Cô gái Việt săn học bổng tiến sĩ vì lời hứa với chàng trai Mỹ
Khi Chance Clark ôm tạm biệt Anh Phương để rời Việt Nam, anh nghĩ tình yêu của họ sẽ kết thúc nhưng cô gái nói “một năm nữa em sẽ sang Mỹ gặp anh”.
Cô gái Hà Nội Vũ Anh Phương đã thực hiện được lời hứa sau 6 tháng. Khi Chance nắm tay cô ở sân bay Chicago họ chính thức trở thành người yêu của nhau. “Khoảnh khắc chạm tay nhau, tôi biết trái tim mình thuộc về anh ấy”, Anh Phương, 27 tuổi, đang sống và làm việc ở bang Indiana (Mỹ) nói.
Anh Phương và Chance Clark quen nhau năm 2018 khi chàng trai đang học ngành Di truyền thực vật tại đại học Purdue (bang Indiana) cùng 17 người khác sang Việt Nam theo chương trình trao đổi sinh viên.
Vũ Anh Phương, sinh viên năm thứ ba, chủ nhiệm CLB tiếng Anh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ở Hà Nội cùng một số thành viên nhận nhiệm vụ đón đoàn. Họ chia đoàn sinh viên Mỹ thành hai nhóm để hướng dẫn. Hôm đó, Anh Phương chỉ về phía nhóm có Chance Clark đang đứng nói to: “Tôi sẽ dẫn đoàn này vì có nhiều bạn đẹp trai hơn!”. Mọi người đều phá lên cười, phá tan khoảng cách lần đầu gặp gỡ.
Trong lúc dẫn đoàn, Anh Phương chủ động bắt chuyện với các bạn Mỹ, giơ tay giải thích thêm nếu câu trả lời của thầy cô chưa trúng câu hỏi của sinh viên nước ngoài. “Cô ấy thật tự tin, thú vị và xinh đẹp. Tôi đánh giá cao phụ nữ Việt qua cách thể hiện của cô ấy”, Chance Clark nhớ lại những ngày đầu gặp mặt.
Chàng sinh viên người Mỹ cũng có nụ cười ấn tượng với Anh Phương. Suốt hành trình khám phá văn hóa Việt, anh tỏ ra tò mò, ham thích. “Trên xe mọi người đều ngủ, riêng anh ấy luôn hướng mắt ra cửa sổ ngắm nhìn và đặt câu hỏi”, Anh Phương kể. Khi nghe các chuyên gia Việt và nông dân chia sẻ về nông nghiệp hầu hết các sinh viên Mỹ đều thấy khó hiểu và thờ ơ nhưng Chance lấy giấy bút ra ghi chép, hỏi lại khi không hiểu.
Anh xin kết bạn mạng xã hội với cô gái Việt và chủ động nhắn tin. Đến ngày thứ tư ở Việt Nam thì họ đi chơi với nhau mỗi tối. Chance và Anh Phương đều thấy tim mình rung động nhưng anh luôn nói với cô: “Anh rất thích em, nhưng nước Mỹ và Việt Nam quá xa nhau, chúng ta không thể yêu nhau được”.
Ngày về nước, Chance Clark bảo với cô gái “Anh rất tiếc khi chúng ta chẳng thể đến với nhau”, rồi ôm chặt Anh Phương. Cô bảo với chàng trai chờ mình một năm vì đã nhìn rõ con đường sắp bước.
Thực tế, Anh Phương đã có kế hoạch xin học bổng sang Mỹ du học. Từ một học sinh kém tiếng Anh, cô đã phấn đấu trở thành chủ nhiệm CLB tiếng Anh của trường. Cô giành được học bổng Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của Bộ Ngoại giao Mỹ và nhiều học bổng toàn phần khác để đi Mỹ, Nhật, Hàn, Singapore, Thái, Đài Loan.
Tuy vậy, Anh Phương vẫn chưa thể xác định nên học trường nào, bang nào ở Mỹ để nộp hồ sơ. Sự xuất hiện của Chance Clark đã giúp cô gái Việt biết cần làm khóa luận và báo cáo tốt nghiệp đại học ở Mỹ, sau đó xin học bổng tiến sĩ để ở đây lâu nhất có thể.
“Trong 6 tháng xa nhau, chúng tôi nhắn tin, gọi điện không ngừng. Mỗi giây mỗi phút chỉ ước được nắm tay anh. Đó là động lực để tôi nỗ lực thêm từng ngày”, Anh Phương nói.
Bà Ngô Thị Tùng Thanh, mẹ Anh Phương cho biết, trước đây khi con gái chưa xác định được mục tiêu, bà hay chê trách “nước đến chân mới nhảy”. Nhưng khi đã biết cần làm gì, Anh Phương lao vào học, tiến bộ rất nhanh. “Nhiều hôm thấy con thức khuya học, tôi phải bảo con có gánh nặng con phải san ra để gánh chứ không thể ôm cùng một lúc, sợ sẽ quá sức”, bà nói.
Ngày đặt chân đến quê hương bạn trai làm khóa luận tốt nghiệp, anh đón cô ở sân bay Chicago. Trong 5 tháng ở Mỹ, Anh Phương dậy từ 7h sáng làm khóa luận đến tận chiều, cố ăn thật nhanh để học tiếng Anh, học chứng chỉ GRE (bài kiểm tra điều kiện đầu vào bậc sau đại học ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội). Cô thường chỉ ngủ sau 2h sáng.
Ở gần nhau, Chance ít nhắn tin, gọi điện cho Anh Phương để cô dồn tâm sức cho việc học nhưng người yêu giận anh. Cô nghĩ anh không còn quan tâm mình như trước nên muốn chia tay. Chance phải lái xe 14 giờ đồng hồ cả đi lẫn về để mang một bó hoa tới làm lành với người yêu.
“Giờ chúng ta đã ở Mỹ, nếu cần gì anh sẽ đến trực tiếp gặp em cần gì phải mất nhiều thời gian qua điện thoại, mạng xã hội”, anh giải thích. Chỉ ở bên Anh Phương 5 tiếng, Chance lại vội vã lái xe về để kịp ngày hôm sau có mặt ở trường.
Khi Anh Phương bảo vệ thành công khóa luận tại Mỹ về lại Việt Nam, Chance dành 5.000 USD từ học bổng của mình mua chiếc nhẫn kim cương cầu hôn bạn gái. “Tôi tin cô ấy là mảnh ghép còn thiếu của đời mình”, anh nói.
Về nước, Anh Phương tiếp tục nộp hồ sơ xin làm tiến sĩ ở Mỹ. Cô nộp hồ sơ cùng ngành, cùng trường với hôn phu và bốn trường gần đấy. Tháng 4/2019, Anh Phương lần lượt nhận được thông báo mời làm tiến sĩ ở các trường lân cận. Lá thư cuối cùng đến từ đại học Purdue. Cô vỡ òa hạnh phúc, lập tức báo cho Chance.
“Nhiều người nói phụ nữ châu Á lấy chồng Mỹ để có thẻ xanh, còn tôi chứng minh cho họ thấy tôi đến đây bằng sự nỗ lực và năng lực của chính mình”, Anh Phương nói.
Tháng 11/2019, đôi trẻ nên vợ chồng khi Anh Phương 23 tuổi và Chance bước sang tuổi 22. “Từ lúc yêu nhau, tôi đã nói với Chance sẽ chỉ gần gũi và ở chung nhà với ai là chồng mình. Anh rất tôn trọng tôi và cũng vì vậy tôi tin anh thực sự yêu mình”, cô nói.
Có điều, vì cưới rồi mới sống chung, năm đầu hôn nhân của họ đầy sóng gió. Anh Phương thi thoảng nói vui với chồng “Dạo này anh mập lên đấy!”, hay “Mặt anh dạo này nhiều nếp nhăn thế”. Chàng trai Mỹ xem đó là sự chê bai ngoại hình nên rất khó chịu.
Về phía Anh Phương, khi cô nấu những món Việt cho chồng, anh thường hỏi “Em cho nguyên liệu này có đúng không vậy?”, “Liệu có làm sao không?”, khiến cô cảm giác không được tin tưởng.
Anh hay đập tay lên bàn mỗi lần tức giận, còn Anh Phương quen trách móc lặp lại. Bực bội tích tụ dần khiến cả hai xung đột. Có lần, Anh Phương nấu phở, Chance thắc mắc “Em có chắc làm thế này không?”. Khó chịu, cô cao giọng “Có lẽ em lấy anh quá sớm!”. Anh chồng sốc nặng, đập cốc nước xuống sàn.
“Tôi chỉ muốn nói hai đứa lấy nhau khi chưa hiểu hết về nhau, còn anh lại nghĩ ý tôi là nên lấy người khác không phải anh”, cô gái Việt kể. Cô bỏ ra phòng khách ngủ nhưng đêm đó, cả hai cùng thức trắng.
Sáng ra, Chance đưa cho vợ một lá thư xin lỗi, hứa giữ thái độ điềm tĩnh hơn. Anh Phương cũng nhận ra sự khác biệt về văn hóa, cách nói của cô gây hiểu lầm. Họ ngồi lại nói chuyện với nhau, cùng thống nhất sẽ thẳng thắn nói về cảm xúc của mình, diễn đạt rõ ràng và người còn lại phải biết lắng nghe.
Năm 2022, Mỹ thiếu lao động trầm trọng, ngành của Anh Phương được tăng mức đãi ngộ thêm 40%. Biết đây là cơ hội hiếm có, cô tạm dừng việc học để đi làm tại công ty một công nghệ sinh học hàng đầu, cách nhà 10 phút lái xe.
Hàng ngày, Chance sẽ đưa vợ đến nơi làm việc, sau đó đến trường. Ở tuổi 27, anh chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ, có 8 bài báo khoa học, thành tích ít người đạt được ở xứ cờ hoa. Chàng trai coi trọng sự chung thủy và luôn san sẻ mọi việc nhà với vợ.
“Anh không chỉ là bạn đời lý tưởng mà còn là thần tượng của tôi. Sau bao nỗ lực, tổ ấm này, công việc này với tôi thật sự viên mãn”, Anh Phương cười, nói. Dù đã làm dâu Mỹ bốn năm, Anh Phương vẫn chưa đổi quốc tịch. Cô muốn con mình khi sinh ra biết mẹ là “máu đỏ da vàng 100%” và con là kết tinh của hai dòng máu Việt – Mỹ.