Góc khuất “khốn khổ” của những du học sinh xa nhà sẽ khiến nhiều người “nghẹn ngào”
Xa nhà, sống ở một đất nước mà cơ hội được nghe ngôn ngữ mẹ đẻ cũng trở nên xa xỉ, không có gia đình hay bạn bè ở bên, việc gì cũng phải tự lực cánh sinh, thiếu thốn đủ thứ quen thuộc… là nỗi khổ của những du học sinh.
Người ta thường nghĩ, du học – được học tập và sinh sống ở một đất nước khác là một ước mơ mà nhiều người ấp ủ trong mình. Nhiều du học sinh trước khi lên đường cũng có suy nghĩ như thế trong đầu. Nhưng, đằng sau ánh hào quang về tương lai sáng lạng hơn nhiều người, là những góc khuất “khốn khổ” mà 10 người thì 9 người không biết về cuộc sống của du học sinh xa nhà.
1. Không chỉ giới trẻ, nhiều phụ huynh cũng nghĩ rằng du học là con đường đem lại tương lai tươi sáng nhất. Dường như bất cứ ai trong chúng ta, khi ngồi trên ghế nhà trường đều ấp ủ một ước mơ về du học, thường mơ mộng khi đọc những tin tức về những con người gốc Việt thành công nơi đất nước xa lạ nào đó. Và, có lẽ chẳng ai phủ nhận, ngày xách valy và bay tới một bầu trời xa lạ nào đó cách cánh cửa nhà hàng nghìn kilomet, trong tâm hồn cũng phơi phới những mộng ước tuyệt vời.
2. Nhưng, nước mình và nước người ta khác xa nhau nhiều quá. Những món ăn quen thuộc, những mùi vị vốn có trong món ăn mẹ nấu, những thức ăn vặt la liệt và thân quen trước cổng trường mỗi ngày, bỗng nhiên… mất hút khỏi cuộc sống của bạn ngay khi bước xuống máy bay. Mới đầu những du học sinh vẫn chưa thấy “thiếu thốn”, nhưng càng ngày, sự biến mất của những thứ đó sẽ chỉ còn hiện hữu… trong mơ. Từ những con tôm tươi ngon lành, canh cua đồng, canh cá lóc, cho đến mùi vị nước mắm mà Việt Nam chính là thiên đường, thì ở xứ người, có bói cũng không ra.
3. “Ở nơi ấy” sẽ chẳng thể có cà muối, canh cua, rau muống chấm tương bần… luôn bán đầy quanh nhà như ở Việt Nam. Những mùi vị quen thuộc ấy sẽ khiến những bạn trẻ đi du học cảm thấy thèm khủng khiếp đến mức phải lên Instagram tìm kiếm. Và cay đắng làm sao, những thứ mình muốn ăn đều ở trước mắt, nhưng chẳng thể nào “nhét” vào miệng. Cuối cùng thì cũng hiểu “ăn ngó” là một khái niệm… vật vã đến mức nào.
4. Càng sinh sống ở xứ lạ lâu, các du học sinh càng nhận ra cơm rang ngon hơn McDonald, pizza không bằng xôi lạc và gà KFC là thứ tệ nhất mà thậm chí mì gói vẫn còn hơn pasta. Nhưng cơm rang không bán ở các quán hàng bên nước người, xôi lạc không đầy rẫy bên vỉa hè mọi con đường mình đi qua, và mì gói phủ đầy các siêu thị lẫn tạp hóa Việt Nam thì trở thành món hàng khan hiếm ở phương trời lạ lẫm. Không phải thành phố nào cũng có bán mì gói trong siêu thị, và các bạn du học sinh trở nên… ganh tỵ với nhau chỉ vì chỗ mình không bán mì gói, còn chỗ khác thì có.
5. Tết ở Việt Nam là dịp sum vầy của mọi gia đình. Người ta trông chờ Tết đến chỉ để được về nhà với bố mẹ, ông bà, gặp gỡ đầy đủ mọi thành viên trong gia đình. Nhưng Tết lại là một nỗi cô đơn của những du học sinh xa nhà, bởi vì bên cạnh không có bố mẹ, cũng không thể bay thẳng về nhà. Tết là những ngày không dám vào facebook, mỗi lần nằm trên giường lại tưởng tượng bầu không khí tết ở xung quanh, một mình giữa thành phố chỉ toàn những người không nói tiếng mẹ đẻ, cảm nhận nỗi buồn tủi cô đơn.
6. Đi du học có nghĩa là laptop trở thành người bạn thân nhất trên đời. Buồn vui, assignments, projects, game online, chat, blog… tất cả chia sẻ cho laptop thay vì gọi đám bạn ra trà đá, café như những ngày còn ở Việt Nam. Lúc ấy, bỗng nhiên cảm thấy thật thèm được ngồi cùng ai đó bên vỉa hè, thoải mái kể cho họ nghe những điều mình đã đi qua, những vấp ngã trong hành trình trưởng thành…
7. Đi du học có nghĩa là nhìn theo cái vẫy tay xa xăm của bố, là bóng mẹ trước màn hình webcam. Cả thế giới xung quanh tối om thì khoảng không trước màn hình vẫn phải sáng, và mình vẫn phải nở nụ cười. Lúc nào trong tâm trí cũng mặc định một điều rằng không thể để bố mẹ ở nhà lo lắng, cho dù cuộc sống bên này có quá nhiều cô đơn, áp lực, rất muốn được khóc òa lên như đứa trẻ. Nhưng, điều duy nhất có thể làm, chính là gồng mình lên mạnh mẽ trong những cuộc video chat về quê nhà.
8. Cả thành phố rộng lớn là thế mà số du học sinh đồng hương chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, cơ hội gặp gỡ càng ít ỏi đến mức, bất chợt nghe đâu đó một ai đó nơi công cộng nói tiếng mẹ đẻ bỗng cảm thấy trong lòng rưng rưng. Đó chính là cái cảm giác “thèm người” mà không phải ai cũng hiểu được, đến mức gặp được đồng hương chỉ muốn bắt luôn về nhà.
9. Sự thiếu thốn tự nhiên khắc ghi vào tiềm thức một nỗi “ám ảnh”, việc chăm chỉ nhất mỗi ngày chính là nghĩ đến khi về Việt Nam mình sẽ làm gì, việc đầu tiên là note lại list cần ăn, cần mua và cần làm. Và có thể lặp lại điều đó hàng trăm lần không chán, lúc nào cũng cảm thấy những thứ mình muốn vẫn chưa đủ, vẫn còn nhiều nhiều nữa.
10. Ngày ra đi, ước mơ tuyệt vời nhất chính là bầu trời nơi xứ người và tương lai xa vời mà nhiều người đã kể. Trải qua cuộc sống nơi ấy mới biết được, ngày được về Việt Nam mới hiểu ra, ước mơ màu hồng lúc ra đi thực ra chính là ngày trở về. Ở quê nhà có bố mẹ, có hàng tỉ thứ muốn ăn, muốn mua, có hàng triệu người nói tiếng mẹ đẻ, có những thứ quen thuộc đã luôn gọi mình trở về trong những giấc mơ. Không đâu bằng chính ngôi nhà của mình, là sự thật!