Giá xăng lập đỉnh đ.e dọa phục hồi kinh tế Mỹ
Giá bán lẻ xăng tại Mỹ đang tăng cao chưa từng có. Ngày 3/6, giá bán lẻ xăng bình quân tại Mỹ lập kỷ lục mới ở mức 4,71 USD/gallon (khoảng 29.000 đồng/1 lít).
Hàng chục triệu tài xế tại Mỹ trong kỳ nghỉ cuối tuần qua khi đến trạm xăng đã không khỏi bất ngờ bởi giá tăng mạnh. Nếu như cùng thời điểm này năm ngoái, giá xăng trung bình ở Mỹ quy đổi chỉ khoảng 19.000 đồng/lít, nay đã tăng thêm 10.000 đồng mỗi lít xăng.
Theo CNBC, đối với người Mỹ, COVID-19 không phải lo lắng hàng đầu trong kế hoạch du lịch mùa hè này. Thay vào đó chính là giá xăng và lạm phát. Một cuộc khảo sát cho thấy 90% người Mỹ xem xét giá xăng vào quyết định đi du lịch của họ trong 3 tháng tới.
Thời báo Kinh tế dẫn đánh giá của JPMorgan Chase cho rằng, khả năng giá dầu sẽ tăng lên từ 150 USD – 175 USD/thùng trong thời gian tới. Điều này khiến châu Âu phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng dầu mỏ trong ngắn hạn, đồng thời đe doạ khả năng phục hồi nền kinh tế Mỹ.
Nguyên nhân khiến các tài xế Mỹ phải chi trả mức giá xăng cao kỷ lục là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nga là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Việc hạn chế nguồn cung từ Nga khi trước đó là Mỹ và mới đây châu Âu cấm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga đã đẩy giá năng lượng tăng cao.
Giá bán lẻ xăng tại Mỹ đang tăng cao chưa từng có. (Ảnh: AP)
Theo CNN, một yếu tố khác đứng sau đà tăng kỷ lục giá xăng tại Mỹ chính là việc Trung Quốc đang dần dỡ bỏ các biện pháp phong toả nghiêm ngặt bởi dịch COVID-19 khiến nhu cầu tăng cao.
Nhu cầu cao khi nguồn cung không tăng khiến giá leo thang. Thực tế, nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ đến nay chưa xem xét tăng nguồn cung mà vẫn giữ mục tiêu sản lượng ở mức thấp.
Mỹ đã phải bơm ra thị trường 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ chiến lược. Lo lắng giá xăng dầu tăng giá, Tổng thống Joe Biden nhiều lần hối thúc các công ty trong nước đẩy mạnh việc khoan dầu. Tuy nhiên, đây không phải việc muốn làm ngay là được.
Cũng theo CNN, các công ty dầu ở Mỹ không muốn tăng năng suất bởi các quy định nghiêm ngặt về môi trường. Công suất lọc dầu tại Mỹ đang giảm. Các quy định về môi trường tại Mỹ đang buộc một số nhà máy dọc dầu chuyển sang nhiên liệu tái tạo ít phát thải carbon.
Thậm chí, một số công ty đang đóng cửa nhà máy lọc dầu cũ thay vì phải đầu tư số tiền lớn nâng cấp thiết bị để duy trì hoạt động.
(VTV)