Donald Trump thất cử nhưng “chủ nghĩa Trump” vẫn có tầm ảnh hưởng lớn
Mặc dù Tổng thống Trump thất cử nhưng sức ảnh hưởng của “Chủ nghĩa Trump” và chính sách “Nước Mỹ trên hết” vẫn còn lan tỏa mạnh mẽ.
“Chủ nghĩa Trump” có sức ảnh hưởng lớn
“Chủ nghĩa Trump” đã chiến thắng tại nhiều khu vực trên toàn nước Mỹ, nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri trong suốt 4 năm qua. Kể từ năm 2016, phong trào này đã dẫn dắt đảng Cộng hòa, đoàn kết hàng triệu người hành động dưới sự thúc đẩy và ý tưởng của một nhân vật đặc biệt: Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Joe Biden đã đánh bại ông Trump để trở thành Tổng thống đắc cử của nước Mỹ và có khả năng giành được 306 phiếu đại cử tri, tương đương với số phiếu đại cử tri mà ông Trump nhận được cách đây 4 năm về trước. Trong một cuộc bầu cử thông thường, một chiến thắng như vậy đồng nghĩa với việc ông Biden sẽ tạo lợi thế cho các ứng cử viên khác của đảng Dân chủ bứt phá cùng với ông. Thế nhưng, một số ứng cử viên đầy hứa hẹn của đảng Dân chủ tranh cử ghế tại Hạ viện và Thượng viện, trong đó có cả những người đương nhiệm, lại bị thua cuộc.
Đối với ông Trump, tình hình diễn ra theo chiều hướng khác. Uy tín của ông đối với các cử tri ủng hộ trung thành đã giúp bảo vệ nhiều nhân vật đương nhiệm của đảng Cộng hòa nhưng lại không đủ khả năng giúp ông giành chiến thắng. Ông giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn bất cứ ứng cử viên Tổng thống nào khác, ngoại trừ Joe Biden.
Một số nhà phân tích cho rằng, sự thất bại của ông Trump mang màu sắc cá nhân. Nói như cây bút David Axelrod của CNN: “Chính Donald Trump đánh bại Donald Trump”. Nhiều cử tri cho biết, họ ủng hộ các chính sách của ông nhưng lại không thích cá tính của ông cũng như cách nhà lãnh đạo này thường xuyên sử dụng Twitter chỉ trích các nhân vật bất đồng ý kiến. Và như thế, thông điệp của Joe Biden về việc ông sẽ trở thành tổng thống của tất cả người dân Mỹ chứ không chỉ riêng đảng của ông, đã chiếm được cảm tình của các cử tri.
Chủ nghĩa Trump (Trumpism), như một số nhà phân tích đã gọi, sẽ tiếp tục tồn tại thêm một thời gian nữa trong Đảng Cộng hòa. Ảnh: AFP.
Mike Murphy, chiến lược gia từng làm việc trong chiến dịch tranh cử của nhiều ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa nhận xét: “Nhiều cử tri thất vọng với ông Trump hơn là với hệ tư tưởng của đảng Cộng hòa”. Ông Murphy cũng cho rằng cuộc đua chiếc ghế Tổng thống dường như tách bạch với cuộc đua vào Hạ viện và Thượng viện.
Cuộc bầu cử cho thấy phân cực sâu sắc trong lòng nước Mỹ. Dù số người đi bầu cao kỷ lục kể từ năm 1900 nhưng họ không có được nguyện vọng chung đối với Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.
Tổng thống Trump vẫn giành được phiếu bầu từ các khu vực mà ông có sự ủng hộ vững chắc, đó là các vùng nông thôn và thị trấn nhỏ của Mỹ. Joe Biden cũng nhận được phiếu bầu từ căn cứ của ông, ở thành thị và ngọai ô nước Mỹ, trong khi có được thêm sự ủng hộ ở một số khu vực nông thôn. Kết quả bầu cử không thay đổi được sự thật là phần lớn nước Mỹ vẫn theo đuổi hai trường phái chính trị khác nhau. Mỗi đảng phái có những ưu tiên riêng, các cử tri sống ở những cộng đồng khác nhau có mối quan tâm khác nhau và ngay cả hình thức bỏ phiếu cũng khác nhau.
Ông Rahm Emanuel, cựu thị trưởng thành phố Chicago, từng là chánh văn phòng của Tổng thống Barack Obama đánh giá: “Sự phân cực vẫn diễn ra bất chấp kỳ vọng của mọi người. Nhiều ý kiến cho rằng nếu ông Joe Biden thắng, đảng Dân chủ sẽ thắng ở Thượng viện, còn nếu ông Trump thắng, đảng Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát Thượng viện. Điều này rất khó xảy ra”.
“Cuộc sống không phải chỉ xoay quanh 2 vấn đề. Nó phức tạp hơn”, ông Rahm Emanuel nói. Florida-bang bỏ phiếu cho ông Trump ủng hộ quan điểm của ông về việc mức lương tối thiểu nên do mỗi bang tự quyết định. Illinois-bang bỏ phiếu cho Joe Biden ủng hộ giảm thuế thu nhập lũy tiến. California-bang có đông đảo cử tri thuộc tầng lớp lao động đã bỏ phiếu chống sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Ông Rahm Emanuel cho rằng, đảng Dân chủ có lẽ đã mắc sai lầm khi họ không đưa ra những kế hoạch rõ ràng hơn về cách thức tái thiết nền kinh tế song song với việc thực hiện nỗ lực hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Thay vì đó, một số thành viên trong đảng này lại ủng hộ việc mở rộng Tòa án Tối cao và đề xuất giải pháp chấm dứt sự tranh chấp tại Thượng viện. Những đề xuất này có thể làm dấy lên lo ngại một đảng sẽ nắm quyền kiểm soát lưỡng viện.
“Tổng thống Trump đã nói đến sự mệt mỏi của người dân khi phải chống chọi với Covid-19. Nếu đảng Dân chủ nhanh chóng đưa ra các giải pháp cấp thiết để khôi phục kinh tế và kiểm soát Covi-19 thì mọi chuyện có thể đã khác”, ông Rahm Emanuel nói.
Kể từ khi tiến hành vận động tranh cử, Tông thống Trump đã hỗ trợ đáng kể cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa tranh cử vào Thượng viện và Hạ viện.
David Axelrod, cựu cố vấn của Tổng thống Obama cho biết: “Ông Trump đã giúp đỡ các ứng cử viên của đảng Cộng hòa bằng cách thúc đẩy các cử tri tại căn cứ địa của đảng này đi bỏ phiếu. Tại những bang và hạt ủng hộ đảng Cộng hòa, số cử tri đi bầu tăng đột biến”.
Một số nhà phân tích cho rằng, khó có tổng thống nào duy trì được sự trung thành vững chắc từ chính đảng của họ như ông Trump. Một cuộc thăm dò của Star Tribune cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump tăng dần đều trong nội bộ đảng Cộng hòa suốt 4 năm qua và vượt mốc 90%. Ngay cả khi ông không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhiều thành viên đảng này vẫn đứng về phía ông, cho rằng có sự gian lận trong quá trình bầu cử và quyết tâm thực hiện các thủ tục pháp lý để thách thức kết quả bầu cử.
Nhiều cử tri Cộng hòa thích các cuộc đàm phán cứng rắn của ông về vấn đề thương mại và việc yêu cầu các quốc gia khác phải chi trả nhiều hơn cho quốc phòng. Họ đánh giá cao những thành tựu mà ông đạt được, đặc biệt là một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.
Sau khi ông Trump nhận được sự ủng hộ của hơn 70 triệu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử vào tuần trước, các lãnh đạo của đảng Cộng hòa cho biết, ảnh hưởng của ông vẫn còn kéo dài, đặc biệt là khi thiếu vắng một người kế nhiệm có phong cách và hoài bão giống như ông. Dù là nhân vật nhiều lần chỉ trích ông Trump, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitt Romney tại bang Utah vẫn phải thừa nhận: “Ông Trump là người có tiếng nói mạnh mẽ nhất và có tầm ảnh hưởng lớn đối với đảng Cộng hòa. Tôi tin rằng tuyệt đại đa số những người bỏ phiếu cho ông Trump đều muốn đảm bảo các nguyên tắc và chính sách của ông ấy được tiếp tục. Ảnh hưởng của ông ấy sẽ không biến mất”.
Nhiều lãnh đạo của đảng Cộng hòa không đổ lỗi cho ông Trump về những thất bại của đảng này, trái lại họ luôn tin tưởng “chủ nghĩa Trump”, cho rằng ông đã vực dậy sức mạnh và củng cố vị thế của đảng trong cuộc đua vào Hạ viện. Sự ủng hộ đó cho thấy phong cách cùng quan điểm chính trị của ông vẫn luôn trở thành trung tâm, bất chấp việc ông Trump nhiều lần phá vỡ các quy tắc của đảng Cộng hòa và có một nhiệm kỳ Tổng thống đầy sóng gió.
Tại Thượng viện, các thành viên đầy tham vọng như Thượng nghị sỹ Josh Hawley và Thượng nghị sỹ Tom Cotton đã thể hiện sự đoàn kết với Tổng thống. Còn những ngôi sao đang lên của đảng này coi “Chủ nghĩa Trump” như một hình mẫu để xây dựng phong trào quốc gia của một đảng Cộng hòa thời đại mới.
Theo nhận xét của Steve Schmidt, một chiến lược gia kỳ cựu của Đảng Cộng hòa, người đồng sáng lập Dự án Lincoln: “Ông Trump đã thất bại, nhưng chủ nghĩa Trump thì không”./.