‘Đừng đánh ghen, hãy mừng vì không còn phải sống với người không trân trọng mình’
Đừng đánh ghen. Hãy mừng vì không còn phải sống với người đã không trân trọng mình. Hãy nghĩ đến những năm tháng dài rộng phía trước để bắt đầu một cuộc đời mới xứng đáng với bạn thay vì ngoái lại sau rồi tự hạ thấp nhân phẩm, giá trị và lòng tự trọng của mình.
Xin lỗi chứ, nhìn những cuộc đánh ghen ầm ĩ lột áo lột quần đối thủ, cắt tóc rạch mặt đối phương vừa qua tôi chỉ thấy thói côn đồ, ích kỷ chứ tôi chẳng thấy tình yêu gì trong đó sất. Đừng mở miệng nói: Vì yêu nên mới ghen. Làm gì có tình yêu trong những cơn ghen ấy!
Ghen tuông là dư vị cay nồng giúp tình yêu thăng hoa
Tôi đồng ý rằng ghen là một thứ gia vị không thể thiếu trong tình yêu. Một tình yêu mà không có ghen tuông đôi chút hẳn sẽ khó mà được coi là mối quan hệ hạnh phúc đủ đầy.
Bởi khi ta yêu một ai đó đủ lớn ta sẽ sợ mất đi họ. Cái ghen xảy ra là khi cảm giác mất họ xảy đến. Lòng tin dành cho nhau khi ấy trở thành liều thuốc “an thần” cho cơn ghen. Lòng tin vào bản thân – giá trị bản thân trong mắt đối phương, vợ hoặc chồng mình, mới là liều thuốc “đặc trị” cho cơn ghen.
Nhiều người tin chồng, tin vợ nhưng thiếu lòng tin vào bản thân nên mới không trị được cơn ghen nổi lên trong mình. Cảm giác thua thiệt, kém cỏi, mất tự tin vào bản thân sẽ khiến nhiều người ghen tuông là vậy. Nhưng họ sẽ nhanh chóng dứt bỏ cơn ghen khi đối phương chứng minh cho họ thấy họ là điều không thể thay thế – người số 1.
Tôi cũng hoàn toàn đồng ý rằng nếu hai người yêu nhau mà không chút ghen tuông khi đối phương của họ có những hành động không như thông thường với một người khác giới thì có nghĩa là họ đã hết yêu nhau rồi. Bởi tình yêu luôn chỉ là chuyện của hai người. Nếu nó bị san sẻ mà cả hai cảm thấy bình thường thì rõ ràng nó chẳng phải là tình yêu nữa. Là khi đối phương có rời khỏi họ thì họ cũng chẳng vì thế mà buồn bã, cảm thấy sụp đổ, mất mát. Tất nhiên, là nói đến những hành vi, hành động hai năm rõ mười kiểu chồng mình quan tâm săn sóc người phụ nữ khác hơn cả mình hay vợ mình thoải mái mua đồ cho người đàn ông khác. Kể cả khi họ vẫn khăng khăng rằng họ không thấy ghen nhưng họ vẫn yêu thì tình yêu đó chẳng còn giá trị riêng tư nào nữa.
Tôi vẫn nghe nhiều người nói vậy, rằng họ không biết ghen. Ngay cả khi họ không biết ghen là thật đi nữa thì cũng khiến đối phương của họ dần dần mà bớt đi sự trân trọng vào tình yêu này. Bởi khi yêu ai mà chả mong được trân trọng, gìn giữ. Nói thế khác nào mình chỉ là cát sỏi ven đường chả có giá trị gì sất? Ghen khi ấy trở thành cách chứng minh rằng đối phương có giá trị trong mình, được mình gìn giữ và sợ mất đi. Tất nhiên, trường hợp này không có giá trị với những người ghen nhiều quá phát mệt rồi nên mặc kệ “ổng” hoặc mặc kệ “bả”. Mà nếu trong trường hợp đó thì tình yêu ấy cũng đã chết đi nhiều phần rồi.
Nhưng khi ghen tuông thái quá thì đó là một thứ bệnh tâm lý rồi
Là những cuộc cắt tóc tình địch, đánh đập, lột quần, lột áo đánh ghen ì xèo nơi công cộng như vụ ầm ĩ ở sân bay Nội Bài mấy hôm trước hay những vụ giết người, hất axit. Tôi cho rằng đó không còn là ghen nữa. Đó là côn đồ, là bạo lực, là thù hận… tóm lại là một thứ bệnh lý. Khi đó thì không còn là tình yêu nữa rồi mà chỉ còn là cơn giận dữ ngùn ngụt.
Người càng ít kiến thức, quen với động tay động chân, bạo lực, chợ búa thì càng nổi cơn ầm ĩ hơn. Kẻ có học, có được dạy cũng sẽ hành xử ác liệt kiểu có học, có được dạy nhằm tiêu diệt đối phương, huỷ diệt đối phương.
Khi đó, tình yêu là con số 0 tròn trĩnh. Họ chỉ thoả mãn cơn giận dữ của bản thân. Họ thậm chí còn không yêu nổi chính bản thân họ nữa. Bởi nếu yêu bản thân thì họ sẽ biết việc họ làm khiến bản thân họ trở nên méo mó và xấu xí vô cùng. Nhưng khi đó, họ chẳng quan tâm. Họ chỉ muốn làm những điều cho hả cơn giận dữ trong họ.
Không! Đó không phải là ghen. Đó là cuộc thanh trừng huỷ diệt một ai đó dám khiến họ tức giận. Tức giận đến nỗi họ bỏ qua thân phận của họ, bỏ qua danh dự của họ, bỏ qua cả lòng tự trọng của họ để hành xử như người điên. Đừng viện cớ ghen nên mù loà. Đó không phải là ghen. Mà khi đó nó giống như cái cách một người nhà bệnh nhân lao vào đánh bác sỹ vậy. Họ chỉ lấy cớ là ghen để thoả mãn cơn bạo lực trong họ. Họ có bệnh lý vậy.
Là khi họ cho rằng đối phương thuộc quyền sở hữu của họ. Đừng nói là vì yêu nên tính sở hữu mới cao như thế. Đó là thứ tình yêu quái gở. Họ giữ rịt lấy người mà họ cho rằng họ yêu như giữ một món đồ không hơn. Mà bất kể ai chạm vào đều trở thành phường trộm cắp trong mắt họ. Làm chồng hay làm vợ những người như thế thật đáng thương và đáng sợ.
Ai đó cố biện bạch rằng vì anh ấy yêu mình, vì cô ấy yêu mình nên mới thế cũng là sai rồi. Họ chẳng yêu gì anh sất, chẳng yêu gì cô sất. Họ vốn là những kẻ bệnh lý chưa hề biết thế nào là tình yêu cả. Trong mắt họ, anh chỉ là thứ đồ vật mà họ chưa muốn bỏ. Là một thứ đồ vật không hơn và chẳng có quái gì tình yêu sất. Chỉ có thứ gọi là sở hữu.
Vậy chúng tôi phải làm sao để ghen đúng cách?
Vốn chẳng có cách nào là ghen đúng cách hay sai cách cả. Chỉ có yêu hay không yêu. Nếu bạn yêu một ai đó đủ để mong muốn có thể đi cùng họ xa nhất có thể, bạn sẽ nghĩ về điều này trước khi làm bất cứ thứ gì.
Là cần cùng nhau xây dựng lòng tin. Tin vào đối phương một thì phải tin vào bản thân mười. Tin vào đối phương là để không gây áp lực cho đối phương bằng việc kiểm soát. Đừng nghĩ kiểu không kiểm soát có mà mọc sừng lúc nào không hay. Bởi nếu đối phương của bạn có ý định hoặc là loại người luôn muốn cắm sừng người khác thì bạn càng kiểm soát họ sẽ càng tinh vi hơn, mưu mẹo hơn. Như một cách sinh tồn vậy.
Không kiểm soát không có nghĩa là bỏ mặc. Mà là có hệ thống cảnh báo rõ ràng. Như em không thích cách anh quan tâm đến con nhỏ đó chút nào. Như anh không đồng ý chuyện em gặp lại bạn trai cũ. Là thiết lập hệ thống cảnh báo với nhau về những điều vượt ra khỏi giới hạn cho phép. Để bạn đời của mình hiểu và biết chừng mực hơn trong cách cư xử.
Nếu họ bỏ qua những cảnh báo, hãy hành động. Nhưng đừng nhắm tới kẻ thứ 3 vì dẫu kẻ thứ 3 đó rắp tâm thì cũng phải nhận được sự đồng tình từ bạn đời của bạn.
Đừng “tung hô” sự mưu hèn kế bẩn cao tay của kẻ thứ 3. Điều đó chẳng có ý nghĩa gì nếu như bạn đời của bạn đã nhận được cảnh báo nguy hiểm mà vẫn lao vào.
Sau đó, là tin vào bản thân bạn nhiều hơn. Rằng bạn phải tin bạn có giá trị thế nào với bạn đời của bạn. Nếu bạn không tin vào giá trị của bạn có nghĩa là bạn không có chút giá trị nào với bạn đời của bạn cả. Và khi đó, bất cứ ai cũng sẽ là kẻ thứ 3.
Tin vào bản thân và luôn tăng giá trị bản thân của bạn. Để anh ấy, cô ấy sẽ cảm thấy mất mát to lớn nếu mất bạn. Tin vào bản thân cũng là cách để phòng ngừa từ xa cho những dự cảm ngoại tình.
Chẳng ai muốn đánh đổi một tờ 500.000đ lấy một tờ 5.000 đồng. Chẳng ai muốn đổi mái ấm thành hiên nhà trú mưa trú nắng. Và nếu đã làm đến vậy mà anh ta, cô ta vẫn ra đi thì có nghĩa là chúng ta thua rồi.
Đừng cay cú vì thua, hãy mừng vì không còn phải sống với người đã không trân trọng mình. Hãy nghĩ đến những năm tháng dài rộng phía trước để bắt đầu một cuộc đời mới xứng đáng với bạn thay vì ngoái lại sau rồi tự hạ thấp nhân phẩm, giá trị và lòng tự trọng của mình.
Lý thuyết là thế, cuộc đời không thế
Hẳn sẽ ai đó bảo: “Biết là những gì anh viết rất đúng nhưng khi ghen lên sẽ quên sạch. Cuộc đời không như lý thuyết đâu”.
Tôi đồng ý! Nhưng trước khi muốn làm um lên một trận cho đã đời cơn ghen hãy chấp nhận những hậu quả. Là tình yêu đó, hôn nhân đó chẳng bao giờ nguyên vẹn được trở lại đâu. Nếu bạn không cần nó tồn tại nữa thì việc bạn làm ầm ĩ lên liệu có ích gì? Nếu đã có con, hãy nghĩ xem con bạn sẽ tổn thương thế nào? Hãy nghĩ đến những người yêu thương bạn như cha mẹ, bạn bè, gia đình… họ sẽ đau đớn ra sao? Không lẽ bạn cóc cần đếm xỉa đến họ? Hãy nhớ lại cho rằng bạn xứng đáng để hạnh phúc thêm một lần nữa chứ không phải “kém tắm” đến mức cố giữ rịt lấy một mối quan hệ đã có nhiều lừa dối đến như vậy. Hãy chắc chắn rằng việc bạn làm ầm ĩ lên sẽ khiến bạn trông như một kẻ ngáo đá và bạn đồng ý trông mình giống như một kẻ ngáo đá đi! Giờ thì toàn quyền thuộc về bạn!
*Bài thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Hoàng Anh Tú
Theo Đời sống & Pháp lý