Chuyện tình xuyên biên giới của vị bác sĩ Mỹ và cô gái Việt bỏng 81% cơ thể
Ngày bác sĩ Michael French (63 tuổi) ngỏ lời yêu, chị Nguyễn Thị Thu Đào (39 tuổi, quê Hoài Ân, Bình Định) từng lo sợ những vết sẹo bỏng 80% cơ thể sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai. Ấy vậy, trong mắt ông, chị không chỉ là người phụ nữ lành lặn mà còn vô cùng lạc quan.
“Lần đầu gặp Đào điều gì khiến ông yêu chị?”
“Đó là người con gái ấm áp và lạc quan nhất tôi từng gặp trên thế giới này!”
“Vậy khi đưa chị ấy về Mỹ, ông có bao giờ lo sợ vết sẹo, cánh tay của Đào sau này là gánh nặng cho chính bản thân?” – tôi đột ngột hỏi trong lúc ông Michael French không có sự chuẩn bị trước.
“Đâu…Đâu… Vết sẹo nào? Tôi chưa từng cô ấy có bất kỳ vết sẹo nào…”, vừa nói, ông Michael French vừa nhìn sang vợ, lặng lẽ nắm chặt cánh tay cụt, chằng chịt vết sẹo.
Cứ thế, suốt hơn 15 năm kể từ quen và đi đến hôn nhân, trong mắt ông Michael French, chị Đào không những là người phụ nữ lành lặn mà còn đẹp và lạc quan nhất cuộc đời. Điều đó càng khiến ông thêm yêu con người và đất nước Việt Nam.
Bỏng 81% cơ thể do rơi vào chảo lửa
Năm Đào chào đời, nhà nghèo nên người mẹ đành dùng chảo lửa đặt dưới võng để sưởi ấm cho đứa con gái. Ấy thế, trong một lúc bà bất cẩn ra ngoài, chiếc võng chẳng may lật ngược khiến toàn bộ thân người Đào rơi vào lửa. Đến khi người mẹ quay lại chỉ còn nghe tiếng gào khóc yếu ớt và toàn bộ thân người con… nằm gọn trên than hồng.
“Nhà nghèo đâu có tiền nằm viện, mẹ chị cứ chăm sóc cầu mong sao cho mình được sống. Thế nhưng, vài ngày sau, cứ ngón tay lành đến đâu thì nó rụng đến đó vì da thịt đã chín đỏ hết rồi…” – chị Đào nói.
Chị Đào được chẩn đoán bỏng hơn 80% cơ thể, trong đó một bên tay rụng toàn bộ ngón, thân hình biến dạng, da thịt chảy xệ dính vào nhau khi chỉ vừa chào đời. Gia đình hành nghề nông, bố mẹ còn chạy vạy từng bữa ăn gia đình nên chị đành chấp nhận lớn lên với hình hài đầy vết sẹo oan nghiệt từ lửa.
“Đến khi hiểu chuyện, mình buồn chứ! Có lúc nhìn vào gương chỉ muốn chết cho rồi. Ra ngoài đường, người ta gọi mình là con méo miệng, cụt tay, có khi còn rượt đánh nữa. Tủi thân, đau khổ,… mình nếm trải hết. Nhưng cái số phận đã vậy thì còn cách nào ngoài việc chấp nhận nó?”.
Cứ thế, cả tuổi thơ của Đào là chuỗi ngày ra vào viện không hứa ngày trở về. Chị không đếm nổi đã trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, cận kề cái chết để kéo da thịt với hy vọng có thể sống lành lặn. Ấy vậy, đối với chị, đau đớn nhất là ngày ngày chứng kiến người mẹ chưa bao giờ thôi dằn vặt, ân hận với lỗi sai của bản thân.
“Lúc đó, chị chỉ nghĩ nếu không trải qua giai đoạn đó, đau khổ này thì làm sao mình gặp được những người tốt, được thương yêu và cuộc đời mình có khi hướng qua ngã rẽ khác tồi tệ hơn. Đến một ngày, chị biết phải giải thoát cho mẹ, bèn nói: “Con hạnh phúc khi được sống, chưa bao giờ đau đớn mà còn muốn làm nhiều hơn nữa, nên mẹ đừng buồn”. Từ đó, bà mới yên tâm sống, không còn lo nghĩ nhiều”.
Năm 2004, may mắn lần đầu tiên mỉm cười khi Đào được 2 vợ chồng ngoại quốc nhận làm con nuôi và đưa ra nước ngoài thực hiện ca đại phẫu thuật tách da, giúp cánh tay trái có thể duỗi thẳng. Vậy mà, khoảnh khắc ngồi trong phòng bác sĩ, ông trầm ngâm: “Cùi chỏ không còn khớp xương nữa, đã gắn liền thịt nên không thể thực hiện.…”, chị Đào chỉ biết khóc, đành quyết định cắt bỏ một bên tay.
“Yêu cô gái không lành lặn vì nụ cười cô ấy ấm áp nhất”
Năm 2005, bác sĩ Michael French cùng đồng nghiệp đã sang Việt Nam để tham gia phẫu thuật miễn phí cho các bệnh nhân dị tật, sứt môi, hở hàm ếch… Biết được thông tin, chị Đào liền tìm tới đăng ký. Thế nhưng, số lượng có hạn nên thời điểm đó bác sĩ chỉ đành dành suất ưu tiên cho các bệnh nhi.
Mặc dù không được phẫu thuật, Đào không buồn rầu. Chị lập tức đăng kí thành tình nguyện ở lại để săn sóc cho những em bé trước khi lên bàn mổ. Tinh thần lạc quan ấy đã khiến nhiều bác sĩ trên thế giới ngạc nhiên.
Đến một buổi sáng, bác sĩ Michael French đi thang bộ lên phòng khám, nhìn thấy Đào đứng bên hiên cửa sổ, ngắm nhìn ánh nắng mặt trời và không ngừng mỉm cười, ông dường như đã rơi vào lưới tình ngay lập tức.
“Đó là lần đầu tiên tôi thấy một gương mặt không lành lặn tỏa ra năng lượng hạnh phúc, ấm áp đến như thế. Thời điểm đó tôi li dị vợ cũ đã lâu, nhưng tôi muốn mọi thứ tự nhiên nên xem Đào như là tri kỷ. Tôi trở về nước, suốt 5 năm cả hai chỉ liên lạc với nhau qua những bức thư…” – ông Michael French nói.
Ít tháng sau, đoàn bác sĩ trở về nước, chị Đào lại tiếp tục hành nghề giúp việc nhà để gom góp tiền cho hành trình tìm lại cơ thể. Đến năm 2010, ông Michael French quay lại Việt Nam, chị Đào liền đứng ra làm tình nguyện đưa ông đi thăm TPHCM.
Một buổi tối, Michael French đột ngột nắm tay chị rồi ngỏ lời: “Làm vợ anh nhé!”. Câu nói ngắn gọn ấy khiến chị Đào xúc động không ngừng.
“Một bên tay chị chưa lành lặn nhưng anh chưa bao giờ quan tâm. Đối với anh ấy, chị vẫn như bao cô gái bình thường, mỗi lần ra đường anh đều tự tin ôm chị, nắm tay chị để bảo vệ chị…” – chị Đào kể lại.
Để thách cưới vị bác sĩ người Mỹ, chị Đào liền đưa ra điều kiện: “Muốn lấy vợ Việt Nam phải làm rể Việt Nam”. Vài ngày sau, chị liền đưa anh về quê thưa hỏi với mẹ, đồng thời yêu cầu học thêm tiếng Việt.
“Ở cạnh nhau chị mới càng yêu anh hơn! Anh ấy là một người tốt, cả đời chỉ muốn làm thiện nguyện khắp thế giới. Đôi lúc chị nhận thấy nếu ngày đó mình không bị bỏng, không có những vết sẹo này thì có lẽ đã không có được người chồng như anh” – chị Đào cười.
Viên mãn cùng 3 đứa con và ước mơ được sống ở Việt Nam mãi mãi
10 năm bên nhau, 2 vợ chồng chị Đào đã có với nhau 3 người con. Thời điểm mới sang Mỹ, chị Đào từng lo sợ không làm tốt bổn phận người mẹ khi chăm sóc thêm 2 người con riêng của chồng. Ấy vậy, chính tình yêu thương và nghị lực sống phi thường của Đào đã khiến tất cả đều xem chị như người mẹ thứ hai.
“Bây giờ đứa con trai lớn của anh đã kết hôn với một cô gái Việt, con trai nhỏ cũng có người yêu là Việt Nam. Tụi nó bảo con gái nước ta xinh đẹp, lạc quan và tốt bụng nhất thế giới…”
Ngoài tuổi 60, bác sĩ Michael French vẫn vận hành một phòng khám riêng. Vợ chồng ông luôn dành thời gian đi khắp nơi để chữa trị miễn phí cho những bệnh nhân dị tật. Chính tính cách nhân hậu ấy khiến 3 đứa con của cả hai trở thành những đứa trẻ hiểu chuyện, thậm chí vô cùng yêu quý, tự hào về những vết sẹo trên người mẹ.
“Có hôm, đang nằm xem phim, đứa con trai nó rờ tay chị rồi bảo: “Con ước mẹ có đôi tay, con không bao giờ muốn mẹ như thế này”. Ban đầu, chị cũng lo sợ tụi trẻ con thấy mình dị biệt sẽ tấn công con mình, thế nhưng bây giờ bạn bè nó rất thích đến nhà chơi, gặp là chạy tới ôm, thương như thể người thân của chúng vậy…” – chị Đào kể.
Đại dịch Covid-19 khiến 2 vợ chồng đã 2 năm không trở về quê nhà. Ông Michael French cũng dự tính sau khi sức khỏe đi xuống, ông sẽ đưa cả gia đình trở về Việt Nam ở hẳn. Bởi đối với ông, Việt Nam chính là đất nước đáng sống nhất trên thế giới.
“Anh ấy thích đồng quê Việt Nam, đồ ăn, thích xe máy trên đường… đặc biệt là rất thích thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, 2 vợ chồng chị đang tích góp tiền để có thể mua nhà và về đây hẳn. Các con chị để giữ truyền thống ông cha, từ nhỏ đã được dạy nói, viết tiếng Việt thành thạo. Sau này dù đi đâu chúng đều tự hào có dòng máu Việt Nam chảy trong người mình…” – chị Đào mỉm cười trong vòng tay của chồng.