Cuộc sống chối bỏ thế giới hiện đại của vợ chồng Việt – Mỹ
John Lapp là người Amish sống kiểu chối bỏ thế giới hiện đại, nên anh tin việc gặp gỡ và nên duyên với một cô gái Việt chắc chắn do định mệnh se duyên.
John Lapp kể, tộc người Amish của anh có khoảng hơn 300.000 người sống giữa lòng nước Mỹ nhưng từ chối mọi tiện nghi hiện đại, trung thành với lối sống từ hàng trăm năm trước. Họ tuyệt đối không có TV, máy tính, điện thoại, không dùng điện, đi lại bằng xe ngựa và tự cung tự cấp gần như mọi thứ vì lo sợ các giá trị ngoại lai xâm nhập vào văn hóa, khiến cộng đồng xa cách nhau.
Với những người trẻ, trước khi quyết định có chọn lối sống này hay không họ có một khoảng thời gian được khám phá và trải nghiệm thế giới bên ngoài, gọi là Rumspringa. Ở đó, họ được phép họ sử dụng công nghệ hiện đại cũng như tận hưởng các tiện ích như lái ôtô và xem phim. Sau Rumspringa, thường có khoảng 15% quyết định rời bỏ lối sống Amish.
“Đó là một quyết định vô cùng khó khăn”, John Lapp, 39 tuổi, cư dân vùng Lancaster, bang Pennsylvania nói. Một khi từ bỏ Amish đồng nghĩa người đó bị cắt đứt quan hệ với gia đình, bạn bè, cộng đồng.
John ra khỏi cộng đồng năm 2018. Đó là lần đầu chàng trai đi làm công ty, kết bạn, đi máy bay và du lịch. Một người bạn chung đã giới thiệu John và cô gái Việt Nam Nguyễn Yến Nhi với nhau vì tin hai người là một cặp.
“Đúng là trò chuyện chúng tôi đã thấy nhiều điểm tương đồng, song lúc đó hai đứa chỉ nghĩ có thêm một người bạn”, Yến Nhi, 35 tuổi, chia sẻ.
Năm đó Nhi đang làm một dự án hỗ trợ trẻ em ở Campuchia. John hứng thú với công việc của cô, bởi nhiều năm nay anh cũng hỗ trợ hàng tháng cho một số trẻ em nghèo. Yến Nhi cũng lần đầu tiên biết về người Amish khi nói chuyện với John.
Thời điểm đó John đang đi du lịch, cứ đến địa điểm mới sẽ gửi hình cho Nhi. “Sau một thời gian, chúng mình tin tưởng người kia đến độ chia sẻ cả những bí mật, nỗi đau và tổn thương sâu kín nhất”, Nhi cho hay.
Một ngày đầu năm 2019, chàng trai thổ lộ: “Ban đầu tôi xem em là bạn, nhưng càng ngày càng cảm mến em. Em có muốn chúng ta bắt đầu mối quan hệ không?”.
Nhi sinh ra trong gia đình khó khăn, bố mẹ và anh trai cần được cô chăm sóc nên chưa bao giờ nghĩ sẽ lập gia đình với người ngoại quốc. Nhưng 30 năm cuộc đời, lần đầu tiên có chàng trai mang cho cô cảm giác yên tâm và có chỗ dựa vững chãi đến vậy. “Khi tôi đồng ý thì đầu bên kia anh bật khóc”, Nhi kể.
Hơn một tháng sau, John sang Việt Nam. Yến Nhi dẫn bạn trai về quê Kiên Giang giới thiệu gia đình, không ngờ lại để anh chứng kiến cảnh người thân lục đục. Cô buồn, xấu hổ với bạn trai bao nhiêu, anh lại thương cô bấy nhiêu. Ngày cuối cùng trước khi về Mỹ, chàng trai cầu hôn.
“Cả anh và em đều trải qua những tổn thương. Anh tin rằng em cũng như anh có quyết tâm xây dựng một gia đình hạnh phúc và bền vững mãi mãi”, anh nói.
Trong năm 2019, John sang Việt Nam 5 lần thăm người yêu và làm lễ đính hôn. Cuối tháng 2/2020, đôi uyên ương đoàn tụ ở Mỹ. Họ tổ chức một lễ cưới đơn giản, chỉ có duy nhất gia đình cháu trai đến dự.
Một năm sau, cặp đôi quyết định chuyển đến thị trấn Crossville, bang Tennessee, rộng rãi và ấm áp hơn. Họ mua một khu đất nằm trên một quả đồi, cách quê cũ 10 giờ lái xe. Nơi đây là rừng cây nguyên sinh chưa khai phá. Chuyển đến đây đồng nghĩa hai vợ chồng phải gầy dựng cơ ngơi từ con số 0.
Họ tự phát cây, đào móng, xây nhà; tự xới đất, lên luống làm vườn trồng rau trái; tự làm bể chứa nước mưa để uống, đào ao để tưới tiêu. “Tất cả chỉ có hai vợ chồng và một đứa con chưa đầy tuổi”, cặp vợ chồng nói.
Chặng đường hơn hai năm có nhiều khó khăn, nhưng họ nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. John kể, vì để tiết kiệm chi phí nên anh mua vật liệu xây dựng từ quê mang qua nhà mới. Một lần anh mua ngói, đang chuẩn bị thanh toán 9.000 USD thì người bán hàng nói không lấy tiền. “Đáng lẽ khi cậu ra khỏi cộng đồng, chúng ta không còn giao du mua bán nữa nhưng nếu tôi làm vậy, sẽ không bày tỏ được tình yêu thương của cộng đồng mình”, người đàn ông nói.
Điều bất ngờ người đàn ông Amish mang đến khiến vợ chồng John xúc động, cảm kích. “Đêm đó hai đứa tôi ôm nhau khóc”, anh kể.
Cuộc sống thiếu thốn và vất vả cũng khiến đôi vợ chồng càng trân trọng nhau. Yến Nhi khâm phục chồng vì anh cái gì cũng biết làm và chỉ nghĩ cho vợ con. Thời điểm xây nhà, họ chỉ có thể về đây mỗi tháng một lần vì John còn phải đi làm công ty. Mỗi lần về làm nhà, anh phải lái xe hơn 10 tiếng từ đêm hôm trước, đến nơi lại lao vào các công việc. Nhiều hôm hai mẹ con đã say ngủ, anh vẫn tranh thủ làm.
“Nhiều người thắc mắc là ngôi nhà tự xây, sao mà dám ở. Nhưng tôi tin anh, dù chỉ học hết lớp 9, chưa qua trường lớp nào, anh tự biết xây nhà và hoàn thiện nội, ngoại thất đúng với các quy chuẩn”, Nhi chia sẻ.
Còn John lúc nào cũng bày tỏ sự biết ơn người vợ Việt tài giỏi, chăm chỉ và nghị lực. Trước đây Nhi chỉ làm các công việc khá nhẹ nhàng, nhưng đến nơi ở mới cô lao động sáng tới khuya cùng chồng. Khi chồng và con đã ngủ, cô vẫn thức dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị hàng cho các phiên chợ; nhiều đêm còn chỉnh sửa hình ảnh, video đăng lên mạng với hy vọng xây dựng kênh sau này có thể tăng thu nhập.
Trong một lần muốn làm một gia vị cho chồng ăn rau mầm, Nhi sáng tạo ra loại nước sốt kiểu châu Á. Ý tưởng này trở thành sản phẩm rất được ưa thích và trở thành cứu tinh giúp gia đình thoát khỏi tình cảnh khó khăn. “Đến bây giờ tôi đã biết, tôi từ bỏ cộng đồng không phải vì hấp dẫn trước thế giới bên ngoài mà để được gặp cô ấy”, anh giãi bày.
Cặp vợ chồng Việt – Mỹ cho biết sẽ chọn lọc những gì phù hợp cho tổ ấm của mình. Văn hóa Amish cũng có nhiều điều tốt đẹp cần gìn giữ, trong đó họ giữ truyền thống tự cung tự cấp, hướng về gia đình. Trong nhà lưu trữ thực phẩm (ví như đậu bắp, củ dền) theo cách của người Amish có thể trữ được tới 5 năm. Họ chữa bệnh bằng thảo dược và hạn chế tối đa đến bệnh viện.
“Người Amish không nhận bất cứ khoản tiền nào của nhà nước. Tương lai khi có thu nhập ổn định, chúng tôi sẽ đóng thuế, nhưng vẫn sẽ theo truyền thống không nhận tiền trợ cấp”, John chia sẻ.
Đặc biệt trong văn hóa người Amish tuyệt đối không có suy nghĩ ly hôn. Cuộc sống vợ chồng khó tránh những lúc bất đồng, mâu thuẫn nhưng cả Nhi và John không bao giờ để hai từ đó trên cửa miệng.
Yến Nhi cho biết thêm, tùy thuộc vào tập tục của từng nhánh Amish mà những người đã ra khỏi cộng đồng sẽ bị xa lánh một thời gian hoặc vĩnh viễn. Khi John mới ra, mẹ anh buồn nhưng vẫn hy vọng con trai sẽ quay trở lại. Đến khi anh thông báo sẽ cưới một cô gái Việt, bà cụ mất hết hy vọng.
Hồi đầu mới sang, ông xã dẫn Nhi qua chào hỏi mẹ và các anh chị em. Cô nhận ra mẹ chồng rất hiền nhưng không thiện cảm với mình vì khi đó cô sơn móng tay chân. Đến khi Nhi sinh con, bà vui hơn nên thi thoảng hỏi thăm. Sau này chuyển qua vùng khác sống, bà theo dõi cuộc sống của con, qua mạng xã hội của một hàng xóm người Mỹ.
Trước lúc vợ chồng con chuyển đi, bà hỏi “Trong nhà có TV không?”. Nhận được câu trả lời không, bà vui vì con vẫn giữ truyền thống.
Trong một cuộc gọi mới đây, bà chia sẻ đã xem các video các con làm nhà, làm vườn, đi chợ. “Mẹ nói hãnh diện vì tôi đã đã giúp đỡ chồng giống như một người phụ nữ Amish. Tôi hy vọng trong tương lai gần chồng tôi sẽ không còn bị gia đình và cộng đồng xa lánh nữa”, nàng dâu Việt nói.