghỉ việc.

Rất nhiều cơ quan, trong đó gồm Lầu Năm Góc hay Bộ Y tế, Bộ Cựu chiến binh, nhờ tích lũy được nguồn vốn cho cả năm nên sẽ tiếp tục vận hành như thường lệ, dù Chính phủ bị đóng cửa. Cơ quan Bưu chính Mỹ, rất bận rộn trong những ngày nghỉ sắp tới, cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc Chính phủ đóng cửa bởi nó là một cơ quan độc lập.

“Ngồi trên đống lửa”

Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông sẽ rất “tự hào” khi buộc phải đóng cửa Chính phủ để ép Quốc hội phê chuẩn nguồn ngân sách 5 tỷ USD xây tường bao biên giới, hoàn thành lời hứa mà ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Theo đó, ông Trump hứa hẹn sẽ ép Mexico phải chi tiền xây tường, tuy nhiên Mexico đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất này.

Các lãnh đạo đảng Dân chủ Chuck Schumer và Nancy Pelosi, trong một cuộc họp hồi cuối tuần trước tại Nhà Trắng, đã đưa ra đề xuất giữ nguyên mức tiền xây tường hiện tại là 1,3 tỷ USD. Tổng thống Trump không bác bỏ đề xuất này, và nói với họ rằng ông sẽ cân nhắc thêm.

Hôm đầu tuần này, ông Schumer nói rằng ông vẫn chưa nhận được câu trả lời của ông Trump. Phát biểu tại Thượng viện, ông Schumer cảnh báo rằng “việc ông Trump để Chính phủ đóng cửa là một hành động phù phiếm” bởi phe Dân chủ ở Hạ viện sẽ nhanh chóng phê chuẩn ngân sách cho Chính phủ vào tháng 1/2019.

“Tổng thống Trump vẫn không có một kế hoạch nào để giữ cho Chính phủ vận hành”- ông Schumer nói – “Kiểu giận dỗi hoặc lôi kéo không thể giúp ông ta xây được bức tường của ông ấy”.

Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa hiện đang như “ngồi trên đống lửa”. Nhiều nghị sỹ đảng này trong Quốc hội khẳng định rằng họ không thể để cho Chính phủ phải đóng cửa, dù chỉ là một phần. Nhiều nghị sỹ đang ra sức thúc đẩy các giải pháp để giữ cho Chính phủ vận hành.

Mỹ từng trải qua một giai đoạn bế tắc ngân sách khó khăn kéo dài hơn nửa tháng, vào tháng 10/2013 khi một nhóm thành viên đảng Cộng hòa tìm cách dùng các dự luật cấp ngân sách thường niên để hủy bỏ Luật Chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Barack Obama – còn gọi là Obamacare. Nỗ lực này cuối cùng bị thất bại.

Khánh Duy/daidoanket