Chợ Việt ở Czech thành thiên đường ma túy đá tại châu Âu

Các khu chợ do người Việt điều hành ở vùng biên giới Cộng hòa Czech đã trở thành nơi cung cấp ma túy đá chủ yếu cho Đức và nhiều nước châu Âu, làm nở rộ hoạt động “du lịch đá”.

Một người phụ nữ khoảng ngoài 20 tuổi, ăn vận thời trang, ngồi cho người ta làm móng trong cửa tiệm, để đứa con mới biết đi nằm trên ghế sofa chơi máy tính bảng. Cùng lúc, tại căn phòng bên cạnh, nơi chất đầy đồ không rõ nguồn gốc – từ những con búp bê Barbie giả, áo thun in hình hầm hố đến pháo hoa không có giấy phép – người bố trẻ của cô gái trả 400 euro cho một người đàn ông Việt Nam và lấy một túi bằng cỡ nắm tay chứa các hạt màu trắng đục.

Đó là ma túy đá. Và người đàn ông Đức tìm đường sang nước láng giềng Cộng hòa Czech giữa lúc hoạt động gọi là “du lịch đá” đang nở rộ.

Nằm ở lãnh thổ Cộng hòa Czech, dọc theo đường biên giới dài 814 km với Đức, là hơn chục khu chợ do người Việt điều hành. Phóng viên South China Morning Post có mặt tại một trong số đó: Asia Dragon Bazar, chợ lớn nhất ở thành phố Cheb với 33.000 dân.

Dù những khu chợ này vậy diện tích không lớn, chỉ khoảng vài chục gian hàng bán mọi thứ đồ từ quần áo giá rẻ, túi xách “fake” cho đến giày thể thao, người ta tin rằng chúng đã trở thành nguồn cung cấp ma túy đá chính cho nước láng giềng Đức trong những năm qua.

Nở rộ “du lịch đá”

Ma túy đá xuất hiện tại Cộng hòa Czech từ rất lâu. Người dân địa phương gọi là “piko” hoặc “Pervitin”, vốn là tên một thương hiệu của công ty dược phẩm Temmler tại Berlin trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Khi phóng viên đến chợ Asia Dragon Bazar, khoảng 50 du khách người Đức đang có mặt ở đó. Đa số họ chỉ mua sắm hoặc ngó nghiêng quần áo, đồ gia dụng, nhưng một vài người tìm kiếm thứ gì đó phạm pháp hơn. Trong những năm qua, giá thị trường của ma túy đá tại Czech tương đối ổn định, vào khoảng 1.000 koruna Czech (48 USD (1,1 triệu đồng)) một gram, và người Đức được yêu cầu trả 50 euro.

Khách mua ma túy từ Đức tăng mạnh vào năm 2007 do việc kiểm soát biên giới với Czech ở hai bang Bavaria và Saxony bị xóa bỏ sau khi Czech gia nhập khối Schengen (nhóm nước châu Âu miễn visa đi lại lẫn nhau). Từ đó, “du lịch đá” (crystal tourism), từ dùng để chỉ những chuyến đi xuyên biên giới từ Đức sang Czech để tìm mua ma túy đá, nhanh chóng nở rộ.

“Do việc tiếp cận các khu chợ người Việt ở biên giới từ phía Đức khá dễ dàng, người Việt bắt đầu bán hàng cho người Đức. Họ vốn sang Czech để uống bia hoặc mua xăng, cả hai thứ từng rẻ hơn so với ở Đức”, Viktor Mravcik, giám đốc Trung tâm Giám sát Ma túy và Nghiện Quốc gia Cộng hòa Czech, cho hay.

“Một vài năm trước, chúng tôi nhận thấy các chính trị gia ở Bavaria có xu hướng cáo buộc chính sách ma túy của chúng tôi là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề tại các thị trấn biên giới ở Bavaria, dù rằng những vấn đề đó cũng xuất phát từ nhu cầu của người dùng ma túy tại Đức”, ông nói thêm.

Về vai trò của cộng đồng người Việt trong thị trường ma túy đá, ông Mravcick nhấn mạnh rằng cơ quan chức năng chưa thu được nhiều số liệu vì cộng đồng này có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ và các trung tâm cai nghiện ở Czech hiếm khi có bệnh nhân người Việt.

Tuy nhiên, theo Juergen Staader, đại diện sở cảnh sát Upper Franconia (khu vực nằm sát biên giới thuộc Bavaria), gần như tất cả những người buôn ma túy đá bị bắt bởi các cảnh sát Đức đều khai rằng họ lấy “hàng” từ các chợ của người Việt.

Khi phóng viên SCMP đến Asia Dragon Bazar, tài xế taxi cho hay các tiểu thương người Việt cấm chụp ảnh mặc dù khu chợ nằm trên đất công và việc chụp ảnh được cho phép. Theo người tài xế, nhà chức trách Czech chấp nhận điều này, cho thấy họ ít nhiều chấp nhận để mọi chuyện diễn ra. Khi phóng viên cố chụp ảnh khu chợ, anh lập tức bị bao vây bởi hơn chục người đàn ông Việt bảo anh dừng lại.

Cộng hòa Czech là nơi sinh sống của nhiều người Việt cùng với làn sóng di cư từ giữa những năm 1970 cho đến cuối những năm 1980 khi Czech còn là một phần của nước Tiệp Khắc. Ngày nay, người Việt là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba tại đất nước Trung Âu với khoảng 100.000 người. Họ Nguyễn là họ phổ biến thứ chín tại Czech theo dữ liệu năm 2011 của Bộ Nội vụ nước này.

Làn sóng người Việt đầu tiên đến Czech với tư cách công nhân tạm thời, nhưng nhiều người đã ở lại sau khi Liên Xô và khối Đông Âu tan rã. Họ từ bỏ công việc tại các xí nghiệp nhà nước để mở quán ăn hoặc bán hàng, cả hai lĩnh vực đều có liên quan đến tội phạm có tổ chức.

Phần lớn người bán hàng ban đầu chủ yếu bán thuốc lá, mặt hàng không bị đánh thuế, nhưng những khu chợ của người Việt dần trở thành nơi cung cấp cần sa và sau đó là ma túy đá, sản phẩm vốn dễ sản xuất, thậm chí có thể làm trong bếp.

Tội phạm có tổ chức

Giấy phép kinh doanh cho thấy phần lớn người Việt ở Czech đều làm trong lĩnh vực bán lẻ. Theo Stanislav Broucek, tác giả cuốn sách The Visible and Invisible Vietnamese in the Czech Republic (Người Việt hữu hình và vô hình tại Cộng hòa Czech) xuất bản năm 2017, phần lớn những tiểu thương này đến Czech trong làn sóng di cư đầu tiên và hiện đã sinh sống ổn định, có của ăn của để.

Ngược lại, những người sang vào cuối những năm 2000, trong đó nhiều người đi qua con đường môi giới lao động mờ ám để làm việc tại các nhà máy ở Czech, có cuộc sống khá khó khăn.

Theo tìm hiểu của tác giả Miroslav Nozina, chuyên gia về tội phạm có tổ chức tại Cộng hòa Czech, “vì phí phải trả để được đưa lậu sang Czech dao động từ 3.000 đến 7.000 USD (163,1 triệu đồng), đa phần người mới sang đều gánh khoản nợ khổng lồ, và phải làm việc cho chủ người Việt với mức lương rất thấp. Công việc bao gồm bán hàng trên phố, phục vụ tại nhà hàng quán ăn hoặc làm công nhân nhà máy”.

“Điều kiện trong những hợp đồng như chủ nô với nô lệ này thường rất khắc nghiệt. Nếu những người bán hàng không thể trả nợ định kỳ, chủ của họ sẽ thu giữ hàng hóa. Nếu vẫn không đủ, các biện pháp gây áp lực khác sẽ được áp dụng như đánh đập, cưỡng hiếp phụ nữ, bắt cóc trẻ em, và giết người”.

“Do áp lực trả nợ, những người nhập cư đôi khi phải chuyển sang làm các công việc phạm pháp nhưng mang lại thu nhập cao hơn: buôn ma túy, vũ khí, thuốc lá hoặc phục vụ cho các băng nhóm tội phạm”

Khi các nhà máy gặp khó khăn vì suy thoái kinh tế, các công nhân nước ngoài bị cho nghỉ việc trước tiên, nhưng nhiều người từ chối tham gia chương trình hỗ trợ của chính phủ Czech. Năm 2013, Czech công nhận người Việt là một dân tộc thiểu số chính thức tại nước này.

“Họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc sống nhờ vào lòng thương của những người đồng bào cho họ thức ăn và chỗ ở tạm, chẳng hạn như tại các chợ đầu mối”, Broucek giải thích. “Cũng không có gì sai khi cho rằng những người tứ cố vô thân này sẵn sàng làm việc tại những ngôi nhà trồng cần sa bất hợp pháp hoặc những tổ chức mafia khác”.

Và tổ chức này không chỉ là vấn đề đối với người Czech và người Đức. Báo cáo Thị trường Ma túy Liên minh Châu Âu năm 2016, do Trung tâm Theo dõi Ma túy và Nghiện Ma túy Liên minh Châu Âu (EMCDDA) và Cơ quan Hợp tác Thực thi Pháp luật Liên minh Châu Âu (Europol) phối hợp thực hiện, cho biết các băng nhóm tội phạm có tổ chức của người Việt đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất và phân phối ma túy đá ở Czech.