Hãy biết yêu đôi bàn tay phụ nữ

Lần đầu tiên nghe người đàn ông nói với tôi: “Trong mắt em có một miền lạ”, trái tim tôi thoáng bối rối nhưng rồi xúc cảm qua nhanh, tôi chẳng mảy may vương vấn.

Lần đầu tiên nghe người đàn ông nói với tôi: “Em không đẹp nhưng em rất ấm áp”, tôi mỉm cười cảm ơn, vì tự tôi biết rõ điều đó hơn ai hết.

Lần đầu tiên nghe lời tỏ tình của người khác giới, mặt tôi nóng ran nhưng chẳng thấy Thần tình ái bay về.

Vậy mà khi anh nắm chặt đôi bàn tay chẳng hề mềm mại, thon thả của tôi, đặt nụ hôn lên bàn tay ấy, ấp vào lồng ngực anh và nói: “Anh yêu đôi bàn tay vất vả của em!”, trái tim tôi tan chảy. Tôi lặng đi, ngập trong hạnh phúc dâng trào. Nước mắt tôi lăn dài, thấm ướt vai áo anh. Đó là lần đầu tiên trong đời, đôi bàn tay thô ráp, trái tim và đôi môi thiếu nữ của tôi biết yêu.

ban-tay-2.jpg
Ảnh minh họa

Trong vạn thứ thiêng liêng trên cuộc đời này, đôi bàn tay là thứ tôi trân quý, thần tượng, ngưỡng mộ và yêu thương hơn cả. Với tôi, đôi bàn tay là biểu tượng tình yêu thương và đức hy sinh của mỗi người, đặc biệt là người phụ nữ.

Có lẽ, từ lúc lọt lòng cho đến suốt cuộc đời, tôi luôn mang nặng lòng biết ơn đôi bàn tay vĩ đại của bà, của mẹ – những đôi bàn tay ấm chứa chan lòng nhân từ.

Xưa ở quê chưa có điện, buổi tối mùa hè, mấy anh chị em chúng tôi hay nằm dài trên chiếc chiếu trải giữa sân, bà và mẹ thay nhau phẩy chiếc quạt nan quạt mát cho chúng tôi. Tối nào lên giường, bà cũng phải xoa lưng, sờ tóc thì tôi mới ngủ được. Mùa đông lạnh cóng, tay bà thì chai sần, nứt nẻ nên khi bà xoa, lưng tôi đỏ ửng như vết cào. Nhưng lạ thay, tôi lại thích cảm giác ấy vô cùng, thích cái cảm giác bà xoa mà như gãi lưng tôi…

Mỗi khi chúng tôi ốm mệt, lại có đôi bàn tay dịu dàng của mẹ ôm ấp, chở che, vỗ về. Hồi bé, tôi “nổi tiếng” là cô bé láu cá và lém lỉnh, mỗi lần thích được bà, được mẹ vỗ về, tôi lại mè nheo, làm nũng. Tôi thích lắm cảm giác nằm gối đầu lên lòng bà, lòng mẹ và lắng nghe tiếng vỗ nhẹ nhàng hòa trong lời thì thầm yêu thương. Lũ trẻ quê chúng tôi chẳng bao giờ biết đến âm nhạc Beethoven, Mozart hay Schubert…, nhưng trong tiềm thức của tôi, âm thanh bộp bộp bởi tiếng vỗ lưng của mẹ cùng điệu hát ru à ơi của bà là thiên hòa ca đẹp nhất.

Hồi trẻ, cả bà tôi, mẹ tôi đều có tiếng là đẹp nhưng thật chẳng công bằng vì tay của hai người đều thô ráp, chai sần, nứt nẻ. Có lần tôi hỏi mẹ: “Sao bàn tay mẹ cũng búp măng mà chẳng mềm mại và đẹp như khuôn mặt, nụ cười của mẹ?”. Mẹ tôi nhìn xa xăm: “Bao nhiêu sự đẹp đẽ, mẹ dành hết cho gia đình nên bàn tay mẹ mới trở nên xấu xí con à”. Khi ấy tôi chẳng hiểu sâu xa điều mẹ nói…

Bà tôi dáng mảnh dẻ, thuộc tuýp “mỏng mày hay hạt”, thế nhưng đôi bàn tay bà lại rất mạnh mẽ. Bà chưa đến 50 kg mà có thể quẩy trên vai gánh lúa kĩu kịt cả tạ. Nhìn tay bà mong manh là thế mà khi bà vặn chổi, quét mòn tận gốc, cuống chổi vẫn y nguyên. Từ việc đồng cho đến việc nhà, việc họ đến việc làng, việc lớn đến việc nhỏ, bà chẳng bao giờ từ nan. Mẹ tôi vẫn bảo: “Mẹ phục sự nhẫn nhịn và chăm chỉ của bà các con”, còn bà tôi lại nói: “Mẹ mày quần quật cả ngày như trâu. Một tay làm đôi mẫu ruộng. Không có mẹ mày, bố mày muôn đời chẳng bao giờ thoát ly ra ngoài được”… Nghe hai người đàn bà là mẹ chồng – nàng dâu ngợi khen nhau, cảm giác hạnh phúc bình dị mà ấm áp làm sao.
* * *
Thuở bé, tôi chẳng bao giờ để ý đến đôi bàn tay mình, chỉ biết, ngoài giờ học thì cố gắng giúp bà, giúp mẹ thật nhiều việc để mẹ được vui. Quét nhà, rửa bát, thổi cơm, cắt cỏ, chăn châu, quốc đất, trồng khoai, cấy lúa…, bao việc nhà nông, tôi thuộc nằm lòng. Thế nên, cùng với thời gian, càng biết làm nhiều việc, đôi bàn tay tôi lại càng trở nên cứng cáp, rắn rỏi hơn.

ban-tay.jpg
Ảnh minh họa

Vào đại học, sống giữa bạn bè muôn phương, tôi mới có thời gian để “soi” mình. Ngắm đám bạn thành phố với đôi bàn tay mềm mại, nõn nà, nhìn xuống đôi bàn tay “cứng như khúc gỗ” của mình, tôi cứ tự ti, chạnh lòng. Ra trường nhận công tác, trong giao tế, tôi ngại nhất thủ tục… bắt tay, vì tôi không muốn chìa ra đôi bàn tay quê kệch của mình.

Ngày tôi lấy chồng, đêm trước đón dâu, tôi như con mèo con nằm bên mẹ. Đôi bàn tay nhăn nheo, khô gầy của mẹ cứ hết đan lại nắm bàn tay con gái. Mẹ không dặn tôi giống ngày xưa bà ngoại dặn mẹ thuyết “tam tòng tứ đức” mà dặn: “Giờ con được ăn học trưởng thành, là trí thức, lẽ đời đúng – sai con hiểu cả, nên mẹ tin con tự quyết định được cuộc sống và hạnh phúc của mình. Có điều, hy sinh đến mấy cũng phải biết yêu thương, chăm lo cho bản thân mình, từ đôi bàn tay đến cả góc con người chứ đừng vơ hết việc vào người, nhé con!”.

Tôi gục đầu nghe tiếng đập từ trái tim của mẹ. Mẹ thơm lên trán tôi. Còn tôi, lặng lẽ đặt nụ hôn lên đôi bàn tay mẹ.

BÀN TAY EM

Thơ: Xuân Quỳnh

Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen

Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?

Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả
Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ
Hái rau rền rau rệu nấu canh
Tập vá may, tết tóc một mình
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ

Đường tít tắp, không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ
Trời mưa lạnh tay em khép cửa
Em phơi mền vá áo cho anh
Tay cắm hoa, tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc
Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc
Tay em dừng trên vầng trán lo âu
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả

Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở…
Bàn tay em, gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em

Thảo Miên