EU hướng tới cấm toàn bộ sản phẩm nhựa sử dụng một lần
Các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/10 đã đưa ra đề xuất cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần hiện khá phổ biến như ống hút, bông ngoáy tay, thìa, dĩa, que buộc bóng bay… và tăng cường yêu cầu các nhà sản xuất tái sử dụng trong một nỗ lực nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm đại dương.
Theo đề xuất trên, đã nhận được sự ủng hộ lớn của Nghị viện châu Âu, 10 sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ bị cấm vào năm 2021. Các nước EU sẽ được yêu cầu tái chế 90% số chai nhựa vào năm 2025 và các nhà sản xuất phải hỗ trợ trang trải chi phí quản lý rác thải.
Theo nghị sỹ châu Âu Frederique Ries – ngưởi đại diện Nghị viện châu Âu trong các cuộc đàm phán với chính phủ các nước EU – đây là tín hiệu mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp châu Âu và nhận được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi. EU hiện chỉ tái chế 25% trong số 25 triệu tấn chất thải nhựa mà khối nảy sản xuất mỗi năm.
Quyết định ngừng xử lý rác thải của Trung Quốc cùng với cảnh báo ngày càng tăng về những tổn hại đối với các đại dương đã khiến châu Âu dừng sự phụ thuộc vào các nước đang phát triển để xử lý vấn đề rác thải của châu lục này. Các nhà quản lý hy vọng những quy định mới này sẽ dẫn tới sự giảm giá các sản phẩm nhựa tái chế.
Các quy định cuối cùng về vấn đề trên của EU vẫn cần được thông qua trong các cuộc thảo luận với các nước thành viên của khối trong bối cảnh một số thành viên tỏ ra “chùn bước”, do lo ngại sẽ quá khó để thực hiện.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans đã lên tiếng thúc giục các bên cùng hành động và cho rằng “đây là chiến lược đầu tiên trên thế giới xem xét tổng thể vai trò của nhựa trong nền kinh tế của chúng ta và nếu không hành động ngay và nhanh thì đại dương trong tương lai sẽ chứa nhựa nhiều hơn cả cá.
Anh Quân/TTXVN (Theo Reuters)