Tại sao khi đường tình lận đận, cắt tiền duyên lại là điều duy nhất chúng ta nghĩ đến?

Khi đã ở tuổi “băm mấy nhát” mà vẫn mãi loay hoay yêu đương trong khi hầu hết bạn bè cùng trang lứa đã kịp đẻ đến đứa thứ hai, tôi được thầy bói phán rằng: “Cô có người âm theo cản trở chuyện tình duyên”. Một vài cô bạn nhiều tuổi độc thân khác của tôi cũng nói điều tương tự: “Chồng kiếp trước của tớ chưa đầu thai nên cứ đi theo và ghen tuông dữ lắm, không cho tớ gặp gỡ ai”.

“Vậy phải làm sao để họ không theo mình nữa?”, tôi hỏi. “Cắt tiền duyên!”, đám bạn trả lời.

Tiền duyên (duyên âm) theo quan niệm dân gian là những mối quan hệ nhân duyên ở một hoặc nhiều kiếp trước, có thể là người yêu, cũng có thể đã thành vợ chồng, sâu nặng đến nỗi kiếp sống kết thúc nhưng họ vẫn mãi lưu luyến nhau. Trong trường hợp cô gái đầu thai sang một kiếp mới mà chàng trai vẫn còn chưa quên được người xưa, anh bèn đi theo và quyết không cho cô gái lấy chồng khác (nôm na gọi là ám, phá).

Tôi và cả hội bạn gái lận đận đường tình của mình đã từng ở trong những tình yêu say đắm từ muôn kiếp trước đến nỗi dư âm của nó vẫn còn vang vọng đến kiếp này mãi không dứt ư? Chẳng thể nào biết được chuyện đó có thật hay không, nhưng những chuyện tình đẹp đẽ và đậm sâu dù ở bất kỳ tham chiếu thời gian hay không gian nào vẫn luôn khiến tôi xúc động.

Tôi hỏi cô bạn, nếu người ta đã thương mình bao nhiêu kiếp xuyên không, vậy mà mình lại nhẫn tâm cắt phựt đi thì có quá đáng lắm không? Uống ực một ngụm cà phê, cô bảo: “Để tớ nói luôn cho vuông nhé, cậu bớt ảo tưởng đi, nếu cậu yêu ai thật lòng thì cậu sẽ hạnh phúc khi thấy họ hạnh phúc chứ không phải kiểu phá đám thế này, hiểu chưa?”.

Kết quả hình ảnh cho Tại sao khi đường tình lận đận, cắt tiền duyên lại là điều duy nhất chúng ta nghĩ đến?

Nói là làm, cô cùng mẹ mang lễ vật lên chùa nhờ thầy làm lễ cắt duyên âm. Buổi lễ nghe nói cũng khá suôn sẻ, người chồng tiền kiếp của cô được sư thầy gọi về và khuyên bảo hãy để cô được tự do yêu thương trong kiếp này, đừng mãi theo cản trở nhân duyên mới của cô nữa. Cuối cùng anh ta cũng đồng ý “ký đơn li dị”, giải phóng cho “vợ cũ”, kèm điều kiện cô phải thường xuyên tu thân tích đức, cúng dường, làm việc thiện. Từ chùa trở về, cô bạn tôi trông mãn nguyện, vui vẻ và tràn đầy niềm tin vào tương lai hạnh phúc phía trước.

Chuyện cắt tiền duyên của cô ấy nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng tôi biết nhiều trường hợp khác cũng đi cắt duyên âm thì lại gặp phải những bà đồng hú hét, chửi bới, bắt cống nạp số tiền không hề nhỏ. Họ nào phải dạng phụ nữ ít học hay những bà nội trợ dễ bị lừa, ngược lại, đều là kiểu phụ nữ hiện đại, độc lập, kiếm ra tiền và đi du lịch khắp thế giới. Vậy mà khi mãi không cưới được chồng, những người phụ nữ thành thị đầy tự tin ấy phải bỏ đi lớp vỏ kiêu hãnh của mình và tuyệt vọng bấu víu vào niềm tin tâm linh.

Không bàn đến chuyện đúng hay sai, mê tín hay khoa học, có lý hay hoang đường, bởi thế giới vô thường mà chúng ta đang sống vẫn còn rất nhiều điều chưa thể lý giải, và ai cũng có quyền được suy nghĩ sự việc theo cách riêng của mình, miễn sao họ thấy an lòng khi ở trong suy nghĩ ấy. Tôi chỉ có chút bối rối khi nghĩ về tầm quan trọng của một gã đàn ông trong cuộc đời một người đàn bà. Để có được anh ta, đàn bà chúng ta sao quá vất vả!

Kết quả hình ảnh cho Tại sao khi đường tình lận đận, cắt tiền duyên lại là điều duy nhất chúng ta nghĩ đến?

Phụ nữ có cần một người đàn ông để cảm thấy cuộc đời mình có ý nghĩa

Chừng nào ta còn quan niệm chuyện lấy được một tấm chồng là sự nghiệp quan trọng nhất đời người phụ nữ, bệnh ế bị coi như bệnh dịch, chừng ấy vẫn còn những cô gái quỵ lụy những gã trai đa tình hư hỏng, vẫn còn những người vợ khốn khổ làm mọi cách giữ chồng, còn những người phụ nữ hiện đại cúng vái tứ phương cầu duyên, còn những cuộc hôn nhân không tình yêu kiểu tặc lưỡi “thôi kệ!”.

Gần đây chúng ta hay nói về nữ quyền. Tôi nghĩ nữ quyền không chỉ là cố gắng đấu tranh để được đối xử công bằng ở công sở, được bảo vệ các quyền cơ bản hiển nhiên của con người, được cất tiếng nói chống lại kẻ xâm hại tình dục… Nữ quyền còn là cuộc đấu tranh làm giảm bớt sự ảnh hưởng của một ông chồng trong cuộc đời phụ nữ. Nghĩa là anh ta cũng thú vị đấy, nhưng không phải điều quan trọng nhất, thứ ta bắt buộc phải “sắm” cho bằng chị bằng em.

Hay nói cụ thể hơn, đấu tranh nữ quyền còn là để mỗi khi Tết đến xuân về, chị em ta không phải tất tả rủ nhau lên chùa cắt tiền duyên, chỉ mong năm mới lấy được một tấm chồng làm vừa lòng thiên hạ.

Kết quả hình ảnh cho Tại sao khi đường tình lận đận, cắt tiền duyên lại là điều duy nhất chúng ta nghĩ đến?
Cắt tiền duyên cũng được, không cắt cũng được, nhưng đừng quên tin tưởng vào những giá trị của bản thân mình!

Việc cắt tiền duyên có lẽ cũng giống như cắt tóc, một kiểu liệu pháp tâm lý khi chặng đường bỏ lại phía sau ta đã đủ đầy sóng gió, những mối tình thất bại trong quá khứ khiến ta muốn khép lòng. Dù thế nào, tôi vẫn hi vọng những người phụ nữ quanh tôi hãy luôn tin vào tình yêu, tin vào những cuộc gặp gỡ, tin vào sự kết nối tuyệt diệu. Cắt tiền duyên cũng được, không cắt tiền duyên cũng được, nhưng đừng bao giờ từ bỏ niềm tin vào giá trị bản thân. Và cũng đừng bao giờ tặc lưỡi: “Thôi kệ!”.

Dep.com.vn