Chọn yêu chàng Việt kiều Mỹ, nàng hotgirl nhận về chiếc nhẫn đính hôn inox 30 nghìn đồng
Không cần phải đao to, búa lớn, cũng không cần phải “hoa hòe” lòe loẹt… chỉ một chiếc nhẫn inox 30 nghìn, anh chàng Việt kiều Mỹ vẫn khiến chị đổ gục, quyết tâm theo anh tới Mỹ với 2 bàn tay trắng.
Là một HLV thể hình cá nhân, chị Nguyễn Hồng Ngọc (28 tuổi) vừa đón con gái đầu lòng – kết quả tình yêu 6 năm của chị và người chồng Việt kiều Mỹ. Nghe tới 2 chữ “Việt kiều” người ta thường nghĩ ngay tới những người đàn ông bụng phệ, lắm tiền, đủ sức bao nuôi, đưa vợ từ quê nhà sang trời Tây sống cuộc sống chỉ toàn màu hồng.
“Ôi chao, nghe mà thấy sung sướng…”, thế nhưng, chị Hồng Ngọc thì khác. Chị và chồng nên duyên từ những ngày đầu tiên 2 đứa trong tay “chẳng có 1 xu dính túi”. Để đủ tiền cưới chị anh còn phải bảo lưu việc học, đi làm ròng rã trong 1 năm trời để đưa chị từ Việt Nam sang California này.
Chị Hồng Ngọc quyết định cưới anh chỉ vì một chiếc nhẫn “không có kim cương”.
“Anh cầu hôn chị bằng chiếc nhẫn inox 30 nghìn đấy!”
Chị kể, chồng chị hiện tại là bạn học cấp 1 với chị ruột của chị nên 2 người quen biết nhau lúc nhỏ. Sau này, anh theo bố sang Mỹ sinh sống và học tập. Bỏ bẵng nhiều năm, gần 6 năm trước, khi mẹ anh mất, anh về nước để tang mẹ tiện thể thăm bạn bè cũ thì 2 người bất ngờ gặp lại rồi bén duyên nhau.
“Khi đó, anh giản dị, thật thà và vui tính vô cùng, tuy ở nước ngoài về nhưng ăn mặc rất đơn giản khác hẳn với những “Việt kiều” mình từng gặp, mình ấn tượng từ đó”, chị nhớ lại ngày đầu gặp anh.
Con gái mà, ai chẳng có cho mình một hình tượng về người sẽ trao thân, gửi phận, sống với mình cả đời, chị cũng chẳng ngoại lệ. Nếu xét theo tham chiếu về người đàn ông “trong mơ” hay hình mẫu lý tưởng, anh chẳng trúng điểm nào mà còn khác hẳn với những gì chị nghĩ.
“Mình nghĩ chồng tương lai sẽ là một người lớn tuổi, nghiêm trang và sự nghiệp ổn định. Nhưng cuối cùng mình lại chọn chồng mình là một người còn rất trẻ, chỉ lớn hơn mình 1 tuổi, đương nhiên vẫn còn suy nghĩ và nhiệt huyết tuổi trẻ nên không thể nghiêm trang”.
Lúc quen nhau, chồng chị vẫn đang đi học chưa có sự nghiệp. Lần đầu gặp, 2 ngày nữa anh phải bay về Mỹ nhưng anh ấy dời ngày lại thêm cả tháng vì lỡ trúng tình yêu sét đánh.
“Anh đi theo ba lúc 18 tuổi, mẹ mất ở Việt Nam lúc 23 tuổi. Sau khi gặp mình, lúc đó anh đang đi học thì quay về Mỹ tạm ngừng học để đi làm 2 công việc cùng lúc kiếm tiền làm đám cưới. Đúng 1 năm sau về giỗ đầu của mẹ xong là cưới luôn. Anh cầu hôn mình bằng chiếc nhẫn inox 30 nghìn đấy”, chị hạnh phúc lẫn tự hào kể.
“5 năm kết hôn, mỗi sáng đi làm đều hôn tạm biệt”
Đến Mỹ cách đây 2 năm chị vẫn tiếp tục làm huấn luyện viên thể hình bán chuyên, sau đó học thêm và làm chuyên viên chăm sóc da. Vợ chồng chị đón con gái đầu lòng cách đây hơn nửa năm trước.
Những ngày đầu mang thai khó khăn muôn trùng khi chị nghén lên nghén xuống. Chồng chị bất lực, chỉ “hận” không thể nghén thay vợ, bởi vậy tất cả mọi việc trong nhà đều một tay anh lo lắng.
“Anh đưa mình đi khám tất cả các buổi suốt thai kì, chở mình đi ăn uống đi chơi rất nhiều nơi vào những ngày nghỉ làm. Ngày nào anh cũng hôn bụng bầu và nói chuyện với con, đều đều mỗi ngày, sáng trước khi đi làm là hôn vợ dù vợ đang ngủ say, chưa bao giờ để mình phải làm những việc nhà như lau chùi dọn dẹp hay giặt đồ, từng món đồ lót của mình cũng do chồng tự tay giặt. Gặp bất cứ ai cũng khoe về vợ và có hẳn hình xăm mặt vợ trên cánh tay”.
Anh yêu và chiều chị như một nàng công chúa.
Chị nhớ: “Lúc mình bầu, có lần mình bị sốt, chồng mình xả khăn lau khắp người mình liên tục cả đêm để hạ sốt vì không uống thuốc được, và lần nào mình bệnh thì chồng mình cũng nấu cháo trứng cho ăn. Có những lúc nghén đến nỗi phải nhập viện truyền nước biển, chồng mình nghỉ làm đi theo, lót áo dưới sàn để nằm canh chừng xem vợ có cần gì không dù không ăn không uống suốt cả một ngày”.
Khi chị sinh con, anh xin nghỉ hẳn cùng chị 1 tháng để tiện chăm sóc chị, vì nội ngoại đều ở xa, chồng chị làm hết mọi việc từ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp và chăm con ban đêm… còn chị chỉ cho con bú và ngủ.
“Mình nhớ mãi hình ảnh chồng mình ôm con muốn khóc trước ngày đi làm lại vì không thể phụ vợ cả ngày lẫn đêm được nữa. Chồng mình còn đùa là ước gì đẻ được và cho con bú được thì sẽ làm thay mình luôn để mình không phải đau đớn cực khổ”, chị hạnh phúc nói.
Nhiều lúc chị trộm nghĩ: Nếu là mẹ mình thì cũng chưa chắc chăm chút cho mình từng ly từng tí như vậy!
“Dù cho nhẫn cưới chẳng có kim cương…”
Điều làm chị hạnh phúc nhất tới thời điểm này không phải anh giàu có tới đâu, gia đình điều kiện thế nào, mà là anh tôn trọng và yêu thương chị bằng tất cả khả năng anh có thể.
Anh làm ra tiền nhưng tiêu tiền luôn hỏi ý kiến của chị, anh cũng có bạn bè là con gái nhưng chỉ gặp nhau vài lần trong năm,… Anh cũng là người đàn ông của gia đình khi bảo vệ vợ bất chấp, “dù là ai nếu làm mình buồn hay giận thì chồng mình đều ra mặt giải quyết ngay, không để vợ thiệt thòi chuyện gì. Đặc biệt mọi thứ đều là chồng mình tự nguyện làm chứ mình không hề yêu cầu hay đòi hỏi”.
Hạnh phúc của một người phụ nữ là kiếm được nửa kia yêu mình hơn cả bản thân họ.
Lấy nhau lúc cả 2 đều tay trắng, nhẫn cưới còn chưa tới 5 triệu, không hề có kim cương. 5 năm vừa làm vợ, làm chồng, làm người yêu và làm bạn đồng hành của nhau, bây giờ, anh sắp trở thành y tá của bệnh viện, chị cũng ổn định công việc rồi sẽ bước vào giới trung lưu ở Mỹ.
“Chỉ trong 5 năm mà anh đã học xong, đi làm 2 chỗ, và mang cho mình một cuộc sống mới cực kì tốt đẹp, ổn định hơn nhiều người mới đi định cư”, chị nói.
Người ta thường ổn định ngay sau khi kết hôn còn chị Hồng Ngọc và chồng lại ngược lại, họ cùng nhau đi tìm sự ổn định. Vậy mới thấy, nhẫn cưới có thể chẳng cần kim cương nhưng hôn nhân phải là sự tổng hòa của yêu thương và thông cảm vì đó mới là thứ kéo 2 người xa lạ ở lại bên nhau tới hết cuộc đời.