Cô gái Việt kể về những ngày “nghèo rớt mùng tơi” khi lấy chồng Tây

Chị Thanh Hiếu, 31 tuổi, quê Bình Thuận kết hôn với người chồng Đức, anh Stefan, 33 tuổi, năm 2010. Anh chị từng trải qua những tháng ngày gian khó khi tiền lương thấp, phải chắt chiu từng đồng và không dám có con. Sau 7 năm vất vả, cuộc sống của anh chị đã thoải mái hơn nhiều. Dưới đây là chia sẻ của chị về quãng thời gian khó khăn.

 

 

Gần 9 năm yêu nhau, 7 năm ngày cưới, trên tay ôm ‘cục vàng’ 18 tuần tuổi, và nghe chồng thủ thỉ bên tai: “Em và con là những gì quan trọng nhất đời anh, còn lại là thứ yếu”, tôi mỉm cười hạnh phúc. Sau nhiều gian khó, giờ chúng tôi không còn phải sống vội, chật vật kiếm từng đồng, mà có nhiều thời gian hơn cho tổ ấm bé nhỏ. Nhiều lúc ngồi nhớ lại những tháng ngày đã qua, tôi nghĩ cuộc đời mình như một cuốn phim với nhiều thăng trầm, nút thắt, khổ đau, vui sướng…

Tôi và anh quen nhau năm 2008 qua một người bạn. Khi đó tôi làm thông dịch viên và lễ tân cho một học viện tạo mẫu tóc của Singapore tại Sài Gòn, còn anh sang Việt Nam học võ, đi du lịch sau khi tốt nghiệp trung cấp tin học. Vốn là một người mê võ nên anh quyết định đến Việt Nam để học thêm. Anh đã bán xe hơi để thực hiện đam mê của mình.

 

Cô gái Việt kể về những ngày ‘nghèo rớt mùng tơi’ khi lấy chồng Tây - ảnh 1
Anh Stefan và chị Thanh Hiếu quen nhau qua một người bạn chung.

 

Tôi giúp anh tìm nhà trọ rẻ và dạy anh tiếng Việt. Tháng 11/2008, khi đi chơi cùng hội bạn ở Vũng Tàu, lúc đi dạo ở bờ biển, anh tâm sự mình từng có bạn gái, hai người đã chia tay 6 tháng. Trước khi qua Việt Nam hai người đã thử quay lại nhưng tình cảm không còn như xưa. Anh nói bây giờ anh đã yêu người khác.

Tôi biết người anh nói là mình nhưng thời gian đó, tôi mới chia tay bạn trai, tôi không muốn ràng buộc vào một mối quan hệ nào hết, trên hết tôi sợ mất đi một người bạn như anh. Vài ngày sau đó, anh tỏ tình với tôi. Nhưng tôi đã thẳng thừng nói rằng mình không có ý định yêu ai lúc này, hơn thế nữa 4 tháng sau anh sẽ lại về Đức, nên “đừng đem tình yêu ra làm trò đùa”.

Nghe tôi nói vậy, anh khá buồn nhưng anh xin được gặp tôi mỗi ngày: “Anh sẽ chứng minh cho em thấy là anh trẻ người nhưng không non dạ”. Nói là làm, anh nhờ em trai bên Đức gửi bằng cấp của anh sang Việt Nam để anh xin việc. Thời gian đó tôi vẫn gặp anh mỗi ngày nhưng không hứa hẹn gì về tương lai cả, đi chơi vẫn tiền ai nấy trả chẳng ai nợ ai. Sau khi nhìn thấy những nỗ lực và cảm nhận tình cảm anh dành cho mình là chân thật, tôi quyết định nhận lời tỏ tình của anh đúng vào ngày lễ Noel.

Tháng 2/2009 là đúng lịch Stefan về nước nhưng anh đã hủy vé để ở lại. Quyết định bất ngờ của anh khiến bố mẹ rất lo lắng. Họ thay phiên nhau qua thăm anh và xem mặt tôi. Khi gặp tôi, ông bà có tâm sự rằng lúc nghe con trai tôi có người yêu bên này họ lo lắm, vì nghe nhiều người nói con gái châu Á hay lừa lấy tiền, có visa,quốc tịch rồi là bỏ chồng. Tôi hiểu nỗi lo của ông bà nên rất thận trọng chuyện tình cảm và tiền bạc.

Sau nhiều tháng trời ở Sài Gòn không tìm được công việc ưng ý, thêm việc ông bà nội ngoại của anh bị bệnh, tôi khuyên anh về nước. Anh nói chỉ về nếu tôi đi cùng. Lúc đó, tôi hứa cố gắng sang với nhau nhưng thực lòng chỉ hứa để anh đỡ phải suy nghĩ.

 

Cô gái Việt kể về những ngày ‘nghèo rớt mùng tơi’ khi lấy chồng Tây - ảnh 2
Anh chị từng có thời gian xa cách anh phải trở về Đức còn bạn gái ở Việt Nam.

 

Tháng 10/2009, anh quay trở lại Đức, hai đứa vẫn giữ liên lạc, ngày nào cũng gọi điện đến nóng máy. 6 tháng sau, tôi qua thăm anh hai tháng rưỡi. Lần đầu anh dẫn tôi đi thăm ông bà nội, anh có nói trước là ông bà rất khó, ăn uống phải ngồi thẳng lưng, tay để lên bàn khiến tôi lo lắm. Ai ngờ lúc ra về, bà cầm tay anh rồi bảo: “Con mà làm mất cô gái này bà sẽ giận con đấy”.

Hôm sau, anh nhốt tôi vào phòng khách, không cho tôi qua phòng khác. Khoảng một tiếng sau, anh bắt tôi nhắm mắt rồi dẫn vào phòng ăn. Mở mắt ra, tôi thấy trước mắt là 2 đĩa mỳ, 2 ly nước lọc (vì anh không uống rượu) và một cây nến. Anh cầm chiếc nhẫn bạc, mặc áo sơ mi, quần tây rồi quỳ xuống chân tôi.

“Em thấy rồi đó, anh nghèo lắm. Sáng 6h30 ra khỏi nhà, 6 giờ tối mới rời công ty. Cuộc sống của anh không hào nhoáng, không giàu có nhưng những gì anh có anh đều dành cho em. Em có đồng ý lấy anh không?”, Stefan nói.

Lúc đó tôi chỉ biết khóc, khóc vì hạnh phúc, và khóc vì đĩa mỳ dở tệ mà anh nấu. Hôm sau tôi bắt anh hứa, hai đứa sẽ chi trả tiền đám cưới, không nhận quà cưới từ gia đình hai bên, cùng nhau tiêu tiền chung… Nếu anh đồng ý thì tôi mới chịu. Anh cười và nói chỉ tiếc là không có tiền cho tôi bớt khổ. Thế là hai đứa gấp rút chuẩn bị giấy tờ để đăng ký kết hôn bên Việt Nam.

Tháng 8/2010, đám cưới của chúng tôi tổ chức ở quê tôi. Ba mẹ anh nói muốn trả chi phí nhưng tôi nhất quyết không đồng ý. Tôi không muốn dựa vào ai khác, tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy chúng tôi đến với nhau hoàn toàn vì tình yêu, và không có đồng euro nào mua được nhân phẩm của tôi. Sau đó, anh về Đức còn tôi ở lại để học bằng A1. Đúng 30 Tết là tôi có visa, mùng 7 tết vợ chồng tôi đoàn tụ.

Lúc đó, lương chồng tôi thấp lắm, hai vợ chồng nghèo theo đúng kiểu rớt mùng tơi. Thấy tôi nhớ nhà quá, anh để dành tiền hai đứa về thăm quê vợ, với điều kiện là trong vòng 6 tháng tôi phải đậu bằng B1. Thế là mỗi tháng hai đứa chỉ ăn đúng 80 € (bao gồm cả giấy vệ sinh, nước uống…). Nhiều khi thèm ăn cái bánh 3,5€ mà suy nghĩ mãi mới dám mua một cái rồi 2 đứa vừa đi vừa ăn với nhau.

Tôi đi chợ tuần nào anh cũng đòi ăn trứng luộc với nước mắm. Rau tôi mua loại gì anh cũng ăn. Một tuần hai đứa ăn chục bữa trứng, hết luộc tới chiên, rau xào các loại. Tôi thì thèm tôm kinh khủng, mà nó đắt quá nên cứ nói chồng là tôm đông đá em không ăn. Cuối cùng sau 6 tháng tiết kiệm và tôi lấy được bằng B1, hai vợ chồng cũng được về Việt Nam.

Sau đó tôi vừa học B2 vừa làm thêm nail để kiếm tiền đóng học phí. Sau một năm tôi bắt đầu ra làm riêng, những tháng đầu vừa làm vừa mua thêm dụng cụ nên không dư được đồng nào. Sau 4 tháng tôi mới có thêm thu nhập phụ chồng, mỗi ngày tôi cày 13 đến 15 tiếng ở chỗ làm. Có tiền rồi tôi động viên anh vừa làm vừa học thêm các lớp đào tạo chuyên môn ngắn hạn. Thời gian đó tôi ước ao có con nhưng nghĩ tương lai chưa vững, nhà cửa chưa có, sợ con khổ nên lại thôi.

Cuộc sống dần khá hơn, hai vợ chồng không phải lo chuyện ăn uống nữa. Một lần đi chợ tôi mua tôm, anh mới phát hiện ra tôi nói dối việc không thích tôm đông đá đợt trước. Giờ thấy tôi đứng nhìn cái gì là anh bốc bỏ vô xe đẩy luôn, có nói thế nào cũng không cho trả lại. Sau này tôi cũng mới biết anh không thích ăn trứng chiên, những loại rau mà lúc trước tôi nấu là loại anh rất ghét, nhưng vì nó rẻ nên anh ăn.

Sau 4 năm cố gắng chồng tôi được lên chức trưởng phòng, cuộc sống ổn định chúng tôi mới tìm mua nhà và sinh em bé. Lúc làm giấy tờ, anh nhất quyết để tên tôi vào vì anh nói nếu không có vợ sẽ không có anh ngày hôm nay.

Hiện giờ tôi đã lui về hậu phương, chăm sóc cho con. Mình anh lo kinh tế nhưng làm việc gì anh cũng hỏi vợ. Đi làm về anh cũng giúp tôi chăm con, làm việc nhà. Sau nhiều biến cố, tôi nhận ra mình đã may mắn khi có một người chồng như anh. Những ngày tháng gian khổ càng làm cho tình yêu của chúng tôi thêm bền chặt. Tôi không còn e ngại bất cứ khó khăn nào vì tôi biết, sẽ luôn có một bàn tay nắm tay tôi vượt qua tất cả.

Theo Afamily