Chuối 150.000 đồng/quả Nhật Bản: Đắt ở công ‘giấm’ chuối
Chuối xanh nhập khẩu từ Philippines về Nhật Bản được trải qua công đoạn ủ, giấm, đóng hộp và bán với giá rất cao.
Tại Nhật Bản, chuối đang trở thành thức quả có giá trị dinh dưỡng rất cao và được xếp vào hàng các loại thực phẩm đắt đỏ.
Một quả chuối có tên Gokusen có giá lên tới 150.000 đồng/quả.
Chuối Gokusen của Nhật Bản có giá tới 150.000 đồng/quả.
Cùng với giá tiền “trên trời” này thì một quả chuối Gokusen được đóng hộp gỗ cầu kỳ, sang trọng với số seri riêng. Chuyện “hàng giả” là không thể có.
Ngay cả tên Gokusen cũng thể hiện được rõ giá trị của quả chuối đắt đỏ này, có nghĩa là “lựa chọn chất lượng cao nhất”.
Mỗi một quả chuối Gokusen để được đóng hộp gỗ in chữ vàng phải có các tiêu chuẩn về kích cỡ có chiều dài ít nhất là 23 cm với trọng lượng vào khoảng 200 gram. Thông thường, một quả chuối chỉ nặng khoảng 100 gram.
Một quả chuối Gokusen nặng tới 200 gram.
Theo quảng cáo của hãng nhập khẩu chuối Dole Nhật Bản, giống chuối Dole được chọn những tính năng tốt nhất từ khoảng hơn 100 giống chuối khác nhau trên thế giới.
Theo nghiên cứu, loại chuối này ngọt hơn 36,5%, thơm hơn 33.4% và có kết cấu tốt hơn 40% so với chuối thường.
Vụ mùa gần đây, chuối của Dole Japan được đánh giá là ngon hơn nhiều dù đắt hơn thông thường. Giá cả mỗi quả chuối đựng trong hộp như vậy có giá tới 650 yên (khoảng 5.8 USD).
Trên thực tế, chuối Gokusen không được trồng ở Nhật Bản. Đây là giống chuối tên là Lakatan trồng tại Philippines. Chuối này trống ở độ cao 500 mét so với mực nước biển.
Chuối Lakatan được nhập khẩu từ Philippines khi còn màu xanh, sau đó tại các kho lưu trữ ở Tokyo, chuối sẽ được trải qua các công đoạn ủ chín, giấm chín trong một kho lưu trữ tại Tokyo.
Chuối Gokusen được nhập khẩu từ Philippines và giấm chín ở Tokyo.
Loại chuối này có hàm lượng axit xitric gấp đôi so với các chuối thông thường. Axit xitric được biết đến là loại chất tốt cho quá trình ăn kiêng và là thành phần dinh dưỡng phù hợp cho những người hoạt động thể thao ở Nhật Bản. Loại chuối này thậm chí còn từng được gọi là “chuối thể thao”.
Một blogger người Nhật Bản – Mr. Sato, là chuyên gia về ẩm thực đã thưởng thức loại quả cao cấp này và viết bài về chuối Gokusen với đánh giá rất cao.
“Gokusen có bề mặt xốp, nhưng cho cảm giác nhiều thịt quả hơn. Hương vị thì rất ngọt ngào… Đó là thứ hương vị nhất quán sẽ bao phủ khắp trong miệng. Thứ hương vị đó giống như vị của một quả chuối thông thường ở vào thời điểm tuyệt vời nhất của nó trước khi bắt đầu xấu vỏ đi với vị chua và thối hỏng” – Mr. Sato viết trên trang blog cá nhân.
Ông cũng cho hay, vị ngọt của chuối Gokusen không phải là vị ngọt “táo bạo” hay vị ngọt áp đảo cả hương thơm của quả chuối. Và gọi đó là một “trải nghiệm ăn chuối cao cấp”.
Quả chuối Gokusen được phát cho một vận động viên khi tham gia vào lễ hội chạy
Marathon được hãng nhập khẩu loại chuối này tài trợ hồi năm 2014.
Dù chuối được trồng và nhập khẩu từ Philippines nhưng chính quá trình ủ, giấm tại Nhật Bản đã quyết định tới hương vị cuối cùng của một quả chuối Gokusen trước khi trưng bày trên các gian hàng cao cấp.
Bên cạnh đó, việc đóng hộp gỗ cầu kỳ cũng như trang trí và in thương hiệu bằng vàng cũng khiến giá trị của quả chuối Gokusen tăng lên.
Công nghệ Nhật Bản nâng giá tiền USD cho hoa quả
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng nông nghiệp Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với công nghệ hiện đại, sản xuất sạch, thông tin trên Tuổi trẻ.
Song ngoài công nghệ cao trong nông nghiệp của Nhật Bản, cần phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp với khả năng thực hiện đa nhiệm vụ như cung cấp nguyên liệu đầu vào, tổ chức thị trường đầu ra, cho vay tín dụng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phân phối hàng tiêu dùng… thì mới có hiệu quả.
“Hợp tác xã kiểu Nhật cũng là đầu mối áp dụng khoa học kỹ thuật hợp tác chuyển giao với các DN, đảm bảo đầu ra, bảo vệ quyền lợi cho nông dân” – GS. Võ Tòng Xuân gợi ý.
Quy trình trồng, chế biến chuối theo công nghệ Nhật được theo dõi rất chặt chẽ. Có khi chỉ một vài trái xấu phải bỏ cả nải chuối. Ảnh: Người Lao động
Như vậy, kiểu hợp tác công nghệ cao trong nông nghiệp với doanh nghiệp Nhật Bản đòi hỏi cần phát triển cả mô hình hợp tác xã với Nhật Bản mới có cơ hội xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao tới thị trường nội địa Nhật Bản.
Quả chuối Việt Nam cũng đã được các doanh nghiệp Nhật Bản chú ý.
Chuối Việt Nam đã được bày bán trong hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote từ ngày 30/4/2016. Đây là sự xuất hiện chính thức lần đầu tiên của chuối Việt Nam tại thị trường bán lẻ Nhật Bản.
15 tấn chuối được xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ được Don Kihote triển khai bán tại hơn 10 địa điểm thuộc hệ thống siêu thị bán lẻ này tại Tokyo và nhiều địa phương quanh Tokyo như Saitama, Chiba…
Ông Hidekatsu Ishikawa, Chủ tịch Công ty VIENT, doanh nghiệp nhập khẩu Nhật Bản đánh giá cao chất lượng chuối Việt Nam, có vị ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản, và có mức giá cạnh tranh.
Hiện nay, Philippines đứng đầu thị trường quả chuối ở Nhật Bản, chiếm tới 85% thị phần chuối nhập khẩu của nước này.