Người Việt ở Châu Âu có hội nhập nửa vời?
Nhiều người phụ nữ Việt tại hải ngoại yêu cầu các đấng mày râu phải chia sẻ bình đẳng các công việc trong gia đình song bản thân họ lại không làm các việc mà được coi là của đàn ông như sửa chữa nhà cửa, cắt cỏ, xúc tuyết.
Bất cứ người nhập cư nào đến lập nghiệp tại một vùng đất mới đều đứng trước những khó khăn và thách thức trong quá trình hội nhập. Đối với người Việt cũng vậy, có rất nhiều câu chuyện xoay quanh vấn đề hội nhập của người Việt tại nước ngoài. Trong bài viết này tôi xin nêu ra những câu chuyện mà tôi biết được và hy vọng sẽ có nhiều chia sẻ khác từ phía các anh chị đang sống tại hải ngoại để chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn và rút ra những kinh nghiệm quý báu cho quá trình hội nhập.
Tôi có nghe được một cậu chuyện giữa hai anh bạn Việt kiều đều về nước tìm vợ, các anh nói rất nhiều chuyện nhưng một trong những chủ đề được nói tới là chuyện tìm vợ ở Việt Nam hay lấy vợ ở nước ngoài. Lý do các anh đưa ra cho việc về Việt Nam tìm kiếm vợ vì họ cho rằng nhiều người phụ nữ Việt Nam tại nước ngoài không còn giữ được những đặc điểm truyền thống của phụ nữ Việt.
Chẳng hạn như rất dễ dàng đưa đơn ly dị vì những lý do rất đơn giản khi cảm thấy không thích chung sống với nhau nữa, hoặc sẵn sàng gọi điện cho cảnh sát khi ông chồng chuẩn bị “ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, các công việc gia đình đều phải chia sẻ đều giữa cả vợ và chồng. Họ khác hẳn với những phụ nữ Việt Nam truyền thống là sống cam chịu và nhiều khi phụ thuộc vào chồng, nhẫn nhịn khi có xung đột trong gia đình xảy ra vì hạnh phúc gia đình và vì con cái, đảm đương toàn bộ công việc nội trợ trong gia đình…
Như vậy, một câu hỏi đặt ra là có phải người phụ nữ Việt Nam từng chịu nhiều thiệt thòi và khi gặp sang một đất nước mới, với một môi trường văn hóa khác, đòi hỏi sự bình đẳng nam nữ cao hơn thì nhiều người đàn ông Việt đã cảm thấy khó chấp nhận.
Tôi cũng có đọc một bài báo bình luận về sự hội nhập của người Việt tại nước ngoài xoay quanh câu chuyện một Việt kiều Mỹ bắn chết nhiều người trong gia đình. Báo cho rằng có thể anh chồng đã chịu quá nhiều áp lực, dẫn tới bức xúc, giết chết người trong gia đình. Báo cũng nói sự hội nhập “một nửa” của nhiều người phụ nữ Việt tại hải ngoại, đó là trong khi yêu cầu các đấng mày râu phải chia sẻ bình đẳng các công việc trong gia đình và bản thân người phụ nữ lại không làm các việc mà được coi là của đàn ông như phụ nữ phương Tây như sửa chữa nhà cửa, cắt cỏ, xúc tuyết… Do đó, mà nhiều người đàn ông tại hải ngoại chịu sứ ép khá lớn trong gia đình.
Như vậy, sống tại nước ngoài người Việt gặp phải những khác biệt đầu tiên trong xử lý các mối quan hệ vợ chồng, khi mà giữa nam và nữ có sự bình đẳng rất cao trong cả vấn đề pháp lý lẫn cuộc sống thực tế. Người phụ nữ không còn phụ thuộc vào người đàn ông và có thể làm những điều mà người đàn ông có thể làm.
Một câu chuyện thứ khác của gia đình cậu bạn ở Toronto kể cho tôi về ứng xử của cậu con trai 10 tuổi. Khi bố mẹ đi về Việt Nam hai tuần để kinh doanh, và để cho ông bà trông cháu tại Canada. Khi bố mẹ về thì cậu bế đã rất buồn và nói rằng “bố mẹ đã làm tổn thương tới con khi để con một mình như vậy”. Và anh bạn tôi hiểu rằng anh không thể nói với con anh như bố mẹ anh từng nói với anh: “Tất cả những việc làm của bố mẹ là vì con và toàn bộ tài sản và tiền bạc về sau cũng là của con”. Vì bọn trẻ không cần tiền bạc bố mẹ dành cho chúng mà chúng cần tình thương và thời gian của bố mẹ giành cho con cái. Do vậy, anh đã phải thay đổi và phân bổ thời gian giữa việc kiếm tiền với chăm sóc con cái.
Một anh bạn khác thì tâm sự với một sự thất vọng vì đứa con rất thông minh và học giỏi của mình lại không muốn trở thành bác sỹ, luật sư như bố mẹ chúng mong muốn mà suốt ngày đi thích đi khám khá đây đó, lên Bắc Cực hoặc đến những đất nước châu Phi xa xôi giúp những trẻ em nghèo.
Quan niệm về một đứa trẻ ngoan là một đứa trẻ phải biết vâng lời bố mẹ và chịu sự sắp đặt của bố mẹ bị thay bằng một quan điểm về sự độc lập trong suy nghĩ và quyết định của con trẻ. Đồng thời một sự thay đổi khác buộc phải hòa nhập là quan niệm quan niệm sống và mục đích phấn đấu. Bọn trẻ thích sống theo những gì chúng mong muốn, không có những mô thức chung cho tất cả mọi người trong xã hội theo như quan điểm đạo Khổng, Nho về người đàn ông “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, người đàn ông phải hướng tới mục tiêu trở thành quan hay làm bác sỹ, luật sư, những nghề mà được xã hội trọng vọng.
Về cách nuôi dạy con cái cũng phải thay đổi, bọn trẻ không muốn bố mẹ coi chúng là những đứa trẻ, luôn yếu ớt, không biết làm gì, bố mẹ thường làm thay, làm hộ. Chúng cần được bố mẹ quan tâm như những người bạn thực sự, biết lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng quyết định của chúng.
Bọn trẻ cũng không thể hiểu nổi bố mẹ chúng tại sao lại cứ phải định kỳ gửi tiền về giúp những người thân ở Việt Nam như một nghĩa vụ, trách nhiệm. Nhưng cũng không thể vội vàng trách chúng là những đứa trẻ ích kỷ vì chúng có thể sẵn sàng gửi giúp đỡ những trẻ em nghèo ở nhưng đất nước xa xôi nào đó hoặc làm những công việc cộng đồng và công việc xã hội.
Đây là sự khác biệt trong quan niệm về trách nhiệm và công tác từ thiện, cũng như khác biệt giữa văn hóa hướng về gia đình tại Việt Nam với văn hóa hướng về cộng đồng tại Canada. Tôi có đọc tờ báo tại Canada thì tới 80% những người thuôc tầng lớp giàu có của Canada tới cuối đời đều cho tiền vào hoạt động từ thiện mà để lại cho con cháu một số tiền thừa kế rất ít ỏi. Quan niệm về tiền bạc và cách chi tiền cũng khác nhau giữa văn hóa phương Tây và văn hóa ở Việt Nam nên cũng ảnh hưởng tới sự hội nhập.
Một câu chuyện khác là của một cặp vợ chồng già có cô con gái lấy chồng người Pháp. Hai vợ chồng rất vui mừng khi đứa cháu đầu tiên của mình đã ra đời và muốn đến nhà còn gái để chăm sóc và ẵm bế nó suốt ngày. Tuy nhiên, anh con rể người Pháp nhất định không cho bố mẹ vợ bế, vì sợ bế nhiều sẽ làm hư đứa trẻ, và làm cho nó không có sự tự lập. Hai ông bà già cũng không thể được quyền quyết định và yêu cầu cô con cái phải chăm sóc cháu mình thế này, thế kia theo kinh nghiệm mà các cụ thường chăm sóc trẻ nhỏ. Mọi quyết định đều do bố mẹ chúng quyết định, ông bà có cảm giác như người ngoài cuộc.
Một trong những vấn đề khác của người già người Việt tại Canada là khi con cái lớn 18 tuổi thì thường ra ngoài sống độc lập, khi chúng lập gia đình, có con cái thì cũng thi thoảng về thăm bố mẹ. Hai ông bà già nhiều khi sẽ cảm thấy rất buồn và cô đơn khi mà văn hóa muốn sống gần con cháu đã ngấm sâu và việc ít về thăm hỏi bố mẹ cũng thường bị coi là không quan tâm tới bố mẹ. Nhưng về mặt ngược lại thì những người già được tự do tận hưởng những ngày về hưu của mình sau cả một quãng thời gian đã nuôi nấng con cái trưởng thành, không còn bị vướng vào trách nhiệm lại phải nuôi nấng cháu chắt mà chỉ có thể thi thoảng ghé thăm.
Trên đây tôi nêu ra một số trường hợp và một số quan điểm mà tôi đã từng gặp, cũng có thể nó không phải là đại diện cho phần lớn người Việt tại hải ngoại có quan điểm như vậy, nhưng chúng ta cần nhìn những vấn đề khác biệt này như những thực tại khách quan, tránh đi vào những chỉ trích khi gặp những sự khác biệt về văn hóa. Điều cần nhất là trao đổi để rút ra những bài học, những kinh nghiệm để tìm ra cách ứng xử phù hợp trong môi trường mới. Và một câu hỏi cần đặt ra cho mỗi người Việt sống tại hải ngoại là cần phải giữ gìn nét văn hóa Việt nào và cần phải hội nhập văn hóa nào khi sống tại nước ngoài.
Nguyễn Hồng Hải (từ Canada)