Đàn ông Mỹ ở nhà nội trợ ngày càng nhiều
18 tháng qua, Andrew Ebright ở nhà nội trợ, chăm sóc con trai. Đây là chuyện anh không thể tưởng tượng nổi vào 10 năm trước khi lần đầu gặp vợ tương lai.
Elbright từng nghĩ công việc nội trợ sẽ rất nhàm chán và không suôn sẻ vì anh không có kỹ năng gì. Dù vậy, mọi chuyện thay đổi khi con trai ra đời. Anh òa khóc và cảm thấy thật tuyệt vời khi nghĩ về việc được ở bên con hàng ngày. Cựu luật sư thừa nhận chưa bao giờ cảm thấy đam mê gì như vậy.
Ebright không cô đơn. Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew, số lượng đàn ông ở nhà nội trợ tại Mỹ đang trên đà tăng suốt 30 năm qua, chiếm tỷ lệ gần 20%. Xu hướng này được thúc đẩy một phần nhờ suy thoái kinh tế. Ngược lại, số lượng phụ nữ ở nhà nội trợ gần như không đổi.
Richard Fry, nhà nghiên cứu cao cấp tại Pew, cho biết các ông chồng nội trợ đã tăng gần gấp đôi trong cùng kỳ. Đầu thiên niên kỷ, chỉ có 5% đàn ông Mỹ ở nhà, tăng lên 9% vào khoảng năm 2008 và dần biến mất cùng với kinh tế ổn định, cho đến khi dịch bệnh bùng phát.
Dữ liệu từ Cục Thống kê dân số và Cục Thống kê lao động Mỹ cho thấy, năm 2021, có 11,3 triệu người ở nhà nội trợ trên cả nước, trong đó 9,2 triệu là vợ và 2,1 triệu là chồng. Để so sánh, năm 1989, có khoảng 10,3 triệu người ở nhà nội trợ, 9,2 triệu là vợ và 1,1 triệu là chồng.
Theo Shannon Carpenter, một ông bố nội trợ đã 15 năm và tác giả cuốn sách “The Ultimate Stay-at-Home Dad“, khi kinh tế suy thoái, người chồng có thể mất việc làm và quyết định ở nhà, để rồi gắn bó với việc này.
Khi chi phí gửi trẻ vượt ngoài tầm với của nhiều gia đình Mỹ, đây là giải pháp kinh tế hợp lý và có thể là giải pháp cho cuộc khủng hoảng việc làm mà đàn ông Mỹ đang gặp phải. Theo Wall Street Journal, ngày càng ít nam giới học đại học hơn trong khi tỷ lệ nữ giới tham gia lại tăng mạnh. Trung tâm thống kê giáo dục quốc gia cũng chỉ ra phụ nữ vượt xa đàn ông khi nói đến bằng cử nhân.
Thêm vào đó, ngày càng nhiều đàn ông trong độ tuổi lao động tự nguyện giảm giờ làm và “nghỉ việc trong im lặng”, theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Washington. Đàn ông không có bằng đại học đang rời bỏ lực lượng lao động vì công việc của họ không mang lại vị trí hay thu nhập mong muốn, theo nghiên cứu từ Ngân hàng dự trữ liên bang ở Boston.
Mục đích chính của các ông chồng nội trợ là chăm sóc gia đình, nhà cửa. Đây là điểm quan trọng giúp thay đổi sự kỳ thị xung quanh việc nuôi dạy con cái và trụ cột gia đình.
Các ông bố nội trợ sở hữu nhiều điểm khác biệt so với những người đang đi làm, như học vấn thấp hơn và nghèo hơn. Theo Fry, nếu có trình độ học vấn cao, nam giới ít có khả năng ở nhà. Tuy nhiên, dù chênh lệch về học vấn giữa đàn ông đi làm và đàn ông nội trợ, tỷ lệ đàn ông nội trợ có bằng đại học đã tăng trong 30 năm qua.
Với ông bố hai con Drew, chuyển sang vai trò nội trợ toàn thời gian là trải nghiệm sống hoàn toàn mới. Ban đầu, anh nghĩ vẫn có thể điều hành một doanh nghiệp khi ở nhà nhưng nhanh chóng nhận ra không thể.
Drew chia sẻ đàn ông phải vượt qua nhiều định kiến khi quyết định ở nhà. Một số dập tắt ý định khi không nghĩ về việc mình không phải là trụ cột gia đình. Dù vậy, hiện tại anh hoàn toàn tận hưởng công việc nội trợ và còn giới thiệu cho người khác. Đôi lúc, anh nhớ về công việc và đồng nghiệp cũ nhưng sự đánh đổi mang đến cho anh hạnh phúc.
Carpenter có cùng quan điểm. Vai trò nội trợ giúp ông có được niềm vui lâu dài. “Bạn sẽ quên đi bất kỳ báo cáo nào từng viết nhưng luôn ghi nhớ khoảnh khắc con gái tìm đến bạn để hỏi cách xử lý cơn đau dạ dày”, ông nói.
Song, ông không nghĩ rằng khoảng cách giữa chồng nội trợ và vợ nội trợ sẽ được thu hẹp cho đến khi việc chăm sóc không còn bị xem là một đặc điểm nữ tính. Bát đĩa bẩn không quan tâm đến người rửa là nam hay nữ, cũng như việc ôm con và chăm sóc con không liên quan gì đến giới tính mà là việc của cha mẹ, theo Carpenter.